17.1

TẠO HÀNG TỶ TẾ BÀO SẢN XUẤT INSULIN NGƯỜI TỪ TẾ BÀO GỐC

TẠO HÀNG TỶ TẾ BÀO SẢN XUẤT INSULIN NGƯỜI TỪ TẾ BÀO GỐC

 

Viện Tế bào gốc Harvard ngày 9 tháng 10 năm 2014 vừa qua đã đưa tin về một bước tiến dài của họ trong cuộc tìm kiếm một phương pháp điều trị thực sự hiệu quả cho bệnh đái tháo đường tuýp 1. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến 3 triệu người Mỹ với chi phí 15 tỉ USD mỗi năm.

Từ khởi điểm là các tế bào gốc phôi người, lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể sản xuất một số lượng khổng lồ các tế bào beta sản xuất insulin cần thiết cho việc cấy ghép và các mục đích sinh dược phẩm khác.

17.1

Hình:  Doug Melton (sinh ngày 26 tháng 9 năm 1953)

 

Doug Melton là người đứng đầu nghiên cứu này. Ông bắt đầu tiến hành các nghiên cứu của mình cách đây 23 năm, khi mà con trai ông được chuẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1.  Ông hy vọng việc cấy ghép các tế bào này lên người để điều trị có thể được tiến hành trong một vài năm tới. Các tế bào beta có nguồn gốc từ tế bào gốc hiện nay đang trải qua các thử nghiệm trên động vật bao gồm cả linh trưởng.

Elaine Fuchs, giáo sư tại Đại học Rockefeller, người không tham gia vào công trình này, gọi đây là “một trong những tiến bộ quan trọng nhất cho đến nay trong lĩnh vực tế bào gốc”. Ông nhận định rằng các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã cố gắng để tạo ra các tế bào beta trong tuyến tụy của người. Melton và các đồng nghiệp đã vượt qua được trở ngại này và mở đường cho những loại thuốc và liệu pháp cấy ghép trong điều trị bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể giết chết tất cả các tế bào beta của tuyến tụy, do đó không sản xuất đủ insulin cần thiết cho việc điều hòa glucose trong cơ thể. Vì vậy, bước cuối cùng của các thử nghiệm tiền lâm sàng trong sự phát triển phương pháp điều trị này là bảo vệ các tế bào được cấy ghép vào mỗi bệnh nhân (khoảng 150 triệu) khỏi sự tấn công hệ thống miễn dịch. Melton đang cộng tác với Daniel G. Anderson, giáo sư khoa Kỹ nghệ hóa, phân viện Khoa học & Kỹ thuật Y Sinh thuộc Viện Koch ở MIT để phát triển một thiết bị để bảo vệ các tế bào khi cấy ghép. Hiện tại, các thiết bị đang được thử nghiệm trên chuột và các tế bào vẫn đang sản xuất insulin.

Đã có những công bố trước đây từ các phòng thí nghiệm khác về việc tạo ra tế bào beta từ tế bào gốc nhưng chưa nhóm nào tạo ra được tế bào beta trưởng thành phù hợp cho cấy ghép. Khó khăn lớn nhất mà nhóm Melton làm được là tạo ra được tế bào beta cảm ứng được với đường và tiết được insulin sau khi cấy ghép

Hình ảnh đầu tiên về các tế bào beta này được nhóm tác giả giới thiệu trong clip sau:

https://www.youtube.com/watch?v=EtnubH7EYVI

Trong đoạn clip, nhóm tác sử dụng các “spinner flask” và các thanh khuấy từ để nuôi cấy các tế bào beta trong môi trường lỏng (màu hồng đỏ). Các tế bào phát triển dần từ tế bào đơn, phát triển thành các cụm sau vài ngày nuôi cấy và cuối cùng đạt được các cụm có kích thước tương tự như đảo tụy (khoảng 1000 tế bào). Theo nhóm tác giả mỗi bình nuôi cấy này sẽ được sử dụng để ghép cho 1 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.

 

Bùi Nguyễn Tú Anh dịch

Theo Harvard Stem Cell Institute

Email: bntanh@hcmus.edu.vn

Link bài báo http://hsci.harvard.edu/news/stem-cells-billions-human-insulin-producing-cells

 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *