Trong căn phòng vô trùng, đủ thứ máy móc, chai lọ, vật dụng… có những phụ nữ cặm cụi phân tích tế bào – đơn vị nhỏ nhất của sự sống.
Tập thể nữ SCI là đơn vị tập thể nữ duy nhất của phía Nam vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018 |
Tuổi 20 trong phòng thí nghiệm
Trong 19 cán bộ nữ (chiếm 61%) của Viện Tế bào gốc (SCI, thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM), người lớn tuổi nhất năm nay 33 tuổi và người nhỏ nhất mới 24 tuổi. Công việc của các chị quẩn quanh trong phòng thí nghiệm với các tế bào gốc: chơi đùa, phân tích, mổ xẻ, nhìn ngắm chúng cả ngày. Các chị nói, thế giới của các chị bé bằng một tế bào. Dưới kính hiển vi, có một thế giới khác vừa xa lạ vừa gần gũi, hiện lên một cách sống động.
Từ nhỏ, Đào Thị Thanh Thủy đã muốn làm một cái gì đó trong phòng thí nghiệm; nhưng lúc đó, Thủy chưa hình dung được mình sẽ làm gì. Cho tới khi, qua kính hiển vi, lần đầu nhìn những vật chất di truyền trong tế bào cựa quậy, chuyển động trước mắt, cô sinh viên Khoa Sinh đã quyết định theo đuổi con đường trở thành một nhà nghiên cứu khoa học, dù điều đó không hẳn là mong muốn của cha mẹ.
ThS. Đào Thị Thanh Thuỷ (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng nghiệp tại lễ trao giải thưởng phụ nữ Việt Nam 2018
“Mình muốn chạm vào nó gần hơn. Đó là cơ thể mình, nhưng trước giờ mình chưa bao giờ hình dung được, dưới lớp da thịt này, có một thế giới vừa khổng lồ lại vừa bí ẩn tồn tại như thế” – Thủy kể về kỷ niệm “dan díu” với một tế bào bằng cảm giác khá phấn khích.
Tiến sĩ Trương Hải Nhung, một trong hai “chị đại” của SCI, tập trung nghiên cứu các ứng dụng tế bào gốc trong việc xử lý các vấn đề bệnh lý về gan như ung thư gan, xơ gan… Chị cười: “Có mỗi cái gan thôi, nghiên cứu hoài không hết. Thời sinh viên đã nghiên cứu nó, giờ vẫn chưa xong”. Mà, có lẽ cũng không bao giờ xong được, bởi mỗi loại tế bào có những hình dáng khác nhau, mỗi người lại có những tế bào khác nhau. Cứ thế, chúng vận động, sinh sôi, phát triển. Có những người, cả đời chỉ mong ước thấu suốt được một loại tế bào.
So với những ngành nghề khác, những người nữ làm nghiên cứu y sinh cần tính kiên nhẫn, cần mẫn tới mức khiến người ngoài phải sốt ruột. Thông thường, ở những ngành nghề khác, công việc hành chính bắt đầu từ 8g sáng tới 5g chiều, nhưng người làm nghiên cứu không vậy. Công việc có khi kéo dài tới 8, 9g tối, thậm chí đến 1, 2g sáng hôm sau. Người độc thân thì không sao, nhưng nếu lập gia đình, có con cái thì phải chật vật tự cân bằng cuộc sống.
Vất vả là vậy, nhưng “hết dự án nghiên cứu này lại lui cui nghiên cứu dự án khác, bởi nếu rảnh quá, lại rất chán” – chị Nhung chia sẻ. “Nhưng khi bạn bè bay nhảy bên ngoài, thanh xuân trôi qua trong căn phòng ngột ngạt kín mít này, chẳng lẽ không chán ư?”, tôi hỏi. Thủy hỏi ngược lại: “Nếu bạn bè thích du lịch thì mình thích nghiên cứu. Thanh xuân đâu vô nghĩa nếu được làm cái ta thích”.
Tiến sĩ Trương Hải Nhung trong thế giới quen thuộc của mình |
Hạnh phúc nhỏ bé
“Giống như các bạn diễn viên, ca sĩ, người mẫu thuộc về showbiz; những nhà khoa học cũng có cộng đồng của mình (tạm gọi là “sciencebiz”). Trong cộng đồng đó, số lượng khoa học gia nữ được định danh không phải là ít. Hằng năm, những người làm nghiên cứu đều có những hội nghị hoặc hội thảo, quy tụ những nhà khoa học có cùng câu chuyện, tiếng nói. Giá trị cao nhất của khoa học là sẻ chia, để được học hỏi nhiều hơn. Người ngoài nhìn vào vẫn nói đây là cái nghề… chán ngắt, tẻ nhạt, buồn ngủ. Nhưng nếu làm rồi và sống với nó mới thấy, nó cực kỳ năng động” – chị Nhung chia sẻ.
Giờ đây, chẳng cần đi đâu xa, các nhà khoa học vẫn có thể làm khoa học. Năm 2007, Đại học Quốc gia TP.HCM đầu tư cho SCI một phòng nghiên cứu hiện đại, với tổng kinh phí 2 triệu USD, giúp cho việc nghiên cứu thuận lợi, cập nhật hơn. Khoảng cách trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay với thế giới đang ngày càng thu hẹp. Các nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế ngày càng nhiều. Chị Nhung nói, ra sân chơi quốc tế mà mình có thể chơi được với họ, nghĩa là những nghiên cứu của mình có tính chất cập nhật, đặc thù. Và sân chơi ấy là sân chơi bình đẳng, không phân biệt giới tính, chủng tộc, màu da.
Ngồi nói chuyện, cảm nhận được sự cởi mở của họ; nhưng những người phụ nữ ấy có khi lại ngượng nghịu, khiêm tốn trước ống kính. Bởi, thế giới của họ “ở trong tối, gắn với những công việc thầm lặng quen rồi, giờ ra sáng, cứ thấy không quen”. Tiến sĩ Trương Hải Nhung nhớ lại, năm 2015-2016, vừa đoạt giải thưởng Quả cầu vàng về khoa học công nghệ, vừa tham gia Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc, chị xuất hiện dày đặc trên truyền thông. Chị xem đó là những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời làm khoa học của mình, nhưng cũng là áp lực buộc chị phải cố gắng nhiều hơn. Chị nói, giai đoạn đó thực sự ồn ào, hào nhoáng. Chị phải tự nhắc lắng mình xuống, để làm việc, để quay về với căn phòng đang còn ngổn ngang dự định.
Hạnh phúc của một người làm khoa học là nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tiễn. Nếu Đào Thị Thanh Thủy đang mong muốn có một nghiên cứu “thành hình, rõ nét, có tác động” liên quan tới các bệnh lý về xương khớp, tiến sĩ Trương Hải Nhung đang đi hết khát vọng của mình với lá gan thì tiến sĩ Vũ Bích Ngọc đang mong sớm tạo ra được mô sụn nhân tạo đủ tiêu chuẩn cấy ghép vào cơ thể người để điều trị thoái hóa sụn khớp. Xa hơn, kết quả đề tài của chị có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y học, mỹ phẩm, lai tạo giống. Giá trị của khoa học là mang lại hiệu quả thiết thực, dù là nhỏ nhoi. Đó là thế giới “nhỏ và rất nhỏ” của các chị.
Được vinh danh tại giải thưởng “vàng” dành cho giới nữ Trong những năm qua, Viện Tế bào gốc (tiền thân là Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc) liên tục đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng kể trong nước và quốc tế, được đánh giá là một trong những đơn vị có hoạt động khoa học công nghệ xuất sắc của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngày 15/10, tập thể nữ Viện Tế bào gốc – đơn vị tập thể nữ duy nhất của phía Nam – đã vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018. Đây là giải thưởng cấp quốc gia quan trọng dành cho phụ nữ Việt Nam, nhằm ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các chị là tác giả của 7 đề tài khoa học; 6 chuyển giao công nghệ; xây dựng và chuẩn hóa thành công quy trình nuôi cấy tế bào gốc đạt tiêu chuẩn cho cấy ghép lâm sàng; tham gia xuất bản sách chuyên khảo trong và ngoài nước; có 3 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 3 tác giả chính là nữ; 100% sinh viên do các chị hướng dẫn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong 3 cá nhân đoạt giải thưởng Quả cầu vàng về khoa học công nghệ có 2 nhà nghiên cứu nữ: tiến sĩ Trương Hải Nhung (năm 2016) và tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (năm 2017). Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc cũng chính là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Nhà nước năm 2017 vừa được công bố hồi tháng Ba năm nay. Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ tham gia báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế được đánh giá cao, trong đó có hai cán bộ đoạt giải báo cáo viên xuất sắc tại Hội nghị quốc tế CRRM (2017). |
Tiến sĩ Trương Hải Nhung, Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2016: “Một ngày nào đó, những thế giới nhỏ nhỏ ghép lại thành một thế giới to” Hồi còn học năm thứ 2 tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thầy Phan Kim Ngọc – một trong những người đầu tiên xây dựng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, có nói với lũ sinh viên một câu mà tôi nhớ mãi: “Nếu trở thành một bác sĩ giỏi, trong cuộc đời của mình, các em sẽ cứu được hàng ngàn bệnh nhân. Nhưng nếu là một nhà nghiên cứu khoa học giỏi, có thể cứu được cả thế giới”. Lúc đó, hai chữ “thế giới” trong tưởng tượng của tôi vĩ đại, lớn lao lắm. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó, mình có thể phát minh ra một loại thuốc, một loại vắc-xin nào đó mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tôi quyết định chuyển hướng sang làm nghiên cứu cũng vì câu nói của thầy. Giờ đây, khi đã bước chân vào lĩnh vực này, ngày qua ngày cặm cụi làm bạn với những tế bào có nhiều hình thù khác nhau, càng học nhiều, làm nhiều, mới thấy sự học vô cùng. Và “thế giới” vĩ đại, to lớn, xa vời mà ngày xưa tôi khát vọng chạm tay tới giờ được hiện thực hóa, cụ thể hơn rất nhiều. “Thế giới” đó bé lại bằng một câu chuyện này, một công trình này, một đề án này, một phạm vi nhỏ, một góc phòng thí nghiệm vô trùng này. Cứ thế, mỗi ngày sẽ được lấp đầy bằng những câu chuyện nhỏ. Rồi một ngày nào đó, những thế giới nhỏ nhỏ đó sẽ ghép lại thành một thế giới to. (Đậu Dung) |
Leave a Reply