Các kết quả của nghiên cứu cho thấy sự hình thành mạch máu mới, cải thiện lưu lượng máu, giảm nguy cơ hoại tử chi.
Putnam Valley, NY. (Ngày 30 tháng 8 2016) – Trong một nỗ lực để xác định xem liệu pháp tế bào gốc có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện một tình trạng gọi là “bàn chân đái tháo đường” do lưu lượng máu kém ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng cấy tế bào gốc trung mô (MSC) có nguồn gốc từ nhau thai người vào mô hình chuột tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sự phát triển mạch máu, có khả năng cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa thiếu máu cục bộ chi (CLI), một hậu quả dẫn tới “bàn chân đái tháo đường” và thường phải cắt bỏ chi.
Nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí Cell Transplantation.
“CLI là một giai đoạn tiến triển của bệnh về động mạch ngoại vi đặc trưng bởi sự tắc nghẽn động mạch và giảm đáng kể lưu lượng máu đến các chi. CLI thường đi kèm với tỷ lệ tử vong và mắc bệnh cao, dẫn đến nguy cơ cao phải cắt bỏ các bộ phần trên cơ thể”, đồng tác giả nghiên cứu TS Zhong Chao Han của Viện Beijing Institute of Stem Cells, Health and Biotech cho biết. “Các tế bào gốc trung mô (MSC) là ứng cử viên lý tưởng cho việc cấy ghép bởi vì chúng có cả đặc tính tạo mạch máu (tiềm năng để hình thành các mạch máu mới), điều hòa miễn dịch và có khả năng biệt hóa thành ba dòng tế bào khác nhau. Các lợi ích của tế bào MSC từ nhau thai chưa được hiểu rõ, vì vậy chúng tôi đã tìm cách để nghiên cứu về hiệu quả của việc điều trị thông thường kết hợp và liệu pháp tế bào trong bệnh tiểu đường liên quan đến CLI.”
Theo các nhà nghiên cứu, nhau thai người được thu nhận từ thai nhi đã đủ tháng và sanh mổ từ những người mẹ đồng ý cho mẫu. Việc sử dụng các tế bào người đã được sự chấp thuận của Institutional Biomedical Research Ethics Committee of the Chinese Academy of Medical Science và Đại học Y Union Bắc Kinh.
Sau khi tiêm vào chuột mô hình CLI, các tế bào được theo dõi và định lượng tại các thời điểm khác nhau. Các nhà nghiên cứu thấy rằng số lượng tế bào gốc giảm đáng kể theo thời gian, nhưng có một lượng tế bào biệt hóa thành các tế bào mạch máu. Các tế bào tiêm vào cũng tiết ra các cytokine, đó là các protein nhỏ được tiết ra từ các tế bào, có tác dụng trên sự tương tác và tín hiệu giữa các tế bào.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tin rằng các cytokine được tiết ra bởi MSC thu hút các tế bào nội mô, một loại tế bào tạo nên các mô lót bề mặt bên trong của mạch máu, các tế bào này tham gia xây dựng các mô mạch máu mới và cũng ức chế viêm.”
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dữ liệu thực nghiệm của họ có nghĩa rằng MSC làm tăng sự phục hồi thiếu máu cục bộ ở chuột mắc bệnh tiểu đường qua việc biệt hóa tế bào trực tiếp và cơ chế cận tiết (qua trung gian protein), mặc dù vậy, hai cơ chế này tồn tại cùng một lúc. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Các cơ chế cận tiết có thể còn quan trọng hơn sự biệt hóa tế bào trực tiếp”.
Họ còn cho biết: “Cho đến nay, điều trị bằng MSC là một phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả đối với bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó, các nghiên cứu của chúng tôi đặt nền móng cho sự chuyển đổi từ nghiên cứu đến lâm sàng”.
Tiến sĩ Maria Carolina Oliveira Rodrigues của Trường Y Ribeirão Preto – Đại học São Paulo, Brazil và là biên tập viên của tờ Cell Transplantation: “Bệnh tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới và liệu pháp tế bào gốc có thể là một phương pháp tiếp cận không thể thiếu đối với các biến chứng về mạch máu nghiêm trọng. Các nghiên cứu trong tương lai nên hướng đến tìm hiểu chi tiết trong phương pháp cấy ghép MSC dựa trên những phát hiện từ trước và xác nhận tính hiệu quả của MSC từ nhau thai đối với bệnh CLI.”
LÊ VĂN TRÌNH – LÊ PHẠM TIẾN TRIỀU dịch
Theo eurekalert.org
Leave a Reply