Tế bào gốc từ cơ thể mẹ, chìa khóa điều trị bệnh di truyền ngay từ trước khi sinh

0
1506
Hiện nay, các nhà khoa học xem việc ghép tế bào gốc vào bào thai như một chiến lược điều trị tiềm năng cho nhiều loại bệnh di truyền được chẩn đoán sớm tại tam cá nguyệt đầu tiên của thai kì, bao gồm bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm và những rối loạn miễn dịch khác. Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học California – San Francisco cũng đã xác định chính đáp ứng miễn dịch của người mẹ ngăn cản bào thai chấp nhận tế bào gốc máu được ghép, và đáp ứng này có thể được loại bỏ bằng cách dùng tế bào gốc thu từ chính người mẹ để ghép cho thai nhi từ trước khi sinh. Việc ghép tế bào gốc vào phôi thai bao gồm thu nhận tế bào khỏe mạnh từ tủy xương người cho và ghép chúng vào phôi thai thông qua tiêm với sự giúp đỡ của kĩ thuật siêu âm. Khi thành công, tế bào được ghép cung cấp những tế bào gốc giúp hình thành hệ thống tế bào máu khỏe mạnh cho bệnh nhân.

Về mặt lý thuyết, phôi thai đang phát triển với hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành nên là mục tiêu hứa hẹn cho liệu pháp ghép tế bào, vì nguy cơ đào thải mảnh ghép thấp và tránh được việc cần phải có liệu pháp ức chế miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, hầu hết những cố gắng trước đây để ghép tế bào gốc máu vào phôi thai người đều chưa thành công. Điều thú vị trong nghiên cứu này là chính hệ thống miễn dịch của mẹ mới là tác nhân chính. Ban đầu, những nhà nghiên cứu kiểm tra thành phần tế bào của máu bào thai chuột và tìm thấy một tỉ lệ lớn tế bào máu có nguồn gốc từ mẹ (chiếm đến 10%, là tỉ lệ cao nhất so với bất kì cơ quan nào khác của thai nhi) trong bào thai. Tỉ lệ quá lớn không mong đợi của tế bào từ mẹ trong máu bào thai đưa đến giả thuyết có thể chính tế bào mẹ gây ra đáp ứng miễn dịch tác động đến hiệu quả ghép tế bào gốc.

Để nghiên cứu sâu hơn giả thuyết này, nhóm nghiên cứu ghép tế bào gốc máu có nguồn gốc từ chủng chuột thứ hai mà không tương hợp với cả chuột mẹ và phôi thai vào phôi chuột. Sau khi ghép, nhận thấy dòng tế bào T, nhân tố tác động chính trong đáp ứng miễn dịch, từ mẹ di chuyển vào bào thai, mà chính điều này sau đó dẫn đến thải loại mảnh ghép. Tuy nhiên, nếu loại bỏ tế bào T từ cơ thể chuột mẹ trước khi đem ghép thì gần như 100% các bào thai được tiêm tế bào ghép chấp nhận tế bào được ghép, điều này chỉ ra rằng chính tế bào T từ mẹ đóng vai trò chính yếu trong việc khởi sự thải loại. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu ghép tế bào gốc tương hợp với mẹ vào bào thai, kết quả đạt được tỉ lệ thành công rất cao.

Ở bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ xác nhận lại là những phát hiện này có tương tự ở  người hay không và cũng sẽ kiểm tra chính xác bao nhiêu tế bào T gây ra thải loại miễn dịch. Từ đó hướng đến việc sử dụng các loại tế bào gốc khác để điều trị mọi căn bệnh từ rối loạn thần kinh đến rối loạn cơ cho người ngay từ trước khi sinh.

(Theo Science Daily)

Dương Thanh Thủy