Nhiều cây thuốc châu Phi chứa các chất hóa học có thể ngăn ngừa sự di căn các tế bào ung thư. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu sau khi thực hiện tại phòng thí nghiệm Đại học Johannes Gutenberg University, Mainz (JGU). Các hợp chất từ cây sẽ được tiếp tục phân tích để đánh giá tiềm năng điều trị bệnh của chúng.
GS. Thomas Efferth của Viện Dược học và Sinh hóa – Khoa học liệu pháp sự sống tại đại học Mainz giải thích: “Các hoạt chất hiện diện trong các cây thuốc châu Phi có thể giết các tế bào ung thư đã kháng nhiều hơn một loại thuốc. Vì vậy, chúng là một điểm khởi đầu hoàn hảo trong việc phát triển những chiến lược điều trị ung thư mới khi tế bào ung thư không bị tác động bởi các tác nhân liệu pháp thường quy”. Trong 4 năm qua, GS. Efferth và TS. Sinh hóa Victor Keute của Đại học Dschang ở Cameroon đã nghiên cứu các hoạt chất trong các cây cỏ châu Phi như cây cúc gai (giant globe thistle), tiêu dại (wild pepper), cỏ mác (speargrass) và ớt Ethiopia (Ethiopian pepper).
Sự kháng đa thuốc là một trong những vấn đề gây lo ngại nhất trong liệu pháp điều trị ung thư vì trong những trường hợp như vậy hầu hết các thuốc trị ung thư chuẩn được sử dụng trong liệu pháp bị thất bại và cơ hội sống sót của bệnh nhân vì thế bị giảm đáng kể. Vấn đề không thể chỉ đơn giản được giải quyết bằng cách tăng liều điều trị vì nó cũng gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm không mong muốn. GS Efferth nói thêm: “Chúng tôi đang tìm kiếm các chất có thể phá vỡ tính kháng thuốc của ung thư và không gây tác dụng phụ”, ông cũng làm việc với các cây thuốc được sử dụng trong đông y Trung Hoa.
Các đoạn rễ của cây cúc gai
Nhiều loại cây chứa các độc tố có tác dụng tự bảo vệ chống lại động vật ăn chúng và các bệnh do vi sinh vật. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa trên mặt đất, các thực vật đã kiểm soát các phân tử xác định để giúp chúng bù đắp bất lợi chính của chúng khi đối mặt với kẻ thù, tức là tính bất động và thiếu một hệ thống miễn dịch. Thách thức cho các nhà dược học bây giờ là xác định chất từ thực vật nào là thuốc và chất nào là độc và nguy hiểm.
Trong dự án liên kết với Mainz, nhà khoa học người Cameroon Victor Kuete đã kiểm tra hơn 100 loại thực vật ở đất nước của ông và tác động gây độc của chúng lên tế bào ung thư. Được trao giải Humboldt Research Fellowship, bây giờ ông có thể tiếp tục và mở rộng nghiên cứu của mình như là một thành viên của nhóm nghiên cứu của Thomas Efferth tại Mainz. Efferth nói: “Chúng tôi đã tìm thấy các chất benzophenone và các chất hóa học thực vật khác có thể vượt qua các cơ chế kháng thuốc của ung thư và vì thế mở ra nhiều cơ hội mới cho nghiên cứu kế tiếp”.
Các nhà nghiên cứu đang tập trung vào 3 cơ chế kháng thuốc khác nhau. Sự kháng thuốc qua trung gian kênh vận chuyển, chúng ngăn chặn thuốc gây ra tác động do một cơ chất gọi là P-glycoprotein thúc đẩy sự bơm thuốc ra khỏi tế bào ung thư. Trong trường hợp sự kháng thuốc thông qua gen ức chế khối u, một đột biến trong protein p53 nghĩa là các tế bào ung thư không những không bị tiêu diệt mà còn trở nên kháng thuốc và tăng tính ác tính. Cuối cùng, sự kháng thuốc thông qua gen gây ung thư (oncogene), thụ thể nhân tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor receptor – EGFR) gửi tín hiệu vào trong tế bào làm cho khối u tăng trưởng nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu tại Mainz có các mô hình tế bào của cả 3 cơ chế kháng thuốc, giúp họ có thể thử nghiệm tính hiệu quả của các chất thu từ thực vật.
Trong tổng số 8 công bố gần đây nhất của họ, nhóm nghiên cứu báo cáo rằng 4 hoạt chất benzophenone tự nhiên có thể ngăn chặn sự tăng sinh của các dòng tế bào ung thư được nghiên cứu, bao gồm cả các dòng kháng đa thuốc. “Benzophenone được tìm thấy là những chất có tiềm năng gây độc cần được nghiên cứu mở rộng với mục đích phát triển các loại thuốc tiêu diệt ung thư mới có hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư kháng thuốc” là lời khẳng định trên bài báo được công bố gần đây trong tạp chí khoa học Phytomedicine.
Theo ScienceDaily