Các nhà khoa học tìm thấy “mẹ” của các tế bào da

London, 11/03/2010 (Reuteurs) – Các nhà khoa học đã tìm thấy “mẹ”, hay nguồn gốc của các tế bào da, và cho rằng khám phá của họ có thể làm gia tăng đáng kể những phương pháp điều trị da cho bệnh nhân bị thương hoặc bỏng nặng.

Hans Clevers và một nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan và Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu trên chuột và phát hiện rằng tế bào gốc biệt hóa thành các loại tế bào da khác nhau thật ra tồn tại ở nang lông. “Phát hiện này có thể đưa đến việc khai thác nguồn tế bào gốc này sử dụng trong điều trị tổn thương hay ghép da đối với những bệnh nhân bỏng”, các nhà khoa học này nói trên tạp chí Science. “Đây là “mẹ” của các tế bào gốc trên da, chúng tạo ra các tế bào gốc khác”, Clevers ở Viện Hàn Lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoàng gia Hà Lan nói.

Có 3 quần thể tế bào khác nhau trên da là: nang lông, tuyến bã nhờn giữ ẩm và ở giữa là lớp biểu bì. Tế bào gốc là tế bào phát triển thành tất cả các loại tế bào trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu trước đây đã nghĩ rằng tế bào gốc trong mỗi một trong ba quần thể trên đều có khả năng tự tạo ra tế bào của chúng, tuy nhiên cho đến nay, tế bào gốc “mẹ” của cả ba loại trên đều vẫn chưa được tìm thấy.

Nhóm nghiên cứu của Clevers đã phát hiện một nhóm tế bào gốc tồn tại ở nang lông và chứa một số lớn gene Lgr6 là những tế bào gốc biểu bì. Khi thử nghiệm trên chuột bị tổn thương da, họ nhận thấy các tế bào Lrg6 xung quanh vết thương phát triển các tế bào da mới và sửa chữa vùng da tổn thương. 

Các nhà khoa học đã có thể tạo ra mô da trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng những tế bào da của những bệnh nhân bị bỏng nặng, nhưng da mới thường giòn, khô và không có lông, những đặc tính này làm cho chúng không giống da tự nhiên.

Clevers nói rằng lợi ích mà tế bào gốc “mẹ” mang đến là chúng có khả năng phát triển thành mô da từ nền đáy cơ bản của chúng, cho phép chúng trở thành một mô da mới thật sự với tuyến mồ hôi giữ ẩm và khả năng tạo ra lông. Clevers cho rằng các nhà nghiên cứu cần quan tâm bây giờ là làm sao để phân lập được các tế bào Lrg6 từ da người. Điều này có thể mất 2-3 năm.

“Chúng tôi đang nghiên cứu làm sao để phát triển các tế bào chuột trong nuôi cấy. Một khi đã thành công trên chuột, chúng tôi cũng có thể phân lập thành công tế bào người”, Clevers nói. “Do đã có nhiều kinh nghiệm nuôi cấy và ghép da cho bệnh nhân bỏng, mọi việc cũng trơ nên tương đối dễ trong việc tạo nguồn tế bào gốc mới và thử nghiệm trên bệnh nhân”.

(Theo ScienceDaily) 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *