TẾ BÀO UNG THƯ CÓ KHẢ NĂNG GÂY “UNG THƯ HÓA” CÁC TẾ BÀO THƯỜNG

0
1702

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các tế bào ung thư có khả năng tiết ra nhiều yếu tố xung quanh chúng để tạo nên vi môi trường khối u, các yếu tố này có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Tuy nhiên người ta chưa biết chính xác liệu các yếu tố này có ảnh hưởng đến các tế bào bình thường lân cận hay không.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Delaware, Mỹ đã công bố trên tạp chí Journal of Cell Science phát hiện mới của mình về khả năng gây “ung thư hóa” của các tế bào ung thư lên các tế bào thường lân cận.

Bằng cách đồng nuôi cấy 3D tế bào ung thư biểu mô chuyển dạng MSV-MDCK (Moloney Sarcoma Virus transformed Madin Darby Canine Kidney) và tế bào biểu mô không chuyển dạng MDCK (Madin Darby Canine Kidney) để mô phỏng điều kiện tự nhiên trong cơ thể, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các tế bào MSV-MDCK giải phóng ra MMP-9, một protease có khả năng phân cắt E- cadherin, phân tử đóng vai trò quan trọng trong liên kết giữa các tế bào biểu mô. Các phân mảnh E-cadherin giải phóng được gọi là E-cadherin hòa tan, hay sE-cad sẽ gắn lên thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì trên các tế bào MDCK và kích hoạt tính sinh ung của các tế bào này, dẫn đến sự tăng sinh làm đầy lòng ống nang và chuyển dạng biểu mô- trung mô của các tế bào này.

13.1.2

Mô hình đề xuất cho quá trình làm đầy lòng ống và chuyển dạng biểu mô- trung mô của các tế bào MDCK kích hoạt bởi các tế bào MSV-MDCK.

TS. Pratima Patil, tác giả chính của bài báo cho biết: “Huyết thanh từ bệnh nhân ung thư có chứa hàm lượng cao sE-cad. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy các tế bào ung thư làm biến đổi các tế bào biểu mô bình thường, phá vỡ cấu trúc mô để tạo ra sE-cad, nhân tố được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến triển khối u.”

Ayyappan Rajasekaran, đồng tác giả bài báo phát biểu: “Tương tự như vi-rút và vi khuẩn, tế bào ung thư có khả năng lây nhiễm cho các tế bào thường lân cận và thúc đẩy tiến trình ung thư.”

Công trình này đã mở ra một hướng đi mới cho nghiên cứu ung thư, bao gồm việc tìm hiểu bằng cách nào tế bào ung thư tương tác với tế bào thường và thúc đẩy sự phát triển của khối u. Đồng thời đặt ra câu hỏi lớn cho nghiên cứu lâm sàng: liệu việc giảm nồng độ sE-cad trên bệnh nhân ung thư có thể giúp làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện hiệu quả của các liệu pháp điều trị hay không?

 

Lam Huyên dịch

Theo Sciencedaily

Emai: ntlhuyen@hcmus.edu.vn

Link bài báo: http://www.sciencedaily.com/releases/2015/12/151201113910.htm