Tế bào gốc và sự hiểu biết về tính hỗn tạp của các tế bào trong khối u ung thư vú

0
550

Các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy khối u ung thư vú được duy trì bởi quần thể các tế bào gốc ung thư. Trong một công trình gần đây được công bố trên tạp chí Cell, Pier Paolo Di Fiore và cộng sự đã báo cáo về sự tinh sạch và những đặc điểm phân tử của các tế bào gốc bình thường ở người từ việc nuôi cấy mammosphere. Điều này góp phần chứng minh sự hỗn tạp tế bào của khối u tuyến vú là do quần thể các tế bào giống tế bào gốc ung thư tồn tại trong khối u.

Để phân lập các tế bào gốc dựa trên các đặc điểm chức năng của chúng, các tác giả đã nhuộm mammosphere người với chất phát huỳnh quang PKH26, chất này sẽ đánh dấu lên các tế bào không đang phân chia (PKH26POS), còn các tế bào đang phân chia sẽ không được đánh dấu (PKH26NEG). Các tế bào này được thu nhận bằng kĩ thuật FACS. Không giống như các tế bào PKH26NEG, những tế bào PKH26POS hình thành cả hai dạng tế bào luminal và tế bào nền trong các xét nghiệm về tính biệt hóa hai chiều. Ngoài ra, quần thể tế bào PKH26POS còn có thể tái thiết lập sự phát triển tuyến vú trong vùng fat pad được làm sạch ở mô hình chuột bị suy giảm miễn dịch.

Khi so sánh các dữ liệu về sự biểu hiện của các tế bào PKH26POS với các tế bào PKH26NEG, các gene dấu hiệu của hNMSC đã được xác định. Những phân tích về cơ sở dữ liệu gene ung thư vú được công bố đã giúp phát hiện  những khối u trong tình trạng biệt hóa thấp sẽ biểu hiện các gene dấu hiệu của hNMSC ở mức độ cao hơn so với các khối u trong tình trạng biệt hóa cao. Thêm vào đó, chúng còn có khả năng hình thành mammosphere trong nuôi cấy và trong khối u dị ghép hiệu quả hơn so với hNMSC và tế bào giống tế bào gốc ung thư được phân lập từ các khối u trong tình trạng biệt hóa cao.

Gần đây, nhóm tác giả Di Fiore và cộng sự cho thấy các tế bào gốc ung thư thường phân chia theo kiểu đối xứng để tạo ra các tế bào gốc “chị em” hơn là đi theo cách phân chia bất đối xứng để tạo ra một tế bào gốc và một tế bào tiền thân. Cùng với những khám phá trong nghiên cứu này, các tác giả đã giới thiệu mô hình về sự phát sinh khối u tuyến vú, trong đó xuất hiện đột biến ở các oncogene trong quần thể tế bào gốc, điều này sẽ quyết định tần suất của việc bỏ qua quá trình phân chia bất đối xứng của các tế bào gốc ung thư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến số lượng các tế bào gốc trong khối u, dẫn tới sự thay đổi về những đặc điểm bệnh lý của khối u.