LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2 ĐEM LẠI NHIỀU HỨA HẸN
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Stem Cell Reports ngày 19 tháng 3 năm 2015 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp điều trị mới bằng cách kết hợp cấy ghép tế bào gốc và thuốc trị đái tháo đường. Theo đó, phương pháp này đã giúp điều trị thành công trên mô hình chuột bị đái tháo đường tuýp 2 và mang lại nhiều hứa hẹn trong điều trị lâm sàng.
Trưởng nhóm nghiên cứu này là Timothy Kieffer, hiện làm việc tại đại học British Columbia, Canada. Ông cùng các cộng sự của mình cho biết nghiên cứu này có thể dẫn đường cho liệu pháp đầu tiên sử dụng tế bào gốc thay thế cho việc sử dụng insulin để thử nghiệm trên các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Người ta ước tính có khoảng 29 triệu người Mỹ mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, số người mắc đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90 – 95% số ca bệnh. Tình trạng này là kết quả của việc cơ thể không có khả năng sản xuất đủ số lượng hormone (insulin) hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Điều đó làm lượng đường trong máu tăng cao hơn so với bình thường.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 thường được điều trị bằng thuốc uống như metformin hay tiêm insulin, đôi khi là áp dụng cả hai. Tuy nhiên, Kieffer và cộng sự nhấn mạnh rằng phương pháp điều trị như vậy có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, tăng cân và làm hàm lượng đường trong máu thấp, trong một số trương hợp bệnh nhân có thể không đáp ứng được với thuốc.
Với những nguyên nhân đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm một phương pháp điều trị thay thế tiềm năng cho các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tuýp 2 là ghép tế bào beta nhằm cải thiện quá trình trao đổi glucose và tăng độ nhạy với insulin.
Trong nghiên cứu của mình, họ đã tạo ra mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng cách cung cấp chế độ ăn giàu chất chất béo. Bằng phương pháp này, họ đã tạo được những con chuột béo phì có mức đáp ứng insulin thấp và đường huyết tăng cao.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiến hành đóng gói các tế bào tiền thân tụy có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi và cấy ghép lên các con chuột đã tạo mô hình của họ. Những tế bào này sẽ phát triển thành các tế bào beta – một loại tế bào trong tuyến tụy có chức năng sản xuất insulin – có đầy đủ chức năng. Kết quả cho thấy những con chuột được ghép tế bào có sự trao đổi glucose tốt hơn đồng thời cải thiện sự đáp ứng với insulin.
Hình: Các tế bào beta tuyến tụy có nguồn từ tế bào gốc phôi người sau cấy ghép.
Nguồn : Jennifer Bruin, Đại học British Columbia
Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu nhận thấy ở những con chuột được cấy ghép tế bào gốc có kết hợp với các thuốc trị đái tháo đường có trọng lượng giảm nhanh chóng. Đồng thời, khi so sánh với các phương pháp điều trị đơn lẻ khác thì có cải tiến lớn trong quá trình chuyển hóa glucose.
Kieffer và các đồng nghiệp đang có kế hoạch tiến hành cấy ghép nhiều tế bào beta trưởng thành hơn vào các mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thay vì tế bào tiền thân tụy để có thể giảm nhanh các triệu chứng khi tiêm liều thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cách tiếp cận của họ có thể được thử nghiệm lâm sàng trên người, đặc biệt là khi trước đó một kỹ thuật tương tự đã được thông qua bởi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y Tế Canada cho phép thử nghiệm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.
Kieffer nhận xét: “Thành công của thử nghiệm lâm sàng có thể mở đường cho việc áp dụng phương pháp điều trị này trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Chúng tôi hy vọng rằng phương pháp điều trị bằng tế bào gốc nhằm thay thế insulin cuối cùng sẽ cải thiện được khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, đồng thời cho kết quả tốt về sức khỏe và cải thiện được tuổi thọ ở người bệnh”.
Bùi Nguyễn Tú Anh dịch
Theo MedicalNewsToday
Email: bntanh@hcmus.edu.vn
Link bài báo http://www.medicalnewstoday.com/articles/291244.php