Tạo thành công mô buồng trứng trong phòng thí nghiệm

0
564

Một nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng của buồng trứng được tạo trong phòng thí nghiệm sẽ cung cấp một lựa chọn tự nhiên hơn, thay thế liệu pháp hormon ở phụ nữ. Theo tạp chí Biomaterials, một nhóm nghiên cứu đến từ Viện Wake Forest Baptist Medical (Trung tâm Y học) báo cáo rằng, trong các phòng thí nghiệm, buồng trứng nhân tạo đã cho thấy sự duy trì tiết hormone giới tính estrogen và progesterone một cách đều đặn và mang hoạt tính bình thường như các loại hormone do cơ thể tự tiết. Mặc dù có rất nhiều loại thuốc bổ sung cho sự thiếu hụt hormone giới tính ở nữ, nhưng đa số chúng thường được khuyến cáo không nên sử dụng lâu dài vì có thể làm gia tăng nguy cơ bệnh tim và ung thư vú ở những người có nguy cơ cao như tiền sử bản thân hoặc gia đình đã từng mắc các loại bệnh trên.

17-6

“Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một loại mô hoặc tế bào dựa trên liệu pháp hormone – bản chất của nó là buồng trứng được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể tiết các loại kích thích tố tự nhiên hơn so với các loại thuốc nhân tạo khác”, ông Emmanuel C. Opara, Tiến sĩ, Giáo sư y học tái sinh và là tác giả cho biết: “Ưu điểm của phương pháp này là khả năng tiết ra hormone một cách tự nhiên dựa trên nhu cầu của cơ thể, chứ bệnh nhân không cần phải uống một liều thuốc chính xác mỗi ngày như các liệu pháp trước đây.”

Ngoài chức năng điều hòa sinh sản, buồng trứng còn có thể tiết ra một số nhân tố tích cực quan trọng đối với sự tạo thành và đảm bảo chức năng của xương, bên cạnh đó, nó còn có ảnh hưởng tốt với sức khỏe tim mạch. Buồng trứng có thể bị tổn hại, mất chức năng do các nguyên nhân như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị vì một số loại ung thư cũng như thời kỳ mãn kinh. Khi các hormone không còn được tiết sẽ gây nên một số triệu chứng ở phụ nữ như nóng bức, khó chịu trong người, hay cáu gắt, khô âm đạo dẫn đến việc quan hệ vợ chồng gặp khó khăn, tăng nguy cơ loãng xương và bệnh tim.

“Nghiên cứu của dự án này làm tăng hy vọng ở những phụ nữ bị chứng suy buồng trứng sớm hoặc ở phụ nữ vừa bắt đầu thời kỳ mãn kinh”, Tiến sĩ, Bác sĩ Tamer Yalcinkaya phát biểu: “Các dạng ghép sẽ mang lại lợi thế nhất định: nó sẽ loại bỏ hoàn toàn các biến động dược học của kích dục tố khi dùng thuốc và cũng sẽ tạo một sự phản hồi của cơ thể để kiểm soát việc tiết hormone của buồng trứng.”

Các tế bào buồng trứng sẽ được nuôi bên trong một màng mỏng chỉ cho phép oxy và các chất dinh dưỡng vào tận các hốc nang, phòng ngừa tình trạng đáp ứng miễn dịch ở những bệnh nhân được ghép tế bào. Với liệu pháp này, chức năng của mô buồng trứng từ các người hiến tặng có thể hoạt động tốt trong cơ thể người nhận. Các nhà khoa học đã phân lập được hai loại tế bào nội tiết được tìm thấy trong buồng trứng (tế bào vỏ – theca và tế bào hạt – granulosa) từ chuột 21 ngày tuổi. Các tế bào được bao bọc bởi một loại vật liệu tương thích với cơ thể. Từ đó, họ đánh giá hoạt động của các tế bào khi sắp xếp theo ba cách khác nhau.

Chức năng của các nang được đánh giá bằng cách cho các tế bào tiếp xúc với hormone kích thích nang trứng (Follicle Stimulating Hormone-FSH) và gây rụng trứng (Luteinizing Hormone-LH), đây là hai loại hormone từ tuyến yên có nhiệm vụ kích thích buồng trứng sản xuất hormone giới tính. Sự sắp xếp của các tế bào trong nang mô phỏng gần nhất với buồng trứng tự nhiên (lớp nền tế bào với định dạng 3D) cho hiệu quả tiết estrogen cao hơn mười lần so với các kiểu sắp xếp khác. Các nang này cũng tiết progesterone cùng với Inhibin và Activin, hai hormone quan trọng tương tác với tuyến yên và vùng dưới đồi điều khiển việc sản xuất hormone giới tính nữ.

“Những tế bào trong các lớp nang được quan sát cho thấy có chức năng tương tự như buồng trứng. Sự tiết Inhibin và Activin cho thấy những cấu trúc này có khả năng hoạt động linh hoạt bằng cách đồng bộ hóa với hệ thống điều tiết bẩm sinh của cơ thể”, Giáo sư Opara lạc quan cho biết.

Huỳnh Thúy Oanh
htoanh@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/03/130326151131.htm