Chuyển dạng trung mô – biểu mô trong các mẫu ung thư vú người

Những nghiên cứu cận lâm sàng đã chứng minh rằng có mối liên hệ giữa sự kích hoạt bất thường hiện tượng chuyển dạng trung mô – biểu mô (epithelial-mesenchymal transitions – gọi tắt là hiện tượng EMT) với tình trạng di căn của khối u. Để kiểm chứng lí thuyết này trên mức độ lâm sàng, gần đây nhóm nghiên cứu của Daniel Haber và Shyamala Maheswaran đã tiến hành phân tích hiện tượng EMT trên các tế bào khối u có khả năng tuần hoàn trong cơ thể của các bệnh nhân ung thư vú.

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp lai RNA in situ với kĩ thuật nhuộm màu kép để xác định trạng thái biểu mô hay trung mô trong các mẫu khối u vú sơ cấp và các tế bào khối u tuần hoàn phân lập từ bệnh nhân ung thư vú giai đoạn di căn. Hầu hết tế bào trong các mẫu khối u sơ cấp biểu hiện trạng thái biểu mô, ngoài ra có một quần thể nhỏ tế bào biểu hiện các marker của cả 2 trạng thái biểu mô và trung mô. Điều thú vị là khi khảo sát các tế bào tuần hoàn, các nhà khoa học thu được kết quả trái ngược: trạng thái trung mô biểu hiện ở các mẫu thu từ 17 bệnh nhân.

Những thí nghiệm sâu hơn tiếp tục được tiến hành trên 11 bệnh nhân đã qua điều trị với vật liệu là quần thể tế bào khối u tuần hoàn. Với 6 bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp, số lượng các tế bào khối u tuần hoàn giảm và chúng cũng giảm biểu hiện trạng thái trung mô. Với các bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp, kết quả cho thấy có sự gia tăng biểu hiện trạng thái trung mô ở các tế bào khối u tuần hoàn. Điều này cho thấy có sự thay đổi giữa 2 trạng thái biểu mô và trung mô trên bệnh nhân và sự thay đổi này phụ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân với liệu pháp.

a_Lam

Hình ảnh 5 loại tế bào khối u tuần hoàn trong cơ thể bệnh nhân được nhuộm bằng phương pháp RNA-ISH với các marker cho trạng thái biểu mô và trung mô (màu xanh lá cây – biểu mô, màu đỏ – trung mô)

Nghiên cứu này đã cho thấy vai trò quan trọng của hiện tượng EMT trong bệnh ung thư vú giai đoạn di căn. Tác giả Maheswaran tin rằng “việc kiểm soát hiện tượng EMT ở các tế bào khối u tuần hoàn có thể trở thành phương pháp dùng để kiểm soát quá trình tăng trưởng khối u”.

*Tham khảo theo [1] Vanessa Marchesi. Epithelial–mesenchymal transitions in human breast cancer samples, Nature Reviews Clinical Oncology 10, 184, 2013 và [2] Yu, M. et al. Circulating breast tumor cells exhibit dynamic changes in epithelial and mesenchymal composition, Science 339, 580–584, 2013.

Khuất Tấn Lâm
ktlam@hcmus.edu.vn


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *