THỬ NGHIỆM GHÉP TẾ BÀO GỐC ĐIỀU TRỊ BỆNH TIM TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT TẠI VIỆT NAM

0
1785

Tim là một cơ quan có khả năng tự phục hồi thấp trong cơ thể. Sau các tổn thương, tế bào cơ tim chết đi để lại những vết sẹo mà không có hoặc rất hiếm có sự tăng sinh thay thế tế bào cơ tim vào vị trí này. Sự chết đi của những tế bào tổn thương làm suy giảm chức năng tim theo thời gian và đe dọa đến mạng sống của bệnh nhân. Hiện nay, phương pháp chủ yếu mà các bệnh nhân bệnh tim phải lựa chọn sau tổn thương tim là phẫu thuật thay tim. Tuy nhiên, nguồn hiến tặng khan hiếm, thải loại miễn dịch, biến chứng và xâm lấn cao khiến phương pháp này mang rất nhiều rủi ro. Để khắc phục những điểm yếu trên, các nhà khoa học đã cho ra đời một liệu pháp mới là sử dụng tế bào gốc để ghép vào vị trí tổn thương. Tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành một hoặc một số loại tế bào trong cơ thể. Tế bào gốc được tiêm vào với hy vọng sẽ biệt hóa thành tế bào cơ tim để bù đắp vào những vị trí chết đi của những tế bào cũ. Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh tim mạch và cho kết quả rất khả quan. Riêng ở Việt Nam, đề tài này lần đầu tiên được nghiên cứu trên mô hình động vật một cách bài bản tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Tp. HCM.

Gần đây, công trình này đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế BMRAT liên quan đến việc sử dụng tế bào gốc tiêm vào tim chuột bị tổn thương cơ tim. Theo đó, các nhà nghiên cứu mô phỏng quá trình tắc nghẽn mạch vành (mạch cung cấp máu nuôi cơ tim) trên chuột, làm cho một phần mô cơ tim bị thiếu máu và tổn thương. Sau đó, họ tiến hành tiêm tế bào gốc vào vị trí thiếu máu với mong muốn tế bào gốc sẽ tăng sinh và thay thế các tế bào chết đi ở cơ tim. Sau 2 tuần, kết quả cho thấy diện tích vùng tổn thương thu hẹp lại và chức năng tim được duy trì ở mức tốt hơn đáng kể so với nhóm chuột không được điều trị [1].

 

Đây là công bố đầu tiên ở Việt Nam về nghiên cứu tác động của tế bào gốc trên mô hình động vật một cách thuyết phục từ bước thu nhận, chọn lọc và đánh giá tế bào gốc cho đến các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả cấy ghép.

Nghiên cứu này là tiền đề cho các thử nghiệm tiếp theo trên các động vật lớn hơn và tiến tới thử nghiệm trên người. Hy vọng, với nền tảng chắc chắn về tế bào gốc và cấy ghép, các nhà khoa học nói chung và các nghiên cứu viên PTN TBG nói riêng sớm tiến tới thử nghiệm lâm sàng nhằm đưa liệu pháp mới vào điều trị bệnh tim mạch với sự an toàn, hiệu quả cao và chi phí phù hợp với bệnh nhân Việt Nam.

Bùi Thị Vân Anh

Email: btvanh@hcmus.edu.vn

Tài liệu tham khảo

[1]. Pham, T., Nguyen, T., Bui, A., Pham, H., Phan, N., Nguyen, M., & Pham, P. (2015). Preliminary evaluation of treatment efficacy of umbilical cord blood-derived mesenchymal stem cell-differentiated cardiac progenitor cells in a myocardial injury mouse model. Biomedical Research And Therapy, 2(12), 435-445.

ISI, ESCI

[2]. http://khoahoc.tv/tim-hieu-ve-te-bao-goc-phan-5-20600