Mức estrogen quá cao có thể gây biến chứng đối với các trường hợp mang thai đơn sinh nhờ IVF

0
971

Các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital – MGH) đã xác định được một nhân tố có thể đóng vai trò quan trọng đằng sau sự gia tăng nguy cơ khi sinh của các ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hai bài báo đăng trên tạp chí “Sinh sản và Vô sinh” ủng hộ giả thuyết rằng hàm lượng estrogen quá cao tại thời điểm chuyển phôi làm gia tăng nguy cơ trẻ được sinh ra nhỏ hơn tuổi thai và nguy cơ Tiền sản giật (Pree-clampsia), một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Họ cũng đưa ra một phương pháp nhằm giảm những nguy cơ này dựa trên thử nghiệm trong một nhóm nhỏ bệnh nhân.

Cả hai bài báo đều đề cập đến những ca mang thai do IVF dẫn đến đơn sinh, không phải những ca đa sinh, đa sinh hiện nay vẫn là yếu tố nhiều nguy cơ nhất của bất kỳ công nghệ hỗ trợ sinh sản. Nhưng những ca mang thai IVF đơn sinh được hỗ trợ lại có nhiều khả năng dẫn đến sinh non, nhẹ cân và những biến chứng nghiêm trọng khác hơn mang thai đơn sinh không được hỗ trợ. Trong số ra tháng 1/2013, các nhà điều tra tại Khoa Sản của MGH báo cáo rằng nên đông lạnh phôi của phụ nữ có lượng estrogen quá cao tại thời điểm thu trứng, và chuyển phôi vào chu kỳ sinh sản muộn khi lượng hoóc-môn gần giống với một chu kỳ tự nhiên, sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sơ sinh nhỏ và loại bỏ tỷ lệ tiền sản giật trong một nhóm nhỏ các bệnh nhân.

Tại hầu hết các trung tâm sinh sản, IVF bao gồm một quy trình gồm nhiều giai đoạn phối hợp để kích thích buồng trứng, dẫn đến sự phát triển và trưởng thành của nhiều trứng cùng một lúc. Trước khi rụng, trứng được lấy ra để thụ tinh bên ngoài cơ thể người mẹ. Nếu thụ tinh thành công và có vẻ phát triển bình thường, phôi sẽ được chuyển vào tử cung của mẹ trong vòng 5 ngày kể từ ngày thu trứng theo một quy trình được gọi là cấy truyền phôi tươi.

ivf

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF

Tế bào trứng phát triển và trưởng thành trong những túi nhỏ của buồng trứng được gọi là nang trứng, nơi tạo ra rất nhiều estrogen, vì vậy sự phát triển của nhiều nang trưởng thành có thể dẫn đến nồng độ estrogen cao đáng kể. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy lượng estrogen quá cao trong thai kỳ sớm có thể cản trở sự phát triển của nhau thai, và các nghiên cứu khác đã liên kết những bất thường nhau thai với sự tăng nguy cơ trong tiền sản giật và trẻ sơ sinh nhỏ.

Trong số tháng 6/2012 của tạp chí “Sinh sản và Vô sinh”, nhóm nghiên cứu thuộc MGH báo cáo rằng: trong số gần như 300 ca mang thai IVF đơn sinh từ ​​năm 2005 đến 2010, những phụ nữ có nồng độ estrogen ngay trước khi thu trứng cao sẽ có tỷ lệ mắc tiền sản giật và trẻ sơ sinh nhỏ cao hơn rất nhiều so với những trường hợp bình thường. Những phụ nữ có đỉnh estrogen cao từ 90% trở lên có nguy cơ cao gấp chín lần sinh trẻ sơ sinh nhỏ và cao gấp năm lần bị tiền sản giật.

Theo quan sát đó, nhóm nghiên cứu thuộc MGH đã kiểm tra bằng cách nào mà một quy trình được thiết lập cho các bà mẹ có nguy cơ biến chứng khi điều trị khả năng sinh sản, được gọi là hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS), có thể tác động lên những nguy cơ liên quan đến nồng độ estrogen rất cao. Tại Trung Tâm Sinh Sản MGH, nếu nồng độ estrogen của bệnh nhân dùng thụ tinh trong ống nghiệm vượt quá 4.500 pg/ml vào ngày dự kiến ​​họ sẽ được nhận mũi kích hoạt nội tiết tố cuối cùng giúp trưởng thành trứng – cho thấy nguy cơ bị hội chứng OHSS – cần tiến hành ​​tư vấn cho bệnh nhân các lựa chọn thay thế. Các lựa chọn này bao gồm hoãn quy trình cho đến chu kỳ IVF trong tương lai, hoặc tiến hành thu trứng và thụ tinh nhưng đông lạnh phôi, chờ cấy vào chu kỳ sau để có thời gian cho buồng trứng phục hồi.

Báo cáo của nhóm vào tháng 1 đã so sánh kết quả của 20 bệnh nhân chọn đông lạnh phôi của họ và cấy vào sau vì nguy cơ bị hội chứng OHSS, với kết quả của 32 bệnh nhân có nồng độ estrogen trước khi thu trứng lớn hơn 3.450 pg/ml và lựa chọn chuyển phôi tươi. Ở những bà mẹ lựa chọn đông lạnh phôi và chuyển vào ở chu kỳ tiếp theo, chỉ có 10% trẻ sinh ra nhỏ hơn tuổi thai, con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 35% trẻ sơ sinh của những bà mẹ chuyển phôi tươi. Trong khi tỷ lệ bị tiền sản giật sau khi chuyển phôi tươi là gần 22% thì không ai trong số các bệnh nhân đã chọn đông lạnh phôi phát triển tiền sản giật.

Đặng Thanh Long
dtlong@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/02/130225131624.htm