Tế bào gốc người với một nửa bộ gen có thể mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng bị vô sinh

“Đôi khi ít lại tốt hơn.”

Các nhà khoa học đã tạo ra một loại tế bào gốc người mới chỉ có một nửa bộ nhiễm sắc thể (n). Các tế bào này có thể được biến thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Phát hiện này sẽ cung cấp một công cụ quan trọng cho việc phát triển một loạt các liệu pháp điều trị, bao gồm cả ung thư và vô sinh, thậm chí có thể làm sáng tỏ về lý do tại sao chúng ta sinh sản hữu tính thông qua hai cha mẹ chứ không phải chỉ từ một người.

dtlong 2 2016

Một tế bào người đơn bội có 23 nhiễm sắc thể (trái), và một tế bào người lưỡng bội với 46 nhiễm sắc thể (phải)

Hầu hết tế bào trong cơ thể chứa thông tin di truyền trong các DNA được đóng gói thành hai bộ nhiễm sắc thể – một từ bố và một từ mẹ. Chúng được gọi là tế bào lưỡng bội (2n). Tuy nhiên, trứng và tinh trùng là hai ngoại lệ. Đây là những tế bào đơn bội với chỉ một bộ nhiễm sắc thể. Bình thường, các giao tử này không thể tự phân chia, thay vào đó, chúng phải kết hợp với nhau khi thụ tinh để tạo ra các tế bào lưỡng bội, gọi là hợp tử, và phát triển thành phôi, cuối cùng tạo thành một bào thai.

Trong tự nhiên, tế bào gốc phôi là những tế bào lưỡng bội mà từ đó tất cả các mô trong cơ thể được hình thành. Với nghiên cứu của mình, Nissim Benvenisty, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Tế bào gốc Azrieli tại Đại học Hebrew, Jerusalem, Israel, và các đồng nghiệp của ông đã tạo ra được loại tế bào gốc phôi đơn bội với chỉ một bộ nhiễm sắc thể.

Trước sự ngạc nhiên của tất cả những người tham gia, các tế bào này có thể phân chia và biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể. “Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng các tế bào đơn bội của con người không thể phân chia và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau”, Benvenisty nói. “Kể từ khi chúng tôi chứng minh điều này là có thể, những câu hỏi thú vị được đặt ra về lý do tại sao chúng ta sinh sản hữu tính mà không phải là đơn tính từ một người mẹ.”

Xem chi tiết hơn tại bài báo nghiên cứu:

Derivation and differentiation of haploid human embryonic stem cells. Nature.

http://www.nature.com/nature/journal/v532/n7597/full/nature17408.html

Theo New Scientist

Đặng Thanh Long dịch

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *