Category: Tế bào gốc trưởng thành

  • CHI BỘ VIỆN TẾ BÀO GỐC THĂM LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG KHU PHỐ 5

    CHI BỘ VIỆN TẾ BÀO GỐC THĂM LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG KHU PHỐ 5

    Chào mừng 94 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2/1930 – 3/2/2024, Chi Bộ Viện tế bào gốc đã tới thăm và tặng quà cho Lớp học tình thương, Khu Phố 5, Phường Linh Trung, Thủ Đức.

    Lớp học tình thương nằm trên Đường số 18, Khu phố 5 được nhân dân và chính quyền Khu phố xây dựng và thành lập từ lâu đã trở thành nơi học tập và sinh hoạt của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự quan tâm, vận động của địa phương lớp học dần được hình thành để chào đón trẻ em cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, các bé không có khả năng đến trường học như bao trẻ em khác. Ở đây, các em được các Thầy Cô là các bạn sinh viên tình nguyện thuộc Đội công tác xã hội của các trường đại học như Đại học Nông Lâm, Đại học Quốc gia HCM, Đại học Ngân hàng… tận tình chỉ bảo và dạy dỗ với tấm lòng thiện nguyện. Nhằm mục đích tạo môi trường sinh hoạt và học tập để các em biết tới con chữ, phép tính, các Thầy Cô đều đặn lên lớp từ 18 giờ tới 21 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, các dịp lễ, tết thiếu nhi, tết trung thu và các dịp đặc biệt khác, Thầy Cô và Anh chị sinh viên tình nguyện cũng dành thời gian để tổ chức cho các em những hoạt động trò chơi, những buổi sinh hoạt và các những phần quà hấp dẫn. Để có thể duy trì hoạt động liên tục, sự nỗ lực, chung tay và tấm lòng của chính quyền địa phương, Thầy Cô tình nguyện và nhân dân trên địa bàn là hết sức lớn lao và cao cả.
    Để góp một phần nhỏ công sức của mình cho việc xây dựng lớp học, Chi Bộ Viện Tế bào gốc đã kêu gọi tấm lòng đóng góp của các Đảng viên, nhân viên của Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Viện Tế bào gốc. Tấm lòng đó được toàn thể Chi Bộ Viện trao tặng cho ban đại diện Lớp học tình thương vào 14 giờ ngày 31/1/2024. Đáp lại sự thăm hỏi của Chi Bộ Viện Tế bào gốc, Bà Phạm Thị Nhàn Phó Bí thư, Trưởng khu phố 5, và Ông Võ Ngọc Thoan, Bí thư chi bộ Khu phố 5 đã gởi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới tập thể Viện và Phòng thí nghiệm Tế bào gốc thay cho các cháu của lớp học, ban đại diện lớp học dự kiến sẽ dùng phần hỗ trợ từ Chi Bộ và kêu gọi thêm từ các nhà hảo tâm để có đủ kinh phí phục vụ cho việc sửa chữa một số hạng mục cần thiết của lớp học. Hy vọng rằng, các cháu sẽ có một lớp học đầy đủ khang trang hơn.
    Qua hoạt động ý nghĩa này, Chi Bộ Viện tế bào gốc xác định rằng trong năm 2024 các hoạt động của Chi Bộ sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động xã hội cụ thể mang tính thiết thực đúng lúc, đúng nơi, đúng việc.  
  • CHÚC MỪNG SINH NHẬT PHÒNG THÍ NGHIỆM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC

    CHÚC MỪNG SINH NHẬT PHÒNG THÍ NGHIỆM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC

    LẦN THỨ 17 24/12/2007 – 24/12/2023

    Nhân dịp sinh nhật lần thứ 17 Phòng thí nghiệm năm 2023, Lãnh đạo và tập thể Thầy Cô PTN đã cùng nhau tổ chức một buổi tiệc nhỏ để chúc mừng cho sự kiện ý nghĩa này. Nhân đây, tập thể PTN cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành tới Quí Thầy Cô, đồng nghiệp, các bạn NCS/HVCH/SV, và đối tác thời gian qua đã cùng hợp tác, đồng hành, ủng hộ vào sự phát triển chung của PTN. Xin chúc tất cả quí vị một mùa giáng sinh 2023 và năm mới 2024 nhiều thành công, tốt đẹp.

    Đây cũng là thời điểm cuối năm 2023 và bắt đầu chào đón năm mới 2024. PTN xin tổng kết một số kết quả hoạt động điển hình trong năm 2023 như sau.
    Về nhân sự: PTN có 11 cán bộ nghiên cứu, 01 cán bộ cố vấn khoa học trong đó có 02 Tiến sĩ (01 PGS), 07 Thạc sĩ, 03 Cử nhân.
    Về công tác chính trị – tư tưởng: PTN đã tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng do Trường đề ra; nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tình hình an ninh, chính trị; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để xây dựng nhà trường lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
    Về đào tạo: Các Thầy Cô PTN tham gia giảng dạy một số môn SĐH và ĐH cùng với Khoa Sinh học và CNSH, PTN có 1 NCS, 6 HVCH, và 14 SV bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp năm 2023.
    Về công tác sinh viên: PTN tham gia tổ chức tập huấn về an toàn sinh học và sở hữu trí tuệ cho SV/HV/NCS làm việc tại PTN, PTN phối hợp với Viện tổ chức thành công chương trình Stem cell summer cho sinh viên và học sinh trong cả nước tham quan thực tế và đồng tổ chức cuộc thi Stem cell innovation 2023 thu hút 365 đội thi.
    Về đề tài KHCN: PTN Tế bào gốc đã và đang thực hiện 23 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, cụ thể: Đang thực hiện 17 đề tài, trong đó: 3 đề tài loại C cấp ĐHQG, 1 đề tài cấp Sở KHCN Tp.HCM, 1 đề tài hợp tác với Đại học Illinois (Hoa Kỳ), 1 đề tài Nghị định thư, 5 đề tài cấp Trường và 6 đề tài thuộc Viện Tế bào gốc. Nghiệm thu thành công 6 đề tài, bao gồm 2 đề tài cấp Sở KHCN Tp.HCM, 1 đề tài cấp ĐHQG loại B, 1 đề tài cấp ĐHQG loại C và 2 đề tài cấp Trường.
    Về công bố khoa học: PTN đã xuất bản 14 bài báo trên tạp chí quốc tế, 2 bài báo trên tạp chí trong nước, PTN đã tham gia 8 báo cáo tại Hội nghị Quốc tế CNSH Châu Á lần thứ 16 và 8 báo cáo tại các Hội nghị Khoa học trong nước.
    Về hợp tác: PTN triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các đơn vị trong và ngoài nước, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện và các công ty thương mại trong lĩnh vực.
    Các công tác Đảng, đoàn thể và chi đoàn cán bộ trẻ: PTN luôn tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động đoàn thể cùng với Trường và các đơn vị thành viên khác như các hoạt động quyên góp, hoạt động tình nguyện, hoạt động đoàn kết nội bộ, journal club, clb thể thao, các cuộc thi, hội thi, và liên hoan văn nghệ.

    Với các kết quả đạt được trong năm, PTN vinh dự được nhận danh hiệu lao động tiên tiến, bằng khen của Bộ GĐ&ĐT.
    Thành tích của năm 2023 là động lực và bài học để PTN sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực, đoàn kết hơn nữa cho năm 2024. Hy vọng, PTN sẽ có những sự phát triển tốt đẹp để đóng góp chung vào sự nghiệp khoa học và đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HCM nói riêng và cho cả nước nói chung.
    PTN trân trọng kính chào.
  • SẮP THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG TỬ CUNG NHÂN TẠO?

    SẮP THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG TỬ CUNG NHÂN TẠO?

    Lược dịch: Lê Văn Trình

    Link bài gốc: https://www.nature.com/articles/d41586-023-02901-1

    Các nhà chức trách Mỹ đang xem xét các thử nghiệm lâm sàng về một số hệ thống giả lập tử cung, nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ tử vong và khuyết tật ở trẻ sinh non.

    Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện nhi Philadelphia ở Pennsylvania đã tiến hành thử nghiệm sử dụng tử cung nhân tạo để nuôi thai cừu. Thành công của nghiên cứu đã nhanh chóng lan tỏa rộng rãi, khiến người ta mường tượng ra tương lai về việc tạo ra con người hoàn toàn từ phòng thí nghiệm.

    Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang mong đợi được cấp phép thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho thiết bị có tên EXTEND (the Extra-uterine Environment for Newborn Development). Mục đích của thiết bị nhằm mô phỏng được một số điều kiện tự nhiên của tử cung, qua đó giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non. Ở người, sinh non là trường hợp mang thai dưới 28 tuần, chỉ bằng 70% thời gian của việc mang thai thông thường là kéo dài 40 tuần.

    Cơ quan quản lý dược và thực phẩm, FDA của Mỹ sẽ họp bàn với các chuyên gia độc lập để xem xét về thử nghiệm này vào ngày 19 và 20 tới đây. Sự kiện đang được rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan tâm và chờ đợi.

    Sinh non là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2020, cả thể giới có khoảng 13.4 triệu ca sinh non và là nguyên nhân tử vong của 900.000 trẻ vào năm 2019. Việc sinh non trong khoảng 22-28 khiến cho cơ thể trẻ khong được bảo vệ và nuôi dưỡng trong bào thai trong khi các hệ cơ quan vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành về mặt chức năng. Khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ dễ bị mắc các bệnh lý khác nhau về miễn dịch, hô hấp, thần kinh…

    Hệ thống tử cung nhân tạo là một túi sinh học chứa dung dịch tương tự dịch ối để cung cấp môi trường cho trẻ sinh non tiếp tục phát triển. Ngoài ra, túi dịch ối này được kết nối với hệ thống bơm máu chứa oxy tương tự như khi bào thai trong cơ thể.

    Một số cách tiếp cận khác: ngoài hệ thống EXTEND, nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới cũng đang phát triển tử cung nhân tạo theo một số cách tiếp cận khác. Hệ thống life support như hình dưới đây là một ví dụ.

    Từ cừu đến người: mặc dù việc thành công trên cừu rất ấn tượng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cừu và người là rất lớn. Đây chính là vấn đề lo ngại của thử nghiệm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải tiến hành thử nghiệm trên các loài động vật khác như heo, linh trưởng rồi mới thử nghiệm trên người.
  • THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG TRÌNH LỚN KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT THÀNH CÔNG TRONG HỌC THUẬT

    THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG TRÌNH LỚN KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT THÀNH CÔNG TRONG HỌC THUẬT

    Khi còn là sinh viên tham dự các buổi hội thảo, Tôi tiếp thu được rằng để thành công trong con khoa học, bạn cần thực hiện những dự án có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Cho đến khi Tôi trở thành một Phó giáo sư và bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm của mình, Tôi cũng hướng tới mục tiêu như vậy.

    Tôi bắt đầu tìm kiếm những đồng nghiệp tiềm năng để xây dựng đội ngũ thực hiện những dự án lớn, họ ủng hộ ý tưởng và đề xuất của Tôi. Tuy nhiên, họ lại tỏ vẻ nghi ngờ khi thấy Tôi chưa có các công trình lớn và họ đã từ chối hợp tác. Cũng vậy, khi Tôi đi xin tài trợ cho các dự án lớn của mình, với một lý lịch khoa học hạn chế, Tôi cũng thường xuyên bị từ chối. Tôi bắt đầu thừa nhận rằng, thực hiện một dự án lớn là một viễn cảnh khó khăn với điều kiện phòng lab thiếu thốn và các học viên vẫn còn trẻ của mình.

    Các học trò đã nói với Tôi rằng, Thầy đã phải đầu tư bao nhiêu tiền, trí óc và thời gian chỉ để thực hiện các dự án lớn này? Quá nhiều áp lực, bọn Em không biết rằng mình có hoàn thành được những mục tiêu ấy không? Hơn 2 năm với tư duy ấy, nhiều nỗ lực nhưng không gặt hái được kết quả như mong đợi. Tôi vỡ ra rằng, có lẽ những dự án lớn không phải là con đường duy nhất, những dự án nhỏ không phải là thứ vất đi.

    Tôi bắt đầu tiến hành nhiều nghiên cứu chỉ mang tính thăm dò, cho dù các nghiên cứu này không quá lớn về mặt khoa học, nhưng Tôi cảm thấy hài lòng với những ý tưởng của mình.

    Dần dần, óc sáng tạo của Tôi được giải phóng. Tôi ghép nối những dự án này với nhau thay vì lặp lại cách tiếp cận của các công trình lớn. Không còn nhất thiết phải công bố trên các tạp chí hàng đầu, Tôi đã đủ dũng cảm để thay đổi hướng nghiên cứu không phải là chuyên môn chính của mình. Tìm đọc công trình ở các lĩnh vực mới, Tôi tìm ra mối liên kết liên ngành. Tôi thảo luận với các đồng nghiệp và học trò về những dự án có chi phí thấp (cả thời gian và trí óc), đã thu hút được sự cộng tác của rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ. Chúng Tôi cùng xin tài trợ và bắt đầu công bố các kết quả, mặc dù không phải là các công trình lên trang nhất, nhưng chúng tôi cảm thấy hài lòng về điều ấy.

    Tôi vẫn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về việc chỉ thực hiện những dự án nhỏ như vậy. Những “đàn anh” cho rằng Tôi đã thực hiện quá nhiều dự án khác nhau và mất đi sự tập trung. Điều này là không cần thiết và lãng phí thời gian. Tuy nhiên, Tôi vẫn bảo lưu cách tiếp cận của mình vì Tôi đã có những cái nhìn về những dự án lớn ấp ủ từ những ý tưởng nhỏ như vậy. Chỉ là hiện tại, phòng lab và nhân sự, tài chính của Tôi chưa đủ để hiện thực những điều ấy. Tôi vẫn theo đuổi các ý tưởng nghiên cứu nhỏ của mình, Tôi hiểu rằng những nghiên cứu này chưa phải là mục tiêu cuối cùng của khoa học, nó giúp Tôi nuôi dưỡng ý tưởng, sự tự do và tính sáng tạo trong khoa học.

    Điều quan trọng là chúng ta vẫn được học từ những điều nhỏ nhặt.

    Tác giả: Zheng Li

    Lược dịch: Lê Văn Trình

    Link bài gốc: https://www.science.org/content/article/how-i-learned-high-impact-projects-aren-t-only-route-academic-success

  • THÊM THÀNH VIÊN CỦA PTN HOÀN THÀNH LUẬN ÁN

    THÊM THÀNH VIÊN CỦA PTN HOÀN THÀNH LUẬN ÁN

    Thạc sĩ Lê Văn Trình, nghiên cứu viên của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc vừa hoàn tất chương trình đạo tạo bậc Tiến sĩ khi bảo vệ thành công LATS cấp cơ sở đào tạo vào sáng ngày 11/8/2023.

    Trong buổi bảo vệ có mặt đầy đủ của các Thầy Cô hội đồng chấm luận án, Thầy Phan Kim Ngọc – người sáng lập PTN, các Thầy Cô, Anh Chị, đồng nghiệp và người thân đã tới lắng nghe và chúc mừng cho nghiên cứu sinh.
    Trong 4 năm theo học chuyên ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HCM. NCS đã trình bày đầy đủ, chi tiết các kết quả học tập và nghiên cứu của mình. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến nhận xét, đóng góp của quý Thầy Cô tham dự.
    Sau cùng, NCS gởi lời cảm ơn tới các cơ quan tổ chức đã cấp kinh phí để NCS có thể thực hiện đề tài nghiên cứu. Cảm ơn tới cơ sở đào tạo, các thế hệ Thầy Cô và lãnh đạo của PTN, thành viên của nhóm Khoa học tái tạo gan và tiêu hóa, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình.
    Một lần nữa, PTN vui mừng và tự hào khi là môi trường gắn bó cho NCS học tập, rèn luyện, và nghiên cứu trong suốt thời gian vừa qua. Chắc chắn rằng, PTN đã và luôn là “mảnh đất lành” cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trên hành trình trưởng thành và phát triển trên con đường học thuật.
  • THIẾU NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG HỖ TRỢ SINH SẢN

