Trong một thời gian dài, cảm giác ngứa được xem là một dạng giảm nhẹ, biểu hiện thấp của cảm giác đau. Tuy nhiên hai loại cảm giác này lại tạo ra hai phản xạ hoàn toàn khác nhau. “Đau” sẽ tạo ra phản xạ “rút lui” trong khi đó “ngứa” sẽ tạo phản xạ “gãi”. Nghiên cứu gần đây trên mô hình chuột đã cho thấy cảm giác ngứa được dẫn truyền bởi một hệ thống dây thần kinh chuyên biệt liên kết với các tế bào ngoại biên, dẫn truyền xung thần kinh đến não.
Nhà thần kinh học Mark Hoon và Santosh Mishra của National Institute of Dental và Craniofacial Research ở Bethsda, Maryland, đã nghiên cứu về một phân tử liên quan đến việc tạo ra cảm giác ngứa. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách kiểm tra, sàng lọc các gen biểu hiện trong các tế bào thần kinh cảm giác được kích ứng bởi nóng, đau, chạm và ngứa. Các nhà khoa học đã tìm ra được một loại protein cụ thể chỉ biểu hiện trong một nhóm các tế bào neuron. Protien này được gọi là natriuretic polypeptide b (Nppb). Những con chuột bị đột biến thiếu Nppb không đáp ứng với các chất gây ngứa nhưng đáp ứng bình thường với các kích thích nóng và đau. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy các con chuột sau khi tiêm Nppb vào vùng cổ sẽ bắt đầu phản ứng gãi một cách mãnh liệt. Kết quả này được quan sát trên cả chuột đột biến và chuột đối chứng.
Tác giả công trình Hoon nói “Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra chất dẫn truyền chính được sử dụng trong cảm giác ngứa, đồng thời xác minh cảm giác ngứa được tạo ra bởi các tế bào thần kinh cảm giác chuyên biệt”. Hoon và Mishra tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm các tế bào neuron mang thụ thể của Nppb trong tủy sống. Khi tiêm một loại chất độc được làm từ hạt của cỏ xà phòng (soapwort) vào các tế bào neuron này trong tủy sống, các nhà nghiên cứu quan sát thấy chỉ có các đáp ứng với cảm giác ngứa bị chặn trong khi các đáp ứng với các loại cảm giác khác vẫn hoạt động. Kết quả đó đã cung cấp bằng chứng cho thấy cảm giác ngứa được dẫn truyền trong những con đường riêng biệt. Những nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science ngày 23 tháng 5, 2013.
Mục tiêu điều trị
Glenn Giesler, một nhà thần kinh học tại Đại học Minnessota ở Minneapolis nhận xét nghiên cứu trên đã giải thích một số vấn đề trong các tài liệu trước đây đồng thời cung cấp một giả thuyết có thể kiểm chứng về cách hoạt động của việc tạo cảm giác ngứa.
Các nghiên cứu trước đây đã đưa gợi ý rằng gastrin-releasing peptide, GRP, là chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra bởi các tế bào thần kinh cảm giác để bắt đầu con đường tín hiệu liên quan đến ngứa. Nhưng Hoon và Mishra, cũng như một nhóm nghiên cứu khác đã không tìm thấy GRP bên ngoài tủy sống, từ đó chỉ ra rằng GRP không phải là chất đóng vai trò kích hoạt đầu tiên trong chuỗi truyền tín hiệu ngứa.
Tuy nhiên, Hoon và Mishra nhận thấy rằng GRP vẫn tham gia và đóng vai trò trong các phản ứng ngứa. Khi được tiêm GRP, những con chuột đột biến thiếu Nppb hoặc thụ thể của Nppb vẫn tạo ra phản xạ gãi mạnh. Ngoài ra, trong một thí nghiệm khác, những con chuột trong đó receptor GRP bị ức chế không thực hiện các hành vi gãi, thậm chí khi tiêm Nppb vào tủy sống. Những kết quả trên chỉ ra rằng GRP được giải phóng ở các tế bào thần kinh ở phần sau con đường truyền tín hiệu ngứa của Nppb.
“Mô hình này phù hợp với các quan sát của các nhóm nghiên cứu khác”, Sarah Ross, nhà thần kinh học tại Đại học Pittsburgh ở Pennsylvania nhận định. Các con đường thần kinh cảm giác ngứa ở người cũng tương tự, mặc dù không hoàn toàn giống như ở mô hình chuột. Vẫn chưa biết được mối liên hệ giữa Nppb ở chuột và một chất nào tương tự ở người. Hoon và cộng sự có kế hoạch tiếp tục tiến hành các nghiên cứu tương tự trên người nhằm tìm ra mối liên hệ với kết quả ở trên.
Giesler nói ngứa là một vấn đề phổ biến, có liên quan đến hơn 20 điều kiện khác nhau, bao gồm eczema và bệnh vẩy nến. “Thuốc kháng histamine có tác dụng trong một số dạng ngứa, nhưng đối với đại đa số dạng còn lại thuốc không có hiệu quả”, ông nói. “Nghiên cứu này giới thiệu một hướng nghiên cứu mới, một mục tiêu mới cho việc điều trị lâm sàng các bệnh liên quan đến ngứa.”
Lâm Thái Thành
Theo Nature