Author: tcnhat

  • Tuyển chọn SV/HVCH/NCS năm học 2016-2017 đợt 2

     

    ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH

    TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN

            PTN NC & ƯD TẾ BÀO GỐC

                    Số: 0212-2016/TBG

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07  tháng 12 năm 2016

    THÔNG BÁO

    V/v Tuyển chọn SV/HVCH/NCS năm học 2016-2017 đợt 2

    Thực hiện kế hoạch nghiên cứu và đào tạo của PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc năm 2016-2017, Lãnh đạo PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học KHTN-ĐHQG-HCM tổ chức tuyển chọn SV/HVCH/NCS tham gia vào các đề tài, dự án do PTN chủ trì từ năm 2016 theo kế hoạch như sau:

    1.  Đối tượng tuyển chọn

    Các thí sinh vào vòng chung kết cuộc thi “Stem cell Innovation 2015 và 2016

    Sinh viên (ưu tiên sinh viên năm 4), Học viên cao học, Nghiên cứu sinh thuộc tất cả các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học trong cả nước và ngoài nước thuộc các chuyên ngành:

    +       Sinh  học thực nghiệm – hướng sinh lý động vật

    +       Di truyền học

    +       CNSH Y dược

    +       Hoặc ngành Y, dược và các ngành liên quan khác

     

             2.   Điều kiện tuyển chọn

    – Sinh viên tham gia tuyển chọn không được nợ quá 3 tín chỉ tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn

    – Học viên cao học phải hoàn thành chương trình học (lý thuyết)

    – Sinh viên/Học viên/Nghiên cứu sinh tham gia tuyển dụng phải nộp Bộ hồ sơ xét tuyển và phỏng vấn trực tiếp với Lãnh đạo PTN và trưởng các nhóm nghiên cứu liên quan

    – Riêng các nghiên cứu sinh cần trao đổi về đề cương nghiên cứu sinh trước khi phỏng vấn hay thi đầu vào nghiên cứu sinh.

    –  Đảm bảo thời gian học tập và nghiên cứu tại PTN sau khi khi trúng tuyển:

    +       Đối với SV: tối thiểu 6 tháng

    +       Đối với HVCH: tối thiểu 12 tháng

    +       Đối với NCS: tối thiểu 3 năm

     

           3. Quyền lợi

    – Được tạo điều kiện học tập, tiến hành các nghiên cứu, thực hiện luận án Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

    – Được PTN chi trả chi phí nghiên cứu bao gồm toàn bộ kinh phí hoá chất, vật tư, cơ sở vật chất thiết bị cho tiến hành nghiên cứu.

    4. Hồ sơ ứng tuyển

    PTN chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, do đó TẤT CẢ CÁC ỨNG VIÊN PHẢI ĐĂNG KÍ NỘP HỒ SƠ TRỰC TUYẾN ở mục “Hồ sơ ứng tuyển” tại website của PTN: www.vinastemcelllab.com, sau khi đăng nhập, ứng viên tạo tài khoản, điền đầy đủ thông tin lý lịch khoa học và đăng kí ứng tuyển.

    http://vinastemcelllab.com/oms/signin.php

    Hồ sơ ứng tuyển gồm có:

    –   Đơn xin tham gia học tập và nghiên cứu trong PTN (tự viết)

    –   Lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương (sinh viên/học viên không thuộc Trường ĐH khoa học tự nhiên-ĐHQG TP.HCM)

    –  Bảng điểm tính đến hết học kì II của năm học trước đối với sinh viên năm 2, 3.

    –  Bản sao Bằng tốt nghiệp cử nhân và bảng điểm (đối với HVCH), bản sao Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ (đối với NCS).

    –  Ý tưởng nghiên cứu khoa học (trình bày trên giấy A4, tối đa 02 trang, Time New Roman, Cỡ chữ 12, khoảng cách 1,5) theo hướng nghiên cứu mà ứng viên chọn trong Mục 7.

    5. Thời gian xét tuyển

    Nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 08/12/2016 đến 16h00 ngày 30/12/2016

    – Phỏng vấn trực tiếp: ngày 05-10/01/2017 (dự kiến)

    – Thông báo kết quả: ngày 12/01/2017 (dự kiến)

    – Tham gia vào phòng thí nghiệm: ngày 15/01/2017 (dự kiến)

    6. Số lượng ứng viên tuyển chọn

    – Nghiên cứu sinh: 01

    – Học viên cao học: 01

    – Sinh viên năm 3 và 4: 06

    7. Các hướng nghiên cứu

    – Nhóm Tim Mạch: 01 Sinh viên (Trưởng nhóm: TS. Phạm Lê Bửu Trúc)

    – Nhóm Cơ-Xương-Khớp: 02 Sinh viên  (Trưởng nhóm: ThS. Vũ Bích Ngọc)

    – Nhóm sàng lọc hợp chất thiên nhiên điều trị ung thư (in vivo): 02 Sinh viên (Trưởng nhóm: ThS. Nguyễn Trường Sinh)

    – Nhóm Sinh học phát triển cơ thể người và động vật: 01 Sinh viên, 01 Học viên cao học, 01 Nghiên cứu Sinh (Trưởng nhóm: PGS.TS. Phạm Văn Phúc)

    Thông tin về các nhóm nghiên cứu, Ứng viên xem thêm trên website của PTN.

    8. Quy trình tuyển chọn

    –  Sơ tuyển: tuyển chọn qua hồ sơ: sau khi nhận hồ sơ Lãnh đạo PTN sẽ chọn những ứng viên đủ điều kiện tuyển chọn

    – Phỏng vấn: chỉ những ứng viên trúng tuyển trong đợt sơ tuyển được mời đến phỏng vấn (mời qua email và điện thoại)

    – Thông báo trúng tuyển và tham gia vào PTN: ứng viên được thông báo trúng tuyển bằng điện thoại và tham gia vào PTN theo lịch xét tuyển.

    9. Liên hệ

    Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Cô Huỳnh Thúy Oanh (htoanh@hcmus.edu.vn), tại Phòng thí nghiệm NC&UD Tế bào gốc-Trường ĐH KHTN, Tòa nhà B2-3, Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, Tp.HCM.

    TM. Lãnh đạo PTN

    Phó trưởng PTN Tế bào gốc

                                          (Đã ký)

    Phạm Văn Phúc

  • TÌM RA GEN TRONG TẾ BÀO GỐC ĐIỀU KHIỂN VIỆC TÁI TẠO CƠ XƯƠNG

    Từ lâu, gen Prox1 được biết là giữ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Các nhà nghiên cứu Phần Lan đã phát hiện ra rằng Prox1 cũng rất cần thiết cho biệt hóa tế bào gốc cơ xương.

    Cơ xương không chỉ quan trọng trong sự vận động mà còn quan trọng đối với sự điều chỉnh các chuyển hoá trong toàn bộ cơ thể. Cơ có khả năng tái sinh đáng kể sau khi chấn thương và thích ứng trong phản ứng tập luyện.

    Gen Prox1 có vai trò quan trọng trong sự phát triển ở gan của thai nhi, mạch bạch huyết và thủy tinh thể ở mắt. Tuy nhiên, gen này cũng có khuyết điểm, Nó đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của ung thư đại trực tràng (Cell Reports 2014).

    Các nhà nghiên cứu từ Viện Wihuri và Đại học Helsinki, Phần Lan, đã phát hiện ra các tế bào gốc cơ xương là tế bào vệ tinh biểu hiện gen Prox1. Các kết quả mới đáng ngạc nhiên của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho thấy rằng các tế bào này phân chia thành các sợi cơ khi Prox1 hoạt động.

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Prox1 cũng được biểu hiện trong nhóm cơ co rút chậm ở người trưởng thành, có khả năng chịu đựng tốt và hoạt động trao đổi chất cao. Khoảng một nửa sợi cơ xương ở người lớn là sợi cơ co rút chậm.

    Tác giả chính- Riikka Kivelä nói “Chuyển gen Prox1 vào tế bào cơ co rút nhanh làm tế bào này chuyển thành cơ co rút chậm ở chuột, Vì Prox1 ức chế sự hoạt động các gen ở sợi cơ co rút nhanh,”

    Kivelä nói thêm “Những phát hiện mới của chúng tôi về vai trò thiết yếu của Prox1 trong sự biệt hóa tế bào vệ tinh và duy trì cơ co rút chậm cung cấp phương pháp mới quan trọng cho các nghiên cứu về cơ và các bệnh chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường type 2. Ở người, Prox1 là gen đa hình có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 “

     lvtrinh 41

    Prox1 cần thiết cho sự biệt hóa của tế bào gốc cơ xương gọi là tế bào vệ tinh. Trong quá trình biệt hóa tế bào vệ tinh hình thành ống cơ đa nhân dài, nếu thiếu gen Prox1 thì chúng sẽ không biệt hóa được. Trong hình, protein myosin trong ống cơ biệt hóa được nhuộm màu xanh lá.

    LÊ VĂN TRÌNH – LÊ THỊ THU THÚY dịch

  • PTN Tế bào gốc vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Uỷ Ban Nhân Dân Tp. Hồ Chí Minh

    Ngày 17/11/2016, trong buổi lễ chào mừng Ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20/11 được tổ chức long trọng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiênĐHQG.HCM, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc (PTN) đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh vì đã có những thành tích nghiên cứu khoa học đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực Y Sinh học, góp phần thúc đẩy nền khoa học nước nhà trong suốt 9 năm qua.

    Bang khen thu tuong 2016

    Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ

    PTN được thành lập vào năm 2007 và hoạt động trong các lĩnh vực chính như Y học (nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế biệt hoá, tăng sinh và biến đổi của TBG trong sinh lý bình thường và bệnh lý để hướng đến y học tái tạo, và điều trị ung thư); Dược học (phát triển các quy trình công nghệ sàng lọc đánh giá các thuốc, hoá chất ứng viên tác động lên TBG, TBG ung thư); Mĩ phẩm (nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dựa trên TBG để ứng dụng trong giải phẫu thẩm mĩ, chống lão hoá); Nông nghiệp (tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ, kĩ thuật biến đổi gen, nâng cao năng suất và chất lượng động vật, nhân bản vô tính bảo tồn động vật).

    PTN BK TT

    Đại diện Phòng thí nghiệm nhận Bằng khen Thủ tướng.

    TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám Đốc Đại học Quốc Gia Tp.HCM (giữa); GS.TS. Trần Linh Thước, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (trái); Trưởng Phòng thí nghiệm – ThS.GVC. Phan Kim Ngọc (phải).

    Trong 5 năm gần đây, PTN đã thành lập 2 tạp chí Quốc tế (BMRAT và Progress in Stem Cell), tổ chức các Hội nghị Quốc tế, công bố Quốc tế hơn 80 công trình, công bố trong nước hơn 40 công trình, có 7 sáng chế đã được nộp, chủ trì 4 đề tài cấp Nhà nước và hơn 14 đề tài các cấp khác. Các công trình khoa học này đã cho thấy tính ứng dụng cao … Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu tế bào gốc của PTN đã được Bộ y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh như thoái hoá khớp (2013), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (2015) và gần đây là đái tháo đường (2016). PTN cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước nghiên cứu thành công các bộ sinh phẩm tách chiết tế bào gốc, đã hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất và được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu này đã được đánh giá cao thông qua nhiều giải thưởng KHCN cao quý như Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kĩ thuật, Giải thưởng KOVA, Giải thưởng Quả cầu vàng, Giải thưởng Technologist Award…

    Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, PTN còn đảm trách công tác đào tạo. Hàng năm PTN đều liên kết với các Trường Đại học, các Viện, Trung Tâm ngoài nước để tổ chức các khoá học Quốc tế ngắn hạn như khoá học “Cancer Cell Signaling and Therapy Innovation”, khoá học “Immunotherapy of cancer: from design to application” … Thêm vào đó, cán bộ PTN còn tham gia giảng dạy và hướng dẫn các học viên, sinh viên thuộc các trường trong và ngoài nước ngành Sinh học và Công nghệ Sinh học hoàn thành khoá luận tốt nghiệp, hay các khoá đào tạo ngắn hạn trong chương trình trao đổi học viên.

    Bang khen UBND TP 2016

    Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

    PTN cũng tổ chức nhiều hoạt động học thuật như Cuộc thi Stem Cell Innovation thu hút hàng ngàn sinh viên tham dự từ năm 2014; Stem Cell Tour từ năm 2014; Hội nghị quốc tế Gene and Immunotherapy (nay là Innovations on Cancer Research and Regenerative Medicine) từ năm 2013, Stem Cell Day từ năm 2014… Thông qua các hoạt động này PTN đã “mang” tế bào gốc đến rộng rãi với các em học sinh, sinh viên; các nhà nghiên cứu; các nhà khoa học trong và ngoài nước.

    Ngoài các hoạt động
    học thuật, PTN cũng rất quan tâm đến các hoạt động xã hội. Các thành viên PTN nhiệt tình tham gia tổ chức dạy học cho trẻ em ở mái ấm tình thương Q. Thủ Đức, tổ chức Trung Thu cho trẻ em đường phố, tích cực vận động quyên góp giúp bà con vùng lũ…

    PTN bang khen TP

    Trưởng Phòng thí nghiệm – ThS.GVC. Phan Kim Ngọc nhận Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

    Sau 9 năm hình thành và phát triển, PTN đã dần khẳng định vai trò lá cờ đầu trong nước về hoạt động nghiên cứu và ứng dụng thuộc lĩnh vực Y Sinh học, đặc biệt là Tế bào gốc.

    PTN. TẾ BÀO GỐC

  • SINH VIÊN PHÒNG THÍ NGHIỆM CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2016

    Tập thể sinh viên của PTN TBG đã cùng nhau tổ chức một buổi lễ ấm cúng và trang trọng nhằm chúc mừng và tri ân toàn thể Thầy Cô và Cán bộ của PTN TBG. Qua đó, Thầy trò cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm và thắt chặt thêm tình cảm, quyết tâm hoàn thành một năm học với nhiều kết quả tích cực trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học. 

    Đại diện các bạn sinh viên trao lẵng hoa tươi thắm đến Lãnh đạo PTN

    Món quà với biểu trưng của PTN được Lãnh đạo PTN đón nhận từ các bạn sinh viên

    Tập thể Thầy Cô, Cán bộ và Sinh viên PTN cùng chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11

    Tập thể Thầy Cô, Cán bộ và Sinh viên PTN cùng chụp ảnh lưu niệm

    trong khuôn viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (Cơ sở Linh Trung-Thủ Đức)

     

     

  • GIẢI NOBEL Y HỌC NĂM 2016

    ntkoanh 11

    Hình cơ chế của sự tự thực bào

    Ngày 03/10/2016, nhà Sinh học Yoshinori Ohsumi, thuộc Viện Kĩ thuật Tokyo (Tokyo Institute of Technology), đã thắng giải Nobel Y học cho nghiên cứu về cơ chế tự thực bào (autophagy) của tế bào, cơ chế giúp tế bào tái chế một phần vật chất của nó.

    Các nhà khoa học đã bắt đầu nhận thức cơ chế tự thực bào từ những năm 1960 nhưng hiểu biết rất ít về nó. Đến năm 1990, thí nghiệm tiên phong của Ohsumi với nấm men của bánh mì đã giúp sáng tỏ hơn về cơ chế hoạt động của quá trình tự thực bào.

    Điều này quan trọng vì quá trình tự thực bào có thể ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn nội bào và việc làm gián đoạn quá trình tự phân bào có liên quan đến các bệnh Parkinson, đái tháo đường tuýp 2 và một số rối loạn khác đặc biệt ảnh hưởng đến người già.

    Vậy tự thực bào (autophagy) có nghĩa là gì?

    Thuật ngữ “tự thực bào” (autophagy) có thể dịch ra là “tự ăn” (self eating), lần đầu tiên được đưa ra bởi các nhà khoa học nghiên cứu biểu hiện của tế bào trong những năm 1960 (nhà khoa học Laureate Christian de Duve, 1963).

    Tại thời điểm đó, các nhà nghiên cứu thấy rằng một tế bào có thể phá hủy một phần của nó bằng cách vận chuyển vào một túi khác gọi là các lysosome để phân rã từ từ.

    Nhưng Juleen Zierath thành viên của Hội đồng Nobel giải thích, Ohsumi cho thấy lysosome không phải là một túi chứa chất thải mà đó là một nhà máy tái chế. Trong những năm 1990, thí nghiệm của Ohsumi đã sử dụng nấm men bánh mì để xác định các gen cần thiết cho quá trình tự thực bào.

    Quỹ Nobel đã đưa ra một tuyên bố “Sau đó, ông ấy đã làm sáng tỏ cơ chế cơ bản của quá trình tự thực bào trong nấm men và cho thấy sự tương đồng trong cơ chế tinh vi được sử dụng trong các tế bào”.

    Tóm lại, quá trình tự thực bào giúp kiểm soát các chức năng sinh lý quan trọng trong đó các thành phần của tế bào cần phải được phân hủy và tái chế. Quá trình tự thực bào có thể cung cấp nguồn nhiên liệu một cách nhanh chóng cho việc cung cấp năng lượng và xây dựng, làm mới các thành phần tế bào. Sau khi bị xâm nhiễm, quá trình tự thực bào có loại bỏ các tác nhân vi khuẩn và virus xâm nhiễm trong nội bào. Việc làm gián đoạn quá trình tự thực bào có liên quan đến bệnh Parkinson, đái tháo đường type 2 và các rối loạn khác thường xuất hiện ở người già. Quá trình đột biến trong các gen tự thực bào có thể thể là nguyên nhân gây ra các bệnh di truyền và các rối loạn trong cơ chế tự thực bào cũng có liên quan đến ung thư. Các nghiên cứu mở rộng hiện nay đang cố gắng phát triển các loại thuốc có thể tác động trúng đích đến sự tự thực bào trong một số bệnh khác nhau.

    Theo CNN

    Kiều Oanh

  • Vòng Bán kết Cuộc thi Stem Cell Innovation 2016

    Vòng bán kết của cuộc thi Stem Cell Innovation 2016 (SCI2016) đã diễn ra vào sáng thứ 7 ngày 12/11/2016, tại Hội trường B, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.

    Ban giám khảo gồm có PGS.TS. Phạm Văn Phúc, TS. Phạm Lê Bửu Trúc, ThS. Đặng Thị Tùng Loan, ThS. Vũ Bích Ngọc, ThS. Nguyễn Trường Sinh, ThS. Phí Thị Lan, ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh và ThS. Trương Thị Hoàng Mai.

    Trước khi bắt đầu cuộc thi, các đội thi lọt vào vòng bán kết tiến hành bốc thăm để chia bảng. Kết quả bốc thăm như sau:

    Bảng A H2T Trường ĐH Khoa học Huế
    Dendrobium Trường ĐH Quốc Tế
    CNU Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    P2N Trường ĐH Cần Thơ
    Bảng B Vô Đối Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    Trophy Receptor Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    Cây Bắt Ruồi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    Pokemon Trường ĐH Khoa học Huế
    Bảng C Phoenix Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    KHH Trường ĐH Khoa học Huế
    Hậu duệ MD Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
    NAN Trường ĐH Khoa học Tự nhiên

    Sau khi có kết quả bốc thăm, các Bảng lần lượt bước vào cuộc thi để chọn ra đội thi xuất sắc nhất của mỗi Bảng và đội nhì cao nhất tham gia vào vòng chung kết. Mỗi bảng gồm 2 phần thi. Phần thi thứ nhất – Hỏi Đáp Nhanh trong 30 giây nhằm kiểm tra mức độ hiểu biết của các thí sinh trong lĩnh vực nhiên cứu tế bào gốc. Phần thi thứ 2 – Kỹ Năng Thực Hành nhằm đánh giá khả năng suy luận, logic của thí sinh. Sau khi xem một đoạn video ngắn, các đội thi sẽ phải dự đoán kết quả của thí nghiệm, tìm điểm bất hợp lý của thí nghiệm hoặc chỉ ra điểm sai của kỹ thuật viên…

    Các đội thi thảo luận đáp án trong phần thi Hỏi đáp nhanh

    Những giây cuối cùng trong một câu hỏi video của phần thi Kỹ Năng Thực Hành

    Trải qua các vòng thi đầy cam go, thử thách, SCI2016 đã chọn được 4 đội thi xuất sắc nhất tham gia vào vòng chung kết:

    H2T Trường ĐH Khoa học Huế Nhất bảng A
    Trophy Receptor Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Nhất bảng B
    Phoenix Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Nhất bảng C
    Hậu duệ MD Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Nhì bảng C

    Vòng chung kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào 12/2016.

    Để xem thêm các hình ảnh của cuộc thi, vui lòng truy cập địa chỉ:

    http://www.stemcellinnovation2016.com/images-vong-ban-ket

    Ban tổ chức cuộc thi SCI2016

  • LOÀI ĐỘNG VẬT KHÔNG CÓ NHIÊM SẮC THỂ Y Ở CON ĐỰC

    ntkoanh 12

    Hình: Vị trí trên nhiễm sắc thể của gen liên kết giới tính AMH (mũi tên màu trắng) trong con đực loài T.osimensis. Các nhiễm sắc thể được nhuộm kép với các chất huỳnh quang khác nhau (đỏ và xanh) để lập bản đồ gen chính xác.

    Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hokkaido đã tiết lộ rằng các gen chính quy định giới tính tiếp tục hoạt động trong một loài động vật có vú mà thiếu nhiễm sắc thể Y, điều này đưa chúng ta tiến thêm một bước trong sự hiểu biết về khác biệt giới tính.

    Trong hầu hết các động vật có vú có nhau thai, nhiễm sắc thể Y cảm ứng sự biệt hóa tạo thành con đực trong quá trình phát triển, trong khi phôi không có nhiễm sắc thể Y sẽ tạo thành con cái. Gen quyết định giới tính SRY hiện diện trên nhiễm sắc thể Y và cảm ứng những gen điều hòa khác giúp ức chế sự biệt hóa giới tính của con cái. Tuy nhiên, loài chuột gai Tokunoshima (Tokudaia osimensis) là một ngoại lệ vì nó thiếu một nhiễm sắc thể Y (2n = 45) và do đó không có gen SRY, điều này đặt ra một câu hỏi là tại sao sự biệt hóa giới tính đực vẫn xảy ra.

    Tomofumi Otake và Asako Kuroiwa của Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã thực hiện việc xây dựng bản đồ gen để xác định vị trí nhiễm sắc thể của gen liên quan đến giới tính trong bộ gen của loài T.osimensis. Sau đó, họ so sánh trình tự nucleotide và amino acid của loài này với những loài chuột nhắt và chuột rat khác. Ngoài ra, bằng cách sử dụng các tế bào nuôi cấy, họ cũng kiểm tra được các gen liên quan đến giới tính được điều hòa như thế nào.

    Gen SRY đã được nghiên cứu kĩ trong các nghiên cứu trước đây và được biết là có khả năng mở các gen điều hòa như Sox9 và AMH giữ vai trong quan trọng trong sự biệt hóa giới tính đực. Kết quả của nhóm cho rằng mặc dù trong loài T.osimensis không có gen SRY nhưng các gen điều hòa bình thường vẫn hiện diện và hoạt động như trong các động vật có vú có nhau thai khác.

    Giáo sư Kuroiwa cho rằng có một gen nào đó chưa biết có tác dụng thay thế cho gen SRY trong loài T.osimensis. Nhiễm sắc thể Y của động vật có vú đã được thu hẹp trong quá trình tiến hóa bằng cách giảm số lượng gen của nó và vài nhà khoa học nghĩ rằng nó sẽ hoàn toàn biến mất tại một thời điểm nào đó. Hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp ích trong việc hiểu biết về cơ chế quyết định giới tính không phụ thuộc vào nhiễm sắc thể Y và khía cạnh tiến hóa của nó.

    Theo Science Daily

    Kiều Oanh

  • LOẠI BỎ HOÀN TOÀN HIV TRONG MÁU BỆNH NHÂN

    LOẠI BỎ HOÀN TOÀN HIV TRONG MÁU BỆNH NHÂN

    Đây có thể là phương pháp mới trong điều trị HIV.

    50 bệnh nhân đầu tiên hoàn thành thử nghiệm lâm sàng đã loại bỏ được hoàn toàn virus HIV trong máu.

    Đây là tín hiệu đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng phương pháp này cứu sống được bệnh nhân: các bác sĩ cảnh báo HIV có thể tái xuất, và sự xuất hiện của thuốc kháng HIV trong cơ thể bệnh nhân làm chúng ta không chắc rằng việc không phát hiện ra dấu hiệu của HIV là tốt.

    Mark Samueis, Giám đốc điều hành National Institute for Health Research Office for Clinical Research Infrastructure cho biết “Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên đạt được việc loại bỏ hoàn toàn HIV”, “Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng đích thực của nó trong việc điều trị HIV. Đây là một thách thức lớn và vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng đã đạt được những bước tiến lớn.”

    Từ lâu, HIV rất khó điều trị vì nó trú ẩn trong những tế bào mà cơ thể không phát hiện và bắt giữ được.

    Phương pháp mới này lần đầu tiên loại bỏ được HIV trong mọi cơ quan của cơ thể, và nó hoạt động bằng cách kết hợp thuốc tái hoạt hóa các tế bào nhiễm HIV với vaccine được thiết kế để giúp hệ miễn dịch nhận diện và phá hủy chúng.

    Đầu tiên, vaccine được tiêm vào bệnh nhân, thúc đẩy khả năng nhận diện và tấn công tế bào nhiễm HIV của hệ miễn dịch. Sau đó, một loại thuốc được gọi là Virinostat được sử dụng để kích hoạt những tế bào nhiễm HIV biểu hiện ra ngoài và vì vậy mà hệ miễn dịch có thể phát hiện được chúng.

    Điều đó có nghĩa là các tế bào bị bệnh đột nhiên sẽ lộ diện và hệ miễn dịch mới được kích hoạt của cơ thể sẽ tiêu diệt chúng.

    Các thuốc kháng retrovirus ngày nay có hiệu quả trong việc ngăn chặn HIV sản sinh nhưng không có khả năng tiêu diệt hết nó.

    Người đàn ông đầu tiên hoàn thành thử nghiệm này cho thấy không còn virus trong máu. Trong vài tháng, khi không sử dụng thuốc kháng retrovirus ở những người được điều trị này, chúng ta nên theo dõi để xem HIV có thực sự biến mất.

    Nếu ông ta không có dấu hiệu của HIV nữa, thì ông ấy là người thứ hai được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, trong tổng số 37 triệu người mắc căn bệnh này. Người đầu tiên được trị khỏi bệnh này đó là Timothy Ray Brown, bằng phương pháp ghép tủy xương từ người cho kháng với HIV. Nhưng liệu pháp này quá hiếm người cho, rất tốn kém và nguy hiểm nếu sử dụng rộng rãi, cho nên thử nghiệm mới này có ý nghĩa lớn.

    Tác giả nói “Đây là một thành quả lớn nếu sau vài năm nữa có nhiều người được cứu khỏi căn bệnh này. Có nghĩa là tôi đã làm được một điều không tưởng”.

    lvtrinh 39

    Hình minh họa: Thử nghiệm RIVER trong điều trị HIV có kết quả khả quan trên 50 người bệnh, thử nghiệm này sẽ có kết quả cuối cùng vào năm 2018. Trong thử nghiệm này, các bệnh nhân sẽ được sử dụng các thuốc kháng retrovirus (ART) để ngăn sự tăng sinh của HIV (bước 1), tiếp theo bệnh nhân được tiêm vaccine để kích hoạt hệ miễn dịch (bước 2) và sử dụng Vorinostat để làm các tế bào bị chứa virus HIV biểu hiện ra bên ngoài (bước ba). Lúc này, hệ miễn dịch vừa được kích hoạt bằng vaccine, các tế bào nhiễm HIV vừa “lộ diện” nên các tế bào miễn dịch có thể phát hiện và loại bỏ các tế bào nhiễm một cách hiệu quả (bước 4). (nguồn: ox.ac.uk)

    Tham khảo.

