Theo kết quả của một thử nghiệm lâm sàng tại đại học Y Stanford, việc tiêm các tế bào gốc trưởng thành của người trực tiếp vào não của bệnh nhân đột quỵ mãn tính đã cho thấy chúng không chỉ an toàn mà còn có hiệu quả trong việc phục hồi chức năng vận động của người bệnh.
Các bệnh nhân được chọn cho thử nghiệm đều bị đột quỵ lần đầu trong khoảng từ sáu tháng đến ba năm trước. Việc tiêm tế bào được thực hiện khi bệnh nhân vẫn có ý thức và gây tê nhẹ trong suốt quy trình. Bệnh nhân được khoan một lỗ nhỏ thông qua hộp sọ của họ và tiêm tế bào vào trong. Bệnh nhân được xuất viện sau vài ngày.
Mặc dù hơn ba phần tư trong số họ bị đau đầu thoáng qua sau ghép do vết thương từ phẫu thuật, tuy nhiên không có tác dụng phụ do các tế bào ghép gây nên và không có bệnh nhân nào tử vong sau đó.
Công trình đã được công bố trực tuyến ngày 02 tháng 06 trên Stroke
Sonia Olea Coontz, ở California, là một trong những bệnh nhân của thử nghiệm này. Hiện nay cô 36 tuổi. Coontz bị đột quỵ tháng năm 2011. Cô tham gia vào các thử nghiệm của Stanford sau khi tìm hiểu từ các thông tin trực tuyến.
Hình : bệnh nhân Sonia Olea Coontz sau khi điều trị đột quỵ bằng tế bào gốc.
“Cánh tay phải của tôi đã không thể cử động,” Coontz nói. “Tôi cảm thấy nó như đã chết. Chân phải có thể cử động, nhưng rất khó khăn. Tôi đã phải sử dụng một chiếc xe lăn để có thể di chuyển.”
“Sau khi phẫu thuật, chúng như sống dậy,” cô nói về chân tay của mình. Giờ đây, Coontz đã có thể cử động tốt hơn.
“Các kết quả đầy hứa hẹn giúp đẩy nhanh các thủ tục để tiến hành giai đoạn thử nghiệm mở rộng.”. Steinberg, người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong các liệu pháp tế bào gốc cho những chỉ định về thần kinh và là tác giả chính của công trình cho biết.
“Đây chỉ là một thử nghiệm nhỏ và đơn lẻ,” Steinberg, người đứng đầu cuộc thử nghiệm trên 18 bệnh nhân và tiến hành trực tiếp 12 cuộc phẫu thuật cảnh báo. (Các thử nghiệm còn lại được thực hiện tại Đại học Pittsburgh.). “Nó được thiết kế chủ yếu để kiểm tra sự an toàn của quá trình ghép. Sự cải thiện của bệnh nhân được đánh giá bằng nhiều biện pháp tiêu chuẩn tuy không ý nghĩa thống kê nhưng có ý nghĩa lâm sàng. Khả năng cử động của họ đã phục hồi rõ rệt. Đó là điều chưa từng có trước đây.”
Có hơn 800.000 người bị đột quỵ mỗi năm ở Hoa Kỳ. Khoảng 85 phần trăm đột quỵ xảy ra cục bộ. Chúng xảy ra khi một cục máu đông hình thành trong một mạch máu cung cấp máu cho một phần của não, gây ra sự tổn thương trên não. Tùy thuộc khu vực nào tổn thương mà cơ quan nào sẽ bị ảnh hưởng.
Mặc dù các phương pháp điều trị đã được cấp phép sử dụng trên đột quỵ thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên để có hiệu quả thì phải được áp dụng trong vòng một vài giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Điều này thường không kịp do quá trình chuyển bệnh nhân từ nhà đến trung tâm quá lâu.
Do đó, chỉ có một phần nhỏ trong số các bệnh nhân được điều trị trong giai đoạn cấp tính của đột quỵ. Phần lớn những người sống sót đều để lại di chứng lâu dài. Một số chức năng vận động bị mất hoặc bị hạn chế. Hầu như tất cả các phục hồi chỉ xảy ra trong sáu tháng đầu tiên sau khi bị đột quỵ.
Đối với thử nghiệm này, các nhà điều tra đã sàng lọc trong 379 bệnh nhân và chọn ra 18 bệnh nhân, tuổi trung bình là 61. Đối với hầu hết bệnh nhân, đột quỵ đã diễn ra hơn 1 năm, qua thời điểm phục hồi để có thể hy vọng. Trong tất cả các trường hợp, đột quỵ đã xảy ra dưới vỏ não và làm ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng vận động.
Những bệnh nhân đột quỵ được phẫu thuật và tiêm loại tế bào được gọi là tế bào SB623 – tế bào gốc trung mô lấy từ tủy xương của hai người cho và sau đó biến đổi để có khả năng phục hồi chức năng thần kinh
.
Đối với thử nghiệm này, không giống như phần lớn các quy trình cấy ghép, người nhận tế bào gốc không cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch vì tế bào gốc trung mô có khả năng điều biến miễn dịch của cơ thể nhận.
Trong phương pháp này, đầu của bệnh nhân được cố định và một lỗ được khoan thông qua hộp sọ để cho phép việc tiêm tế bào SB623. Quá trình này được thực hiện với một ống tiêm và tiêm vào một số điểm ở ngoại vi của khu vực đột quỵ tùy thuộc tổn thương trên bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được giám sát thông qua xét nghiệm máu, các đánh giá lâm sàng và hình ảnh não. Điều thú vị là các tế bào gốc được cấy ghép không tồn tại lâu trong não. Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chỉ ra rằng các tế bào này bắt đầu biến mất khoảng một tháng sau khi phẫu thuật và hoàn toàn mất hết sau hai tháng. Tuy nhiên, bệnh nhân cho thấy sự phục hồi đáng kể trong thời gian một tháng đầu và tiếp tục cải thiện trong vài tháng sau đó. Phục hồi duy trì sau 6 và hơn 12 tháng sau khi phẫu thuật. Steinberg cho biết có khả năng các yếu tố được tiết ra bởi các tế bào trung mô đã kích thích tái sinh hoặc tái hoạt động của các mô thần kinh lân cận.
Steinberg nói. “Điều này có thể cách mạng hóa quan niệm của chúng ta về những gì xảy ra sau khi đột quỵ, chấn thương sọ não hay thậm chí rối loạn thoái hóa thần kinh”
Theo Stanford Medicine
Dịch bởi Bùi Nguyễn Tú Anh
Leave a Reply