Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở của ThS. Trương Châu Nhật

0
2033

Sáng ngày 24/7/2018, ThS. Trương Châu Nhật đã báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường “BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ SỰ ỔN ĐỊNH VỀ SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ CỦA TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ MÔ MỠ NGƯỜI TRONG NUÔI CẤY IN VITRO THỜI GIAN DÀI”; Mã số T2017-43

Hội đồng nghiệm thu gồm có:

STT Họ và tên Đơn vị công tác Chức danh trong hội đồng
1 PGS.TS. Phạm Văn Phúc Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN Chủ tịch
2 ThS. Phan Lữ Chính Nhân Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN Phản biện
3 ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh PTN. Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN Ủy viên
4 ThS. Đào Thị Thanh Thuỷ Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN Ủy viên thư ký

 

Nội dung đề tài: 

Tế bào gốc trung mô mô mỡ người (human adipose derived stem cell_hASC) có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong y học tái tạo. Nhu cầu sử dụng hASC ngày càng tăng, nhất là trong việc phát triển các sản phẩm off-the-shelf; trong khi lượng hASC thu nhận sơ cấp khá hạn chế nên việc nuôi cấy tăng sinh trong điều kiện in vitro là vô cùng cần thiết. Mục tiêu: Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá sự toàn vẹn các đặc điểm trung mô và khả năng đột biến số lượng NST của hASC đã trải qua nuôi cấy in vitro.

Trong nghiên cứu này, ba mẫu hASC từ ba bệnh nhân Việt Nam được thu nhận và tăng sinh trong môi trường MSC Cult kit đến thế hệ cấy chuyền thứ 5. Tiếp theo, hASC sau 5 thế hệ cấy chuyền được đánh giá sự thay đổi các đặc trưng của tế bào gốc trung mô bào gồm hình dạng, kiểu hình miễn dịch và khả năng biệt hóa. Cuối cùng, số lượng NST của tế bào sau các thế hệ cấy chuyền liên tiếp từ 1 đến 5 được đánh giá bằng kỹ thuật lập NST đồ.

Kết quả cho thấy, trải qua 5 thế hệ cấy chuyền hASC vẫn duy trì được hình dạng fibroblast đặc trưng; biểu hiện cao các marker trung mô CD44, CD73, CD90, CD166; duy trì khả năng biệt hóa xương, sụn, mỡ và không xuất hiện các đột biến về số lượng NST. Mặc dù vậy, các marker của tế bào tạo máu như CD14, CD34 có sự thay đổi biểu hiện không đồng nhất giữa các mẫu trong quá trình tăng sinh.

Tóm lại, đến thế hệ cấy chuyền thứ 5, hASC vẫn duy trì sự toàn vẹn các đặc điểm của tế bào gốc trung mô và không xuất hiện các đột biến về số lượng NST. 

Kết quả nghiệm thu: Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc với số điểm trung bình 96,25

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Trường của ThS. Trương Châu Nhật

(Tin phòng KHCN-SHTT)