Category: Tin Tế bào gốc thế giới

  • Nội tiết tố chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì

    Chưa từng được phát hiện, một nội tiết tố (hormone) tự nhiên được tạo ra bởi các tế bào mỡ có thể giúp chúng ta chống lại bệnh tiểu đường và béo phì.

    Hormone này được tìm ra bằng cách phân tích DNA của hai người mang một căn bệnh hiếm gặp gọi là hội chứng lão hoá sơ sinh (Neonatal progeroid syndrome – NPS) hay lão nhi. Những bệnh nhân này thường có nồng độ chất béo rất thấp dẫn đến dễ sinh bệnh. Atul Chopra tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng những người này đặc biệt cảm thấy lờ đờ vì họ thiếu một hormone chưa từng được biết trước đây, nhóm nghiên cứu đặt tên là asprosin.

    Thí nghiệm trên chuột cho thấy hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lượng đường trong máu, đặc biệt là giữa các bữa ăn. “Asprosin được tiết ra bởi các tế bào mỡ và đi đến gan, nói với tế bào gan ngay lập tức tiết glucose vào máu”, Chopra nói. Khi nồng độ glucose trong máu tăng lên, việc sản xuất các hormone này sẽ được tắt.

    Các nhà nghiên cứu bệnh tiểu đường đã bị hấp dẫn bởi phát hiện này. “Thực tế là asprosin tác động lên gan và gây ra khủng hoảng thừa glucose, một yếu tố quan trọng trong bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều này làm cho asprosin thậm chí còn thú vị hơn nữa, bên cạnh việc phát hiện ra nó”, Alan Cherrington thuộc Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee nói.

    “Giấc mơ của tôi là sẽ cho bệnh nhân đang phải dùng insulin có thể giảm hoặc thậm chí ngưng sử dụng thuốc”, Chopra nói. “Bằng cách nào đó có thể cung cấp cho họ các kháng thể khoá asprosin một lần một tuần để hạ đường huyết, và điều này có nghĩa là bệnh nhân sẽ giảm hoặc ngưng hoàn toàn việc sử dụng insulin.”

    tin Kh 11

    Việc phát hiện ra asprosin có thể giúp bệnh nhân ngưng sử dụng insulin

    Nhóm của Chopra đã đăng ký một bằng sáng chế về hormone này và đang thử nghiệm một loại kháng thể khoá asprosin. “Chúng tôi đang thử nghiệm điều trị chuột bị tiểu đường, và có vẻ như kết quả nhận được khá tốt”, ông nói. Họ hy vọng có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người trong vòng một vài năm tới.

    Asprosin cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong bệnh béo phì và tăng cân. Nhóm nghiên cứu của Chopra cũng phát hiện ra rằng, trong khi những người mang NPS cực kỳ ốm, asprosin trong máu của người béo phì cao gấp hai lần người không béo phì. “Bệnh béo phì sẽ là trọng tâm trong nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi”, ông nói, “Dường như khi lượng mỡ tăng lên, nồng độ asprosin cũng sẽ tăng theo”.

    Tài liệu tham khảo:

    Asprosin, a Fasting-Induced Glucogenic Protein Hormone. Cell 2016. doi:10.1016/j.cell.2016.02.063

    http://www.cell.com/cell/comments/S0092-8674(16)30213-6

    Đặng Thanh Long

    Theo New Scientist

  • Các tế bào gốc máu dây rốn tiêu diệt ung thư nhanh hơn tế bào trưởng thành

    Nghiên cứu gần đây trên chuột chỉ ra rằng, các tế bào miễn dịch thu nhận từ máu thai nhi có khả năng phá hủy tế bào bệnh bạch cầu (leukaemia) tốt hơn so với các tế bào có nguồn gốc trưởng thành. Kết quả này thật sự rất bất ngờ vì các tế bào miễn dịch thai nhi không trải qua thời gian “huấn luyện” dài như các tế bào trưởng thành, nhưng dường như chúng vẫn có thể nhận ra và tiêu diệt các tế bào bất thường trong cơ thể.

    dtlong 9

    Tế bào miễn dịch thai nhi từ máu dây rốn, nhỏ nhưng “có võ”

    Hiện nay, những bệnh nhân bị ung thư máu như bệnh bạch cầu phải trải qua hóa trị để tiêu diệt các tế bào máu gây ra ung thư. Tuy nhiên, không chỉ có các tế bào bệnh bị tiêu diệt mà hầu hết, kể cả các tế bào máu khỏe mạnh. Sau khi hoá trị, bác sĩ sẽ cấy ghép tế bào gốc tủy xương khỏe mạnh từ nguồn hiến tặng để phục hồi lại hệ tuần hoàn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc cấy ghép tuỷ xương còn có một lợi ích khác: các tế bào miễn dịch mới trong máu có thể tìm và tiêu diệt hoàn toàn bất kỳ tế bào ung thư nào còn sống sót sau đợt điều trị.

    Trong những năm gần đây, nhận thức về sức khoẻ của cộng đồng được mở rộng, ngày càng có nhiều người hiến tặng máu dây rốn (một nguồn chứa nhiều loại tế bào gốc từ thai nhi), hoặc lưu trữ tế bào gốc dây rốn trong ngân hàng tế bào gốc. Từ đó, liệu pháp sử dụng tế bào gốc máu dây rốn đang dần thay thế cấy ghép tủy xương, vì nguy cơ bị đào thải thấp hơn. Tuy vậy, nếu các tế bào miễn dịch trong máu dây rốn ít tác động đến người nhận, có lẽ chúng cũng sẽ ít hung hăng đối với bất kỳ tế bào bệnh bạch cầu nào còn sót lại.

    Các bác sĩ vẫn nghĩ như vậy cho đến khi một thí nghiệm trên chuột cho thấy điều ngược lại. Nhóm nghiên cứu của Paul Veys, bệnh viện Great Ormond Street cho trẻ em ở London, đã so sánh tác động của việc tiêm các tế bào miễn dịch từ nguồn trưởng thành hoặc máu dây rốn vào những con chuột mang một dạng ung thư máu của người được gọi là u lympho tế bào B (B-cell lymphoma). Các khối u nhanh chóng biến mất trong những con chuột được nhận tế bào miễn dịch của thai nhi, nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những con chuột được tiêm các tế bào trưởng thành.

    Trước đó, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mẫu khối u từ những con chuột được tiêm tế bào miễn dịch máu dây rốn, họ phát hiện ra rằng các tế bào từ thai nhi kích hoạt việc sản xuất nhanh chóng tế bào CD4, loại bạch cầu chủ đạo của hệ miễn dịch đáp ứng với khối u và virus. Hơn nữa, khối u nhanh chóng được lấp đầy với các tế bào CD8, tế bào giết, từ đó phá hủy mô ung thư.

    Từ các kết quả trên, Veys nghĩ rằng các tế bào miễn dịch thai nhi có thể có khả năng miễn dịch đặc biệt giúp bảo vệ tức thời bào thai trước các tác nhân nguy hiểm. “Quan trọng hơn, việc sử dụng máu dây rốn có thể là một lựa chọn tốt để tiêu diệt hoàn toàn bệnh bạch cầu”, Veys nói.

    Tài liệu tham khảo:

    Cord blood T cells mediate enhanced antitumor effects compared with adult peripheral blood T cells. Blood 2015. doi:10.1182/blood-2015-06-654780. http://www.bloodjournal.org/content/126/26/2882

    Đặng Thanh Long

    Theo New Scientist

  • PHÁT HIỆN MỚI VỀ SỰ DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ VÚ

    Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 40,000 phụ nữ Mỹ chết vì căn bệnh này. Nguyên nhân chính gây tử vong ở các bệnh nhân mắc ung thư vú là sự di căn của tế bào ung thư đến những cơ quan khác trong cơ thể.

    lhuyen 13

    Chung tay bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư vú

    Các nhà khoa học tại Northwestern Medicine vừa khám phá ra một con đường mới giúp ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư vú. Làm việc trên tế bào ung thư vú và mô hình chuột mang khối u vú, họ đã khám phá ra một protein đóng vai trò quan trọng trong sự di căn và xâm lấn của các tế bào ung thư- protein hnRNPM. Protein này khởi động một chuỗi các sự kiện cho phép các tế bào ung thư vú thoát khỏi khối u nguyên phát, thâm nhập vào dòng máu, xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác. Khi protein hnRNPM bị bất hoạt trong mô hình chuột mang khối u vú, khả năng di căn của các tế bào này đến phổi giảm mạnh. Họ cũng nhận thấy những khối u vú có đặc tính xâm lấn biểu hiện mạnh protein hnRNPM.

    Tiến sĩ bác sĩ Chonghui Cheng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hnRNPM có thể trở thành một mục tiêu hứa hẹn cho việc ngăn chặn tế bào ung thư vú di căn. Hiện tại chúng tôi đang nổ lực tìm ra cơ chế hoạt động của protein này để sớm phát triển thành thuốc ức chế sự di căn của tế bào ung thư vú.”

    Lam Huyên dịch

    Theo Sciencedaily

  • Em bé có 3 cha mẹ có thể gặp vấn đề về sức khỏe trong cuộc sống sau này

    DNA không tương hợp ở những em bé có 3 cha mẹ có thể dẫn đến các vấn đề trong cuộc sống sau này, nghiên cứu ở chuột đã cho thấy điều đó.

    dtlong 8

    Liệu pháp thay thế ti thể đã được sự chấp thuận của Quốc hội Anh vào năm 2015, cho phép phụ nữ mang lỗi di truyền trong ti thể – nhà máy năng lượng của tế bào – có con mà không truyền đột biến này cho chúng.

    Liệu pháp này liên quan đến việc chuyển nhân từ trứng của người mẹ hoặc phôi vào trứng được hiến tặng từ một người phụ nữ không mang đột biến. Em bé sinh ra sẽ thừa hưởng DNA nhân từ cả cha lẫn mẹ và DNA ti thể từ người hiến tặng.

    Nhưng theo một nghiên cứu gần đây trên chuột, sự không phù hợp giữa DNA ti thể và nhân có thể gây tăng tốc lão hóa và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất cũng như béo phì.

    Jose Antonio Enriquez, thuộc Viện nghiên cứu CNIC ở Madrid, và nhóm của ông đã ghi nhận điều này ở những con chuột được sinh ra từ liệu pháp thay thế ti thế. Khi còn nhỏ, chúng dường như có sức khỏe tốt, nhưng khi già hơn, một loạt các vấn đề bắt đầu nảy sinh, trong đó có sự rút ngắn của telomere (vùng bảo vệ một đầu của nhiễm sắc thể). Đây chính là dấu hiệu của sự lão hóa.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng không biết liệu những tác động tương tự có xảy ra ở người hay không. Các con chuột được sử dụng trong thí nghiệm này thuộc dòng nội phối, còn hầu hết con người lại thường là ngoại phối. “Con người vẫn đang liên tục pha trộn gen trong nhân và trong ti thể”, Douglas Turnbull tại Đại học Newcastle ở Anh, người dẫn đầu nhóm đi tiên phong trong liệu pháp thay thế ti thể, cho biết.

    Nếu những phát hiện ở chuột cũng xảy ra ở người thì điều này rất có thể làm phức tạp thêm liệu pháp thay thế ti thể. Nghĩa là, trước khi tiến hành liệu pháp, cần phải tìm một người hiến tặng ti thể có DNA phù hợp với gen trong nhân của người mẹ. Enriquez nhấn mạnh: “Cũng như cấy ghép nội tạng và truyền máu, điều này thật sự rất quan trọng”.

    Vì vậy, chúng ta cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể ngoại suy kết quả cuả Enriquez lên con người, theo Dusko Ilic, một nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Đại học Hoàng gia London. “Ở giai đoạn này, chúng ta phải cân nhắc có nên hay không việc sàng lọc ti thể được hiến tặng trước khi tiến hành liệu pháp.”

    Đặng Thanh Long

    Theo New Scientist

  • Bước đột phá để hiểu được tại sao tế bào gốc trở nên chuyên biệt

    ptlan 1

    Hình Tế bào da người dưới kình hiển vi huỳnh quang

    Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu y sinh Sanford Burnham Prebys (SBP) đã thực hiện một bước tiến lớn trong việc tìm hiểu làm thế nào mà từ các tế bào của sinh vật đều chứa thông tin di truyền giống nhau lại có thể trở thành các tế bào chuyên biệt khác nhau. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Cell ngày 4 tháng 8 năm 2016 cho thấy Oct4 là loại protein tác động mạnh đến quá trình này. Phát hiện này ảnh hưởng tích cực đến nỗ lực sản xuất các loại tế bào chức năng cho phương pháp điều trị bệnh trong tương lai cũng như cung cấp hiểu biết cho quá trình biệt hóa của tế bào gốc.

    Vấn đề biệt hóa

    Sinh vật -chẳng hạn như con người- sự phát triển bắt đầu sớm nhất từ dạng đơn giản nhất cho tới khi trưởng thành, các tế bào chuyển từ dạng linh hoạt cao- tế bào gốc- sang các tế bào chuyên biệt hơn ở các mô khác nhau. Nhiều phòng thí nghiệm cũng đang cố gắng thâu tóm quá trình này để tạo ra nhiều loại tế bào cần thiết có thể cấy ghép cho bệnh nhân. Cho ví dụ, sản xuất các tế bào beta tuyến tụy để điều trị bệnh tiểu đường hoặc các tế bào thần kinh sản xuất dopamine điều trị bệnh Parkinson.

    Oct4 làm gì

    Oct4 là yếu tố phiên mã- là một protein điều chỉnh hoạt động của gen- duy trì tính vạn năng của tế bào gốc, ngăn chặn không cho tế bào gốc trở thành các dòng tế bào chuyên biệt. Oct4 hoạt động bằng cách gắn vào DNA có thể hoạt động vừa như một nhân tố hoạt hóa phiên mã vừa như một nhân tố ức chế phiên mã. Nghiên cứu mới cho thấy rằng ở các gen nhất định, Oct4 cũng liên kết với các yếu tố khác phiên mã khác được kích hoạt bởi các tín hiệu ngoại bào như vitamin A, thụ thể RAR và beta-catenin để bật gen tương ứng của chúng. Vitamin A chuyển tế bào gốc thành tế bào tiền thân thần kinh, sự kích hoạt của beta-catenin bởi Wnt có thể hỗ trợ tính nhiều tiềm năng hoặc thúc đẩy biệt hóa không theo hướng thần kinh tùy thuộc vào các tín hiệu khác có mặt

    Bức tranh lớn

    Tác giả của bài báo Laszlo Nagy rất hào hứng với phát hiện này: “phát hiện của chúng tôi cho thấy một nguyên tắc chung về cách mà các tín hiệu biệt hóa cùng gây ra quá trình chuyển đổi rõ rệt trong nhiều loại tế bào khác nhau”.

    Bước tiếp theo

    Họ đã tìm thấy mã cho tế bào gốc gắn đầu vào – tín hiệu giống như vitamin A và Wnt -đầu ra- loại tế bào. Tiếp theo họ sẽ có kế hoạch tìm hiểu liệu các yếu tố phiên mã khác có hoạt động tương tự như Oct4 hay không- nghĩa là tìm mã cho các loại tế bào trưởng thành hơn. Nếu các yếu tố khác cũng có những chức năng kép này- duy trì trạng thái hiện tại và là gen mồi cho đáp ứng với các yếu tố ngoại bào- đó sẽ là câu trả lời cho câu hỏi quan trọng trong sinh học phát triển và thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc.

    Nguồn:

    Zoltan Simandi, Attila Horvath, Lyndsey C. Wright, Ixchelt Cuaranta-Monroy, Isabella De Luca, Katalin Karolyi, Sascha Sauer, Jean-Francois Deleuze, Lorraine J. Gudas, Shaun M. Cowley, Laszlo Nagy. OCT4 Acts as an Integrator of Pluripotency and Signal-Induced DifferentiationMolecular Cell, 2016; DOI:10.1016/j.molcel.2016.06.039

    Phí Thị Lan

  • VÌ SAO TẾ BÀO UNG THƯ VẪN CÓ THỂ TỒN TẠI KHI THIẾU GLUCOSE?

    Mục tiêu cuối cùng của tế bào ung thư là duy trì sự tồn tại của nó, mặc cho cơ thể đang mang nó bị tổn hại như thế nào. Để làm được điều này, tế bào ung thư có các khả năng đặc biệt mà tế bào thường không có, bao gồm cả khả năng tồn tại khi lượng đường cung cấp cho nó cực kỳ ít. Điều này có thể giải thích cho sự thất bại của việc sử dụng các chất ngăn cản sự hình thành mạch máu trong điều trị ung thư, vì dù khối u có bị bỏ đói khi không được nuôi dưỡng bởi mạch máu thì nó vẫn có thể tiếp tục tồn tại.

    Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (CNIO)- Tây Ban Nha vừa công bố một bài báo trên Cancer Cell liên quan đến vấn đề này. Cụ thể là họ đã tìm ra một nhóm protein hoạt động như một công tắc: khi có đủ glucose, các tế bào ung thư sử dụng một con đường đặc biệt để biến dưỡng và tăng sinh; khi không còn glucose, công tắc này cho phép tế bào ung thư sử dụng con đường khác để biến dưỡng mà vẫn đạt mục tiêu cuối cùng là tồn tại và tăng trưởng.

    Mọi việc xảy ra trong các tế bào kể cả những tế bào ung thư và tế bào thường đều dựa vào một chuỗi các phản ứng sinh hóa: một protein được sửa đổi thông qua việc bổ sung một phân tử khác, và sự thay đổi đó gây ra sự thay đổi trong các protein khác. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra hệ thống công tắc cho phép tế bào nhận biết sự hiện diện của glucose trong môi trường từ đó quyết định con đường biến dưỡng mà nó sẽ sử dụng để tồn tại.

    ntlhuyen 12

    Đó là một hệ thống phức tạp gồm 3 protein: URI (hoạt động như công tắc), OGT và c- Myc. C- Myc đã được biết đến như một gen sinh ung (oncogene), có tác động thúc đẩy tế bào ung thư tồn tại và tăng sinh. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng cho thấy mức độ biểu hiện c- Myc cũng rất quan trọng cho sự tồn tại của tế bào khi xảy ra stress dinh dưỡng. Hoạt động của hệ thống như sau: URI điều khiển hoạt động của OGT. OGT nhận biết và sử dụng glucose để kiểm soát nồng độ c-Myc. Khi có glucose, OGT sử dụng glucose để ồn định nồng độ c-Myc, lúc này c-Myc thực hiện tốt vai trò của mình là một gen sinh ung. Tuy nhiên khi cạn kiệt glucose, URI trở thành chất ức chế OGT, làm giảm hoạt động của protein này và giảm sự tiêu thụ glucose của nó. Điều này dẫn đến sự suy thoái c-Myc. Như vậy trong tình trạng thiếu hụt glucose, sự tồn tại của tế bào sẽ phụ thuộc vào hoạt động sinh ung của URI.

    Nghiên cứu này đã đề ra một cơ chế cảm biến glucose quan trọng trong đó URI đóng vai trò là một biến trở giúp kiểm soát hoạt động OGT, từ đó kiểm soát mức độ biểu hiện c-Myc, cho phép tế bào ung thư vượt qua stress dinh dưỡng và tồn tại trong các điều kiện môi trường ngặt nghèo nhất.

