Author: tcnhat

  • Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc Hội đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM

    Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc Hội đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM

    Sáng nay, 8/1/2019, trong khuôn khổ chương trình đến thăm và làm việc với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã đến thăm Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM.

    Đoàn gồm có Ông Nguyễn Đức Hải – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc Hội; Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM, Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia và nhiều cán bộ lãnh đạo khác.

    Viện Tế bào gốc vinh dự là 1 trong 3 đơn vị nghiên cứu của Đại học Quốc gia Tp.HCM được Đoàn đến thăm trong sáng nay.

    Tiếp đoàn, PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng đã đại diện cho toàn thể các bộ nhân viên của Viện tế bào gốc giới thiệu các hoạt động của Viện, các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện như công nghệ phân lập nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc từ tuỷ xương, mô mỡ, mô dây rốn cho ứng dụng điều trị bệnh trên người; công nghệ sản xuất các sản phẩm mĩ phẩm sinh học (công đã đã chuyển giao thành công); công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Cartilatist ứng dụng trong điều trị thoái hoá khớp và cột sống (công nghệ vừa chuyển giao thành công); …. và các Tạp chí đã được Viện xuất bản, đặc biệt 2 tạp chí quốc tế Biomedical Research and Therapy và Progress in Stem Cell là hai tạp chí quốc tế thuộc Web Of Science và Scopus.

    Đoàn đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Viện Tế bào gốc trong thời gian qua, đặc biệt ấn tượng với các sản phẩm cụ thể của Viện đã thành công trong phục vụ cộng đồng.

    Hình 1. Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Viện Tế bào gốc. Ông Phạm Văn Phúc (người thứ 3 từ trái sang), Ông Nguyễn Đức Hải (người thứ 4 từ trái sang), Ông Huỳnh Thành Đạt (người thứ 5 từ trái sang)
    Hình 2. Ông Phạm Văn Phúc đang giới thiệu các prototype sản phẩm với đoàn.
  • DANH SÁCH ĐẠI BIỂU THAM DỰ SEMINAR “MULTILAYERED SURFACE NANO-COATING FOR MEDICAL APPLICATIONS”

    [pdf-embedder url=”https://vinastemcelllab.com/wp-content/uploads/2018/11/Seminar-1.12.18-1.pdf” title=”Seminar (1.12.18)”]

  • MỜI THAM DỰ SEMINAR “MULTILAYERED SURFACE NANO-COATING FOR MEDICAL APPLICATIONS”

    MỜI THAM DỰ SEMINAR “MULTILAYERED SURFACE NANO-COATING FOR MEDICAL APPLICATIONS”

    Sáng ngày 01 tháng 12 năm 2018, Viện Tế bào Gốc (trường ĐH KHTN, ĐHQG Tp.HCM) hân hạnh đón tiếp PGS. Jinkee Hong đến thăm và làm việc. Trong dịp này, PGS. Jinkee Hong sẽ trình bày các nghiên cứu nổi bật về ứng dụng các hạt nano trong y học ứng dụng với chủ đề “MULTILAYERED SURFACE NANO-COATING FOR MEDICAL APPLICATIONS”.
    PGS. Jinkee Hong hiện làm ở:
    – Nano Complex Materials Lab
    – Department of Chemical and Biomolecular Engineering
    – Yonsei University
    Đây là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên gặp gỡ và trao đổi với PGS. Jinkee Hong.


    Thời gian: 9h00-11h00 ngày 1-12-2018.

    Địa điểm: Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khu phố 6, Linh trung, Thủ Đức (phòng Hội trường tòa nhà B6-1)

    Số lượng: Giới hạn 100 người đăng ký đầu tiên

    Trân trọng kính mời các Quý Thầy/Cô, các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến tham dự buổi hội thảo.

    Vui lòng đăng kí tham dự theo link bên dưới trước ngày 30/11/2018.
    Link đăng kí tham dự: https://goo.gl/forms/3T37B21hedpHPUNI3

  • THÔNG BÁO SỐ 5: KẾT QUẢ VÒNG LOẠI  CUỘC THI STEM CELL INNOVATION LẦN 5 – 2018

    THÔNG BÁO SỐ 5: KẾT QUẢ VÒNG LOẠI CUỘC THI STEM CELL INNOVATION LẦN 5 – 2018

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN
    VIỆN TẾ BÀO GỐC
    BTC STEM CELL INNOVATION 2018

     

    TP HCM, ngày 5 tháng 11 năm 2018

    THÔNG BÁO SỐ 5
    KẾT QUẢ VÒNG LOẠI
    CUỘC THI STEM CELL INNOVATION LẦN 5 – 2018

    Vào lúc 7h30 ngày 04/11/2018, tại Sân cỏ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, cơ sở Linh Trung, Thủ Đức, TP HCM, 43 đội thi từ các trường THPT và đại học trên khắp cả nước: ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Tế, Khoa Y-ĐHQG HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược HCM, ĐH Y Dược Huế, ĐH Khoa học Tự nhiên Huế, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Cần Thơ, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, THPT Lê Quý Đôn Vũng Tàu, THPT Vũng Tàu, THPT Lê Hồng Phong HCM,… đã có mặt chuẩn bị cho vòng đấu loại Stem Cell Innovation 2018 với tinh thần đầy phấn khởi.

    43 đội thi có mặt tại sàn đấu loại trực tiếp

    Trong không khí đầy vui tươi, Lễ khai mạc cuộc thi Stem Cell Innovation 2018 được diễn ra với sự tham dự của Thầy Phan Kim Ngọc, TS. Trần Văn Mẫn – Trưởng phòng KHCN, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐHQG HCM, ông Nguyễn Hậu Lễ – Giám đốc công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, nhà tài trợ chính của cuộc thi và các thầy, cô Viện Tế bào gốc, PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc.

    Các thầy, cô trong ban cố vấn và khách mời của cuộc thi (Từ trái sang: TS. Trần Văn Mẫn, Thầy Phan Kim Ngọc, TS. Trương Hải Nhung, PGS.TS. Phạm Văn Phúc)

    Trong buổi lễ, PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, trưởng ban tổ chức lên phát biểu khai mạc cuộc thi và trình bày những điểm mới và hấp dẫn trong cuộc thi năm nay.

    PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Trưởng BTC phát biểu khai mạc.

    Sau khi phát biểu khai mạc, vòng thi đấu đầu tiên của vòng loại bắt đầu với hình thức rung chuông vàng, 43 đội thi cùng trả lời các câu hỏi để chọn ra 8 đội bước vào phần thi thứ 2.

    Trải qua 6 vòng lựa chọn, 8 đội thi đã được chọn vào phần thi tiếp theo, bao gồm đội HLA (trường ĐH KHTN, ĐH Quốc tế), đội SNSM, đội Rich Kid, đội BĐ2N, Bồ câu tím (trường ĐH KHTN), đội NiHuHu (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), đội Flames ( ĐH Y Dược Cần Thơ), đội S1417-DNH (ĐH KHTN, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược HCM).

    43 đội thi tranh tài trong vòng thi kiến thức tế bào gốc

    Các sinh viên tham gia cổ vũ các đội thi có mặt từ rất sớm và được giao lưu, chơi trò chơi cho khán giả và dành được nhiều phần quà hấp dẫn từ cuộc thi.

    Cổ động viên tham gia chơi các trò chơi dành cho khán giả

    Bước vào phần thi thứ 2 Kỹ năng tế bào gốc, các đội thi có màn tranh tài gây cấn với các chiến thuật chọn gói câu hỏi và dành quyền trả lời để dành cho mình tấm vé bước vào chung kết.

    Các đội thi tập trung suy nghĩ và trả lời các câu hỏi của BTC

    Sau 2 bảng thi đấu, 4 đội thi xuất sắc nhất đã dành được cơ hội bước vào vòng chung kết cuộc thi Stem Cell Innovation 2018, sẽ diễn ra vào ngày 25/11/2018. Bao gồm đội HLA (ĐH KHTN, ĐH Quốc tế – ĐHQG HCM, đội SNSM (ĐH KHTN-ĐHQG), đội NiHuHu (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), đội Flames (trường ĐH Y Dược Cần Thơ).

    4 đội thi dành được tấm vé vào chung kết cuộc thi

    8 đội thi chụp hình chung với các thầy cô trong Ban cố vấn

    Đội thi nào sẽ là nhà vô địch của cuộc thi Stem Cell Innovation lần 5 – 2018, hãy luôn theo dõi cuộc thi nhé!

                BTC STEM CELL INNOVATION 2018

  • Đại học Georgia Mỹ đến thăm và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc

    Đại học Georgia Mỹ đến thăm và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc

    Vào ngày 2.11.2018, TS. Stephen Dalton (Giám đốc Trung tâm Y học phân tử) và TS. Amrit Bart (Giám đốc Ban Quan hệ quốc tế) của Đại học Georgia (UGA) của Mỹ đã đến thăm và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc (SCI), Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TpHCM. TS. Phạm Văn Phúc cùng Ban lãnh đạo của Viện Tế Bào Gốc đã tiếp và làm việc.

    Được thành lập vào năm  1801,  Đại học Georgia (UGA) là đại học công lập đầu tiên, một trong những trường đại học công lập lớn, đại học nghiên cứu toàn diện và đa ngành lâu đời của Hoa kỳ. Trung tâm Y học phân tử là nơi tập trung những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực sử dụng tế bào gốc trong tim mạch, thần kinh, các bệnh liên quan chuyển hóa; nghiên cứu mô hình hóa các bệnh ở người sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC); khám phá thuốc, kỹ nghệ mô, và phát triển vaccine.

    Trong chương trình làm việc, TS. Stephen đã có báo cáo seminar với sự tham dự của gần 100 sinh viên và người quan tâm. Seminar tập trung vào 2 chủ đề: Tái tạo mạch máu từ tế bào tiền thân nội mô mạch và điều trị đái tháo đường type 2 bằng tế bào gốc iPSC.

    Cùng ngày, UGA và SCI đã có cuộc họp để thảo luận về các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực tế bào gốc. Hai bên đã đề cập đến việc mở ra các chương trình trao đổi nhà khoa học để tham gia vào các dự án hợp tác chung của hai bên trong tương lai gần; đồng tổ chức các hội nghị quốc tế trong thời gian tới. SCI cũng mời UGA tham gia vào Hiệp hội quốc tế về thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc mà SCI đang vận động các Trường, Viện, Bệnh viện ở nhiều quốc gia để thành lập trong năm tới.

    Tại cuộc họp, đại diện của hai bên cũng đã thảo luận về việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MoU).

    SCI cũng đã đề nghị nâng tầm hợp tác hiện tại lên mức toàn diện hơn giữa Trường đại học: Trường Đại học KHTN hay ĐHQG Tp.HCM và UGA.

    GS.TS. Stephen (áo xám ở giữa) chụp ảnh lưu niệm với sinh viên tham gia seminar

    GS.TS. Stephen và TS. Amrit chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Viện.
    Từ trái sang: ThS. Phan Lữ Chính Nhân; TS. Amrit Bart; GS.TS. Stephen Dalton;
    PGS.TS. Phạm Văn Phúc; ThS. Nguyễn Trường Sinh.

  • Đại học Y Kansai, Nhật Bản thăm và làm việc với Viện Tế bào gốc, ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM

    Đại học Y Kansai, Nhật Bản thăm và làm việc với Viện Tế bào gốc, ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM

    Ngày 28-10, Hiệu trưởng Đại học Y Kansai (KMU), GS. Koichi Tomoda, cùng phái đoàn đã đến thăm và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc (SCI), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM. Viện Trưởng Viện Tế Bào Gốc, PGS.TS Phạm Văn Phúc, đã tiếp và có buổi làm việc với GS. Tomoda.

    TS. Phạm Văn Phúc đang giới thiệu về khu nghiên cứu trung tâm của SCI

    Đại học Y Kansai (KMU) là trường Đại học có lịch sử lâu đời được thành lập từ năm 1928. KMU có hệ thống bệnh viện tiên tiến để phục vụ cho việc khám chữa bệnh, đào tạo, và nghiên cứu trong lĩnh vực Y sinh học. Hiện tại, KMU đang thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu về iPSC và Y học tái tạo.

