Đau mạn tính do tổn thương thần kinh (Chronic pain from nerve injury) thường phổ biến và gây suy nhược cơ thể. Bệnh xảy ra khi mô bị tổn thương, do rượu bia, phẫu thuật hay nhiễm virus và sau đó sợi thần kinh tự hủy hoại, bị tổn thương hay mất chức năng. Những dây thần kinh này chuyển những tín hiệu sai đến trung tâm cảm nhận đau và thay đổi chức năng ở cả vùng tổn thương cũng như những vùng lân cận. Ví dụ như khi bệnh nhân mất chân hoặc tay rồi và vết thương đã lành nhưng vùng thần kinh chịu trách nhiệm cho chân (tay) đó vẫn phát tín hiệu đau. Những phương pháp điều trị phổ biến cho việc đau thần kinh (neuropathic pain) bao gồm các liệu pháp tác động lên sinh lý, nhận thức, hành vi, dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Nhưng theo như Giáo sư Jianguo Cheng chuyên ngành gây mê và là giám đốc của Cleveland Clinic Multidisciplinary Pain Medicine Fellowship Program thì những liệu pháp trên hầu như không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Hình minh họa: Tế bào thần kinh bị tổn thương có thể phát tín hiệu sai. Nguồn: Internet
Một nghiên cứu mới đây của Bác sĩ Cheng được trình bày ở Hội nghị thường niên lần thứ 33 của Hội y học giảm đau Mỹ (American Academy of Pain Medicine – AAPM), cho thấy cấy ghép tế bào gốc trung mô có thể trở thành một liệu pháp mới đầy hứa hẹn trong việc giảm đau thần kinh khi liệu pháp này được thử nghiệm trên mô hình động vật.
Nghiên cứu được thử nghiệm trên chuột cống (rats) bắt đầu bằng cách thu nhận tế bào gốc trung mô từ tủy xương và tế bào gốc trung mô từ mô mỡ bằng kĩ thuật dòng chảy tế bào và kiểm tra khả năng biệt hóa. Sau đó, họ gây mô hình tổn thương mạn tính cho dây thần kinh ở vùng háng. Và cuối cùng họ ghép tế bào gốc vào chuột bằng cách tiêm tĩnh mạch (intravenous) và tiêm dưới màng cứng (intrathecal). Các nhà nghiên cứu tiến hành đo đạc đáp ứng của ngưỡng rút chân gây ra bởi tác động vật lý và tác động nhiệt. Đồng thời, họ dùng kĩ thuật hóa mô miễn dịch để quan sát thần kinh vùng háng và hạch thần kinh rễ lưng. Kết quả cho thấy cả 2 loại tế bào sau khi ghép bằng cả 2 phương pháp đều tạo ra những tác động giảm đau tốt. Tế bào gốc trung mô giúp giảm số lượng dây thần kinh bị tổn thương và hồi phục sự biểu hiện của phân tử peptide nhận tín hiệu cảm giác trên dây thần kinh (Calcitonin gene-related peptide – CGRP). Tế bào gốc trung mô còn giúp giảm quá trình viêm ở cả vùng thần kinh tổn thương và hạch rễ lưng. Các nhà nghiên cứu phát hiện rất nhiều tế bào được ghép vào tập trung ở vùng tổn thương.
Bác sĩ Cheng cho rằng Liệu pháp mới này có thể phát triển thành những ứng dụng lâm sàng để chữa trị nhiều cơn đau thần kinh đang ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người Mỹ.
Bùi Thị Vân Anh
Từ Stem cells Portal