KHPTO – Cách đây 10 năm, ngày 21/12/2007, sau nhiều đêm thức trắng, nhóm nghiên cứu của ThS.Phan Kim Ngọc, nguyên trường Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (nay là Viện tế bào gốc) hạnh phúc vỡ òa khi khi nhìn thấy rõ ràng qua kính hiển vi huỳnh quang hàng loạt đốm sáng xanh rất đẹp trên những con cá chuyển gen ra đời đầu tiên. Sự kiện này gây chấn động giới khoa học: lần đầu tiên Việt Nam tạo ra con vật sống chuyển gen.
Cho đến nay, Viện tế bào gốc (SCI) là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu từ máu ngoại vi đạt tiêu chuẩn để ghép trị liệu trên người. Chỉ trong 3 năm, SCI đã công bố thành công 176 công trình khoa học, trong đó 68 bài báo trên các tạp chí quốc tế.
Chuyển giao công nghệ cao để phục vụ con người
Phòng thí nghiệm (PTN) nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM) được thành lập cách đây 10 năm, từ năm 2007, là phòng thí nghiệm cấp quốc gia. Ngay từ khi mới thành lập, PTN đã đạt nhiều thành tích nổi bật: năm 2007, đề tài tái tạo giác mạc mắt từ tế bào gốc do PTN kết hợp với Trường đại học y Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2008, đề tài “Tạo tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục” tiếp tục được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2009, phòng thí nghiệm đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM với đề tài tạo bò sữa từ tế bào trứng đông lạnh…. Kết quả nghiên cứu của PTN vinh dự nhận giải thưởng Technologist Award năm 2016 của Hội tế bào gốc quốc tế ISCT2016; liên tục 2 năm (2015-2016), các cá nhân của PTN đạt Giải thưởng Quả cầu vàng khoa học kĩ thuật thanh niên; PTN được Hội đồng khen thưởng khoa học công nghệ của ĐHQG TP.HCM bình chọn là 1 trong các đơn vị có hoạt động khoa học công nghệ xuất sắc nhất ĐHQG TP.HCM. Tháng 6/2017, trên cơ sở PTN, Viện tế bào gốc (SCI) được thành lập.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện tế bào gốc cho biết, chỉ trong trong 3 năm (2014 – 2016) Viện đã thực hiện 17 đề tài các cấp ; trong đó có 4 đề tài cấp Nhà nước. SCI đã công bố thành công 176 công trình khoa học; trong đó 68 bài báo trên các tạp chí quốc tế.
SCI là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ, và huyết tương giàu tiểu cầu từ máu ngoại vi đạt tiêu chuẩn để ghép trị liệu trên người. Các công nghệ đã chuyển giao thành công cho Công ty Geneworld (Khu công nghệ cao TP.HCM) để sản xuất và thương mại hoá. Những sản phẩm này đang có thị trường lớn và doanh thu tương đối ở Việt Nam, khoảng 30 – 40 tỷ đồng/năm.
Viện cũng nghiên cứu phát triển thành công công nghệ sản xuất mỹ phẩm từ các thành phần tế bào gốc dùng để chống lão hoá, làm đẹp da. Các công nghệ cũng đã chuyển giao thành công cho Công ty TNHH Thế Giới Gen (Khu công nghệ cao TP.HCM) để sản xuất và thương mại hoá.
Chưa dừng lại ở đó, SCI cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước nghiên cứu thành công công nghệ nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô mỡ, tuỷ xương và dây rốn đạt tiêu chuẩn phục vụ cho cấy ghép trên người, được Bộ y tế cho phép sử dụng để nghiên cứu điều trị các bệnh thoái hoá khớp, tắc nghẽn phổi mạn tính và đái tháo đường. Công nghệ nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và dây rốn đã chuyển giao thành công cho Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện quân y 103.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Phúc, SCI đã phát triển thành công các công nghệ trong điều trị ung thư, xơ gan, suy tim, tắt nghẽn mạch máu, chấn thương cột sống… các công nghệ này đã thử nghiệm điều trị trên động vật, hiện tiếp tục phát triển và thử nghiệm trên người trong thời gian tới.
Trong hơn 10 năm hình thành và phát triển của PTN tế bào gốc, Viện tế bào gốc thừa hưởng các kết quả khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thành phần của công nghệ thuốc tế bào gốc (Stem cell drug). Công nghệ này còn gọi là công nghệ tế bào gốc “off-the-shelf”, đã và đang trở thành công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ tế bào gốc để tạo ra các sản phẩm dùng cho mục đích điều trị, làm đẹp và chống lão hoá trên người.
Trong 3 năm qua, Viện SCI đã đào tạo thành công 4 tiến sĩ, 17 thạc sĩ; và đang đào tạo 6 tiến sĩ, 11 thạc sĩ và 23 cử nhân. SCI cũng thường xuyên tổ chức các lớp học chuyên đề cho các cán bộ nhân viên và sinh viên. Hiện nay, SCI là đơn vị dẫn đầu trong đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên và chuyên viên trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam, có năng lực ngang tầm quốc tế.
Cùng với công tác nghiên cứu và đào tạo, SCI đã xây dựng thành công các hoạt động trao đổi học thuật: hội nghị các tiến bộ trong nghiên cứu ung thư và y học tái tạo (hợp tác với Đại học California, Los Angeles) cứ 2 năm 1 lần; cuộc thi Stem Cell Innovation (tổ chức hàng năm); khoá học Cancer Cell Signaling (hợp tác với Trung tâm ung thư Anderson).
Tạp chí Biomedical Research and Therapy và Progress in Stem Cell (do nhóm nguyên cứu về tế bào gốc của PGS.TS. Phạm Văn Phúc sáng lập và liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Springer) đều được chấp nhận trích dẫn trong EMBASE. Đây là 2 tạp chí đầu tiên của Việt Nam được trích dẫn trong trang cơ sở dữ liệu lớn này. EMBASE là cơ sở dữ liệu của NXB Elsevier, hiện nay EMBASE có hơn 30 triệu công bố từ 8.500 tạp chí và cung cấp thông tin cho 90 quốc gia. Với thành tích này, Biomedical Research and Therapy và Progress in Stem Cell được xem là những tạp chí y sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay các tạp chí này đã được trích dẫn vào hầu hết các cơ sở dữ liệu lớn của thế giới.
Các nghiên cứu có giá trị về tế bào gốc
PGS.TS. Phạm Văn Phúc cho biết, ngay từ năm 2002 – 2007, Viện đã triển khai các nghiên cứu đầu tiên về tế bào gốc. Tại đây, các nghiên cứu bắt đầu với việc hoàn thiện các quy trình nuôi cấy in vitro tế bào người động vật như nuôi cấy tế bào da người, da chuột, da heo (năm 2002), đến tiếp cận phân lập, nuôi cấy tế bào gốc như tế bào gốc tuỷ xương (năm 2003), tế bào gốc phôi thai chuột (năm 2004), tế bào mầm sinh dục (năm 2005), đến tiếp cận các kỹ thuật biệt hoá tế bào gốc như biệt hoá tế bào trung mô tuỷ xương, máu cuống rốn thành tế bào mỡ, nguyên bào xương (năm 2007).
Từ năm 2007 – 2010, Viện được sự đầu tư chuyên sâu tăng cường trang thiết bị (năm 2007), nên đã có điều kiện đẩy nhanh và mạnh các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong thời gian, với một số kết quả đáng ghi nhận. Các nhà khoa học của Viện đã thành công trong việc thu nhận, biệt hoá và bảo quản nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như tế bào gốc tuỷ xương, tế bào gốc từ máu cuống rốn, tế bào gốc mô mỡ…. Nhiều quy trình biệt hoá tế bào gốc thành tế bào chức năng cũng được nghiên cứu và chuẩn hoá như biệt hoá tế bào gốc trung mô thành tế bào cơ tim; biệt hoá tế bào đơn nhân máu cuống rốn thành tế bào tua; tế bào gốc trung mô hình tế bào tiết insulin…
Các nghiên cứu về xây dựng mô hình động vật bệnh lý cũng đã được triển khai và có nhiều kết quả tốt, như mô hình hoại tử xương, mô hình đái tháo đường; suy tuỷ; sụn khớp tổn thương; chuột ung thư vú; chuột lão hoá da; chuột xơ gan … Bên cạnh đó, việc điều trị cận lâm sàng một số bệnh cũng được quan tâm như đái tháo đường bằng cấy ghép tế bào gốc, lão hoá da, suy tuỷ, thoái hoá sụn khớp.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc nói: “Từ năm 2010 đến nay, Viện tiếp tục triển khai các nghiên cứu điều trị một số bệnh trên mô hình động vật như tắt nghẽn phổi mạn tính, tắt nghẽn mạch máu, suy tim, suy gan… Các kết quả cho thấy việc ghép tế bào gốc có thể cải thiện đáng kể một số triệu chứng lâm sàng của các bệnh trên”.
Đến nay, SCI đã triển khai một số nghiên cứu điều trị lâm sàng các bệnh bao gồm: bệnh thoái hoá khớp, thực hiện từ năm 2013, hợp tác với Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện 115, Bệnh viện đại học y dược TP.HCM; bệnh loét do đái tháo đường thực hiện từ năm 2014, hợp tác với bệnh viện Vạn Hạnh; bệnh tắt nghẽn phổi mạn tính: từ năm 2015, hợp tác với Bệnh viện Vạn Hạnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện quân y 103; bệnh đái tháo đường: từ năm 2017, hợp tác với Bệnh viện Vạn Hạnh.
Viện Tế bào gốc là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thực hiện các dịch vụ KHCN, sản xuất các sản phẩm có giá trị chất xám cao; và là trung tâm đào tạo sau đại học về tế bào gốc; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của một viện nghiên cứu; mục tiêu trở thành Viện hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc; đạt trình độ ngang tầm với các viện tế bào gốc trong khu vực và trên thế giới.
Các công nghệ SCI ưu tiên ươm tạo trong giai đoạn 2017 đến 2020: nghiên cứu phát triển công nghệ tế bào gốc “off-the-shelf” để chế tạo các sản phẩm tế bào gốc như thuốc tế bào gốc phục vụ cho điều trị bệnh và thẩm mỹ; ứng dụng liệu pháp gen và liệu pháp tế bào gốc trong điều trị các bệnh cơ, xương, khớp, tim mạch, thần kinh, đái tháo đường, gan, thận; nghiên cứu phát triển các công nghệ, liệu pháp trong chăm sóc da, thẩm mỹ; ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong biến đổi gen động vật, bảo tồn; nghiên cứu phát triển các liệu pháp dựa vào tế bào/tế bào gốc trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi các bệnh ung thư như vú, gan, cổ tử cung, phổi, dạ dày và đại trực tràng; nghiên cứu ứng dụng vật liệu sinh học và tế bào gốc để phát triển các mô nhân tạo như mô sụn, mô mỡ, mô xương, mô da, mạch máu, ống dẫn khí; nghiên cứu xây dựng các quy trình, các kit và các sản phẩm phục vụ cho tách chiết, nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc phục vụ cho cấy ghép; nghiên cứu các cơ chế liên quan đến sự tự làm mới và biệt hoá tế bào gốc, tế bào gốc ung thư và tế bào gốc vạn năng cảm ứng.
Nguồn: Anh Thư – http://www.khoahocphothong.com.vn