VEGF TĂNG CƯỜNG TÍNH GỐC CỦA TẾ BÀO GỐC UNG THƯ (TBGUT)

VEGF TĂNG CƯỜNG TÍNH GỐC CỦA TẾ BÀO GỐC UNG THƯ (TBGUT)

Với những nghiên cứu trong quá khứ, các nhà khoa học đã tìm ra khả năng
cảm ứng hình thành mạch máu mới của con đường truyền tín hiệu liên quan đến
yếu tố tăng trưởng nội mạch (VEGF – vascular endothelial growth factor). Gần đây,
bằng việc sử dụng mô hình chuột mang khối u ở da được cảm ứng bởi hóa chất,
Cédric Blanpain và cộng sự đã khám phá được thêm vai trò của VEGF đối với tế bào
gốc ung thư (CSC – cancer stem cells).

Tế bào biểu mô khối u (TEC – tumour epithelial cells) (gọi tắt là TBBMKU)
biểu hiện marker CD34 được xác định là tế bào gốc trong bệnh ung thư da được
cảm ứng bởi DMBA và TPA. Các tác giả đã sử dụng phương pháp đánh dấu miễn
dịch, sử dụng các marker biểu hiện trên TBGUT da, TBBMKU, tế bào biểu mô. Kết
quả cho thấy hầu hết các TBGUT da cũng đồng biểu hiện các marker của TBBMKU,
do đó các TBGUT này cũng có đặc điểm gần giống với tế bào biểu mô. Ngoài ra,
điều này cũng cho thấy các TBGUT da này có thể khu trú tại các ổ (niche) ở mạch
máu. Phương pháp điều trị sử dụng kháng thể để ức chế receptor 2 của VEGF
(VEGFR2) không những giúp giảm khả năng hình thành mạch máu mà còn giảm sự
tăng sinh của quần thể TBGUT biểu hiện CD34.

Về mặt biểu hiện gene, các TBGUT với kiểu hình miễn dịch CD34+ biểu hiện
gene Vegfa với mức độ cao hơn rất nhiều so với TBBMKU với kiểu hình CD34 -. Ngoài
ra, khi so sánh mức độ biểu hiện của các đồng receptor của VEGF (chẳng hạn như
neuropilin 1 – NRP1) bằng phương pháp đánh dấu miễn dịch và PCR định lượng
dùng nguyên lí phiên mã ngược, các tác giả cũng nhận thấy mức độ biểu hiện rất
cao ở dòng TBGUT CD34+.

Trên mô hình chuột, khi ức chế gene Vegfa, kết quả nhận được cũng là sự
biến mất các khối u ở vùng da, đi kèm với đó là sự giảm quá trình hình thành mạch
máu khối u và giảm số lượng TBGUT CD34+. Ở chuột thiếu gene Nrp1, DMBA và
TPA cũng không cảm ứng sự hình thành khối u nào ở da sau 25 tuần khảo sát
(ngược lại, đối với chuột đối chứng, có sự hình thành khối u).

Công trình nghiên cứu này đã giúp xác định được vai trò mới của VEGF trong
việc phát triển các đặc tính của TBGUT, điều này giúp các nhà khoa học có thêm
định hướng trong việc phát triển các phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh ung
thư da.

(Tham khảo từ công trình nghiên cứu: Beck, B. et al. A vascular niche and a
VEGF–Nrp1 loop regulate the initiation and stemness of skin tumours. Nature 478,
399–403, 2011)

Khuất Tấn Lâm

Cán bộ nghiên cứu PTN Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc

(ktlam@hcmus.edu.vn)

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *