Sự liên quan giữa khả năng sinh sản của phụ nữ và hệ thống miễn dịch

0
499

Một nghiên cứu mới cho rằng chức năng sinh sản của phụ nữ có thể được gắn với tình trạng miễn dịch của cơ thể. Trước đây, một số công trình đã tìm thấy sự liên quan này ở nam giới nhưng chưa tìm thấy sự liên quan ở phụ nữ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Journal of Human Biology.

Trong cơ thể sinh vật, quá trình đồng hóa và dị hóa luôn diễn ra song song nhằm mục đích dự trữ, cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cho sự sinh trưởng và phát triển của cá thể. Vì vậy, nguồn năng lượng trong cơ thể luôn được sử dụng một cách cẩn thận để tạo sự hoạt động hiệu quả nhất trong hoạt động sống của cá thể đó. Ưu tiên hàng đầu của cơ thể là sự bảo trì, trong đó bao gồm các nhiệm vụ liên quan đến sự tồn tại, duy trì chức năng của các cơ quan hoạt động đồng bộ, bình thường, trong đó bao gồm cả chức năng miễn dịch, lượng năng lượng còn lại sẽ dành cho sự sinh sản, duy trì nòi giống. Luôn có một sự phân bổ đồng đều trong việc sửa chữa, bảo vệ cơ thể và sự sinh sản. Các vấn đề về stress và ảnh hưởng của môi trường có thể làm mất cân bằng việc này, Giáo sư Kathryn Clancy, tác giả của nghiên cứu, đứng đầu Phòng thí nghiệm Tiến hóa về Nội tiết (The Laboratory for Evolutionary Endocrinology) cho biết.

mien_dich_va_ss

Sự tương quan giữa hệ miễn dịch và khả năng sinh sản

Những tình nguyện viên trong nghiên cứu là một nhóm phụ nữ Ba Lan khỏe mạnh, sống ở nông thôn, đang trong giai đoạn tiền mãn kinh và vẫn đang thực hiện tập quán canh tác truyền thống hằng ngày. Các nhà khoa học tiến hành thu nhận mẫu nước tiểu và nước bọt của họ trong mùa thu hoạch, khi mà mức độ hoạt động thể chất đang ở cường độ cao. Quá trình này vô tình cung cấp một nguồn năng lượng tự nhiên và dồi dào trong việc cân bằng cơ thể. Các nghiên cứu trước đó cho thấy sự ức chế buồng trứng cao nhất xảy ra trong khoảng thời gian này.

Hàng ngày, các nhà nghiên cứu kiểm tra nồng độ các hormone do buồng trứng tiết ra có trong nước bọt của các tình nguyện viên khi họ đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Họ cũng kiểm tra mẫu nước tiểu để đo mức độ protein do phản ứng-C (CRP), một dấu hiệu thường thấy trong các phản ứng viêm. “Tùy thuộc vào một số yếu tố mà CRP có thể cho biết về chức năng miễn dịch hoặc các căng thẳng mà cơ thể đang có vì CRP có sự tương quan với những điều đó trong quần thể sinh vật”, Giáo sư Clancy giải thích. Các nhà khoa học đã quan sát mối liên hệ trái ngược giữa CRP và progesterone trong những tình nguyện viên có hàm lượng CRP cao và progesterone thấp. Ngoài ra, họ cũng phát hiện rằng estradiol và lần kinh nguyệt đầu tiên là yếu tố dự báo đáng tin cậy nhất về nồng độ CRP.

Clancy nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận sự viêm có liên quan đến việc giảm tiết hormone buồng trứng. Tuy nhiên, bà cho rằng có hai giả thuyết để giải thích những kết quả trên. Thứ nhất là do cơ chế nội mô của sự viêm cục bộ khiến cho CRP có mức độ cao hơn và ức chế sự tiết progesterone. Một nguyên nhân khác là do căng thẳng tâm lý hoặc các ảnh hưởng của sự quá tải trong hệ miễn dịch về việc đáp ứng các vấn đề của cơ thể như sự bảo vệ khỏi các tác nhân xâm nhiễm (vi khuẩn, virus) hay một số vấn đề về dị ứng (kháng nguyên không hoàn toàn-hapten) nên gây ức chế và giảm tiết các loại hormone buồng trứng.

Từ các quan điểm nhân chủng học, những nghiên cứu này thực sự quan trọng vì nó giúp chúng ta tìm hiểu các thời kỳ khác nhau trong quá trình sinh trưởng của con người: các thay đổi về hình thể, tâm sinh lý, các quá trình xảy ra bên trong cơ thể của chúng ta tương ứng với một giai đoạn phát triển của cơ thể. “Đây thực sự là điều rất thú vị, nó cho ta biết thời điểm thích hợp để sinh sản và từ đó phân bổ và sắp xếp lại mọi thứ để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho việc chuẩn bị làm mẹ và chăm sóc con cái”, Giáo sư Clancy cho biết.

Huỳnh Thúy Oanh
htoanh@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/05/130517152435.htm