Category: Tin PTN Tế bào gốc

  • “Công tắc” quan trọng trong quá trình làm lành vết thương

    Các nhà khoa học từ viện Y Sinh A*STAR đã xác định được “công tắc” phân tử điều khiển sự di cư của các tế bào da trong quá trình làm lành sẹo. Phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều bệnh nhân bị tiểu đường và những người có vết thương mãn tính không hoặc khó lành, dễ bị nhiễm trùng và dẫn đến việc loại bỏ chi. Cơ chế tắt-mở này có thể nắm giữ chìa khóa phát triển những liệu pháp trị liệu nhằm giảm hoặc loại bỏ các vết thương mãn tính.

    Các nhà khoa học đã phát hiện phân tử “micro-RNA”, được gọi là miR-198 kiểm soát nhiều quá trình khác nhau trong sự làm lành vết thương bằng cách đóng các quá trình này ở da khỏe mạnh. Khi da bị tổn thương, sự sản xuất miR-198 nhanh chóng dừng lại và nồng độ của miR-198 giảm xuống, giúp quá trình làm lành vết thương được khởi động.

    Ở vết thương không thể lành do bệnh tiểu đường, phân tử miR-198 không biến mất và quá trình làm lành vết thương bị khóa. Điều này xác định miR-198 như một dấu ấn sinh học có tiềm năng trong chẩn đoán vết thương không lành.
    lam_lanh_vet_thuong

    Quá trình làm lành vết thương ở làn da khỏe mạnh

    Tầm quan trọng của phát hiện

    Vết thương mãn tính ở những bệnh nhân tiểu đường là gánh nặng y tế toàn cầu và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc loại bỏ các chi dưới. Ở Singapore, bệnh tiểu đường là một trong năm bệnh phổ biến nhất được chẩn đoán và cứ 1 trong 9 người độ tuổi từ 18-69 bị tiểu đường. Tuy nhiên, những vết thương mãn tính chưa được tìm hiểu một cách rõ ràng và chưa có cách chữa trị hiệu quả. Vết thương khó lành cũng ảnh hưởng đến người già và những người khuyết tật, đặc biệt là những người sử dụng xe lăn hay bị liệt giường.

    Dr. Prabha Sampath phát biểu: “Chúng tôi hi vọng sẽ sử dụng nghiên cứu này nhằm cải thiện những vấn đề của bệnh nhân. Dựa trên nghiên cứu, chúng tôi khảo sát khả năng điều chỉnh sự đóng mở bị thiếu sót ở vết thương mãn tính bằng việc tác động lên miR-198 và các phân tử tương tác với miR-198 nhằm phát triển hướng điều trị mới.”

    Giáo sư Birgitte Lane, giám đốc điều hành IMB, phát biểu: “Sự đóng mở này được phát hiện như nhân tố điều hòa mới trong quá trình làm lành vết thương, và có thể là nhân tố rất quan trọng. Vết thương khó lành là vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe, và nghiên cứu này đặc biệt rất đúng lúc khi dân số bắt đầu già hóa và bệnh tiểu đường gia tăng mạnh trên toàn thế giới. Những phát hiện này cung cấp cho chúng ta nền tảng để phát triển những hướng trị liệu giảm bớt hậu quả do vết thương mãn tính gây ra và cải thiện sự chăm sóc sức khỏe.”

    Phân tử FSTL1-miR-198

    Phân tử miR-198 và protein follistatin-like 1 (FSTL1) được tìm thấy trong tín hiệu đơn được sản xuất bởi tế bào. Tuy nhiên, miR-198 và protein FSTL1 không được sản xuất cùng lúc. Hai phân tử này có vai trò trái ngược nhau: miR-198 (được tìm thấy ở da không bị tổn thương) ức chế sự di cư của tế bào da và quá trình làm lành vết thương, trong khi FSTL1 (được biểu hiện sau khi tổn thương) kích thích sự di cư và làm lành vết thương. “Công tắc điều hòa” điều khiển sự biểu hiện của miR-198 và FSTL1 và bên cạnh đó, kiểm soát sự cân bằng giữa trạng thái không hoạt động của các tế bào da với sự di cư tế bào trong quá trình làm lành vết thương.

    Dr. Sampath và cs cho rằng khi không bị tổn thương, da chứa nồng độ cao phân tử miR-198 nhưng không có protein FSTL1. Họ chứng minh nồng độ cao miR-198 ngăn cản sự di trú tế bào da bằng cách ức chế nhiều gene như PLAU, LAMC2 và DIAPH1, những gene cần thiết trong quá trình làm lành vết thương. Tuy nhiên, khi xảy ra tổn thương, sự sản xuất miR-198 bị tắt bởi tín hiệu TGF-β1 (Transforming growth factor β1). Điều này cho phép FSTL1 được sản xuất và những gene điều hòa quá trình di cư tế bào da không bị khóa, kích thích sự di chuyển của các tế bào đến vùng tổn thương nhằm làm lành vết thương.

    Các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm trên các mẫu da của vết thương loét không lành mãn tính từ những bệnh nhân bị đái tháo đường. Họ quan sát thấy không giống da khỏe mạnh bị tổn thương, những mẫu thí nghiệm chứa nồng độ cao miR-198 (ức chế sự di cư tế bào và làm lành vết thương) và sự thiếu vắng protein FSTL1 (kích thích sự di chuyển tế bào trong quá trình làm lành). Điều này cho thấy “công tắc” đã bị sai sót ở những bệnh nhân có vết thương không lành mãn tính.
  • “Siêu kháng thể” mới chống HIV

    Cơ thể bệnh nhân nhiễm HIV có thể sản xuất một “siêu kháng thể” có tên CH103 vô hiệu hóa được 55% virút HIV, mở ra hi vọng mới cho việc điều chế các loại vắcxin chống “căn bệnh thế kỷ”.

    tuoitre

    Nghiên cứu mới cho thấy siêu kháng thể được tạo ra bởi cơ thể thành công trong việc chống lại virút HIV.

    Như chúng ta đã biết, khi ai đó bị nhiễm HIV cơ thể sẽ sản xuất các kháng thể để tấn công lại chúng. Tuy nhiên, virút HIV luôn biến đổi để tồn tại trước sự tấn công của hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Do đó, cơ thể lại tiếp tục sản xuất kháng thể virút mới mà sau đó gặp phải sự biến đổi mới của virút HIV. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có khả năng phát triển các kháng thể có hiệu quả cao có thể trung hòa các đột biến HIV.

    “Mặc dù virút đột biến và có hàng triệu loài bán virút ra đời bởi vì sự đột biến đó, nhưng có một phần của virút không thể thay đổi nếu không virút không thể lây nhiễm – đây là nhược điểm của chúng”, giáo sư Barton Haynes, tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại ĐH Duke, bang North Carolina (Mỹ), nói với BBC.

    Nghiên cứu trên của các nhà khoa học thực hiện trên một bệnh nhân ở châu Phi bị nhiễm virút HIV khoảng 4 tuần. Họ nhận thấy cơ thể bệnh nhân sản xuất một kháng thể có tên CH103 có thể vô hiệu hóa 55% các mẫu HIV. Siêu kháng thể này được xem là sản phẩm của cuộc chiến giữa hệ thống miễn dịch và virút HIV đang cố gắng đấu tranh với nhau.

    Giáo sư Jane Anderson, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Homerton, London, đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội HIV Anh, cho biết: “Nghiên cứu trên là bước tiến mới trên con đường phát triển vắcxin điều trị HIV, cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách thức mà hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với virút HIV và làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa virút này và kháng thể con người”.

    Theo báo Tuổi Trẻ
    Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/541305/sieu-khang-the-moi-chong-hiv.html

  • Chuyển dạng trung mô – biểu mô trong các mẫu ung thư vú người

    Những nghiên cứu cận lâm sàng đã chứng minh rằng có mối liên hệ giữa sự kích hoạt bất thường hiện tượng chuyển dạng trung mô – biểu mô (epithelial-mesenchymal transitions – gọi tắt là hiện tượng EMT) với tình trạng di căn của khối u. Để kiểm chứng lí thuyết này trên mức độ lâm sàng, gần đây nhóm nghiên cứu của Daniel Haber và Shyamala Maheswaran đã tiến hành phân tích hiện tượng EMT trên các tế bào khối u có khả năng tuần hoàn trong cơ thể của các bệnh nhân ung thư vú.

    Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp lai RNA in situ với kĩ thuật nhuộm màu kép để xác định trạng thái biểu mô hay trung mô trong các mẫu khối u vú sơ cấp và các tế bào khối u tuần hoàn phân lập từ bệnh nhân ung thư vú giai đoạn di căn. Hầu hết tế bào trong các mẫu khối u sơ cấp biểu hiện trạng thái biểu mô, ngoài ra có một quần thể nhỏ tế bào biểu hiện các marker của cả 2 trạng thái biểu mô và trung mô. Điều thú vị là khi khảo sát các tế bào tuần hoàn, các nhà khoa học thu được kết quả trái ngược: trạng thái trung mô biểu hiện ở các mẫu thu từ 17 bệnh nhân.

    Những thí nghiệm sâu hơn tiếp tục được tiến hành trên 11 bệnh nhân đã qua điều trị với vật liệu là quần thể tế bào khối u tuần hoàn. Với 6 bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp, số lượng các tế bào khối u tuần hoàn giảm và chúng cũng giảm biểu hiện trạng thái trung mô. Với các bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp, kết quả cho thấy có sự gia tăng biểu hiện trạng thái trung mô ở các tế bào khối u tuần hoàn. Điều này cho thấy có sự thay đổi giữa 2 trạng thái biểu mô và trung mô trên bệnh nhân và sự thay đổi này phụ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp.

    a_Lam

    Hình ảnh 5 loại tế bào khối u tuần hoàn trong cơ thể bệnh nhân được nhuộm bằng phương pháp RNA-ISH với các marker cho trạng thái biểu mô và trung mô (màu xanh lá cây – biểu mô, màu đỏ – trung mô)

    Nghiên cứu này đã cho thấy vai trò quan trọng của hiện tượng EMT trong bệnh ung thư vú giai đoạn di căn. Tác giả Maheswaran tin rằng “việc kiểm soát hiện tượng EMT ở các tế bào khối u tuần hoàn có thể trở thành phương pháp dùng để kiểm soát quá trình tăng trưởng khối u”.

    *Tham khảo theo [1] Vanessa Marchesi. Epithelial–mesenchymal transitions in human breast cancer samples, Nature Reviews Clinical Oncology 10, 184, 2013 và [2] Yu, M. et al. Circulating breast tumor cells exhibit dynamic changes in epithelial and mesenchymal composition, Science 339, 580–584, 2013.

    Khuất Tấn Lâm
    ktlam@hcmus.edu.vn

  • Bước đột phá trong điều trị ung thư mà không gây tác dụng phụ trên chuột: Phương pháp hoá trị mới có thể chữa trị trên người bị ung thư.

    Theo con số thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh, mỗi năm có khoảng 500.000 người chết vì bệnh ung thư ở Mỹ. Cuộc vận động chống lại bệnh ung thư gần đây đã đạt được thành công lớn dưới sự lãnh đạo của Giáo sư M. Frederick Hawthorne trường Đại học Missouri Curators. Nhóm của Hawthorne đã phát triển một hình thức mới của liệu pháp chiếu xạ, phương pháp này đã được áp dụng thành công trên chuột. Phương pháp điều trị mới này không gây ra các tác dụng phụ có hại như các phương pháp hoá trị và xạ trị thông thường. Các thử nghiệm cận lâm sàng có thể sẽ được tiến hành sớm sau khi Hawthorne bảo đảm được nguồn kinh phí.

    Hawthorne, người gần đây nhận được Huy chương quốc gia về khoa học do Tổng thống Obama trao tặng đã phát biểu: “Từ năm 1930, các nhà khoa học đã tìm kiếm thành công phương pháp điều trị ung thư “Boron neutron capture therapy_BNCT” tạm dịch là “Liệu pháp chiếu xạ bắt giữ neutron boron”. Ông chia sẻ “Nhóm của chúng tôi tại Viện Quốc tế MU về Nano và Dược học Phân tử cuối cùng đã tìm ra cách để ứng dụng một cách có hiệu quả lên tế bào ung thư kết hợp với hoá học nano”.

    Các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn các tế bào bình thường và quá trình hấp thu chất của chúng cũng nhiều hơn các tế bào bình thường. Nhóm của giáo sư Hawthorne đã dựa vào đặc tính này, cho các tế bào ung thư hấp thu và dự trữ hoá chất boron, hoá chất này được thiết kể bởi Hawthorne. Những tế bào ung thư có chứa boron được tiếp xúc với neutron, neutron là một tiểu phần của nguyên tử, các nguyên tử boron bị vỡ và xé các tế bào ung thư, nhưng không làm tổn thương các tế bào bình thường lân cận.

    Những tính chất vật lý của boron đã làm cho kỹ thuật của Hawthorne trở nên khả thi. Dạng đặc biệt của boron sẽ phân tách khi nó bắt một neutron và giải phóng lithium, helium và năng lượng. Giống như những quả bóng trên một bàn bida, các nguyên tử helium và lithium thấm qua tế bào ung thư và phá huỷ nó từ phía bên trong mà không gây hại cho các mô xung quanh.

    boron

    Cơ chế tiêu diệt tế bào ung thư của kỹ thuật BNCT

    “Kỹ thuật BNCT này có thể được sử dụng cho nhiều loại ung thư”, Hawthorn đã nói. “Kỹ thuật này cho thấy kết quả rất khả quan trên chuột. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm trên động vật lớn hơn, và sau đó trên người. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi có thể bắt đầu điều trị trên người, chúng tôi cần phải xây dựng một quy trình và các thiết bị ổn định. Một khi điều đó được thiết lập, MU sẽ là nơi sử dụng liệu pháp xạ trị này đầu tiên”.

    Nguyễn Thị Minh Nguyệt
    ngtmnguyet@hcmus.edu.vn
    Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/04/130403131354.htm

  • Chất Silibinin chống lại ung thư da gây ra bởi tia UV.

    Chất Silibinin chống lại ung thư da gây ra bởi tia UV.

    Chất Silibinin, được tìm thấy trong nhựa cây Kế (thuộc họ cúc), chống lại ung thư da gây ra bởi tia UV.

    Nghiên cứu tại trung tâm ung thư ở đại học Colorado cho thấy dịch chiết từ nhựa cây Kế, chất silibinin, có thể giết những tế bào da bị đột biến do tia UVA và chống lại những tổn thương gây ra bởi tia UVB. Do đó, silibinin có khả năng chống lại ung thư da do tia UV và sự lão hóa da.

    “Khi bạn có tế bào bị ảnh hưởng bởi tia UV, bạn muốn sửa chữa hay tiêu diệt tế bào đó để không dẫn đến ung thư. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chất silibinin có thể làm cả 2 điều này”, theo lời Tiến Sĩ Rajesh Agarwal – đồng lãnh đạo chương trình Kiểm soát và Phòng chống Ung thư, Viện Ung thư CU, trường Đại học Colorado, Giáo sư tại  Skaggs School of Pharmacy và Pharmaceutical Sciences.

    milk-thistle-herb PHP_1050_f1gam

    Cấu trúc cây kế và cơ chế chống tia UVA của Silibinin

    Nghiên cứu đầu tiên, đăng trên tạp chí “Photochemistry and Photobiology”, được tiến hành trên tế bào da người được chiếu tia UVA. Sau đó, những tế bào da bị chiếu xạ được xử lí với silibinin. Khi sử dụng silibinin, tỉ lệ tế bào chết tăng đáng kể.

    “Khi tế bào da người – keratinocyte – bình thường được xử lí với silibinin, không có hiện tượng gì xảy ra bởi vì khi đó không có sự hiện diện của chất độc. Nhưng khi những tế bào keratinocyte bị chiếu xạ tia UV được xử lí với chất silibinin thì silibinin giết chết những tế bào bị tổn thương”, theo ông Agarwal. Từ đó, những tế bào có khả năng gây ra ung thư da và lão hóa sớm bị loại bỏ.

    Đặc biệt, nghiên cứu này cho thấy việc xử lí với silibinin gây ra sự giải phóng các ROS nhiều hơn ở những tế bào bị chiếu xạ, dẫn đến tỉ lệ tế bào chết tăng.

    Nghiên cứu tiếp theo, đăng trên tạp chí Molecular Carcinogenesis, cho thấy bên cạnh khả năng giết tế bào bị tổn thương do tia UVA, chất silibinin cũng bảo vệ tế bào da người khỏi những tác hại của tia UVB.

    Như đã nêu trên, theo giáo sư Agarwal, có 2 cách phòng chống ung thư da do tia UV: chống lại những tổn hại DNA hoặc giết chết tế bào có mang đột biến DNA. Tế bào da khi được chiếu xạ bởi tia UVA sẽ bị silibinin giết chết. Tuy nhiên, khi được xử lí với tia UVB, silibinin sẽ bảo vệ những tế bào bị tổn thương bằng cách tăng cường biểu hiện gene protein interleukin-12 – một protein có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa những tế bào hư hỏng.

    Giáo sư Agarwal và đồng nghiệp tiếp tục thử nghiệm hiệu quả ngăn ngừa và phòng chống ung thư của silibinin trên các dòng tế bào, mô hình chuột và các liệu pháp sử dụng silibinin trên người.

    Trương Thị Hoàng Mai
    tthmai@hcmus.edu.vn
    Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/01/130130143636.htm

  • Phương pháp mới giúp dự đoán đáp ứng của bệnh nhân ung thư ruột đối với hóa trị liệu

    Phương pháp mới giúp dự đoán đáp ứng của bệnh nhân ung thư ruột đối với hóa trị liệu

    Các nhà khoa học tại trường Cao đẳng Hoàng gia Ai-len về Phẫu thuật (RCSI) và Bệnh viện Beaumont đã phát triển một phương pháp mới có thể dự đoán bệnh nhân ung thư ruột (trực tràng) sẽ đáp ứng như thế nào với trị liệu.

    Các kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trong tạp chí Cancer Research. Ung thư ruột là loại ung thư phổ biến thứ hai ở Ai-len. Trong năm 2009, 2.271 người bị chẩn đoán mắc bệnh, đây cũng là loại ung thư chiếm hơn phân nửa tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư ở Ai-len.

    Untitled Khám phá này cho rằng trong tương lai có thể giúp từng bệnh nhân xác định được mức độ đáp ứng của bệnh với phương pháp hóa trị trước khi họ bắt đầu điều trị và có thể yêu cầu phương pháp điều trị bổ sung nhằm hỗ trợ trong việc tiêu diệt tế bào ung thư và phục hồi sức khỏe. Các công cụ mới đo được lượng thuốc cần thiết để làm tế bào ung thư chết mà không tổn hại đến các mô khỏe mạnh xung quanh. Công cụ này cũng có thể được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng để phát triển các loại thuốc mới trong điều trị ung thư ruột (trực tràng).

