LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG BẰNG CHÍNH TẾ BÀO CỦA NGƯỜI BỆNH

0
950

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 là một dạng bệnh rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Theo đó, các tế bào beta của đảo tụy bị chính các tế bào miễn dịch của cơ thể tiêu diệt. Người bệnh không thể sản xuất insulin và điều hòa lượng đường trong cơ thể. Một trong các phương pháp điều trị hiện nay là dùng thuốc và insulin. Người bệnh phải sử dụng insulin suốt đời để kiểm soát lượng đường trong máu, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên gần đây, một phát hiện mới cho thấy một cách tiếp cận khác trong điều trị bệnh đái tháo đường dựa trên chính các tế bào của bệnh nhân để sản xuất các tế bào tiết insulin cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng các tế bào mới được tạo ra có thể sản xuất insulin đáp ứng với nồng độ đường khác nhau. Nghiên cứu đã được thử nghiệm kiểm chứng cả trong môi trường nuôi cấy (in vitro) và trên chuột (in vivo). Trong cả hai trường hợp đều cho thấy rằng các tế bào tiết ra insulin để đáp ứng với đường (glucose).

Nghiên cứu này đã được công bố ngày 10 tháng 5 năm 2016 trên tạp chí Nature Communications.

Tác giả chính của công trình, tiến sĩ Jeffrey R. Millman, giáo sư y học và kỹ thuật y sinh tại Trường đại học y khoa Washington cho “Về lý thuyết, nếu chúng ta có thể thay thế các tế bào bị hư hỏng của tuyến tụy ở những người đái tháo đường bằng các tế bào beta mới có đầy đủ chức năng (lưu trữ và giải phóng insulin) để kiểm soát lượng đường trong máu thì bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 sẽ không cần phải chích insulin nữa.”. Ông nói “Các tế bào chúng tôi tạo ra có thể nhận biết được sự hiện diện của glucose và tiết insulin để đáp ứng lại. Điều này cực kỳ cần thiết đối với các bệnh nhân đái tháo đường”

Millman làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu về Nội tiết, Chuyển hóa và Lipip. Ông bắt đầu nghiên cứu của mình trong khi làm việc tại phòng thí nghiệm của tiến sĩ Douglas A. Melton, giám đốc của Viện Tế bào gốc Harvard.Millman đã tạo ra các tế bào beta từ các tế bào gốc có nguồn gốc từ những người bệnh đái tháo đường. Kỹ thuật này tương tự như kỹ thuật thực hiện trên các tế bào gốc người bình thường đã được thực hiện trước đó. Các tế bào thu nhận được lấy từ da của bệnh nhân Đái tháo đường. Các tế bào này sau đó sẽ được tái thiết lập chương trình để tạo thành các tế bào iPSC (tế bào gốc vạn năng cảm ứng) trước khi biệt hóa thành các tế bào beta của đảo tụy.

“Đã có những câu hỏi về việc liệu chúng ta có thể làm được những gì trên các tế bào từ những người có bệnh đái tháo đường tuýp 1”, Millman giải thích. “Một số nhà khoa học nghĩ rằng các mô thu nhận từ các bệnh nhân đái tháo đường có thể bị khiếm khuyết vì thế có thể ngăn cản chúng ta biệt hóa các tế bào gốc thành các tế bào beta. Tuy nhiên điều đó không chính xác.”

xzcx

Marker bề mặt của các tế bào beta được biệt hóa từ tế bào của người bình thường và bệnh nhân đái tháo đường là như nhau (nguồn từ bài báo)

Millman cho biết cần nghiên cứu thêm để đảm bảo rằng các tế bào beta được biệt hóa từ các tế bào gốc của bệnh nhân không gây ra các khối u – một vấn đề thường được đề cập trong một số nghiên cứu về tế bào gốc. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng của các khối u trong các nghiên ở chuột, thậm chí một năm sau khi các tế bào được cấy ghép.

Ông cho biết các tế bào beta có nguồn gốc từ tế bào gốc có thể sẵn sàng cho việc nghiên cứu trên con người trong 3-5 năm tới. Tại thời điểm đó, Millman hy vọng các tế bào sẽ được cấy vào dưới da của bệnh nhân đái tháo đường, một quá trình phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để cho phép các tế bào beta có thể tiếp xúc với máu và hoạt động trong bệnh nhân.

Các ý tưởng thay thế các tế bào beta không phải là mới. Hơn hai thập kỷ trước đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Washington, tiến sĩ Y khoa Paul E. Lacy và David W. Scharp đã bắt đầu cấy loại tế bào này vào bệnh nhân đái tháo đường type 1 và đã đem lại một số thành công. Tuy nhiên, những tế bào này được thu nhận từ mô tụy của các người tình nguyện hiến nội tạng. Cũng như những nguồn mô khác, sự thiếu hụt nguồn hiến là một bài toán lớn cần được giải quyết.

Millman nói rằng kỹ thuật mới cũng có thể được sử dụng theo nhiều cách khác. Trong tương lai, ông hy vọng kỹ thuật này sẽ có thể được sử dụng để giúp đỡ những người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, và hội chứng Wolfram..

Tổng hợp và dịch

Bùi Nguyễn Tú Anh

Xem thêm thông tin về công trình tại: Jeffrey R. Millman, Chunhui Xie, Alana Van Dervort, Mads Gürtler, Felicia W. Pagliuca, Douglas A. Melton. Generation of stem cell-derived β-cells from patients with type 1 diabetes. Nature Communications, 2016; 7: 11463 DOI: 10.1038/ncomms11463