Công nghệ tế bào gốc có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân

0
580

Cơ thể người chứa các tế bào miễn dịch có nhiệm vụ chống lại ung thư và sự xâm nhiễm của virus, tuy nhiên những tế bào này thường có đời sống ngắn và số lượng không đủ để vượt qua sự tấn công ào ạt của các yếu tố ác tính. Trong hai nghiên cứu độc lập được đăng trên tạp chí Cell Stem Cell, 4/1/2013, các nhà khoa học đã khôi phục thành công tế bào miễn dịch của bệnh nhân bằng công nghệ tế bào gốc. Những tế bào này có số lượng lớn, đời sống dài và nhận biết được tế bào đích: tế bào nhiễm HIV và tế bào ung thư.

Các nghiên cứu này có thể giúp phát triển hướng khôi phục hệ thống miễn dịch ở những bệnh nhân suy yếu miễn dịch.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu chuyển đổi tế bào miễn dịch T trưởng thành thành tế bào gốc iPSC bằng các nhân tố đã biết. Sau đó, những tế bào iPSC được tăng trưởng và biệt hóa trở lại thành tế bào T. Điều quan trọng là những tế bào T mới này đã “trẻ hóa” với những đặc tính như khả năng tăng trưởng và đời sống được tăng cường, trong khi vẫn giữ được khả năng tấn công tế bào ung thư và tế bào bị nhiễm HIV ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thao tác trên các tế bào miễn dịch T bằng cách sử dụng kỹ thuật iPSC có thể có ích để phát triển các hướng trị liệu miễn dịch trong tương lai.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng tế bào miễn dịch T từ một bệnh nhân nhiễm HIV. Những tế bào T được “trẻ hóa” tăng sinh không giới hạn và chứa đoạn telomere dài, giúp ngăn ngừa sự lão hóa tế bào. Điều đó thật sự có ý nghĩa vì tế bào T bình thường có sự tăng sinh giới hạn, gây giảm hiệu quả khi sử dụng tế bào T trị liệu. “Phương pháp mà chúng tôi đưa ra cung cấp tế bào T ‘trẻ và có hiệu quả’ cho liệu pháp miễn dịch nhằm chống lại sự xâm nhiễm của virus hay ung thư”, theo giáo sư Hiromitsu Nakauchi, đại học Tokyo.

Một nghiên cứu khác lại chú trọng đến tế bào miễn dịch T từ một bệnh nhân ung thư da. Những tế bào T “trẻ hóa” phát hiện được protein MART-1, thường biểu hiện trong các khối u melanoma. “Bước tiếp theo chúng tôi sẽ thử nghiệm những tế bào T ‘trẻ hóa’ này có thể giết chọn lọc khối u chứ không phải mô khỏe mạnh. Nếu những tế bào đó được phát triển thì sẽ áp dụng chúng trực tiếp lên bệnh nhân”, theo giáo sư Hiroshi Kawamoto.

T-iPSC

Những tế bào T “trẻ hóa” được phản biệt hóa (dedifferentiated) từ tế bào T-iPSC. Mặc dù các tế bào T-iPSC và các tế bào T “trẻ hóa” có cùng bộ gene nhưng hình thái và chức năng thì hoàn toàn khác nhau (Nishimura và cs).

Trương Thị Hoàng Mai
tthmai@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/01/130103131112.htm