    Phát biểu về kết quả, Giáo sư Jochen Prehn – Trưởng nhóm nghiên cứu – Giám đốc Trung tâm các hệ thống Y Khoa tại RCSI cho biết: “Nghiên cứu đã cho phép chúng tôi dự đoán những bệnh nhân có khả năng đề kháng với hóa trị liệu bằng cách kiểm tra một số protein trong các tế bào ung thư của họ tương tác với thuốc trong các đợt điều trị như thế nào. Chúng tôi hy vọng phương pháp mới này sẽ giúp các bác sĩ phát triển liệu pháp cho từng bệnh nhân riêng rẽ để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất và nếu được thì có thể tránh sử dụng phương pháp hóa trị vì các tác dụng phụ mà nó gây ra cho bệnh nhân sau khi điều trị.”

    Phương pháp hóa trị sẽ phá hủy các tế bào ung thư bằng cách đưa vào một lượng thuốc nhất định nhằm làm chết tế bào theo chương trình hay còn được gọi là apoptosis. Tuy nhiên, đôi khi các đột biến trong tế bào ung thư làm thay đổi biểu hiện của các protein trong tế bào ung thư và ngăn chặn quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư. Ở một số bệnh nhân khác, các đột biến có tác dụng ngược lại và làm tăng khả năng đáp ứng thuốc của các tế bào ung thư.

    Nghiên cứu đã đưa ra kết luận về hiệu quả của phương pháp trên, nó không chỉ có hiệu quả đối với ung thư ruột mà còn có thể dự đoán trên các loại ung thư khác, đặc biệt đối với những bệnh nhân có hiện tượng kháng hóa trị liệu, ngoài ra nó còn được sử dụng như là công cụ hỗ trợ trong việc thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới.

    Huỳnh Thúy Oanh
    htoanh@hcmus.edu.vn
    Nguồn:  http://www.sciencedaily.com/releases/2013/01/130118111552.htm

  • Khám phá mới giúp giải quyết việc kháng tamoxifen ở bệnh nhân ung thư vú

    Các nhà khoa học trường đại học Cincinnati (UC) ở Ohio, Mỹ đã tìm ra cơ chế tế bào chuyên biệt trong việc kháng lại liệu pháp hormone đối với bệnh nhân ung thư vú dương tính với estrogen.

    Tiến sĩ Xiaoting Zhang và cộng sự đã xác định đồng hoạt hóa thụ thể estrogen chuyên biệt, MED1, có vai trò trung gian trong việc kháng tamoxifen ở bệnh nhân ung thư vú. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cancer Research số ra ngày 1/11/2012.

    Theo thống kê của viện ung thư quốc gia Mỹ, gần 227000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú hàng năm tại Mỹ. Khoảng 75% trong số đó có khối u dương tính với estrogen và đòi hỏi sử dụng liệu pháp hormone như tamoxifen, thuốc này có khả năng can thiệp vào vai trò của estrogen trong việc kích thích tăng trưởng tế bào ung thư vú.

    Mặc dù đã có những tiến bộ trong  liệu pháp hormone nhưng vẫn có khoảng 50% các ca kháng với các loại thuốc này và tái phát ung thư sau khi dùng.

    Estrogen và progesterone có thể kích thích sự tăng trưởng của ung thư vú. Tế bào ung thư vú nhạy cảm với hormone chứa 1 loại protein chuyên biệt được biết như là thụ thể hormone, thụ thể này được kích hoạt khi hormone gắn với thụ thể, dẫn tới sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

    Các nghiên cứu được thực hiện trên cả các mô hình tiền lâm sàng và trên các mô ung thư đều cho thấy rằng MED1 đồng kích thích và đồng biểu hiện với HER2. Gene HER2 tăng sự hiện diện trong 20-30% đối với các ca đến giai đoạn xâm lấn và có vai trò trong kháng tomoxifen.

    Sự biểu hiện vượt mức HER2 dẫn tới sự hoạt hóa MED1, trong khi đó sự giảm của MED1 dẫn tới sự ngừng phân chia của những tế bào ung thư được xem là kháng với tamoxifen. Những nghiên cứu sâu hơn về cơ chế chỉ ra rằng sự hoạt hóa HER2 của MED1 dẫn đến sự quy tụ của các yếu tố đồng kích thích thay vì yếu tố đồng ức chế bởi các thụ thể estrogen có gắn tomoxifen.

    Sự tìm ra tác động tương hỗ giữa 2 phân tử này đóng và trò chủ chốt trong việc khám phá ra cơ chế kháng liệu pháp nội tiết ở bệnh nhân ung thư vú đặc biệt là những công bố gần đây cũng chỉ ra sự biểu hiện ở mức độ cao của MED1 có liên quan tới kết quả điều trị kém hiệu quả cũng như mức độ sống sót không cao của các bệnh nhân sau trị liệu.

    Các nhà khoa học này đang sử dụng kĩ thuật nano để tác động trúng đích MED1 để khóa  con đường estrogen và HER2 nhằm vượt qua khả năng kháng liệu pháp nội tiết của tế bào ung thư vú.

    Nguyễn Thị Nhung (trợ giảng Bộ môn Sinh lý động và Công nghệ Sinh học Động vật)

    ntnhung@hcmus.edu.vn

  • Tiềm năng của Curcumin trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt

    Gần đây các nhà khoa học thuộc đại học Ludwig-Maximilians, Đức  đã chứng minh vai trò của curcumin trong tác dụng ngăn chặn di căn ở bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt . Nghiên cứu này đã được đang trên tạp chí Carcinogenesis 12/10/2012.

    Nghệ ở dạng bột đã được sử dụng hàng trăm năm trước trong y học cổ truyền để điều trị các loại bệnh khác nhau như viêm khớp và giúp làm ngừng các phản ứng viêm. Vào tháng 3/2012, các nhà nghiên cứu thuộc đại học Michigan State, Mỹ đã chứng minh lợi ích của nghệ đối với bệnh nhân bị bệnh Parkinson, ung thư đầu và cổ.

    Ung thư tuyền tiền liệt là một trong những dạng u ác tính xảy ra thông thường nhất ở phương Tây. Bệnh thường được chẩn đoán khá trễ, khi mà khối u đã ở giai đoạn di căn.

    Curcumin trong nghệ là hợp chất polyphenol tạo ra màu sắc vàng đặc trưng. Curcumin có thể dùng trong liệu pháp ngăn chặn và điều trị bệnh, thậm chí đối với bệnh nhân có khối u di căn.

    Trong nghiên cứu này Bachmeier và cộng sự đã chứng minh vai trò của curcumin đối với quá trình di căn ở ung thư tuyến tiền liệt và tìm hiểu cơ chế của quá trình này. Họ quan sát thấy rằng curcumin giúp làm giảm sự biểu hiện của CXCL1 và CXCL2, đây là chất trung gian kích hoạt tiền phản ứng viêm và có vai trò trong kích thích quá trình di căn. Do đó curcumin có thể ngăn chặn các loại ung thư có liên quan đến quá trình viêm như ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt.

    Bachmeier nói rằng mỗi người có thể sử dụng 8g curcumin mỗi ngày mà vẫn an toàn cho sức khỏe. Những bệnh nhân có hiện tượng tăng sản tế bào tuyến tiền liệt hay trong tiền sử gia đình có trường hợp bị ung thư vú thì nên sử dụng để phòng ngừa mỗi ngày.

    Tuy nhiên để có nhưng cơ sở khoa học của curcumin trong điều trị vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định lại cơ chế tác dụng của curcumin lên các dạng ung thư cũng như cần thực hiện thêm các thử nghiệm lâm sàng.

    Nguyễn Thị Nhung (trợ giảng Bộ môn Sinh lý động và Công nghệ Sinh học Động vật)

    ntnhung@hcmus.edu.vn

  • Gặp gỡ và giao lưu với học giả đạt giải Nobel 2008 – Giáo sư Hausen.

    Chiều 28-11, tại hội trường lớn nhà điều hành ĐHQG TP.HCM, giáo sư Harald zur Hausen, người đoạt giải thưởng Nobel y học 2008, nói chuyện về chủ đề “Phòng chống ung thư: thách thức cho ngành y tế toàn cầu”.

    Giáo sư Harald zur Hausen cùng các bạn sinh viên ĐHQG TP.HCM tại buổi giao lưu chiều 28-11. Ảnh: báo Tuổi Trẻ (M. Đức)

    Buổi nói chuyện này thuộc chương trình “Cầu nối” do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Quỹ hòa bình quốc tế tổ chức.

    Giáo sư Hausen cho biết theo nghiên cứu của ông, hai loại virút HPV (Human papillomavirus) 16 và HPV18 đã được tìm thấy ở 70% sinh thiết ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Virút Papilloma ở người đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu. Hơn 5% ung thư trên toàn thế giới gây ra bởi sự lây nhiễm dai dẳng của loại virút này.

    “Đến với buổi nói chuyện, chúng tôi hiểu rõ hơn rằng ung thư cổ tử cung, loại ung thư thứ hai có mức độ nguy hiểm nghiêm trọng với phụ nữ, có thể ngăn chặn sớm. Việc quan trọng của điều trị ung thư là ngăn chặn ngay từ đầu, và tôi cũng như những phụ nữ khác nên suy nghĩ đến việc chích ngừa ung thư cổ tử cung ngay khi còn trẻ” – Nguyễn Thị Nhung (cán bộ nghiên cứu phòng thí nghiệm tế bào gốc ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM)

    Papilloma lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất, với 50-80% dân số. Hơn 100 chủng loại HPV đã được biết đến, khoảng 40% loại lây nhiễm qua đường tình dục và 15 loại khác gây ra tình trạng dễ lây nhiễm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Virút Papilloma có thể được phát hiện ở 99,7% phụ nữ được xác nhận bị ung thư cổ tử cung, ảnh hưởng đến 530.000 phụ nữ mỗi năm, hầu hết ở các quốc gia đang phát triển.

    Giáo sư Hausen cũng đưa ra các phân tích của ông về đặc tính của hai chủng virút HPV16, HPV18 và hiệu quả của văcxin đối với điều trị bệnh ung thư cổ tử cung, giảm thiểu việc phẫu thuật. Lứa tuổi nên chích văcxin ung thư cổ tử cung, theo giáo sư Hausen, tốt nhất là từ 9-25 tuổi, cho cả nam lẫn nữ.

    Theo TS Trần Diệp Tuấn, phó hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM, giáo sư Hausen đã đặt ra những câu hỏi mới. Chẳng hạn cần nghiên cứu thêm là ăn các loại thịt đỏ như thịt bò được chế biến bằng phương pháp nướng sẽ gây ung thư trực tràng.

    Người ta xem khâu nướng thịt tạo ra tác nhân gây ung thư, tuy nhiên ăn nhiều thịt trắng như thịt gà nếu chế biến bằng phương pháp nướng cũng không bị ung thư. Phải chăng có sự tương tác giữa virút có trong thịt đỏ và các tác nhân gây ung thư tạo nên bệnh, không thuần túy chỉ là tác nhân được tạo ra trong quá trình nướng thịt. Những câu hỏi của giáo sư Hausen sẽ là tiền đề gợi mở cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực này.

    GS.TS Trần Thị Lợi, công tác tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, cho biết: qua phần trình bày của giáo sư Hausen, bà đã được bổ sung kiến thức về miễn dịch của cơ thể, giữa nhiễm HPV và vì sao gây ra ung thư cổ tử cung. Điểm mới và quan trọng, theo bác sĩ Lợi, là thông tin những bệnh ung thư có thể phòng chống từ sớm là ung thư do vi khuẩn gây ra như ung thư dạ dày, bàng quang, ung thư do virút như ung thư gan, cổ tử cung.

    Đối với ung thư cổ tử cung, văcxin là chiến lược dự phòng cấp một và tầm soát ung thư cổ tử cung là chiến lược dự phòng cấp hai. Hai chiến lược này phải được phối hợp, văcxin sẽ giúp thời điểm tầm soát cách xa hơn chứ không thể thay thế tầm soát ung thư.

    Đặt câu hỏi với giáo sư Hausen, bác sĩ Lợi cho biết VN đã có cả hai loại văcxin ngừa ung thư cổ tử cung nhưng Bộ Y tế chỉ cho phép chích trong độ tuổi từ 9-25 mà không xét đến yếu tố văn hóa VN là nhiều phụ nữ có gia đình muộn và quan hệ tình dục sau 25 tuổi. Việc lấy mốc 9-25 tuổi, theo bác sĩ Lợi, vì nước ngoài có đời sống mở rộng, độ tuổi quan hệ tình dục trung bình là 13, nhưng tại VN không phải ai cũng có “sex” trước hôn nhân.

    Hiện nay, các bệnh viện phụ sản như Hùng Vương, Từ Dũ, Viện Pasteur đều có dịch vụ chích ngừa ung thư cổ tử cung nhưng người dân phải trả tiền cho dịch vụ này. Theo bác sĩ Lợi, nếu Nhà nước đưa văcxin ung thư cổ tử cung vào chương trình tiêm chủng quốc gia thì sẽ có lợi cho người dân. Hiện tại, những người đi chích ngừa ung thư cổ tử cung chưa nhiều, bởi theo bác sĩ Lợi, chỉ những người có tiền mới quan tâm đến việc này.

    Theo Báo Tuổi Trẻ

  • Phát hiện tiềm năng điều trị của những tế bào tạo mạch máu mới

    Phát hiện tiềm năng điều trị của những tế bào tạo mạch máu mới

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện các tế bào gốc giữ vai trò quyết định trong sự phát triển mạch máu mới. Nếu như các nhà nghiên cứu biết cách phân lập và sản xuất hiệu quả các tế bào gốc được tìm thấy trong thành mạch máu thì có thể đem đến các cơ hội mới trong điều trị các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh khác.

    Sự tăng trưởng của các mạch máu mới, còn được gọi là sự hình thành mạch, cần thiết trong sự phục hồi khi sửa chữa mô hoặc cơ quan bị tổn thương. Không may, các khối u ác tính cũng có khả năng hình thành mạch máu mới để nhận oxy và chất dinh dưỡng. Nói cách khác, hướng điều trị sẽ tập trung vào hai phương pháp : Một phương pháp sẽ giúp khởi động quá trình tạo mạch và một phương pháp khác có thể ngăn chặn quá trình. Thuốc ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới đã được giới thiệu, nhưng hiệu lực và hiệu quả để lại lâu dài của nó cần được cải thiện nhiều hơn.

    Hơn một thập kỉ qua, Phó Giáo sư Petri Salvйn từ Đại học Helsinki đã nghiên cứu cơ chế hình thành mạch để khám phá ra bằng cách nào để ngăn chặn hoặc tăng cường sự hình thành mạch máu. Ông đã nghiên cứu sự ra đời và nguồn gốc của các tế bào nội mô, tạo thành lớp mỏng tế bào bên trong mạch máu. Ông thấy rằng tế bào nội mô cần thiết cho sự hình thành mạch máu mới. Các tế bào đa dạng đó đến từ đâu? Có thể ngăn chặn hoặc tăng cường sự sản xuất dòng đó?

    Trong một thời gian dài, người ta đã giả định rằng các tế bào mới trong thành mạch máu có nguồn gốc từ tủy xương người trưởng thành.. Trong một bài báo được công bố năm 2008, đội ngũ nghiên cứu của Salvйn cho thấy rằng các tế bào gốc đó không được tìm thấy trong tủy xương.

    Vậy các tế bào gốc bí hiểm đó bắt nguồn từ đâu?

    Salvйn nói “Chúng tôi đã thành công trong việc phân lập các tế bào nội mô với một tỉ lệ phân chia cao trong thành mạch máu chuột. Chúng tôi thấy rằng các tế bào tương tự trong mạch máu người và ở các mạch máu hình thành trong khối u ác tính ở người. Các tế bào đó được biết như là các tế bào gốc nội mô mạch, viết tắt là VESC. Trong nuôi cấy, một tế bào có khả năng sản xuất mười triệu tế bào để hình thành mạch máu mới.”

    “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những tế bào gốc quan trọng đó có thể được tìm thấy như các tế bào đơn giữa các tế bào nội mô thông thường trong thành mạch máu. Khi quá trình tạo mạch bắt đầu, các tế bào đó bắt đầu tạo ra các tế bào thành mạch máu mới.”

    Hiệu quả của những tế bào gốc nội mô mới cũng được kiểm tra trong chuột. Các kết quả cho thấy sự tăng trưởng của các mạch máu mới bị suy yếu và sự tăng trưởng của các khối u ác tính bị chậm lại nếu số lượng các tế bào đó trong cơ thể dưới mức bình thường. Số lượng lớn các mạch máu mới nhanh chóng hình thành tại vị trí cấy ghép tế bào gốc mới.

    Xác định các tế bào gốc giữa các tế bào thành mạch máu khác là thử thách lớn và tốn thời gian. Salvйn và đội ngũ nghiên cứu của ông đã xác định vài cấu trúc phân tử bề mặt để dễ dàng theo dõi các tế bào gốc đó. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình xác định đó vẫn cần được tăng cường.

    “Nếu chúng tôi có thể tìm nhiều phân tử đặc trưng cho cấu trúc bề mặt của những tế bào hiếm đó. Chúng tôi có thể dễ dàng nâng cao hiệu quả và độ chính xác của quá trình phân lập tế bào hơn mười lần. Điều này có thể cung cấp đủ số lượng tế bào cần thiết để điều trị cấy ghép cho người” Salvйn nói.

    Xác định và phân lập loại tế bào gốc trưởng thành hoàn toàn mới là một phát hiện quan trọng trong sinh học tế bào gốc. Tế bào gốc nội mô trong mạch máu đặc biệt thú vị, bởi vì chúng đem đến tiềm năng ứng dụng đặc biệt trong y học thực hành và liệu pháp điều trị cho bệnh nhân.

    Nếu một phương pháp hữu hiệu để sản xuất các tế bào gốc nội mô có thể được phát triển, chúng sẽ mang đến cơ hội điều trị mới trong các tình huống hư hại mô hoặc các bệnh kích thích tăng trưởng mạch máu mới, các bệnh co thắt mạch hoặc rối loạn chức năng của mô mạch máu thiếu oxy.

    Các tế bào đó cũng mang đến các cơ hội mới để phát triển các loại thuốc để tìm cách ngăn chặn hình thành mạch máu mới trong các khối u ác tính.

    Trích từ “Generation of Functional Blood Vessels from a Single c-kit Adult Vascular Endothelial Stem Cell;” Shentong Fang và cs.; PLoS Biology, 2012;

    Nguồn Stem Cell Research News – Preclinical Research – 16/10/2012

    Kiều Oanh (nghiên cứu viên PTN Tế bào gốc)

    ngtkioanh@gmail.com