LOÀI ĐỘNG VẬT KHÔNG CÓ NHIÊM SẮC THỂ Y Ở CON ĐỰC

0
2206

ntkoanh 12

Hình: Vị trí trên nhiễm sắc thể của gen liên kết giới tính AMH (mũi tên màu trắng) trong con đực loài T.osimensis. Các nhiễm sắc thể được nhuộm kép với các chất huỳnh quang khác nhau (đỏ và xanh) để lập bản đồ gen chính xác.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hokkaido đã tiết lộ rằng các gen chính quy định giới tính tiếp tục hoạt động trong một loài động vật có vú mà thiếu nhiễm sắc thể Y, điều này đưa chúng ta tiến thêm một bước trong sự hiểu biết về khác biệt giới tính.

Trong hầu hết các động vật có vú có nhau thai, nhiễm sắc thể Y cảm ứng sự biệt hóa tạo thành con đực trong quá trình phát triển, trong khi phôi không có nhiễm sắc thể Y sẽ tạo thành con cái. Gen quyết định giới tính SRY hiện diện trên nhiễm sắc thể Y và cảm ứng những gen điều hòa khác giúp ức chế sự biệt hóa giới tính của con cái. Tuy nhiên, loài chuột gai Tokunoshima (Tokudaia osimensis) là một ngoại lệ vì nó thiếu một nhiễm sắc thể Y (2n = 45) và do đó không có gen SRY, điều này đặt ra một câu hỏi là tại sao sự biệt hóa giới tính đực vẫn xảy ra.

Tomofumi Otake và Asako Kuroiwa của Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã thực hiện việc xây dựng bản đồ gen để xác định vị trí nhiễm sắc thể của gen liên quan đến giới tính trong bộ gen của loài T.osimensis. Sau đó, họ so sánh trình tự nucleotide và amino acid của loài này với những loài chuột nhắt và chuột rat khác. Ngoài ra, bằng cách sử dụng các tế bào nuôi cấy, họ cũng kiểm tra được các gen liên quan đến giới tính được điều hòa như thế nào.

Gen SRY đã được nghiên cứu kĩ trong các nghiên cứu trước đây và được biết là có khả năng mở các gen điều hòa như Sox9 và AMH giữ vai trong quan trọng trong sự biệt hóa giới tính đực. Kết quả của nhóm cho rằng mặc dù trong loài T.osimensis không có gen SRY nhưng các gen điều hòa bình thường vẫn hiện diện và hoạt động như trong các động vật có vú có nhau thai khác.

Giáo sư Kuroiwa cho rằng có một gen nào đó chưa biết có tác dụng thay thế cho gen SRY trong loài T.osimensis. Nhiễm sắc thể Y của động vật có vú đã được thu hẹp trong quá trình tiến hóa bằng cách giảm số lượng gen của nó và vài nhà khoa học nghĩ rằng nó sẽ hoàn toàn biến mất tại một thời điểm nào đó. Hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp ích trong việc hiểu biết về cơ chế quyết định giới tính không phụ thuộc vào nhiễm sắc thể Y và khía cạnh tiến hóa của nó.

Theo Science Daily

Kiều Oanh