a2

“MỞ” NHIỄM SẮC THỂ CỦA TẾ BÀO GỐC TIẾT LỘ NHỮNG KHẢ NĂNG MỚI CHO BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

“MỞ” NHIỄM SẮC THỂ CỦA TẾ BÀO GỐC TIẾT LỘ NHỮNG KHẢ NĂNG MỚI CHO BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

 

Hiện nay, tế bào gốc mang lại hy vọng điều trị rất nhiều bệnh. Tế bào gốc là loại tế bào duy nhất có khả năng biệt hóa, chuyên môn hóa thành một trong hàng trăm loại tế bào có trong cơ thể con người. Tuy nhiên việc khai thác được tiềm năng này của tế bào gốc là một khó khăn lớn.  Để có thể giúp các tế bào gốc biệt hóa, các nhà khoa học cần phải bổ sung các nhân tố tăng trưởng nhất định vào các thời điểm cụ thể trong các giai đoạn tăng sinh và phát triển của chúng. Trong một số trường hợp, cần đến bảy bước để có thể biệt hóa tế bào gốc thành tế bào mong muốn. Điều này lại càng khó khăn hơn trong trường hợp của các tế bào gan, ruột và tuyến tụy. Trong bài báo đăng trên tạp chí Cell Stem Cell ngày 2 tháng 4 năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Khoa Y, thuộc đại học California – San Diego (UC San Diego) đã phát hiện ra lý do tại sao.

a2

Hình: Những tế bào tuyến tụy có nguồn gốc từ tế bào gốc phôi

Nguồn: UC San Diego School of Medicine

 

Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng nhiễm sắc thể của các tế bào gốc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã “mở” dần theo thời gian, giống với các quá trình xuất hiện trong sự phát triển của phôi. Tuy nhiên, dù những vùng nhất định trên nhiễm sắc thể đã ở trạng thái “mở”,  cũng chưa chắc chắn được các tế bào gốc có thể đáp ứng lại các nhân tố tăng trưởng được bổ sung và phát triển thành các tế bào gan và tụy. Với những khám phá này, các nhà nghiên cứu nhận thấy sẽ giúp thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu tế bào gốc nói chung và sự phát triển của liệu pháp tế bào mới cho các bệnh về gan và tuyến tụy nói riêng, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường tuýp 1.

Tiến sĩ y khoa Maike Sander, hiện là giáo sư nhi khoa, y học tế bào và phân tử, đồng thời là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu nhi khoa về bệnh đái tháo đường tại UC San Diego cho biết khả năng để họ tạo ra các tế bào gan và tuyến tụy từ tế bào gốc thấp hơn so với những tiến bộ đã thực hiện trên các loại tế bào khác. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể tiến hành các nghiên cứu như thử thuốc trên các tế bào gan và tụy có nguồn gốc từ tế bào gốc. Cũng qua đó họ nhận thấy rằng để có thể tạo ra được tế bào cụ thể từ tế bào gốc thì cần phải có những cách dự đoán trước được tế bào gốc và nhiễm sắc thể của chúng sẽ đáp ứng như thế nào với các yếu tố tăng trưởng được bổ sung trong quá trình biệt hóa.

Nhiễm sắc thể là những cấu trúc được hình thành do sự xoắn chặt và đóng gói DNA. Ở người có 46 nhiễm sắc thể, trong đó 23 nhiễm sắc thể thừa hưởng từ người cha và 23 chiếc còn lại nhận từ người mẹ. M.Sander cùng tiến sĩ Bing Ren, đồng tác giả nghiên cứu tại UC San Diego và các cộng sự lần đầu tiên đã lập được các bản đồ nhiễm sắc thể thay đổi theo thời gian của tế bào gốc từ giai đoạn phôi, biệt hóa qua các giai đoạn phát triển trung gian để trở thành các tế bào gan và tụy. Sau đó, dựa trên việc phân tích các bản đồ này, họ khám phá ra được mối liên hệ giữa khả năng tiếp cận (mở) các vùng nhiễm sắc thể xác định và khả năng phát triển của chúng (được hiểu là khả đáp ứng của tế bào với các yếu tố kích hoạt như là các nhân tố tăng trưởng được bổ sung trong quá trình nuôi cấy).

Sander cho biết nhóm nghiên cứu của ông đang tìm kiếm những vùng nhiễm sắc được liên kết với những vùng biến đổi trong những tình trạng bệnh nhất định – những vùng nhiễm sắc thể mà cần phải “mở” trước khi một tế bào gốc có thể biệt hóa hoàn toàn.

Trên thực tế, nếu một người thừa hưởng di truyền một vùng nhiễm sắc thể bị biến đổi (biến thể), nhiễm sắc thể của người đó có thể sẽ không mở ra đúng thời điểm. Điều này sẽ làm người đó có thể nhạy cảm hơn với một căn bệnh liên quan đến một loại tế bào nào đó (ví dụ như sự suy thoái các tế bào beta của tuyến tụy sẽ gây nên bệnh đái tháo đường). Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Sander vẫn đang tiếp tục để tìm hiểu vai trò của các vùng nhiễm sắc thể và các biến thể của chúng đối với bệnh đái tháo đường. Nếu nghiên cứu này thành công sẽ có thể mở ra một hướng điều trị mới dựa trên liệu pháp tế bào trong điều trị bệnh đái tháo đường trong tương lai.

Bùi Nguyễn Tú Anh dịch

Theo ScienceDaily

Email: bntanh@hcmus.edu.vn

Link bài báo http://www.sciencedaily.com/releases/2015/04/150402132751.htm

 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *