Category: Tin PTN Tế bào gốc

  • PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc thiết lập mối quan hệ toàn diện với Viện Nghiên cứu Enzyme và Viện Khoa học Sinh học Sức Khoẻ, ĐH Tokushima

    PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc thiết lập mối quan hệ toàn diện với Viện Nghiên cứu Enzyme và Viện Khoa học Sinh học Sức Khoẻ, ĐH Tokushima

    Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 2015, nhân chuyến đi dự Hội nghị The 1st Symposium of Molecular Medicine tại ĐH Tokushima, Nhật Bản, TS. Phạm Văn Phúc – Phó Trưởng phòng PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, ĐH KHTN, ĐHQG Tp.HCM đã có nhiều buổi trao đổi để phát triển mối quan hệ hợp tác giữa  PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc và Viện Nghiên cứu Enzyme, Viện Khoa học Sinh học Sức khoẻ, Đại học Tokushima, Nhật Bản.

    to3

    Trên cơ sở quan hệ hợp tác đã thiết lập từ năm 2010, hai bên đã tiến hành nhiều chuyến thăm quan, trao đổi Đoàn và hỗ trợ đào tạo, mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên ngày càng được thắt chặt và nâng lên tầm cao mới về hợp tác đào tạo và tổ chức hội nghị.

    Từ năm 2010, Viện Nghiên cứu Enzyme, Đại học Tokushima đã đào tạo giúp cho PTN 01 Tiến sĩ, và 04 học viên tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về công nghệ protein. Các Giáo sư của ĐH Tokushima và PTN Tế bào gốc nhiệt tình tham gia vào tất cả các Hội nghị, Hội thảo do 2 bên tổ chức.

    Trong chuyến công tác này, 2 bên đã có những kết luận quan trọng như sau:

    –          Viện Nghiên cứu Enzyme, Viện KH Sinh học Sức khoẻ tiếp tục giúp đỡ PTN đào tạo Tiến sĩ và các học viên thông qua các học bổng của Trường và chính phủ Nhật

    –          Tiếp tục thực hiện trao đổi Đoàn, cùng tổ chức các Hội nghị ở 2 bên

    –          Từ năm 2016, hai bên phối hợp để xây dựng các đề tài nghiên cứu chung về hướng ung thư, cơ chế truyền tín hiệu trong tế bào, tế bào gốc

    –          Từ năm 2016, hai bên cùng nỗ lực để tổ chức trao đổi cán bộ nghiên cứu khoa học, tổ chức nhóm nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu của cả 2 đơn vị

     

    to1

    Hình 1. TS. Phạm Văn Phúc chụp ảnh lưu niệm với các GS Đại học Tokushima.

    to2

     

    Hình 2. TS. Phạm Văn Phúc trình bày tại Hội nghị.

    Đại học Tokushima, Nhật Bản là đại học quốc gia của Nhật Bản, toạ lạc tại Tp. Tokushima, Nhật Bản, Đại học gồm có 7 Trường và 5 Khoa. Được thiết lập từ năm 1949, đến năm 2014, Đại học Tokushima có giải Nobel Prize đầu tiên trong lĩnh vực Vật Lí (GS Shuji Nakamura). Đại học Tokushima có 6000 sinh viên Đại học và 1700 sinh viên sau ĐH đến từ Nhật và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mĩ… Đại học có 3 campus: Shinkura, Jōsanjima, và Kuramoto.

    to4

    Hình 3. Một góc của Đại học Tokushima (Nhật Bản).

  • Đại học quốc gia Đài Loan Tsing Hua thăm và làm việc tại PTN Tế Bào Gốc

    Đại học quốc gia Đài Loan Tsing Hua thăm và làm việc tại PTN Tế Bào Gốc

    Đại học quốc gia Đài Loan Tsing Hua thăm và làm việc tại PTN Tế Bào Gốc

    Chiều thứ 6 ngày 18-12-2015, PTN Tế Bào Gốc đã đón tiếp Tiến sĩ Yu-Chen Hu, Giáo sư danh dự, Trưởng Khoa Công nghệ hóa học, Đại học Quốc gia Tsing Hua; và Tiến sĩ Chao-Min Cheng, Phó giáo sư, Viện Công nghệ Y sinh học, Đại học quốc gia Tsing Hua, Đài Loan đến thăm và làm việc.

    18.12.1

    Giáo sư trao quà và thông tin giới thiệu về đại học Tsing Hua

    Đón tiếp Đoàn có Trưởng phòng PTN Tế Bào Gốc, Thầy Phan Kim Ngọc; Phó Trưởng PTN Tế Bào Gốc ThS. Trương Hải Nhung, Trưởng Bộ phận Quan hệ và hợp tác quốc tế ThS. Nguyễn Trường Sinh, Trưởng các nhóm nghiên cứu TS Trần Hồng Diễm; ThS Vũ Bích Ngọc , ThS. Phí Thị Lan, ThS Đặng Tùng Loan, cùng với sự hỗ trợ tổ chức của Bộ phận tổ chức sự kiện PTN Tế Bào Gốc ( Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Trọng Hòa, Nguyễn Thị Lam Huyên)

    18.12.2

    Báo cáo giới thiệu về PTN Tế Bào Gốc

    Tại buổi làm việc, 2 bên giới thiệu về các hướng nghiên cứu và những gì đã đạt được. Các Giáo sư ấn tượng và đánh giá cao sự năng động và tiềm năng phát triển của PTN Tế bào gốc. Hai bên tìm được những điểm tương đồng về các hướng nghiên cứu, đặt nên tảng cho những hợp tác trong tương lai.  Các Giáo sư có lời mời đại diện của PTN Tế bào gốc sang thăm Đại học quốc gia Tsing Hua, hứa hẹn sẽ quay trở lại thăm PTN Tế bào gốc để thảo luận sâu hơn các cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai gần.

    18.12.3

    Giáo sư tham quan khu nghiên cứu, PTN Tế Bào Gốc

    Sau chuyến thăm tại PTN Tế bào gốc, các Giáo sư đã gặp mặt nói chuyện với các sinh viên của Khoa sinh học, và sau đó đã diễn ra buổi thảo luận hợp tác với Khoa Sinh và Công nghệ sinh học, Đại học KHTN.

  • Chuyện người tự đem mình làm thí nghiệm

    Chuyện người tự đem mình làm thí nghiệm

    ThS Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM tự đem bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bằng tế bào gốc.

    Là một trong những người đầu tiên xây dựng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, đồng thời cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam tự đem bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bằng tế bào gốc, ThS Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM – cho rằng, khi mình đã hiểu, đã tin thì việc đó không có gì là khó.

    Hoặc là chết, hoặc tế bào gốc

    Không tự nhận mình là người đầu tiên gây dựng nên ngành khoa học tế bào gốc ở Việt Nam, ThS Phan Kim Ngọc bảo, ông chỉ là một trong số những người say sưa với công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam mà thôi. Ông chỉ là người đầu tiên lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị COPD bằng tế bào gốc. Nhớ lại thời điểm phát hiện ra bệnh cách đây 10 năm, ông cho biết: “Năm 2005, tôi phát hiện bị bệnh COPD. Đáng buồn là khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn bốn. Các bác sỹ lúc đó bảo, đó là giai đoạn gần như không thể can thiệp được gì nữa. Đấy là chưa kể, đây là căn bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ có thể hạn chế sự phát triển để sống chung và nâng cao tuổi thọ mà thôi. Sống chung với căn bệnh mấy năm, đến tháng 11/2013 tôi quyết định tự lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị COPD bằng tế bào gốc. Phải công bằng mà nói, nếu không có tế bào gốc thì tôi đã lê lết rồi”.

    Lý giải về việc tự lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm, ThS Phan Kim Ngọc cho rằng, vì ông đã quá hiểu tế bào gốc là thế nào, có tác dụng ra sao nên ông không có lý do gì để nghi ngại hay run sợ. Niềm tin của ông là chắc chắn nhưng lại không phải là niềm tin của tất cả những người khác, nên trước khi quyết định đưa mình ra làm thí nghiệm, ông nhận được nhiều lời can ngăn của bạn bè, người thân trong gia đình. Khi đó, ông đứng trước hai trạng thái khác nhau: Một là đang ở cùng đường – như lời bác sỹ nói, hai là ông lại quá hiểu về tế bào gốc và rất nhiều chuyên gia hàng đầu cùng ông nghiên cứu đều khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này.

    Tôi hỏi, với một sự thành thực ở thời điểm trước khi cấy ghép, ông có lo lắng không. Ông bảo, thực ra thì cũng có chứ không phải không. “Ít ra thì nó là tính mạng của mình, nói mình hoàn toàn không nghĩ gì thì cũng không đúng. Tôi lo là về kỹ thuật, liệu có khả năng xảy ra sai sót gì, có sự cố nào trong quá trình cấy ghép hay không, có gặp trục trặc gì không, có thao tác nào làm chưa chuẩn xác không, chứ tôi không nghi ngờ gì về tính năng, tác dụng của tế bào gốc”.Sau 2 tháng thử nghiệm cấy tế bào gốc, sức khỏe của ông đã tốt hơn. Trong suốt 18 tháng liên tiếp, ông không còn bị điều trị cấp, dễ thở hơn. Nhờ có sự thành công trong việc cấy ghép tế bào gốc chữa bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, nhiều bệnh nhân COPD sau khi nắm bắt được thông tin đều đến đăng ký muốn thử nghiệm.

    Chuyện người tự đem mình làm thí nghiệm - 1

    ThS Phan Kim Ngọc báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

    “Mở đường sống” cho nhiều người

    Kể từ sau ca cấy ghép thành công của ThS Phan Kim Ngọc, đến nay Bệnh viện Vạn Hạnh phối hợp cùng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) đã thực hiện điều trị bằng tế bào gốc trên một số bệnh nhân COPD ( trong chương trình xin phép thử nghiệm) và đã có nhiều kết quả tốt. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước được phép của Bộ Y tế sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc điều trị bệnh COPD. TS Phan Kim Ngọc cho biết, trước đây, để có được tế bào gốc cấy ghép thì rất phức tạp và tốn kém, nhưng giờ công nghệ đã phát triển, nguồn tế bào gốc không phải là khó kiếm. Tế bào gốc cấy ghép có thể lấy từ cơ thể của chính người bệnh hoặc lấy từ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh. Để việc cấy ghép thành công, không bị thải loại thì trước khi cấy ghép phải thực hiện các biện pháp sàng lọc, lựa chọn xem có phù hợp với miễn dịch cơ thể của người bệnh không.

    ThS Phan Kim Ngọc cho biết, mỗi liệu trình cấy ghép cho một người bệnh có khoảng từ 2-5 đợt tùy thuộc vào thể trạng từng người. Tới đây – ngày 13/11, ông sẽ thực hiện liệu trình cấy ghép đợt 3. Vì đây là công nghệ mới ở Việt Nam và đang trong chương trình thử nghiệm nên chưa có mức giá cụ thể, tuy nhiên có nhiều khả năng sẽ rẻ hơn so với nước ngoài để phù hợp với khả năng chi trả của người Việt. Những ưu điểm và cũng là những đột phá về y học mà phương pháp này đem lại đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới khi không may mắc các bệnh hiểm nghèo.

    ThS Phan Kim Ngọc cho biết, hiện ở Việt Nam, công nghệ tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị cho một số bệnh như một số dạng ung thư máu (Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM đã thực hiện thành công), các bệnh về da, khớp, mắt, phổi và sắp tới có thể sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh tiểu đường.

    Tái tạo những gì tổn thương

    Theo ThS Phan Kim Ngọc, ưu điểm của điều trị bằng tế bào gốc chính là khả năng tái tạo lại những gì bị tổn thương. Không phải tế bào nào bị tổn thương cũng có thể tái tạo được, nhưng rất nhiều tế bào bằng các phương pháp điều trị hiện đại không tác động được tới thì công nghệ tế bào gốc có thể làm được.

    Tế bào gốc nhóm nghiên cứu phòng Tế bào gốc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM sử dụng là tế bào gốc trung mô, một loại tế bào gốc trưởng thành không tạo máu.

    Công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam đã phát triển khá tốt, nhưng còn cách quá xa so với các nước phát triển, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Thống kê cho thấy, cả nước chỉ có khoảng 300 người làm công việc liên quan đến tế bào gốc, trong đó, không quá 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc. Bên cạnh đó, việc đầu tư các trang thiết bị đòi hỏi rất lớn, đa phần l
    à các loại đắt tiền. May mắn là ở Việt Nam, Nhà nước cũng đã đầu tư một phòng thí nghiệm trọng điểm về tế bào gốc. Cuối cùng là vấn đề hành lang pháp lý đang không theo kịp. Ví dụ, tế bào gốc không được sắp xếp vào hạng mục điều trị nào, là thuốc, mô ghép, thiết bị, dược… đều không phải. Bởi thế, nhiều nơi muốn ứng dụng nhưng hành lang pháp lý không cho phép nên không làm được.

    Hiện trong nước, một số trị liệu từ ứng dụng tế bào gốc đã có hiệu quả, đặc biệt tế bào gốc lấy từ mô mỡ cho trị liệu khớp gối, nghẽn đường hô hấp; bệnh ly thường bì trẻ em ở Hà Nội và cả trị liệu ung thư cổ tử cung bằng xạ trị. Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe bằng tế bào gốc chưa được trả lời thỏa mãn.Ở tuổi 60, vì không thể chịu được áp suất cao do căn bệnh COPD mang lại nên ThS Phan Kim Ngọc đã phải “giậm chân tại chỗ”. Ông bảo, ông không hài lòng về những gì mình đã làm được, bởi vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Dù phải vất vả lắm mới theo được đà phát triển công nghệ của thế giới, dù “ỳ ạch” đi theo thì vẫn phải gắng sức, vì nếu thấy mỏi mệt mà dừng chân thì sự tụt hậu sẽ càng kéo dài, khoảng cách ấy sẽ ngày càng xa mà không có cách gì rút ngắn được.

    Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phòng thí nghiệm cấp quốc gia. Thời gian qua Phòng đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu: Năm 2007, đề tài tái tạo giác mạc mắt từ tế bào gốc do phòng thí nghiệm kết hợp với ĐH Y Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2008, đề tài “Tạo tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục” tiếp tục được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2009, phòng thí nghiệm đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM với đề tài tạo bò sữa từ tế bào trứng đông lạnh….

    Theo Thủy Anh – Thùy Dương (Khoa học phát triển)
    Nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-nguoi-tu-dem-minh-lam-thi-nghiem-c7a370321.html

  • Tạp chí Biomedical Research and Therapy – Tạp chí chuẩn quốc tế do Người Việt, của Người Việt và tại Việt Nam

    Tạp chí Biomedical Research and Therapy – Tạp chí chuẩn quốc tế do Người Việt, của Người Việt và tại Việt Nam

     

    bmrat

    ISSN: 2198-4093

    Nhằm xây dựng một Tạp chí Khoa học ngang tầm quốc tế, TS.  Phạm Văn Phúc – PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc,  Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM đã thành công xây dựng Tạp  chí quốc tế với tên Biomedical Research and Therapy (BMRAT) đạt chuẩn Tạp chí KH quốc tế.

     

    Mới đây Tạp chí BMRAT đã được liệt kê vào Danh sách Master  Journal List của Thomson Reuters; và 1 trong các Web of  Science Core Collection là Emerging Sources Citation Index  (ESCI) của Thomson Reuters. BMRAT trở thành 01 trong số  hiếm hoi các Tạp chí xuất bản ở Việt Nam, do người Việt Nam  sáng lập nằm trong các cơ sở dữ liệu này.

     

    Xuất phát từ tình hình thực tế về các Tạp chí Khoa học của nước ta, đến thời điểm năm 2013 chưa có Tạp chí Khoa học nào của Việt Nam được trích dẫn trong Master Journal List cũng như trong các database SCI hay SCIE của Thomson Reuters; Tiến sĩ Phạm Văn Phúc – PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Tp.HCM đã quyết tâm xây dựng các Tạp chí quốc tế với mong muốn trong một thời gian ngắn các Tạp chí này có thể được đưa vào danh sách và các database của Thomson Reuters. Từ đó, TS. Phúc đã xoay xở nhiều cách khác nhau để có thể ra đời một Tạp chí Khoa học có đẳng cấp quốc tế. TS đã liên hệ nhiều nơi để xin ra đời 1 Tạp chí, và cuối cùng anh đã thành công để làm việc với NXB Springer để ra đời Tạp chí đầu tiên trong kế hoạch của anh, với tên Biomedical Research and Therapy.

     

    Thông tin Tạp chí:

    Tên: BIOMEDICAL RESEARCH AND THERAPY

    Viết tắt: BMRAT

    ISSN: 2198-4093

    Mainpage: www.bmrat.org

    Webpage: http://www.springer.com/globalsciencejournals/biomed+res+ther?SGWID=0-1764014-0-0-0

    Hình thức: Open Access

    Số công bố: 12/năm (mỗi tháng 1 số)

    Ngôn ngữ: Tiếng Anh

    Được trích dẫn: Web of Science (Master Journal List, Thomson Reuters), Emerging Sources Citation Index (Web of Science Core Collection, Thomson Reuters), NLM (National Library of Medicine, NCBI), DOAJ, Infona, Advance Science Index, OCLC WorldCat, ZB MED, BASE, Google Scholar, CiteFactor, DRJI, NewJour, EBSCOhost, J-Gate, Summon…

    Tạp chí đang là: thành viên của Uỷ Ban Quốc tế của các Biên Tập Viên Tạp chí Y khoa (International Committee of Medical Journal Editors -ICMJE), Hội Biên tập Viên Tạp chí Y khoa thế giới (World Association of Medical Editors -WAME), , Uỷ Ban Đạo lí về công bố (Committee on Publication Ethics COPE), CrossRef…


    Một số nét lịch sử ra đời Tạp chí BMRAT:

    –          Năm 2013: Trao đổi với một số Nhà Xuất Bản Việt Nam và nước ngoài về ý tưởng làm các Tạp chí chuẩn quốc tế cho Việt Nam

    –          Tháng 6/2013: Xây dựng Website cho Tạp chí BMRAT

    –          Tháng 10/2013: Chọn hình thức hợp tác với NXB Springer để thiết lập Tạp chí ở dạng Springer là Vendor, BioMedPress là NXB.

    –          Tháng 1/2014: Kí hợp đồng xuất bản với NXB Springer trong flatform Global Science Journals.

    –          Tháng 1/2014: Bài báo đầu tiên được công bố bởi BioMedPress vào ngày 08/01/2014 trên BMRAT

    –          Tháng 3/2014: Công bố bài báo đầu tiên trên hệ thống Springer.

    –          Tháng 10/2014: Tạp chí BMRAT được liệt kê vào danh mục NLM (National Library of Medicine) của NCBI

    –          Tháng 11/2015: Tạp chí BMRAT được liệt kê vào Danh mục Master Journal List của Thomson Reuters

    –          Tháng 12/2015: Tạp chí BMRAT được indexed trong Database mới của Thomson Reuter là Emerging Sources Citation Index (ESCI)

    –          Hiện tại, Tạp chí BMRAT đang được Thomson Reuters xem xét để đưa vào Science Citation Index – Expanded (SCIE)

     

    Đặc điểm nổi bật của BMRAT

    1. Tất cả các bài nộp vào Tạp chí (ngoại trừ Editorial) được peer-review với các Nhà khoa học lấy từ cơ sở dữ liệu của Pubmed/Pubmed Central.

    Các peer-reviewer được chọn là các first author hay corresponding author của công trình tương tự công trình cần phản biện và được công bố trong hệ thống Thomson Reuters trong 3 năm trở lại.

    2. Tất cả các bài được kiểm tra nghiêm ngặt về đạo văn bởi hệ thống kiểm tra đạo văn iThenticate và CrossCheck

    Những bài có đạo văn hay tự đạo văn đều bị từ chối tức thì.

    3. Chất lượng tiếng Anh được kiểm tra bởi Grammarly, đảm bảo chất lượng bài viết chuẩn tiếng Anh.

    4. Chất lượng hình ảnh: toàn bộ hình ảnh phải đảm bảo rõ ràng, đạt chuẩn độ điểm dpi. Hiện tại, Tạp chí sử dụng hệ thống tự động đánh giá điểm pdi của ảnh và chỉ chấp nhận ảnh có chất lượng >150 dpi.

    Trong năm 2017, chất lượng ảnh sẽ nâng lên thành >300 dpi.

    5. Có chính sách khuyến khích công bố cho các quốc gia chậm phát triển hay đang phát triển (kể cả Việt Nam): miễn phí hay giảm phí công bố.

    6. Tạp chí ở dạng Open Access, người đọc không phải trả phí.

    7. Tạp chí có hệ thống nộ
    p bài trực tuyến (Online Submission), tạo thuận lợi cho người nộp bài.

    8. Tạp chí được trình bày đẹp, không giới hạn về số trang, hình màu, tất cả các bản thảo được chấp nhận (accepted) đều được công bố ngay ở dạng abstract.

    9. Tất cả các bài đều được trình bày ở các dạng PDF, HTML, XML thuận lợi cho việc indexed và abstracted; vì thế tất cả các bài dễ dàng trích dẫn trên hầu hết các cơ sở dữ liệu của thế giới.

    Mỗi bài có 1 số DOI để theo dõi, và citation

    10. Giao diện Tạp chí có thể truy cập, đọc và tương thích với điện thoại, máy tính bảng

    Là thành viên của nhiều Hội quốc tế, đặc biệt về Đạo đức công bố, BMRAT luôn xây dựng ở mức cao nhất về đạo đức công bố để loại bỏ đạo văn, công bố lại các kết quả đã công bố, các kết quả từ các nghiên cứu không được chấp thuận về Y đức, không có tuyên bố tình trạng đạo đức trong nghiên cứu trên người và động vật trong bài báo.

    Tạp chí BMRAT phấn đấu được xếp vào database SCIE của Thomson Reuters vào năm 2017-2018 và có điểm Impact Factor của Joural Citation Report (JCR, Thomson Reuters) đầu tiên vào năm 2018-2019.

    Trong kế hoạch của mình, đến năm 2020, TS Phúc sẽ xây dựng khoảng 5 Tạp chí KH cho các chuyên ngành của lĩnh vực Biomedical Science. Đến nay, ngoài Tạp chí BMRAT, TS Phúc đã xây dựng thành công Tạp chí thứ 2 với tên Progress in Stem Cell (PSC). Sau BMRAT, PSC sẽ được anh phát triển và “gia nhập” vào hệ thống của Thomson Reuters trong thời gian tới.

     

     

    TS. Phạm Văn Phúc

    TS. Phạm Văn Phúc sinh năm 1982 (sinh thật vào năm 1983), công bố hơn 40 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, là tác giả của hai đầu sách chuyên khảo về hướng điều trị ung thư vú bằng TBG, đồng tác giả 10 đầu sách tham khảo xuất bản quốc tế (NXB Springer, IGI Global, LAP publishing…), ba đầu sách xuất bản trong nước; thành viên Hội đồng ban biên tập bốn tạp chí khoa học quốc tế, tổng biên tập hai tạp chí khác (trong đó Biomedical Research and Therapy nằm trong danh sách tạp chí tham khảo về y khoa của Mỹ); chủ nhiệm một đề tài độc lập cấp nhà nước, một đề tài Nafosted, một đề tài chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Đại học Quốc gia TP.HCM và tham gia nhiều đề tài khác.

    TS. Phúc và các đồng sự PTN TBG đã có bảy sản phẩm chuyển giao, thương mại hóa gồm: mỹ phẩm từ TBG và cho TBG, chế tạo thành công hai bộ kit trang thiết bị y tế phục vụ công nghệ TBG, đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành (tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu hoạt hóa New PRP Pro Kit, và tách chiết TBG từ mô mỡ ADSC Extraction Kit – đã được xuất khẩu Indonesia)…

     

    Tin PTN TBG

     

  • Ngày phụ nữ Việt Nam tại PTN Tế bào gốc

    Ngày phụ nữ Việt Nam tại PTN Tế bào gốc

    Cùng cả nước chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, các thầy cán bộ PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc cùng với các nam sinh viên – sau đây sẽ được gọi tắt là các bạn nam đã tổ chức một buổi tiệc nhỏ với các món ăn “nam công gia chánh” chế biến ngoài trời vào ngày 16/10 tại con đường lộng gió ngay cạnh tòa nhà Tế bào gốc của Cơ sở Linh Trung Đại học Khoa Học Tự Nhiên.

    Các bạn nam rủ nhau xách giỏ đi chợ, đi siêu thị, lăn tăn chọn nguyên liệu, bối rối sơ chế, và vật vã ướp thịt và món nướng các loại. Đúng 15 giờ chiều, các bạn nam cùng nhau thổi lửa và nướng các món ăn như một bữa BBQ kinh điển. Và đã diễn ra không ít cảnh tượng thú vị khi các bạn nam vào bếp.

    16

    Bắt đầu buổi sinh hoạt, các bạn nữ – là các cô cán bộ và nữ sinh viên – được bốc thăm chọn cho mình một món quà dễ thương. Kế đến, mọi người cùng nhau hát chúc mừng sinh nhật cho chị Phạm Lê Bửu Trúc – người sinh vào ngày đẹp nhất của tháng 10.

    17

    18

     

    Một cơn mưa bất chợt đem đến cho bữa tiệc một không khí thoải mái và vui nhộn hơn dưới góc mái che nhỏ của tòa nhà. Mưa bong bóng, trời tối đen, mọi người trở nên gần gũi và dân dã hơn, thoáng nhìn và bỏ qua các yếu tố hiện đại thì nó rất giống với một cảnh trong bộ phim đang nổi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

    Bữa tiệc kết thúc mọi người cùng nhau dọn dẹp trước khi trở lại với thành phố nhộn nhịp. Ngoài các món quà lưu niệm cho các bạn nữ, bữa tiệc  nhỏ còn giúp xây dựng và vun đắp tình đoàn kết trong PTN.

     

  • PTN Tế bào gốc tại Techmart 2015

    PTN Tế bào gốc tại Techmart 2015

    Được tổ chức bởi Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc Gia, Sở Khoa Học Công Nghệ Thành phố Hà Nội, Sở Khoa Học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam – International TechMart Vietnam 2015 – với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”, đã diễn ra từ ngày 01 – 04 tháng 10 năm 2015 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

    Hội chợ đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan và mua bán trao đổi, với sự tham dự đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Nguyễn Quân. Tại Techmart, đã có hơn 750 đơn vị tham gia với 600 gian hàng, trong đó bao gồm 110 đơn vị uy tín, 22 trường đại học hàng đầu về công nghệ, 32 Sở khoa học công nghệ và 57 nhà sáng chế không chuyên. Ngoài ra, còn có các sản phẩm khoa học, công nghệ đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Triều Tiên, Nga, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Lào. Các gian hàng tại hội chợ đã trưng bày, giới thiệu các công nghệ, thiết bị, các sản phẩm khoa học và công nghệ, qua đó xúc tiến giao dịch, thương thảo và ký kết hợp đồng hay biên bản ghi nhớ. Cũng trong khuôn khổ Techmart, các hoạt động tư vấn về khoa học và công nghệ hay thuyết trình, giới thiệu công nghệ, thiết bị và sản phẩm mới cùng với các hội thảo đã diễn ra tốt đẹp nhằm thúc đẩy sự giao lưu về khoa học kĩ thuật trong và ngoài nước.

    Ban tổ chức Techmart cũng đã trao tặng Giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 cho những sản phẩm, phát kiến mới về khoa học công nghệ có nhiều tiềm năng ứng dụng trong đời sống. Trong Techmart lần này, Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế Bào Gốc đã có 3 sản phẩm được trao tặng Giải thưởng Techmart, đánh dấu lại những nỗ lực nghiên cứu suốt thời gian qua: Bộ kit tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu, Quy trình sản xuất tế bào gốc trung mô, và Bộ kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ. Giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 là ghi nhận quan trọng cho những cố gắng của tập thể Phòng thí nghiệm và dấu hiệu cho những thành công sắp tới của Phòng thí nghiệm.

    8

    Gian hàng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc

    13

    Gian hàng Đại Học Khoa học Tự nhiên

    9

    ThS. Vũ Bích Ngọc  trình bày với Ban giám khảo Giải thưởng Techmart về 3 sáng chế của PTN

    10

    Gian hàng thu hút được sự chú ý của khách tham quan

    15

    PTN NC&U7D Tế bào gốc vinh dự nhận 3 giải thưởng sáng chế tại techmart 2015

     

     

  • Hội nghị Liệu pháp gene và miễn dịch lần 2 – 2015

    Trong 2 ngày 25 – 26 tháng 9 năm 2015, dưới sự tài trợ chính của Zeiss, SISS và BD Bioscience và sự phối hợp tổ chức giữa Đại học California, Los Angeles, Mỹ, A – IMBN Asia-Pacific International Molecular Biology Network và Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU), hội nghị Liệu pháp Gen và Miễn dịch lần thứ 2 với chủ đề Những phát kiến mới trong nghiên cứu y học tái tạo và ung thư đã được diễn ra tại trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP HCM.

    Hội nghị đã thu hút gần 1000 lượt khách tham quan các gian hàng và tham dự các buổi báo cáo.Hội nghị gồm các báo cáo của các nhà khoa học, bác sĩ, nghiên cứu sinh trong nước và ngoài nước đã mang đến cho hội nghị một không khí học thuật sôi nổi.

    Trong suốt 2 phiên báo cáo toàn thể và 7 phiên báo cáo tiểu ban, các báo cáo xoay quanh các vấn đề trọng tâm trong y học tái tạo và ung thư: Liệu pháp Trúng đích và Các con đường Truyền tín hiệu; Các kết quả thu được trong Nghiên cứu Ứng dụng Tế bào gốc; Enzyme học và Sinh học cấu trúc của các protein ung thư; Công nghệ Nano; Miễn dịch học và Liệu pháp Miễn dịch; và Chẩn đoán ung thư. Ngoài ra, hội nghị cũng đã dành 1 tiểu ban Thảo luận Bàn tròn xung quanh Nghiên cứu y sinh ở Việt nam và nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi và thiết thực của các khách mời danh dự.

    Gần 15 gian hàng triển lãm đã giới thiệu cho khách tham quan nhiều loại sản phẩm, thiết bị, phần mềm, công nghệ hiện đại, tân tiến trong nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học. Đặc biệt, các buổi giới thiệu kết hợp ăn trưa (Innovation Showcase Luncheon) thực hiện bởi Merck Millipore và BD Bioscience đã mang đến những công nghệ mang tính đột phá đầy tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu, như phương pháp Flow Cytometry hình ảnh – là sự kết hợp giữa máy Flow Cytometry thông thường với kính hiển vi – và các tác nhân giúp nâng cao chất lượng các thử nghiệm miễn dịch huỳnh quang – BV480 và BV421.

    Tham dự báo cáo bên cạnh một lực lượng đông đảo các bạn sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ, hội nghị còn có vinh dự được đón tiếp các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, như – GS. Ken Ichi Arai, Giáo sư danh dự trường Đại học Tokyo, Nhật Bản; GS. Fuyu Tamanoi, Đại Học California Los Angeles , Hoa Kỳ; GS. TS. Brad Nelson, Đại học British Columbia; GS.TS Trương Đình Kiệt, nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học Y dược TP.HCM, GS. TS. Mong Hong Lee, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Trường Đại học Texas, Hoa Kỳ, GS. TS. BS. Yasuhiko Nishioka, Đại học Tokushima, Nhật Bản;  GS. TS. BS. Phan Toàn Thắng, Đại học quốc gia Singapore; GS. TS. Mai Suan Li, Viện Vật lý, Hàn lâm khoa học Ba Lan, cùng các nhà khoa học khác; GS.TS. Byungsuk Kwon, Đại học Ulsan; GS. TS Somi Kim Cho, Đại học Quốc gia Jeju; GS.TS. Yongsung Hwang, Viện Y Sinh Soonchunhyang (SIMS); TS. Vy Phan Lai, Đại học California, Los Angeles; GS TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước.

     

    1

    Ảnh lưu niệm trong phiên toàn thể ngày 25-9

    2_copy

    Đại diện Ban tổ chức PGSTS Nguyễn Hội Nghĩa, GS.TS Ken Ichi Arai, GS.TS Fuyui Tamanoi và GS.TS.BS Alush Gaishi phát biểu trong phiên khai mạc.

    3_copy

    TS. Phạm Văn Phúc trao kỉ niệm chương cho các nhà tài trợ

    4

    Các Giáo sư trao đổi tại phiên toàn thể.

    5

    Bài báo cáo của TS Phan Lai Vy – Đại học UCLA ( Hoa Kỳ) về liệu pháp miễn dịch thu hút nhiều sự chú ý.

    6

    Phiên Thảo luận về Nghiên cứu Y sinh ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều khách mời danh dự.

    7

    GS.TS Phạm Mạnh Hùng cho ý kiến về chiến lược phát triển nghiên cứu Y sinh tại Việt Nam.

  • Khoá học liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Khoá học liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

    Trong tuần qua 17-20/8/2015, tại Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên đã diễn ra khoá học “Immunotherapy of Cancer: From Design to Application“. Đây là một trong những hoạt động bên lề Hội nghị Liệu pháp Gene và Miễn dịch lần thứ 2 với chủ đề “Các Khám phá mới trong điều trị Ung thư và Y học tái tạo” thuộc chương trình hợp tác của Đại Học Quốc Gia, Tp HCM và Đại học California, tại Los Angeles (UCLA), Mỹ.

    Khoá học được trực tiếp giảng dạy bởi báo cáo viên/ giảng viên nước ngoài, bao gồm Tiến sĩ Vy Phan Lai (UCLA) và Tiến sĩ Kyong Hwa Park (Korea University). Khoá học đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 sinh viên, học viên cao học, nhà nghiên cứu, bác sĩ được tuyển chọn từ 225 người đăng kí từ 16 đơn vị khác nhau (ĐH KHTN, ĐH Quốc Tế, Khoa Y ĐHQG, ĐH Y Dược, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách Khoa, ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghiệp và Thực phẩm, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở, ĐH Rennes 1, ĐH Reading, VIA University College, BV Thái Hoà, BV 115, TT Ung bướu-BV Chợ Rẫy). Khoá học đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về nguyên lý miễn dịch học khối u/liệu pháp miễn dịch, xác định những thành phần điều hoà miễn dịch đối với các kháng nguyên ung thư, tế bào tua và tế bào lympho T – phương pháp miễn dịch học để khai thác chức năng của chúng, làm thế nào để khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch chống ung thư.

    Cuối khoá học các học viên được nhận Giấy chứng nhận tham gia khoá học, và Tiến sĩ Vy Phan Lai (UCLA) đã danh dự nhận chứng nhận Senior Visiting Lecturer của Hiệu Trưởng Trường ĐHKHTN cấp.

    Học viên trao đổi tích cực với giảng viên

    Lãnh đạo nhà trường trao quà lưu niệm cho Ts.Vy Phan Lai và Ts.Kyong Hwa Park.

    GS Trần Linh Thước trao chứng nhận Senior Visiting Lecturer cho Ts.Vy Phan Lai

    Toàn thế sinh viên và giảng viên của khóa học

     

    TS.Hồng Diễm

    PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc

  • KHÁNG THỂ HỨA HẸN CHO ĐIỀU TRỊ HIV

    KHÁNG THỂ HỨA HẸN CHO ĐIỀU TRỊ HIV

    Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature ngày 8/4/2015 đã mở ra hy vọng lớn để phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV. Những thử nghiệm lâm sàng đang bước đầu thúc đẩy để phát triển phương pháp mới không những phòng, chống mà cả chữa HIV.

    PTLan

    Hình:  Dùng kháng thể làm giảm tỉ lệ nhiễm virus HIV trong nhóm người tham gia tình nguyện

    HIV đã truyền nhiễm đến hơn 60 triệu người và giết chết gần 30 triệu người trên toàn thế giới. Qua mỗi ngày, những người bị nhiễm bệnh sẽ bị virus HIV phá huỷ hàng triệu tế bào chống nhiễm trùng TCD4+ cho đến khi hệ thống miễn dịch không còn khả năng tái tạo hoặc chống lại các nhiễm trùng khác. Virus hoạt động theo nhiều cách khác nhau, một trong số đó là giết các tế bào một cách trực tiếp. Virus HIV chiếm quyền điều khiển các tế bào và sử dụng  nguồn tài nguyên này để nhân bản chính nó. Các bản sao phát triển dạng chồi và phá vỡ màng tế bào. Quá trình này sẽ giết chết các tế bào, nói một cách khác là virus HIV trực tiếp giết các tế bào chủ bằng cách làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của chính tế bào. Và một nguyên nhân khác giết chết các tế bào chủ là khi hệ thống tế bào chủ bị phá hoại do bị sử dụng để nhân bản virus. Điều này có thể kích hoạt sự chết theo chương trình của tế bào hay còn gọi là  apoptosis

    Dựa trên cơ chế đó các nhà nghiên cứu thuộc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ đã phát triển một loại kháng thể chống lại HIV, được đặt tên là 3BNC117. Kháng thể này có thể làm giảm virus trong cơ thể người nhiễm ít nhất cũng trong thời gian ngắn. Kháng thể được tiêm truyền vào máu bệnh nhân tạo ra một loại miễn dịch thụ động. Và liệu loại kháng thể này có thể phát huy tác dụng trong thời gian lâu dài hay không thì còn là một câu hỏi và đang trong quá trình tìm câu trả lời.

    Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành trên người. Các nhà nghiên cứu đã thử bốn liều kháng thể khác nhau trên 29 người tình nguyện ở Mỹ và Đức. Với liều cao nhất cho 8 người cho thấy lượng virut giảm trong máu của họ trong 28 ngày.

    Trước đó, cũng đã có nhiều nghiên cứu tiến hành trên khỉ và chuột cho thấy miễn dịch thụ động có thể làm giàm mức độ virus HIV trong máu của con vật thí nghiệm. Mặc dù kết quả này không rõ ràng như ở người nhưng các nhà nghiên cứu có cơ sở và tiến hành nhiều thử nghiệm khác để phát triển một loại kháng thể chống lại virus và 3BNC117 là một thành công.

    Một điều đáng lo ngại là chi phi cho việc điều trị bằng kháng thể mới này có thể lên đến hàng ngàn đô la. Và đa số người nhiễm HIV lại có thu nhập thấp và trung bình ở các quốc gia kém và đang phát triển. Vì vậy mà việc tiếp cận với phương pháp mới này không mấy dễ dàng. Một vấn đề nữa mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt là sự đột biến của virus diễn ra rất nhanh chóng trong cơ thể người nhiễm làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị theo thời gian.

    Vì vậy, việc sử dụng kết hợp của nhiều loại kháng thể  sẽ hạn chế được điều này và tiêu diệt virus nhanh chóng. Đồng thời việc này cũng làm tăng chi phí cho sự chủng ngừa và điều trị. Tuy nhiên, hiện nay với sự hỗ trợ lớn từ các công ty dược thì chi phí này có thể được giảm xuống rất nhiều.

    Phí Thị Lan dịch

    Theo Nature

  • SỰ HÌNH THÀNH CÁC “MẠCH MÁU MÔ PHỎNG” LIÊN QUAN ĐẾN  KHẢ NĂNG DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

    SỰ HÌNH THÀNH CÁC “MẠCH MÁU MÔ PHỎNG” LIÊN QUAN ĐẾN KHẢ NĂNG DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

    Nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor và viện CRUK thuộc đại học Cambridge (nước Anh) đã cho thấy khả năng hình thành hệ thống ống dẫn có chức năng tương tự mạch máu của các tế bào ung thư là một trong những nguyên nhân dẫn đến di căn trên chuột mô hình.

    NTLHuyen-1

    Hình: Hai khu vực liền kề của một khối u vú chuột. Mô bên trái được nhuộm để xác định mạch máu bình thường (mũi tên màu đen) và các kênh chứa đầy máu (mũi tên màu xanh). Mô bên phải: protein biểu hiện trên tế bào khối u được nhuộm với chất phát huỳnh quang, nhờ đó ta có thể thấy các kênh chứa đầy máu thực sự được tạo thành bởi các tế bào khối u, các kênh này được gọi là “mạch máu mô phỏng”.

    Các tế bào của khối u có khả năng tạo ra một hệ thống ống dẫn nhằm đưa máu đi đến nhiều nơi trong khối u. Hệ thống ống này sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng các tế bào ở nhiều vùng khác nhau trong khối u, tương tự như vai trò của các mạch máu trong cơ thể, vì thế chúng được gọi là các “mạch máu mô phỏng”.

    Trong nghiên cứu này, 2 gen được tìm thấy đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các mạch máu mô phỏng là Serpine2 và Slpi. Sự giảm biểu hiện của chúng trong khối u sơ cấp sẽ dẫn đến sự giảm thiểu hình thành hệ thống mạch này.

    Hệ thống mạch máu mô phỏng tạo điều kiện cho các tế bào của khối u đi vào dòng máu, di chuyển và hình thành khối u tại một vị trí khác trong cơ thể. Sự biểu hiện quá mức Serpine2 và Slpi cũng cho phép các tế bào ung thư vào dòng máu nhiều hơn, dễ dẫn đến di căn. Điều nay được chứng minh trong một nghiên cứu trước đó khi một trường hợp bệnh nhân có ung thư di căn vào phổi được tìm thấy có sự biểu hiện quá mức 2 gen này.

    Việc tìm ra Serpine 2 và Slpi đã mở ra một hướng tiếp cận mới cho liệu pháp trị liệu ung thư- tác động trúng đích vào protein được mã hóa từ các gen này nhằm ngăn việc hình thành khối u thứ phát và ức chế sự xâm lấn của khối u.

    Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc ức chế hình thành mạch máu trong điều trị ung thư  đã được tiến hành, tuy nhiên hiệu quả không được như mong đợi. Sự xuất hiện của các mạch máu mô phỏng trong khối u có thể được xem là câu trả lời cho kết quả này, vì với sự có mặt của chúng, khối u vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và oxy để phát triển. Như vậy chúng ta có quyền hy vọng rằng tác động đồng thời vào mạch máu và mạch máu mô phỏng của khối u sẽ đem lại những kết quả khả quan hơn trong điều trị ung thư.

    Lam Huyên dịch

    Theo Sciencedaily