    PGS.TS. Phạm Văn Phúc đã giới thiệu về Viện cùng những thành tựu trong 10 năm qua. GS. Koichi Tomada rất ấn tượng về những gì đã đạt được của Viện Tế Bào Gốc. Ông Tomoda bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc với SCI trong thời gian sắp tới.

    PGS.TS Phạm Văn Phúc bày tỏ sự sẵn lòng và chào đón hợp tác. SCI có đầy đủ nhân lực, vật lực và tiềm lực để tham gia vào những nghiên cứu chung của 2 bên. SCI cũng đã mời KMU tham gia vào Hiệp hội thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc quốc tế mà SCI đang vận động thành lập.

    KMU cũng đã giới thiệu về chương trình đào tạo sinh viên quốc tế và mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ tiếp nhận những sinh viên đầu tiên của Viện Tế Bào Gốc tham gia vào chương trình này. Viện Tế Bào Gốc cũng mong muốn chào đón sinh viên của KMU đến thực tập nghiên cứu tại SCI.

    Cả 2 bên đang soạn thảo MoU để tiến đến việc ký kết Biên bản ghi nhớ, triển khai các hợp tác trong tương lai gần.

    Ông Tomoda đang trao quà lưu niệm cho ông Phạm Văn Phúc

    SCI và phái đoàn KMU chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc buổi họp

  • CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO KHOA HỌC “LIỆU PHÁP HUY ĐỘNG TẾ BÀO GỐC NỘI SINH TRONG ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG GAN: TỪ NGHIÊN CỨU ĐẾN ỨNG DỤNG”

    CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO KHOA HỌC “LIỆU PHÁP HUY ĐỘNG TẾ BÀO GỐC NỘI SINH TRONG ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG GAN: TỪ NGHIÊN CỨU ĐẾN ỨNG DỤNG”

    Tế bào gốc đang ngày càng cho thấy tiềm năng ứng dụng to lớn trong điều trị bệnh. Cùng với chiến lược cấy ghép tế bào gốc vào cơ thể, chiến lược huy động tế bào gốc nội sinh từ tuỷ xương cũng được đánh giá là liệu pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị nhiều bệnh lí. Yếu tố kích thích tăng trưởng bạch cầu hạt (GCSF) là thuốc sinh học đã được ứng dụng trong huy động tế bào gốc từ tuỷ xương ra máu ngoại vi trong điều trị một số bệnh lí về máu. Tế bào gốc được huy động sẽ tuần hoàn trong cơ thể và di chuyển đến các cơ quan bị tổn thương. Trên lí thuyết này, liệu pháp huy động tế bào gốc nội sinh được các nhà Khoa học đề xuất là liệu pháp tiềm năng trong điều trị và hỗ trợ điều trị tổn thương gan.

    Tiềm năng của liệu pháp huy động tế bào gốc nội sinh bằng GCSF trong điều trị lâm sàng cũng như trong nghiên cứu điều trị bệnh lí tổn tương gan sẽ được chia sẻ trong buổi hội thảo “LIỆU PHÁP HUY ĐỘNG TẾ BÀO GỐC NỘI SINH TRONG ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG GAN: TỪ NGHIÊN CỨU ĐẾN ỨNG DỤNG”.

    Thời gian: 8h15-11h00 ngày 23-10-2018.

    Địa điểm: Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khu phố 6, Linh trung, Thủ đức (phòng Hội trường tòa nhà B6-1)

    Số lượng: Giới hạn 50 người đăng ký đầu tiên

    Buổi hội thảo có sự tham gia báo cáo của Giáo sư AiXuan Holterman – Trường  Đại học  IllInois (Hoa Kỳ), Tiến sỹ Trương Hải Nhung – PTN Nghiên cứu & Ứng dụng Tế bào gốc, Thạc sỹ Lê Văn Trình – Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG HCM.

    Trân trọng kính mời các Quý Thầy/Cô, các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến tham dự buổi hội thảo.

    Vui lòng đăng kí tham dự theo link bên dưới trước ngày 21/10/2018.

