Sau đột quỵ hoặc các tổn thương khác, các tế bào cơ tim chết đi và không có khả năng thay thế. Bệnh nhân khi đó thường không có cách nào ngoài cấy ghép tim, một phương pháp rất khó thực hiện bởi nguồn tim hiến tặng rất khan hiếm. Liệu pháp tế bào ra đời nhằm giải quyết những khó khăn và phục hồi chức năng tim ở bệnh nhân. Theo đó, các tế bào cơ tim được cấy ghép vào vị trí tổn thương với hy vọng chúng sẽ tăng sinh và thay thế những tế bào đã chết. Tuy nhiên, thách thức của nó ở nhiều trường hợp là tế bào ghép kết hợp không tốt với mô chủ làm giảm hiệu quả của việc cấy ghép. Một trong số những nguyên nhân của hiện tượng này là chất lượng của các tế bào tim sử dụng cho cấy ghép. Đối với một liệu pháp tế bào điển hình, các tế bào tim được tạo ra từ việc biệt hóa tế bào gốc, nhưng chất lượng của chúng sẽ khác nhau. Đặc biệt, sự trưởng thành của các tế bào tim sẽ khác nhau. Tiến sĩ Shunsuke Funakoshi, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc vạn năng cảm ứng, Đại học Kyoto cho biết “Các tế bào trưởng thành ở các mức độ khác nhau sẽ được trộn lẫn và ghép chung với nhau.” Tiến sĩ Funakoshi chuyên nghiên cứu về tối ưu hóa sự trưởng thành của tế bào tim phục vụ cấy ghép và ông luôn trăn trở rằng liệu trưởng thành có phải là một vấn đề của cấy ghép.

Dưới sự hướng dẫn của Giảng viên cao cấp Tiến sĩ Yoshinori Yoshida, một chuyên gia cơ tim tại Khoa Khoa học tái thiết lập chương trình, Funakoshi đã cảm ứng tế bào gốc vạn năng cảm ứng và chuyển chúng thành tế bào cơ tim [1]. Tế bào cơ tim biệt hóa từ iPSc phát triển một cách hiệu quả qua tất cả các giai đoạn của sự hình thành tế bào cơ tim.

Tế bào cơ tim được biệt hóa từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng trong công trình của TS. Fukanoshi

“Tế bào cơ tim ở các giai đoạn khác nhau có thể có những tác động rất khác nhau”, Tiến sĩ Fukakoshi nói. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị những tế bào tim trưởng thành khác nhau và ghép chúng vào tim chuột bị tổn thương. Ở những con chuột được ghép bởi tế bào biệt hóa sau 20 ngày cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều so với những con chuột ghép tế bào có thời gian biệt hóa muộn hơn hoặc sớm hơn. Điều này cho thấy có tồn tại một giai đoạn trưởng thành tối ưu cho các liệu pháp tế bào. Tuy nhiên, TS Funakoshi cho rằng nghiên cứu này chưa thể áp dụng ngay cho người được mà cần phải tiến hành trên những động vật lớn hơn trước.

Hiện nay, liệu pháp tế bào chữa trị bệnh tim đang cần hơn một tỷ tế bào. Việc biết được tế bào nào là tốt nhất cho việc điều trị không chỉ cải thiện hiệu quả điều trị trên bệnh nhân, mà còn giảm số lượng tế bào cần thiết.

Bùi Thị Vân Anh dịch

Theo Stem cell Portal

Email: btvanh@hcmus.edu.vn

Tài liệu tham khảo

1.         Funakoshi, S., et al., Enhanced engraftment, proliferation, and therapeutic potential in heart using optimized human iPSC-derived cardiomyocytes. Sci Rep, 2016. 6: p. 19111.

2.          http://www.stemcellsportal.com/news/using-skin-save-heart

 

 

 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *