Tuyên bố bất ngờ gây chấn động toàn thế giới về em bé đầu tiên được chỉnh sửa gene đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các nhà khoa học thế giới và cả Trung Quốc. Nhiều câu hỏi được giới khoa học quốc tế đặt ra xung quanh kết quả này.
Ngày 29 tháng 11, Ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gene người tại Hồng Kông, nơi mà Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) tuyên bố công trình của mình, cho biết rất bất ngờ và lo ngại sâu sắc khi được biết việc chỉnh sửa gene đã được tiến hành trên phôi của con người, được cấy ghép và cho ra đời cặp sinh đôi đầu tiên. “Quy trình tiến hành công trình nghiên cứu này là vô trách nhiệm và không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.”, Ủy ban này tuyên bố.
Hạ Kiến Khuê (giữa) đang trả lời các đồng nghiệp trong Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gene người tại Hồng Kông. Ảnh: Nature.
Hạ Kiến Khuê tiết lộ một phần công trình của mình, ông cho biết đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9 để thay đổi gene CCR5 trong bộ gene của hai phôi, sau đó ông cấy vào một người phụ nữ. Gene CCR5 mã hóa một protein mà một số chủng HIV phổ biến sử dụng để lây nhiễm cho các tế bào miễn dịch (nơi cư trú của virus này trên người). Do đó việc tắt hoặc bất hoạt gene này sẽ làm cho virus HIV không thể xâm nhiễm và phát triển bệnh trên người mắc phải.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra sau khi công trình được công bố. Tạp chí Nature đã tóm tắt sáu câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ sau sự kiện này:
1. Hạ Kiến Khuê có gặp rắc rối gì sau tuyên bố của mình?
Vào ngày 27 tháng 11, một ngày trước khi Hạ Kiến Khuê phát biểu tại hội nghị, Bộ y tế Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Quảng Đông (nơi ông công tác – trường Đại học Khoa học & công nghệ Nam Trung Quốc) để điều tra ông.
Hai ngày sau, Bộ Khoa học & công nghệ nước này cũng ra quyết định yêu cầu ông ngừng bất kỳ công trình khoa học nào đang tiến hành. Khuê cũng đã xác nhận các thí nghiệm của mình đã ngừng lại.
Thông tin về việc chính quyền Quảng Đông sẽ tiến hành điều tra và xử lý ra sao không rõ ràng. Tuy nhiên, Hạ Kiến Khuê bị cáo buộc vi phạm hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2003 của nước này. Tất nhiên, đây không phải là luật và không có hình phạt rõ ràng cho các vi phạm liên quan.
Đại học Khoa học & công nghệ Nam Trung quốc vẫn chưa có động thái nào trong việc xử lý các tuyên bố của ông này. Trao đổi với Nature, một phát ngôn viên của trường cho biết rằng “không thể tiết lộ thông tin trong lúc này” và cần chờ đợi các tuyên bố chính thức “vào một thời điểm thích hợp.” Hạ Khuê được cho là đã nghỉ phép từ tháng 2 năm 2018 và dự kiến kéo dài cho đến tháng 1 năm 2021.
Ngày 27 tháng 11, trang web chính thức của phòng thí nghiệm thuộc trường đại học nơi Hạ Kiến Khuê đăng tải thông tin giới thiệu về hai em bé chỉnh sửa gene đã được gỡ bỏ, mặc dù một số trang khác liên quan của phòng thí nghiệm vẫn còn tồn tại. Các tuyên bố ca ngợi thành tựu của ông Khuê cũng đã biến mất khỏi các trang web của chính phủ nước này. Một bài đăng khác trên trang web của Bộ khoa học Trung Quốc mô tả công nghệ giải trình tự bộ gene mà Khuê đã phát triển hiện cũng không thể truy cập được. Không rõ liệu các hành động này có liên quan đến các sự kiện gần đây hay không, nhưng các bài đăng vẫn có thể truy cập trước đó.
Theo một tuyên bố được phát ngôn viên của Hạ Kiến Khuê đưa ra, ông Khuê đã quay lại Thâm Quyến, nơi ông đang sống, sau cuộc nói chuyện tại Hội nghị. “Tôi đã trở về Thâm Quyến và sẽ không tham dự hội nghị vào thứ năm. Tôi sẽ ở lại Trung Quốc và phối hợp với các yêu cầu điều tra về công việc của tôi”, tuyên bố nói.
2. Tuyên bố có thật sự chính xác? Việc xác minh công trình sẽ tiến hành ra sao?
Nhiều nhà khoa học cho biết cần một cơ quan độc lập để xác nhận tuyên bố của Hạ Kiến Khuê cũng như tiến hành so sánh cẩn thận và chi tiết gene của hai đứa trẻ và cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng danh tính các em bé và cha mẹ của chúng cần được giữ bí mật.
“Ông ấy đã giữ bí mật và đó là mục đích tốt”, David Baltimore, nhà sinh học đoạt giải Nobel, chủ tịch hội đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh và là cựu chủ tịch Viện Công nghệ California ở Pasadena cho biết. Nhóm nghiên cứu của Khuê có thể cung cấp các mẫu ẩn danh. Các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể ghé thăm phòng thí nghiệm của ông để phân tích dữ liệu.
Trong một tuyên bố được phát ngôn bởi người phát ngôn của mình, Khuê nói sẽ mời các nhà nghiên cứu khác để thực hiện một cuộc điều tra độc lập. “Dữ liệu thô của tôi sẽ được cung cấp để bên thứ ba xem xét.”
Khuê cũng tiết lộ rằng ông đã gửi các dữ liệu về nghiên cứu chỉnh sửa gene của người cho một tạp chí để xuất bản. Ông đã nói với một số nhà khoa học rằng một bài báo sẽ được xuất bản vào cuối năm nay, nhưng không cho biết rõ sẽ đăng trên tạp chí nào. Nhưng ngay cả khi đó, các luật về bảo vệ dữ liệu di truyền rất nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ ngăn cản ông công bố dữ liệu trình tự gene và vì thế các nhà khoa học quốc tế sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh các nghi ngờ của mình.
Năm 2016, mặc dù liệu pháp thay thế ty thể chưa nhận được sự chấp thuận của cộng đồng y sinh hoặc FDA, các bác sĩ tại thành phố New York đã sử dụng liệu pháp này để tạo ra một em bé ở Mexico. Ảnh: Nature
3. CRISPR đã chỉnh sửa bộ gene của cặp sinh đôi như thế nào?
Trong trường hợp không có một ấn phẩm xuất bản chính thức – bằng một bài báo khoa học trên tạp chí hoặc một báo cáo chính thức mô tả cách chỉnh sửa gene của Khuê, một số nhà khoa học vẫn đang phân tích bản trình bày của ông này tại hội nghị để thử và tìm hiểu bộ gene của cặp song sinh đã được chỉnh sửa như thế nào, cũng như hình dụng ra các hậu quả tiềm ẩn của những thay đổi này.
Gaetan Burgio, một nhà di truyền học tại Đại học Quốc gia Australia tại Canberra, đang nghiên cứu về chỉnh sửa gene bằng công nghệ CRISPR, nói rằng dữ liệu giải trình tự thô mà Khuê trình bày trong bài phát biểu cho thấy rằng các tế bào của 2 đứa trẻ chứa nhiều phiên bản được chỉnh sửa của gene CCR5, với độ dài DNA khác nhau được xóa bỏ – có thể được tạo ra khi CRISPR chỉnh sửa trong giai đoạn phôi sớm, một số tế bào sẽ được chỉnh sửa khác với các tế bào khác, hoặc một số tế bào có thể vẫn chưa được chỉnh sửa.
Sean Ryder, nhà nghiên cứu RNA, tại Trường Y khoa Đại học Massachusetts ở Worcester, đã bày tỏ thêm những lo ngại khi đăng trên Twitter của mình. Ông cho rằng, Khuê nói với hội nghị rằng ông đã nhắm vào gen CCR5 bởi vì một số người trong tự nhiên mang một đột biến trong CCR5 thuộc trình tự được gọi là delta-32, nhằm làm bất hoạt gene này. Nhưng Ryder nói rằng việc xóa bỏ CCR5 mà Khuê tuyên bố đã đưa vào tế bào phôi của 2 đứa trẻ bằng cách kỹ thuật CRISPR không giống với đột biến delta-32. “Vấn đề là chưa một nghiên cứu nào cho biết đột biến mã bộ ba nào sẽ gây đột biến delta-32 được nghiên cứu kỹ lưỡng, và theo như tôi biết là chưa có ngay cả trên các mô hình động vật”. Ryder đã viết trong bài viết.
4. Khi nào sẽ có một người được chỉnh sửa gene khác?
Giáo sư Jennifer Doudna là một nhà khoa học tiên phong trong việc sử dụng CRISPR-Cas9 để “biên tập” chỉnh sửa gene. Khi nghe Khuê trình bày công trình của ông ấy tại Hội nghị thượng đỉnh, bà cho rằng những ý tưởng của bà có thể là tiềm năng cho các nhà khoa học liều lĩnh sử dụng nó theo những cách phi đạo đức. Đó là một nguy cơ thực sự.
Trước những tuyên bố của Khuê, nhiều nhà khoa học đã rất lo lắng về viễn cảnh rằng ai đó đang sắp sửa có ý định tạo ra một con người chỉnh sửa gene.
Nhà sinh vật học George Daley, hiệu trưởng trường y khoa Harvard ở Boston, Massachusetts và là thành viên của Ủy ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đã đề cập đến một công trình cũng nổi tiếng không kém gần đây – một quy trình thay thế DNA ti thể bị bệnh trong phôi thai với DNA ty thể khỏe mạnh từ người khác. Mặc dù liệu pháp thay thế ty thể chưa nhận được sự chấp thuận của cộng đồng y sinh hoặc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các bác sĩ tại thành phố New York đã sử dụng liệu pháp này để tạo ra một em bé ở Mexico vào năm 2016.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông, các nhà khoa học cũng đã thảo luận về tương lai sắp tới – liệu sẽ có một công bố khác về việc biên tập chỉnh sửa gene con người hay không và sự biến đổi gene sẽ di truyền đến các thế hệ tương lai như thế nào. “Chúng ta có lý do để quan tâm,” Baltimore cho biết. “Bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực này đều biết rằng điều này đang xảy ra, điều quan trọng là cần sự theo dõi từ các nhà chức trách.”
5. Những tiết lộ của Khuê có cản trở những nỗ lực đạo đức để thực hiện việc chỉnh sửa gene không?
Nhiều nhà nghiên cứu sợ rằng sự tiết lộ công trình của Khuê có thể cản trở tương lai của việc chỉnh sửa gene. Ở Mỹ, một số người cho rằng các lệnh cấm hà khắc sẽ chống lại các mục tiêu cao cả của khoa học.
Sau những tiết lộ tại Hội nghị ở Hồng Kông, Ủy viên FDA, Scott Gottlieb cho biết “Chính phủ bây giờ sẽ phải hành động”. Và vào ngày 28 tháng 11, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) Francis Collins nói trong rằng “cần thiết phải có một sự đồng thuận quốc tế nhằm ràng buộc và thiết lập các giới hạn cho loại nghiên cứu này”.
Tuyên bố được công bố tại hội nghị thượng đỉnh là một lời kêu gọi để mở một con đường cho việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene một cách an toàn trở thành các phương pháp điều trị: “Việc chỉnh sửa gene của con người có thể được chấp nhận trong tương lai nếu như những rủi ro được giải quyết.”
6. Các nhà khoa học sẽ đảm bảo quá trình giám sát về chỉnh sửa gene trong tương lai như thế nào?
“Chúng tôi không có kế hoạch chi tiết, nhưng chúng tôi đã hỏi các cơ quan nghiên cứu. Đó là một thách thức đối với thế giới.” Tuyên bố được đưa ra bởi Ủy ban tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông cho thấy rằng các viện khoa học trên khắp thế giới đã đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ của họ, đồng thời phối hợp với nhau.
Tuyên bố cũng đưa ra khuyến nghị về việc cần xây dựng một diễn đàn quốc tế – diễn đàn sẽ giúp nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng dễ dàng khi thông qua một cơ quan đăng ký quốc tế, đồng thời thảo luận các vấn đề liên quan khi chỉnh sửa gene.
Alta Charo, thành viên ban tổ chức Hội nghị Hồng Kông, một nhà sinh vật học tại trường Luật Đại học Wisconsin ở Madison, cho biết kỳ vọng phải thực tế. “Bạn không thể mong đợi sự hoàn hảo. Những gì bạn có thể làm là cố gắng giảm thiểu những sự cố này bằng các biện pháp trừng phạt hành vi lừa đảo phi khoa học”.
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ ba về chỉnh sửa bộ gene người sẽ diễn ra tại London vào năm 2021.
Bùi Nguyễn Tú Anh (Viện Tế Bào Gốc) dịch