    Link đăng kí tham dự: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScfEe92Ic_dIeZ1-sY7gCW64VsdJ0dlg2QLduqBjQQlMwYrHA/viewform?usp=sf_link

    Ban tổ chức Hội thảo

  • Tổng kết và bế mạc chương trình Stem Cell Summer School 2018

    Tổng kết và bế mạc chương trình Stem Cell Summer School 2018

         Vào ngày 10/8/2018, buổi lễ Tổng kết và bế mạc chương trình Stem Cell Summer School 2018 đã diễn ra trong không khí trang trọng, nghiêm túc và đầy phấn khởi tại Viện Tế bào gốc, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM dưới sự chủ trì của Ban chấp hành chi Đoàn Cán bộ trẻ Phòng thí nghiệm Tế bào gốc. Tham gia buổi lễ có sự góp mặt của 15 bạn học viên thuộc chương trình Stem Cell Summer School đến từ 7 nhóm nghiên cứu. Buổi lễ đã trân trọng đón tiếp PGS. TS. Phạm Văn Phúc (Viện trưởng Viện Tế bào gốc,  trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM), ThS. Trương Châu Nhật (bí thư chi Đoàn Cán bộ trẻ Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, trưởng ban tổ chức chương trình Stem Cell Summer 2018) và các thầy cô, các sinh viên của Viện Tế bào gốc.

         Mở đầu chương trình, thầy Trương Châu Nhật lên tổng kết chương trình Stem Cell Summer 2018: “Chương trình Stem Cell Summer 2018 được khai sinh bởi PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc và được tổ chức lần đầu vào năm 2015. Trải qua tiếp các năm 2016, 2017 và năm nay 2018 là lần thứ 4 chương trình được tổ chức. Ban đầu Stem Cell Summer chỉ có phần Stem Cell Summer Tour (là hoạt động giới thiệu về PTN/Viện Tế bào gốc và tham quan khu vực nghiên cứu của PTN/Viện). Đến năm 2017, lần đầu tiên Stem Cell Summer School được đưa vào khuôn khổ của chương trình SCS. Trong năm đầu tiên Stem Cell Summer School được tổ chức, học viên là các bạn học sinh, sinh viên được tuyển chọn trực tiếp từ các buổi tham quan Stem Cell Summer Tour. Các bạn học viên sẽ được cùng tham gia chung một khóa học ngắn hạn trong vòng 1 tuần về nuôi cấy tế bào gốc. Đến năm nay, thể lệ chương trình đã có sự thay đổi rất lớn. Học viên sẽ đăng ký vào các nhóm nghiên cứu của Viện tế bào gốc, và nếu được các nhóm nghiên cứu ấy chọn thì các bạn sẽ tham gia vào nhóm nghiên cứu đó trong vòng 2 tuần. Bởi vì mỗi bạn được tham gia vào một nhóm nghiên cứu nên những gì bạn học được sẽ rất đa dạng, đúng với nguyện vọng ban đầu của các bạn. Quá trình trải nghiệm nghiên cứu cũng sẽ hiệu quả hơn khi một nhóm nghiên cứu kèm cặp một số lượng vừa phải các bạn học viên. Cả chương trình có 15 học viên được tuyển chọn, tham gia vào 7 nhóm nghiên cứu. Xen giữa khóa học, các bạn đã được trải nghiệm một chuyến du lịch ngoại khóa đến khu di tích Địa đạo Củ Chi. Hoạt động này, vừa để kết nối các bạn lại với nhau, để các bạn có cơ hội giao lưu, làm quen và trao đổi những gì đã học được trong một tuần. Hy vọng qua chuyến tham quan đó, các bạn đã có thời gian xả stress; cũng như là biết thêm một số điều mới; bên cạnh các thông tin về Viện, về nghiên cứu, đây là lúc để ôn lại lịch sử của đất nước.”

    Thầy Trương Châu Nhật tổng kết chương trình Stem Cell Summer 2018

         Thầy Nhật cũng đã gửi lời cám ơn đến các bạn học viên đã tham gia chương trình; cảm ơn tất cả các thầy cô trong ban tổ chức đã lên kế hoạch, đã chạy chương trình; cám ơn thầy cô các nhóm nghiên cứu đã nỗ lực đi cùng với các bạn học viên trong những bước chân đầu tiên trên con đường nghiên cứu. Đồng thời, thầy cũng gửi lời cám ơn đến Viện Tế bào gốc, mà đại diện là thầy Phạm Văn Phúc đã tài trợ cho chương trình; từ kinh phí để tổ chức chương trình cho đến trung tâm nghiên cứu, và cả hỗ trợ nơi ở lại cho các bạn ở các tỉnh xa.

