Trứng chuột được tạo ra trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học ở Nhật Bản đã chuyển đổi thành công tế bào da của chuột thành những tế bào trứng, và sử dụng những trứng này để tạo ra những con chuột con. Đây là những trứng đầu tiên được tạo ra hoàn toàn bên ngoài cơ thể. Nếu thí nghiệm này có thể được thực hiện trên người, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra các tế bào trứng nhân tạo mà không cần phải cấy ghép các tế bào trứng chưa trưởng thành vào buồng trứng để hoàn thành quá trình phát triển của nó.

Katsuhiko Hayashi, một nhà sinh học sinh sản tại Đại học Kyushu ở Fukuoka, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã công bố đột phá này vào ngày 17 tháng 10 trên tạp chí Nature. Vào năm 2012, tại trường Đại học Kyoto, ông và nhà nghiên cứu tế bào gốc Mitinori Saitou báo cáo rằng họ đã bất hoạt một số con đường chuyển hóa của tế bào da để chuyển đổi thành tế bào trứng: tái thiết lập chương trình của chúng thành tế bào gốc giống tế bào gốc phôi và tiếp tục hình thành các tế bào dòng mầm nguyên thủy (PGCs). Những tế bào này xuất hiện trong quá trình hình thành của phôi, rồi biệt hóa thành tinh trùng hoặc trứng. Nhưng để PGCs có thể hình thành tế bào trứng, chúng phải được chuyển vào buồng trứng của những con chuột cái.

Hình 1. Những trứng nhân tạo từ tế bào gốc phôi.

Phát hiện tiếp theo là vào tháng 7 năm 2016, khi một nhóm nghiên cứu do Yayoi Obata, tại Đại học Nông nghiệp Tokyo, báo cáo đã chuyển PGCs thu nhận từ bào thai chuột thành tế bào trứng mà không cần phải chuyển chúng vào buồng trứng như phương pháp trên. Sự hợp tác giữa ba nhà khoa học Obata, Hayashi và Saitou sau đó đã giúp hoàn thành quy trình: từ tế bào da tạo thành công tế bào trứng trong phòng thí nghiệm. Sử dụng các kĩ thuật thụ tinh nhân tạo (IVF), 26 chú chuột con khỏe mạnh đã được sinh ra (một số từ các tế bào gốc phôi và một số từ các tế bào da được tái thiết lập chương trình). Hayashi cho biết một trong số chúng đã sinh ra được thế hệ thứ hai tiếp theo.

Hình 2. Bảy chú chuột từ trứng được tạo ra hoàn toàn từ đĩa nuôi.

“Điều này thực sự quá tuyệt vời!”, theo Jacob Hanna, nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Viện Khoa học Weizmann ở Rehovot, Israel.  Còn theo Dieter Egli tại New York Stem Cell Foundation Research Institute: “Nếu trước đây, các phần riêng lẻ của thí nghiệm này đã được thực hiện thì giờ đây họ đã gắn các phần này lại với nhau để thành một thí nghiệm hoàn chỉnh. Tôi thật sự ấn tượng với cách họ tạo ra chuột con bằng phương pháp đó”.

Nguyễn Xuân Quý – Đặng Thanh Long
Theo Nature


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *