PARP (poly (ADP-ribose) polymerase) là một enzyme đóng vai trò quan trọng trong sửa chữa sai hỏng DNA. Ức chế hoạt động của PARP nhằm ngăn chặn sữa chữa các sai hỏng DNA, tăng cường sự chết tế bào đã sớm trở thành một liệu pháp hứa hẹn trong điều trị ung thư và đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Mới đây các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson, đại học Texas đã công bố một nghiên cứu mới của mình trên tạp chí Nature Medicine online về một phương pháp mới giúp tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc ức chế PARP trong điều trị ung thư vú.
Vai trò của PARP và chất ức chế PARP.
Nghiên cứu của tiến sĩ Mien-Chie Hung và cộng sự cho thấy khi kết hợp với liệu pháp ức chế biểu hiện c-MET (một gen sinh ung được biểu hiện quá mức ở nhiều bệnh nhân ung thư vú), liệu pháp sử dụng thuốc ức chế PARP cho hiệu quả đáng kể. c-MET liên quan đến quá trình phosphoryl hóa PARP1, làm tăng cường hoạt động của enzyme này. Điều này khiến cho các tế bào ung thư có khả năng kháng lại thuốc ức chế PARP. Bằng cách ngăn cản hoạt động của c-MET, tế bào ung thư mất khả năng kháng thuốc này. Do đó trị liệu kết hợp thuốc ức chế c-MET và PARP cho hiệu quả đáng kể trên tế bào ung thư vú cũng như trên chuột mô hình.
Tiến sĩ Mien-Chie Hung phát biểu: “Nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp dự đoán các trường hợp kháng thuốc ức chế PARP, việc trị liệu kết hợp thuốc ức chế c-MET và PARP có thể cho đáp ứng tích cực trên các bệnh nhân biểu hiện quá mức c-MET mà không có đáp ứng khi chỉ điều trị với PARP”.
Lam Huyên dịch
Theo Sciencedaily
Email: ntlhuyen@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2016/01/160118134538.htm
Leave a Reply