CƠ CHẾ MỚI VỀ SỰ DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

khối u

Ung thư thường gây nguy hiểm và đe dọa tính mạng con người khi chúng đã bắt đầu di căn- các tế bào ung thư từ khối u nguyên phát theo dòng máu đi đến những vị trí khác trong cơ thể và tiếp tục phát triển tại đó. Để làm được điều này, các tế bào ung thư phải đi xuyên qua thành mạch để vào và ra khỏi mạch máu. Các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu tim phổi Max Planck, Bad Nauheim và đại học Goethe, thành phố Frankfurt, Đức vừa công bố phát hiện mới của mình, cho thấy các tế bào ung thư có thể tiêu diệt các tế bào đặc biệt trên thành mạch để đi xuyên qua mạch dễ dàng. Quá trình này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi phân tử DR6.

Để có được kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nuôi cấy tế bào và theo dõi cách mà các tế bào ung thư tiêu diệt tế bào nội mô- một loại tế bào của thành mạch. Quá trình này được gọi là necroptosis, cho phép các tế bào ung thư vượt qua lớp tế bào nội mô in vitro, thử nghiệm trên chuột cũng cho kết quả tương tự.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các tế bào nội mô tự đưa ra tín hiệu cho cái chết của mình: “Tế bào nội mô biểu hiện thụ thể chết DR6, thụ thể này được kích hoạt bởi protein APP trên bề mặt tế bào ung thư, đánh dấu sự bắt đầu cuộc tấn công của tế bào ung thư lên thành mạch và đỉnh điểm của cuộc chiến là quá trình necroptosis của các tế bào nội mô.”- ông Boris Strilic, tác giả chính của bài báo cho biết.

Nhóm tác giả cũng cho thấy ở chuột đột biến mất thu thể DR6, quá trình necroptosis ở tế bào nội mô và di căn của tế bào ung thư xảy ra ít hơn. Hiệu ứng này cũng xảy ra khi thụ thể DR6 của tế bào nội mô hoặc protein APP của tế bào ung thư bị bất hoạt, khẳng định một lần nữa vai trò của hai phân tử này trong sự di căn của tế bào ung thư.

Việc tìm ra cơ chế này mở ra một hướng đi mới cho điều trị ung thư thông qua việc ngăn chặn qua trình di căn. Tuy nhiên trước khi quyết định sử dụng liệu pháp bất hoạt thụ thể DR6 cần phải xem xét các tác dụng phụ có thể gây ra và thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa vào lâm sàng.

Lam Huyên dịch

Theo Sciencedaily


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *