Các nhà nghiên cứu tại Harvard phối hợp với Brigham and Women’s Hospital (BWH) đang nghiên cứu về tế bào gốc trung mô (MSC) – một loại tế bào có ích trong điều trị các bệnh liên quan đến miễn dịch. Họ đã tìm ra một cách để tăng cường và kéo dài tác dụng điều trị của tế bào trên các mô hình cận lâm sàng của bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Nhóm nghiên cứu, tại Trường Y Harvard (HMS), dẫn đầu bởi Giáo sư Robert Sackstein, bộ môn Da liễu và Y khoa của bệnh viện HMS và Phó giáo sư Reza Abdi, bộ môn Y khoa của bệnh viện BWH và Trung tâm nghiên cứu cấy ghép, đã báo cáo kết quả mà họ đạt được trên tạp chí Stem Cell.
Trong bệnh đái tháo đường tuýp 1, các tế bào miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào đảo tụy là nơi sản xuất insulin. MSC là một loại tế bào gốc trưởng thành có khả năng ức chế miễn dịch và tác dụng chống viêm. Trong các thử nghiệm cận lâm sàng trước đây trên những chuột đái tháo đường (không béo phì), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng việc tiêm tĩnh mạch MSC có thể làm giảm tổn thương tụy bằng cách giảm mức đường trong máu, giúp cho chuột có thể điều hòa chuyển hóa đường mà không cần tiêm insulin, nhưng những tác động này là khiêm tốn và tạm thời .
Sackstein và nhóm của ông đã đưa ra giả thuyết rằng nếu có nhiều MSC được di cư tới bên trong đảo tụy, thì sự hủy hoại của tế bào beta bởi các tế bào miễn dịch sẽ giảm, đảo tụy sẽ có thể sản xuất insulin trở lại.
MSC thường thiếu một phân tử bám dính bề mặt tế bào gọi HCELL, giúp chúng có thể homing trong máu đến các vùng bị viêm. Ngoài ra, việc tiêm trực tiếp MSC vào đảo tụy rất khó thực hiện vì tuyến tụy rất nhỏ và mỏng manh, các thao tác có thể làm phá vỡ tuyến tụy giải phóng nhiều enzyme (ngoại tiết) gây hại cho vùng mô xung quanh. Vì thế để MSC truyền qua tĩnh mạch có thể di chuyển đến các vùng viêm do quá trình tấn công của hệ miễn dịch trong đảo tụy, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các phân tử dẫn đường HCELL để hướng chúng về phía đảo tụy bị viêm.
Hình: Các MSC (xanh lá) trong đảo tụy chuột (nhân tế bào được nhuộm màu xanh dương). Nguồn: từ bài viết.
Nhóm nghiên cứu thấy rằng HCELL giúp các MSC di cư vào vùng tụy đảo của các con chuột đái tháo đường. Kết quả là làm ổn định lượng đường trong máu. Các con chuột không cần phải tiêm insulin trong một thời gian dài và có dấu hiệu khỏi bệnh.
Sackstein, đồng tác giả của nghiên cứu, kết luận rằng trong khi các nghiên cứu sâu hơn về tác động của MSC đang được chứng minh, các nghiên cứu cận lâm sàng là một bước tiến quan trọng trong việc sử dụng tiềm năng của các tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 và các bệnh miễn dịch khác.
Theo Haley Bridger, Brigham and Women’s Hospital Communications
Dịch bởi Bùi Nguyễn Tú Anh
Leave a Reply