Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc Harvard (HSCI) ở bệnh viện tổng hợp Massachusetts đã đề ra một giải pháp làm thế nào để tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả bằng cách sử dụng virus. Các nhà nghiên cứu đã dùng tế bào gốc để chuyển virus vào trong khối u não glioblastoma multiforme và cải thiện đáng kể tình trạng sống sót của những con chuột thí nghiệm. Ung thưglioblastoma multiform là một trong những bệnh ung thư não rất khó điều trị và bệnh này thường gặp ở người trưởng thành.
Sử dụng virus ly giải (oncolytic virus) để điều trị các bệnh ung thư não đã được thử nghiệm lâm sàng phase I, II và đã được một số thành công nhất định. Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, oncolytic HSV (Oncolytic Herpes Simplex Virus) là một công cụ đầy tiềm năng, chúng có khả năng xâm nhiễm vào các tế bào não đang phân chia. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này chưa được áp dụng trên người. Vấn đề tồn tại của các nghiên cứu trước còn tồn tại là làm thế nào để kéo dài thời gian tồn tại của virus herpes trong khối u.
Shard và các cộng sự đã sử dụng tế bào gốc trung mô (MSC) được thu nhận từ tủy xương để mang virus ly giải. Vì tế bào gốc trung mô là công cụ thường được sử dụng để vạn chuyển thuốc vào cơ thể và hầu như ít gây đáp ứng miễn dịch cho cơ thể. Shard và cộng sự để chuyển virus herpes vào tế bào gốc trung mô người và ghép những tế bào này vào mô hình chuột mang khối u não. Dựa vào những hình ảnh ghi nhận được, virus herpes từ tế bào gốc đã xâm nhập vào lớp tế bào ung thư não bên ngoài khối u và sau đó là tất cả các tế bào khối u.
Virus herpes được chuyển vào tế bào gốc có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư não. Các tế bào ung thư: màu xanh. Tế bào gốc mang virus herpes: màu đỏ. Virus lây nhiễm vào tế bào ung thư: màu vàng.
“Vậy làm thế nào để áp dụng liệu pháp này vào điều trị lâm sàng” giáo sư Shah phát biểu. “Chúng ta biết rằng 70-75% bệnh nhân ung thư não phải trải qua phẫu thuật để loại bỏ khối u. Nghiên cứu trước của chúng tôi cho thấy MSC mang các chất trị liệu được đóng gói trong gel có khả năng làm giảm kích thước khối u não. Vì thế, chúng tôi chuyền virus herpes vào tế bào gốc trung mô và đóng gói những tế bào này vào trong gel và chuyển vào khối u. Sau đó, chúng tôi so sánh hiệu quả điều trị của virus được chuyển vào MSC và được đóng gói trong gel với virus được tiêm trực tiếp vào khối u”.
Các phân tử đánh dấu trên bề mặt tế bào được sử dụng để thoi dõi làm thế nào virus có thể tấn công tế bào ung thư. Shah và cộng sự thấy rằng tế bào gốc được đóng gói trong gel có khả năng sống sót lâu hơn và cho phép virus nhân lên và tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u. Các con chuột được ghép virus được chuyển nhờ tế bào gốc có khả năng sống sót cao hơn so với nhóm còn lại.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một nhược điểm của phương pháp này là không phải tất cả các khối u não đều đáp ứng với virus. Để khắc phục hạn chế này, các nhà nghiên cứu đã gắn thêm các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư vào virus. Sau đó chuyển các virus này vào mô hình chuột ung thư não đã kháng virus trước đó. Kết quả cho thấy nhóm điều trị với virus có gắn các hóa chất tiêu diệt ung thư có thời gian sống sót tăng lên đáng kể.
“Chiến lược điều trị của chúng tôi có thể khắc phục những vấn đề của các liệu pháp điều trị lâm sàng hiện tại” Shah phát biểu. “Nghiên cứu này sẽ thúc đẩy các thử nghiệm lâm sàng sử dụng virus ly giải để điều trị ung thư, không chỉ điều trị ung thư não mà còn các loại ung thư khác”.
Các thử nghiệm tiền lâm sàng về sử dụng tế bào gốc mang virus herpes để điều trị ung thư vú, ung thư phổi và ung thư da đã di căn lên não sẽ được tiếp tục nghiên cứu. Shah dự đoán rằng liệu pháp này sẽ được đưa lên ứng dụng lâm sàng trong vòng 2-3 năm tới.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute bởi giáo sư Khaiid Shah và cộng sự. Nghiên cứu được tài trợ bởi quỹ James S. McDonnell Foundation và National Institutes of Health.
Trích dẫn: Duebgen, M., et. al. Stem cells loaded with multimechanistic oncolytic herpes simplex virus variants for brain tumor therapy. Journal of the National Cancer Institute. June 2014
VNN
(Theo Harvard Stem Cell Institute)
Leave a Reply