    Lam Huyên dịch

    Theo Sciencedaily

  • Sức khỏe kém của cừu Dolly có thể không phải do nhân bản

    Bốn con cừu được nhân bản từ cùng một nguyên mẫu của cừu Dolly hiện nay đều có sức khỏe tốt. Điều này cho thấy bệnh viêm xương khớp xảy ra ở cừu Dolly có thể không phải do nhân bản.

    Debbie, Denise, Dianna và Daisy đều được nhân bản vô tính, sử dụng tế bào từ cùng một con cừu trưởng thành giống như Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính thành công cách đây 20 năm. Đến thời điểm hiện tại, bốn “chị em” đã được chín tuổi và tất cả đều khoẻ mạnh.

    dtlong 7

    Các chị em của cừu Dolly

    Dolly và chị em của nó đã được tạo ra bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là chuyển nhân tế nào sinh dưỡng (Somatic cell nuclear transfer – SCNT), trong đó, nhân từ tế bào trưởng thành được đưa vào trứng đã loại bỏ nhân. Để tạo ra một mình Dolly, Ian Wilmut và nhóm của ông tại Viện Roslin ở Edinburgh, Vương quốc Anh, đã phải áp dụng kỹ thuật này với 277 trứng. Kết quả chỉ có 29 phôi được cấy vào cừu mẹ mang thai hộ, cuối cùng, chỉ có cừu Dolly được sinh ra.

    Vào năm 2001, cừu Dolly bị viêm xương khớp khi được khoảng 5 tuổi. Đến gần 7 tuổi, các nhà khoa học phải thực hiện gây chết nhân đạo đối với Dolly khi cô cừu này phát triển thêm bệnh phổi. “Một trong những mối quan tâm vào thời gian đầu là động vật nhân bản vô tính bị lão hóa trước khi trưởng thành”, Kevin Sinclair tại Đại học Nottingham nói.

    Điều này khiến nhóm nghiên cứu của ông tiến hành điều tra sự lão hóa ở các động nhân vô tính khác. Họ đã theo dõi và ghi nhận các chỉ số huyết áp, độ nhạy insulin, sức khỏe cơ xương và các đặc điểm khác ở một đàn 13 con cừu nhân bản vô tính, trong đó có “chị em” của Dolly. “Chúng tôi thấy rằng khi so sánh với độ tuổi, các con vật nhân bản của chúng tôi khá khỏe mạnh.”

    Các nhà nghiên cứu cho biết, khi so sánh 13 con cừu được nhân bản với cừu sinh sản tự nhiên ở cùng độ tuổi, một số cá thể cho thấy dấu hiệu của viêm xương khớp nhẹ hoặc vừa phải, không có con nào gặp tình trạng nghiêm trọng cần phải điều trị,.

    https://youtu.be/qFlht1YCptw

    Nhân bản có thể trở thành kỹ thuật đáng trông đợi cho tương lai

    Sinclair nói rằng bởi vì kỹ thuật SCNT chưa thật sự hiệu quả nên một số nhóm vẫn đang nghiên cứu để cải thiện kỹ thuật này. “Nếu như thành công, điều này có thể dẫn đến viễn cảnh thực tế sử dụng SCNT để tạo ra tế bào gốc cho mục đích điều trị trên người”, Sinclair nói. “Tuy nhiên, để các phương pháp sinh học này có thể được sử dụng trong tương lai, chúng ta cần phải tiếp tục kiểm tra tính an toàn của chúng.”

    Đặng Thanh Long

    Theo New Scientist

  • THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI VỚI TẾ BÀO iPS Ở NGƯỜI ĐƯỢC PHÊ DUYỆT

    Chính phủ Nhật đã ký quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS) được lấy từ cơ thể bệnh nhân.

    Bộ trưởng Bộ Y tế Norihisa Tamura đã phê duyệt đề xuất của hai viện nghiên cứu, cho phép họ bắt đầu thử nghiệm điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa một bệnh gây mù lòa phổ biến ở người già, bằng sử dụng tế bào iPS.

    Một ngày nào đó, nghiên cứu về tế bào gốc kì vọng có thể điều trị được những bệnh hiện chưa điều trị được, và các nhà khoa học mong rằng thử nghiệm lâm sàng trong điều bệnh thoái hóa điểm vàng có thể mang lại hy vọng cho hàng triệu người không thấy ánh sáng.

    Một ủy ban chính phủ tháng trước đã phê duyệt đề xuất thử nghiệm phối hợp thực hiện bởi Trung tâm Sinh Học Phát Triển- Riken và Tổ Chức Nghiên Cứu và Sáng Tạo Y sinh, ở Kobe.

    Một phát ngôn viên cho biết: “Viện Riken sẽ thu tế bào gốc từ tế bào da của bệnh nhân. Sau đó, sẽ cố gắng tạo ra các tế bào võng mạc để thử nghiệm cấy ghép trên sáu bệnh nhân, thay thế phần hư hỏng của mắt. Việc cấy ghép có thể được thực hiện sớm nhất vào giữa năm tới tại bệnh viện của tổ chức này”.

    Thoái hóa điểm vàng do lão hóa là bệnh hiện nay không chữa trị được, ảnh hưởng chủ yếu ở tuổi trung niên và người già, nó có thể dẫn đến mù lòa. Nhật Bản có khoảng 700.000 người mắc căn bệnh này.

    Tế bào gốc ở giai đoạn sơ sinh có thể phát triển thành bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Cho đến khi Shinya Yamanaka, Đại học Kyoto có phát hiện đột phá về tế bào iPS vào năm 2006, thì cách duy nhất để có được tế bào gốc là thu nhận chúng từ phôi người. Điều này dẫn tới những phản đối vì nó sẽ hủy hoại phôi người.

    Giống như các tế bào gốc phôi, tế bào iPS cũng có khả năng phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể, và quan trọng là nguồn tế bào để tạo ra chúng luôn sẵn có.

    Yamanaka đã đạt được giải thưởng Nobel về sinh lý học và y học năm ngoái cho thành công của ông về phát hiện ra phương pháp tạo tế bào iPS từ tế bào da người trưởng thành vào năm 2006.

    lvtrinh 35

    Hình minh họa: chiến lược sử dụng iPS cho điều trị bệnh mù do thoái hóa điểm vàng, thu nhận tế bào da của bệnh nhân và tái thiết lập nó thành tế bào iPS, biệt hóa iPS thành tế bào sắc tố và cấy ghép trở lại cho bệnh nhân (http://japan-product.com/ads/japan-worlds-1st-surgery-ips-stem-cells/)


                                                                                   LÊ VĂN TRÌNH – LÊ THỊ THU THÚY dịch

                                                                                     Theo japantimes.co.jp

    Địa chỉ email: lvtrinh@hcmus.edu.vn thuybt1995@gmail.com

  • Loạt bài: Em bé đầu tiên được sinh ra từ trứng được tăng cường nhờ tế bào gốc

    Kỳ cuối: Thực sự có hiệu quả và dễ được chấp nhận

    Năm 2001, Jacques Cohen tại Viện Y học và Khoa học Sinh sản tại Saint Barnabas, New Jersey, đã tiêm ti thể từ trứng hiến tặng vào 30 trứng của những bà mẹ vô sinh, một thủ thuật được gọi là Kỹ thuật chuyển tế bào chất trứng (ooplasmic transfer). Thực tế, điều này dẫn đến một số ít trường hợp có thai được coi là bằng chứng hỗ trợ cho phương pháp Augment. “Những báo cáo lâm sàng được công bố từ nhiều phòng khám IVF trên toàn thế giới cho thấy rằng, việc sử dụng ti thể từ trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ hơn cải thiện đáng kể tỉ lệ thành công của kỹ thuật IVF”, OvaScience nói với tạp chí New Scientist. “Hơn 50 đứa trẻ đã được sinh ra từ kỹ thuật này. Chúng hiện đang ở tuổi thiếu niên hoặc gần 20 tuổi”.

    dtlong 6

    Một phương pháp mới sẽ mang lại hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân

    Trong trường hợp của Cohen, các nghiên cứu đã bị tạm dừng bởi vì những đứa trẻ mang thêm ti thể từ người hiến tặng. Điều này dẫn đến một làn sóng phản đối vì những đứa trẻ này có đến 3 cha mẹ.

    Cả hai kỹ thuật chuyển tế bào chất trứng và Augment có một số điểm tương đồng chính là liệu pháp thay thế ty thể, một phương pháp thụ tinh ống nghiệm mới đang gây tranh cãi vừa được phê duyệt bởi chính phủ Anh. Đối với kỹ thuật chuyển tế bào chất trứng, tuy em bé được sinh ra mang DNA từ ba người cha mẹ, nhưng vẫn được phê duyệt bởi vì nó được sử dụng để điều trị các bệnh di truyền liên quan tới ti thể. Bằng cách đưa vào trứng những ti thể bình thường từ người thứ 3, đứa trẻ sinh ra sẽ không mắc các bệnh liên quan đến ti thể bị di truyền từ mẹ của mình.

    Đó là trường hợp gây tranh cãi của kỹ thuật chuyển tế bào chất trứng, điều mà phương pháp Augment sẽ không gặp phải. Trong phương pháp Augment, các ty thể từ tế bào gốc buồng trứng của người mẹ được sử dụng mà không phải từ người hiến tặng thứ 3. Như vậy, trẻ sinh ra vẫn chỉ có hai cha mẹ như các trường hợp bình thường.

    Đặng Thanh Long

    Theo New Scientist

  • CƠ CHẾ MỚI VỀ SỰ DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

    khối u

    Ung thư thường gây nguy hiểm và đe dọa tính mạng con người khi chúng đã bắt đầu di căn- các tế bào ung thư từ khối u nguyên phát theo dòng máu đi đến những vị trí khác trong cơ thể và tiếp tục phát triển tại đó. Để làm được điều này, các tế bào ung thư phải đi xuyên qua thành mạch để vào và ra khỏi mạch máu. Các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu tim phổi Max Planck, Bad Nauheim và đại học Goethe, thành phố Frankfurt, Đức vừa công bố phát hiện mới của mình, cho thấy các tế bào ung thư có thể tiêu diệt các tế bào đặc biệt trên thành mạch để đi xuyên qua mạch dễ dàng. Quá trình này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi phân tử DR6.

    Để có được kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi cấy tế bào và theo dõi cách mà các tế bào ung thư tiêu diệt tế bào nội mô- một loại tế bào của thành mạch. Quá trình này được gọi là necroptosis, cho phép các tế bào ung thư vượt qua lớp tế bào nội mô in vitro, thử nghiệm trên chuột cũng cho kết quả tương tự.

    Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các tế bào nội mô tự đưa ra tín hiệu cho cái chết của mình: “Tế bào nội mô biểu hiện thụ thể chết DR6, thụ thể này được kích hoạt bởi protein APP trên bề mặt tế bào ung thư, đánh dấu sự bắt đầu cuộc tấn công của tế bào ung thư lên thành mạch và đỉnh điểm của cuộc chiến là quá trình necroptosis của các tế bào nội mô.”- ông Boris Strilic, tác giả chính của bài báo cho biết.

    Nhóm tác giả cũng cho thấy ở chuột đột biến mất thu thể DR6, quá trình necroptosis ở tế bào nội mô và di căn của tế bào ung thư xảy ra ít hơn. Hiệu ứng này cũng xảy ra khi thụ thể DR6 của tế bào nội mô hoặc protein APP của tế bào ung thư bị bất hoạt, khẳng định một lần nữa vai trò của hai phân tử này trong sự di căn của tế bào ung thư.

    Việc tìm ra cơ chế này mở ra một hướng đi mới cho điều trị ung thư thông qua việc ngăn chặn qua trình di căn. Tuy nhiên trước khi quyết định sử dụng liệu pháp bất hoạt thụ thể DR6 cần phải xem xét các tác dụng phụ có thể gây ra và thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa vào lâm sàng.

    Lam Huyên dịch

    Theo Sciencedaily