Nghiên cứu gần đây trên chuột chỉ ra rằng, các tế bào miễn dịch thu nhận từ máu thai nhi có khả năng phá hủy tế bào bệnh bạch cầu (leukaemia) tốt hơn so với các tế bào có nguồn gốc trưởng thành. Kết quả này thật sự rất bất ngờ vì các tế bào miễn dịch thai nhi không trải qua thời gian “huấn luyện” dài như các tế bào trưởng thành, nhưng dường như chúng vẫn có thể nhận ra và tiêu diệt các tế bào bất thường trong cơ thể.
Tế bào miễn dịch thai nhi từ máu dây rốn, nhỏ nhưng “có võ”
Hiện nay, những bệnh nhân bị ung thư máu như bệnh bạch cầu phải trải qua hóa trị để tiêu diệt các tế bào máu gây ra ung thư. Tuy nhiên, không chỉ có các tế bào bệnh bị tiêu diệt mà hầu hết, kể cả các tế bào máu khỏe mạnh. Sau khi hoá trị, bác sĩ sẽ cấy ghép tế bào gốc tủy xương khỏe mạnh từ nguồn hiến tặng để phục hồi lại hệ tuần hoàn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc cấy ghép tuỷ xương còn có một lợi ích khác: các tế bào miễn dịch mới trong máu có thể tìm và tiêu diệt hoàn toàn bất kỳ tế bào ung thư nào còn sống sót sau đợt điều trị.
Trong những năm gần đây, nhận thức về sức khoẻ của cộng đồng được mở rộng, ngày càng có nhiều người hiến tặng máu dây rốn (một nguồn chứa nhiều loại tế bào gốc từ thai nhi), hoặc lưu trữ tế bào gốc dây rốn trong ngân hàng tế bào gốc. Từ đó, liệu pháp sử dụng tế bào gốc máu dây rốn đang dần thay thế cấy ghép tủy xương, vì nguy cơ bị đào thải thấp hơn. Tuy vậy, nếu các tế bào miễn dịch trong máu dây rốn ít tác động đến người nhận, có lẽ chúng cũng sẽ ít hung hăng đối với bất kỳ tế bào bệnh bạch cầu nào còn sót lại.
Các bác sĩ vẫn nghĩ như vậy cho đến khi một thí nghiệm trên chuột cho thấy điều ngược lại. Nhóm nghiên cứu của Paul Veys, bệnh viện Great Ormond Street cho trẻ em ở London, đã so sánh tác động của việc tiêm các tế bào miễn dịch từ nguồn trưởng thành hoặc máu dây rốn vào những con chuột mang một dạng ung thư máu của người được gọi là u lympho tế bào B (B-cell lymphoma). Các khối u nhanh chóng biến mất trong những con chuột được nhận tế bào miễn dịch của thai nhi, nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những con chuột được tiêm các tế bào trưởng thành.
Trước đó, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mẫu khối u từ những con chuột được tiêm tế bào miễn dịch máu dây rốn, họ phát hiện ra rằng các tế bào từ thai nhi kích hoạt việc sản xuất nhanh chóng tế bào CD4, loại bạch cầu chủ đạo của hệ miễn dịch đáp ứng với khối u và virus. Hơn nữa, khối u nhanh chóng được lấp đầy với các tế bào CD8, tế bào giết, từ đó phá hủy mô ung thư.
Từ các kết quả trên, Veys nghĩ rằng các tế bào miễn dịch thai nhi có thể có khả năng miễn dịch đặc biệt giúp bảo vệ tức thời bào thai trước các tác nhân nguy hiểm. “Quan trọng hơn, việc sử dụng máu dây rốn có thể là một lựa chọn tốt để tiêu diệt hoàn toàn bệnh bạch cầu”, Veys nói.
Tài liệu tham khảo:
Cord blood T cells mediate enhanced antitumor effects compared with adult peripheral blood T cells. Blood 2015. doi:10.1182/blood-2015-06-654780. http://www.bloodjournal.org/content/126/26/2882
Đặng Thanh Long
Theo New Scientist