         Tiếp theo thầy Phạm Văn Phúc đã phát biểu chúc mừng sự thành công của chương trình Stem Cell Summer School năm nay. Thầy cũng có đôi lời chia sẽ thêm về Viện Tế bào gốc, về những thành tựu mà Viện đạt được cho tới ngày hôm nay và giới thiệu chương trình Stem Cell Innovation lần thứ V mà Viện chuẩn bị tổ chức.

    Thầy Phạm Văn Phúc phát biểu bế mạc và chúc mừng sự thành công của chương trình Stem Cell Summer School 2018

         Sau phần phát biểu chào mừng, thầy Phạm Văn Phúc đại diện Viện Tế bào gốc đã trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Stem Cell Summer 2018 cho các bạn học viên:

    Các bạn học viên chụp hình chung với thầy Phạm Văn Phúc và Ban tổ chức chương trình Stem Cell Summer School

         Phần cuối cùng, các bạn học viên từ các nhóm nghiên cứu đã lên chia sẽ về thành quả học tập cũng như những suy nghĩ, tình cảm của mình trong vòng 2 tuần làm việc tại Viện Tế bào gốc.

    Các bạn học viên từ các nhóm nghiên cứu lên chia sẽ về thành quả học tập trong chương trình Stem Cell Summer School

         Buổi Tổng kết đã khép lại chương trình Stem Cell Summer School năm nay. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình năm sau.

    T.C.N.

  • Khai mạc chương trình Stem Cell Summer School 2018

    Khai mạc chương trình Stem Cell Summer School 2018

    Stem cell summer School là hoạt động nằm trong chương trình Stem cell summer của Viện Tế Bào Gốc. Hoạt động được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh trung học phổ thông, sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các khu vực khác trên thế giới có cơ hội học tập trải nghiệm, tiếp cận với công việc nghiên cứu khoa học nói chung và về tế bào gốc nói riêng.

    Ngày 30/07/2018, hoạt động đã chính thức khai mạc tại Viện Tế Bào Gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cơ sở Linh Trung trong không khí vui vẻ, hân hoan. Các học viên đến từ nhiều trường đại học, THPT khác nhau như ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc Tế, ĐH Bách Khoa, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, Trường Phổ Thông Năng Khiếu – ĐHQG TPHCM, THPT Châu Thành…là điều kiện thuận lợi để các bạn giao lưu học hỏi lẫn nhau.

    Buổi khai mạc Stem cell Summer School diễn ra tại hội trường PTN Nghiên cứu Ung thư

    Theo kế hoạch đề ra, 16 học viên sẽ học tập tại Viện Tế Bào Gốc trong 2 tuần, từ ngày 30/07/2018 đến 10/08/2018, với các hoạt động học thuật đặc trưng của từng nhóm nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa nhằm gắn kết các bạn học viên. Tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Trương Hải Nhung, trưởng nhóm Y học tái tạo gan, đại diện cho các Thầy/ Cô nhắn nhủ các bạn hãy nhân cơ hội này cố gắng học tập, tìm hiểu về hướng nghiên cứu mình chọn và tìm kiếm cho mình những tình bạn trong thời sinh viên.

    Ngoài ra, các học viên còn được giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Viện Tế Bào Gốc, hướng dẫn trực tiếp các quy định an toàn trong phòng thí nghiệm và trao đổi thông tin với trưởng nhóm nghiên cứu.

    Học viên trao đổi thông tin với Trưởng nhóm nghiên cứu

    Học viên được hướng dẫn quy định an toàn trong phòng thí nghiệm

    Chúc các bạn học viên có 2 tuần học tập, nghiên cứu hiệu quả tại Viện Tế Bào Gốc và chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động ngoại khóa sắp diễn ra.

    Hồng Phúc