Nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học California, Los Angeles vừa cho ra đời một chương trình máy tính có khả phân tích mẫu máu để phát hiện ung thư và vị trí mang khối u trên cơ thể bệnh nhân. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Genome Biology.
Giáo sư Zasmine Zhou, đồng tác giả của bài báo phát biểu: “Chuẩn đoán ung thư chưa di căn là hết sức quan trọng, vì phát hiện ung thư càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh của bệnh nhân càng cao. Chúng tôi đã tạo ra được một chương trình máy tính giúp phát hiện ung thư đồng thời nhận diện loại ung thư chỉ cần dựa vào một mẫu máu từ bệnh nhân. Công nghệ này còn sơ khai và cần được hoàn thiện nhiều hơn nữa, nhưng hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích to lớn.”
Hình: Nhận diện các phân tử đặc biệt trong mẫu máu giúp chuẩn đoán ung thư sớm.
Chương trình hoạt động dựa vào việc nhận diện các đoạn DNA đặc biệt của tế bào ung thư lưu thông trong dòng máu, so sánh giữa mẫu máu của bệnh nhân với kho dữ liệu thông tin di truyền của nhiều loại ung thư khác nhau. DNA của các tế bào khối u được giải phóng và lưu thông trong dòng máu ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, cung cấp công cụ duy nhất giúp phát hiện sớm ung thư.
Giáo sư Zhou giải thích: “Chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu các dấu ấn phân tử ngoài di truyền, các vị trí methyl hóa đặc trưng thường thấy trong nhiều loại ung thư và đặc biệt đối với ung thư có nguồn gốc từ các mô cụ thể như phổi hay gan”
Trong nghiên cứu này, 29 mẫu máu từ bệnh nhân ung thư gan, 12 mẫu từ bệnh nhân ung thư phổi và 5 mẫu từ bệnh nhân ung thư vú đã được phân tích thử. Phân tích bằng chương trình cho kết quả phát hiện 25 mẫu mang ung thư gan và 5 mẫu ung thư phổi, hiệu quả phát hiện là 80%.
“Do số lượng hạn chế các mẫu máu, nghiên cứu chỉ mới được thực hiện trên 3 loại ung thư là gan, phổi và vú. Nhìn chung, càng nhiều phân mảnh DNA của tế bào ung thư lưu thông trong dòng máu thì việc phát hiện ung thư bằng chương trình này càng chính xác. Do vậy, khối u trong các cơ quan có hoạt động mạnh và lưu thông máu nhiều như gan và phổi sẽ dễ được phát hiện hơn là khối u ở các cơ quan ít hoạt động”- ông Zhou giải thích.
Lam Huyên (dịch)
Theo Sciencedaily