    THIẾU NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG HỖ TRỢ SINH SẢN

    CN. Trịnh Thị Cẩm Trân, PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc

    Lược dịch: Technology Quarterly section of the print edition under the headline “Conception, reconceived”: Lack of basic research has hampered assisted reproduction

    Hàng chục triệu phôi người đã được tạo ra trong các phòng thí nghiệm trong nửa thế kỷ qua. Làm sao một tế bào phôi đơn lẻ phát triển thành một con người? Các cơ chế cơ bản chi phối cách một sự sống mới của con người hình thành dựa trên nền tảng tế bào, phân tử và di truyền của sinh học sinh sản và lý do gây vô sinh của con người phần lớn là chưa được biết rõ.

    Có nhiều lý do dẫn đến việc thiếu nghiên cứu cơ bản về sinh học sinh sản. Kể từ năm 1996, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cơ quan tài trợ lớn nhất cho nghiên cứu y sinh trên thế giới, đã bị pháp luật cấm chi tiền cho các nghiên cứu về phôi người nếu các phôi này chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu hoặc bị tiêu hủy. Không giống như bệnh ung thư vốn thu hút một lượng lớn tài trợ nghiên cứu, vô sinh không phải là một tình trạng đe dọa đến tính mạng. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã không công nhận vô sinh là một căn bệnh cho đến năm 2017. Các công ty dược phẩm cũng không ‘hào hứng’ để nghiên cứu giải quyết vấn đề này.

    Sau nhiều nỗ lực, ngành Hỗ trợ sinh sản (HTSS) đã đạt được được một số thành tựu, tỉ lệ thành công xấp xỉ 50% số ca điều trị. Điều này làm cho việc tìm kiếm các phương án thay thế lại càng ít cấp bách hơn. Do đó, những bệnh nhân vô sinh chưa rõ nguyên nhân được điều trị bằng những kỹ thuật HTSS vốn được thiết kế cho nhóm đối tượng có bất thường về sinh lý, và bị phớt lờ nguyên nhân. Một hạn chế khác của nghiên cứu cơ bản trong kỹ thuật HTSS là sự khác biệt về cách tiếp cận. Các kỹ thuật HTSS đã và đang được hoàn thiện dần chỉ nhờ vào việc lặp lại các quy trình để quan sát việc thay đổi các điều kiện thực hiện của phương pháp tạo ra phôi khả thi thay vì những nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động, do đó vẫn chưa giải thích được cách phôi được tạo ra.

    Nghiên cứu cơ bản về tế bào gốc mang lại kỳ vọng có thể tạo ra trứng và tinh trùng (in vitro gametogenesis-IVG) cung cấp cho phòng thí nghiệm nghiên cứu thay vì phụ thuộc vào người cho rất khắt khe hiện nay. Những hiểu biết sâu sắc từ việc theo dõi và kiểm soát quá trình sản xuất trứng và tinh trùng sẽ rất hữu ích cho ¼ trường hợp vô sinh do không sản xuất giao tử. Những nghiên cứu này kỳ vọng sẽ trả lời được nhiều câu hỏi như “phôi gây sảy thai, bệnh bẩm sinh được hình thành như thế nào?..”

    Việc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể không phải là vấn đề mà các câu hỏi đạo đức mới là một phần không thể bỏ qua của quá trình hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên những tiến bộ như vậy có thể tạo ra những khả năng mới cho các bậc cha mẹ đồng giới và chuyển giới, đồng thời tái thiết lập khả năng sinh học cho phụ nữ vô sinh. Niềm vui làm cha mẹ mà HTSS đã mang lại cho hàng triệu người có thể được lan tỏa hơn nữa. Nỗi đau của một chu kỳ IVF thất bại chắc chắn sẽ vẫn còn đó, nhưng sẽ ít người cảm nhận được điều đó hơn. Và sẽ có ít người hơn cuối cùng phải chọn ngừng cố gắng một cách lặng lẽ, không thể nguôi ngoai, thì đó thực sự là một sự tiến bộ.

    Chúc mừng ngày Chuyên viên phôi học thế giới 25 tháng 7