PHÁT HIỆN PROTEIN GIÚP TẾ BÀO UNG THƯ DI CĂN

0
1676

Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Bergin vừa tìm ra một protein chịu trách nhiệm cho quá trình di căn của tế bào ung thư. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Cancer Cell.

Các tế bào trong khối u thường không đồng nhất, bên cạnh các tế bào lành tính không có khả năng di căn, các tế bào ác tính thường tìm cách để xâm lấn ra các mô khác. Tuy nhiên rất khó để xác định tế bào nào trong khối u là lành tính hay ác tính.

Bằng cách phân lập các tế bào di căn trong mô hình động vật, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Rockefeller và Đại học Bergin đã tìm ra protein đặc trưng cho các tế bào có khả năng xâm lấn trong mô khối u.

LH8

“Các tế bào xâm lấn trong ung thư ruột, ung thư vú và ung thư da đều biểu hiện rất mạnh protein PITPNC1 so với các tế bào không xâm lấn. Như vậy chúng ta có thể dự đoán khả năng di căn của khối u dựa vào mức biểu hiện protein này từ sớm, giúp phát hiện các khối u ác tính sớm hơn so với các xét nghiệm hiện nay” – Nils Halberg, tác giả chính của công trình cho biết.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng PITPNC1 đóng vai trò quan trọng trong quá trình xâm lấn của khối u.

Các tế bào ung thư rời khỏi khối u, đi vào dòng máu và được vận chuyển đến các mô khác của cơ thể.

Halberg giải thích: “Để làm được điều đó, protein PITPNC1 trong các tế bào ác tính sẽ điều hòa quá trình tiết các phân tử giúp phân cắt các liên kết protein ngoại bào. Như vậy các tế bào này sẽ dễ dàng thâm nhập vào mô đích và phát triển tại đây để tạo khối u mới.”

Khối u lành tính thường không gây ra nguy hiểm gì khi đã được phẫu thuật loại bỏ khỏi cơ thể bệnh nhân. Như vậy khó khăn khi điều trị ung thư là đối với các khối u ác tính có khả năng lan rộng ra các vị trí khác. Nghiên cứu này mở ra một hướng mới cho điều trị ung thư là tác động vào protein PITPNC1 nhằm ngăn chặn quá trình di căn của khối u.

Lam Huyên dịch

Theo Sciencedaily

Email: ntlhuyen@hcmus.edu.vn

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2016/04/160413084728.htm