Các nhà khoa học trường đại học Cincinnati (UC) ở Ohio, Mỹ đã tìm ra cơ chế tế bào chuyên biệt trong việc kháng lại liệu pháp hormone đối với bệnh nhân ung thư vú dương tính với estrogen.
Tiến sĩ Xiaoting Zhang và cộng sự đã xác định đồng hoạt hóa thụ thể estrogen chuyên biệt, MED1, có vai trò trung gian trong việc kháng tamoxifen ở bệnh nhân ung thư vú. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cancer Research số ra ngày 1/11/2012.
Theo thống kê của viện ung thư quốc gia Mỹ, gần 227000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú hàng năm tại Mỹ. Khoảng 75% trong số đó có khối u dương tính với estrogen và đòi hỏi sử dụng liệu pháp hormone như tamoxifen, thuốc này có khả năng can thiệp vào vai trò của estrogen trong việc kích thích tăng trưởng tế bào ung thư vú.
Mặc dù đã có những tiến bộ trong liệu pháp hormone nhưng vẫn có khoảng 50% các ca kháng với các loại thuốc này và tái phát ung thư sau khi dùng.
Estrogen và progesterone có thể kích thích sự tăng trưởng của ung thư vú. Tế bào ung thư vú nhạy cảm với hormone chứa 1 loại protein chuyên biệt được biết như là thụ thể hormone, thụ thể này được kích hoạt khi hormone gắn với thụ thể, dẫn tới sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
Các nghiên cứu được thực hiện trên cả các mô hình tiền lâm sàng và trên các mô ung thư đều cho thấy rằng MED1 đồng kích thích và đồng biểu hiện với HER2. Gene HER2 tăng sự hiện diện trong 20-30% đối với các ca đến giai đoạn xâm lấn và có vai trò trong kháng tomoxifen.
Sự biểu hiện vượt mức HER2 dẫn tới sự hoạt hóa MED1, trong khi đó sự giảm của MED1 dẫn tới sự ngừng phân chia của những tế bào ung thư được xem là kháng với tamoxifen. Những nghiên cứu sâu hơn về cơ chế chỉ ra rằng sự hoạt hóa HER2 của MED1 dẫn đến sự quy tụ của các yếu tố đồng kích thích thay vì yếu tố đồng ức chế bởi các thụ thể estrogen có gắn tomoxifen.
Sự tìm ra tác động tương hỗ giữa 2 phân tử này đóng và trò chủ chốt trong việc khám phá ra cơ chế kháng liệu pháp nội tiết ở bệnh nhân ung thư vú đặc biệt là những công bố gần đây cũng chỉ ra sự biểu hiện ở mức độ cao của MED1 có liên quan tới kết quả điều trị kém hiệu quả cũng như mức độ sống sót không cao của các bệnh nhân sau trị liệu.
Các nhà khoa học này đang sử dụng kĩ thuật nano để tác động trúng đích MED1 để khóa con đường estrogen và HER2 nhằm vượt qua khả năng kháng liệu pháp nội tiết của tế bào ung thư vú.
Nguyễn Thị Nhung (trợ giảng Bộ môn Sinh lý động và Công nghệ Sinh học Động vật)
ntnhung@hcmus.edu.vn