    Targeting HIV ‘reservoir’ could be first step to understanding how to cure the disease, ox.ac.uk
    1 DEC 2015. (http://www.ox.ac.uk/news/2015-12-01-targeting-hiv-%E2%80%98reservoir%E2%80%99-could-be-first-step-understanding-how-cure-disease)

    DAVID NIELD, A new treatment appears to have erased HIV from a patient’s blood, sciencealert.com 3 OCT 2016 (http://www.sciencealert.com/a-new-hiv-treatment-could-have-cured-a-patient-in-britain)

    Lê văn Trình dịch và tổng hợp

    Email: lvtrinh@hcmus.edu.vn

     

  • TẾ BÀO GỐC NHAU THAI NGĂN NGỪA CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

    Các kết quả của nghiên cứu cho thấy sự hình thành mạch máu mới, cải thiện lưu lượng máu, giảm nguy cơ hoại tử chi.

    Putnam Valley, NY. (Ngày 30 tháng 8 2016) – Trong một nỗ lực để xác định xem liệu pháp tế bào gốc có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện một tình trạng gọi là “bàn chân đái tháo đường” do lưu lượng máu kém ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng cấy tế bào gốc trung mô (MSC) có nguồn gốc từ nhau thai người vào mô hình chuột tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sự phát triển mạch máu, có khả năng cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa thiếu máu cục bộ chi (CLI), một hậu quả dẫn tới “bàn chân đái tháo đường” và thường phải cắt bỏ chi.

    Nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí Cell Transplantation.

    “CLI là một giai đoạn tiến triển của bệnh về động mạch ngoại vi đặc trưng bởi sự tắc nghẽn động mạch và giảm đáng kể lưu lượng máu đến các chi. CLI thường đi kèm với tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao, dẫn đến nguy cơ cao phải cắt bỏ các bộ phần trên cơ thể”, đồng tác giả nghiên cứu TS Zhong Chao Han của Viện Beijing Institute of Stem Cells, Health and Biotech cho biết. “Các tế bào gốc trung mô (MSC) là ứng cử viên lý tưởng cho việc cấy ghép bởi vì chúng có cả đặc tính tạo mạch máu (tiềm năng để hình thành các mạch máu mới), điều hòa miễn dịch và có khả năng biệt hóa thành ba dòng tế bào khác nhau. Các lợi ích của tế bào MSC từ nhau thai chưa được hiểu rõ, vì vậy chúng tôi đã tìm cách để nghiên cứu về hiệu quả của việc điều trị thông thường kết hợp và liệu pháp tế bào trong bệnh tiểu đường liên quan đến CLI.”

    Theo các nhà nghiên cứu, nhau thai người được thu nhận từ thai nhi đã đủ tháng và sanh mổ từ những người mẹ đồng ý cho mẫu. Việc sử dụng các tế bào người đã được sự chấp thuận của Institutional Biomedical Research Ethics Committee of the Chinese Academy of Medical Science và Đại học Y Union Bắc Kinh.

    Sau khi tiêm vào chuột mô hình CLI, các tế bào được theo dõi và định lượng tại các thời điểm khác nhau. Các nhà nghiên cứu thấy rằng số lượng tế bào gốc giảm đáng kể theo thời gian, nhưng có một lượng tế bào biệt hóa thành các tế bào mạch máu. Các tế bào tiêm vào cũng tiết ra các cytokine, đó là các protein nhỏ được tiết ra từ các tế bào, có tác dụng trên sự tương tác và tín hiệu giữa các tế bào.

    Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tin rằng các cytokine được tiết ra bởi MSC thu hút các tế bào nội mô, một loại tế bào tạo nên các mô lót bề mặt bên trong của mạch máu, các tế bào này tham gia xây dựng các mô mạch máu mới và cũng ức chế viêm.”

    Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dữ liệu thực nghiệm của họ có nghĩa rằng MSC làm tăng sự phục hồi thiếu máu cục bộ ở chuột mắc bệnh tiểu đường qua việc biệt hóa tế bào trực tiếp và cơ chế cận tiết (qua trung gian protein), mặc dù vậy, hai cơ chế này tồn tại cùng một lúc. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Các cơ chế cận tiết có thể còn quan trọng hơn sự biệt hóa tế bào trực tiếp”.

    Họ còn cho biết: “Cho đến nay, điều trị bằng MSC là một phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả đối với bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó, các nghiên cứu của chúng tôi đặt nền móng cho sự chuyển đổi từ nghiên cứu đến lâm sàng”.

    Tiến sĩ Maria Carolina Oliveira Rodrigues của Trường Y Ribeirão Preto – Đại học São Paulo, Brazil và là biên tập viên của tờ Cell Transplantation: “Bệnh tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới và liệu pháp tế bào gốc có thể là một phương pháp tiếp cận không thể thiếu đối với các biến chứng về mạch máu nghiêm trọng. Các nghiên cứu trong tương lai nên hướng đến tìm hiểu chi tiết trong phương pháp cấy ghép MSC dựa trên những phát hiện từ trước và xác nhận tính hiệu quả của MSC từ nhau thai đối với bệnh CLI.”

    lvtrinh 38

    LÊ VĂN TRÌNH – LÊ PHẠM TIẾN TRIỀU dịch

    Theo eurekalert.org

     

  • MIỄN DỊCH KHÁNG UNG THƯ VỚI CHIẾN LƯỢC MỚI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

    Một số ít điều trị hiệu quả ung thư buồng trứng đã được phê duyệt, chết nhiều nhất trong tất cả các loại ung thư trong hệ thống sinh sản ở nữ giới. Bây giờ, nghiên cứu mới từ Viện Wistar chứng minh một loại thuốc sẵn sàng trong thử nghiệm lâm sàng có thể được sử dụng để đẩy mạnh miễn dịch kháng khối u và giúp tế bào nhắm trực tiếp đến tế bào ung thư trong khi giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Kết quả được công bố trên tạp chí Cell Reports.

    lmphong 4

    Thuốc ức chế BET làm giảm biểu hiện PD-L1 trên tế bào

    Mối quan tâm đặc biệt giữa protein chương trình chết tế bào (PD-1) và phối tử của nó (PD-L1) bởi vì sự tương tác giữa hai phân tử này ức chế quan trọng đến hoạt tính tế bào T. PD-L1 được biểu hiện trên bề mặt của cả tế bào ung thư và tế bào miễn dịch. Thuốc có nguồn gốc kháng thể ngăn đặc hiệu tương tác này cho thấy kết quả hứa hẹn, dù cho bệnh nhân có gặp tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch.

    “Chúng tôi muốn khai thác liệu pháp kháng PD-L1 đặc hiệu cho ung thư buồng trứng, nhưng chúng tôi cũng muốn xác định một loại thuốc khác mà không gây tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch kháng PD-L1 có thể được sử dụng để nhắm đến con đường thúc đẩy ung thư”, Giáo sư Rugang Zhang nói và là nhà lãnh đạo đồng chương trình Điều hòa và Biểu hiện Gen tại Viện Wistar và là tác giả chính của nghiên cứu.

    Zhang và các cộng sự đã xác định để chọn lọc các phân tử nhỏ ức chế có thể được sử dụng như là một lựa chọn điều trị. Các phân tử nhỏ ức chế phù hợp hơn cho điều trị ung thư bởi vì nó ngăn chặn phát triển ung thư bởi các tế bào mục tiêu có các protein hoặc các đột biến liên quan đến ung thư trong khi vẫn duy trì ở tế bào khỏe mạnh bình thường.

    Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loại thuốc được biết như ức chế bromodomain và extraterminal domain (BET) đặc biệt ức chế hiệu quả hoạt tính PD-L1 khi được nghiên cứu trên dòng tế bào biểu mô ung thư buồng trứng. Nhiều chất ức chế BET trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau cho nhiều loại ung thư khác nhau. Chúng có khả năng ức chế phản ứng viêm, mà không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch kháng khối u. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm một chất ức chế BET gọi là JQ1.

    Mặc dù thuốc ức chế BET không nhắm đặc hiệu đến PD-L1, những nhà nghiên cứu có khả năng xác định vì sao thuốc này có hiệu quả. Họ thấy rằng bromodomain-containing protein 4 (BRD4), một trong những thành viên của họ BET bị ức chế bởi thuốc này, có vai trò quan trọng điều hòa sự biểu hiện PD-L1. Gen BRD4 thường được khếch đại trong ung thư buồng trứng và có thể được đánh giá như một dấu ấn sinh học để xác định bệnh nhân ung thư buồng trứng có lợi nhiều nhất trong điều trị với thuốc ức chế BET.

    “Mục tiêu PD-L1 cho thấy một chiến lược hiệu quả chiến đấu với nhiều loại ung thư ở người”, Tiến sĩ Hengrui Zhu nói, một postdoc trong phòng thí nghiệm của Zhang và là tác giả đầu tiên của công trình “Với chất ức chế BET, chúng tôi tin đã tìm được một sức mạnh mới cho chiến lược điều trị bệnh ung thư buồng trứng”.

    Lê Minh Phong dịch

    Theo ScienceDaily