Là một trong những người đầu tiên xây dựng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, đồng thời cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam tự đem bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bằng tế bào gốc, ThS Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM – cho rằng, khi mình đã hiểu, đã tin thì việc đó không có gì là khó.
Hoặc là chết, hoặc tế bào gốc
Không tự nhận mình là người đầu tiên gây dựng nên ngành khoa học tế bào gốc ở Việt Nam, ThS Phan Kim Ngọc bảo, ông chỉ là một trong số những người say sưa với công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam mà thôi. Ông chỉ là người đầu tiên lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị COPD bằng tế bào gốc. Nhớ lại thời điểm phát hiện ra bệnh cách đây 10 năm, ông cho biết: “Năm 2005, tôi phát hiện bị bệnh COPD. Đáng buồn là khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn bốn. Các bác sỹ lúc đó bảo, đó là giai đoạn gần như không thể can thiệp được gì nữa. Đấy là chưa kể, đây là căn bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ có thể hạn chế sự phát triển để sống chung và nâng cao tuổi thọ mà thôi. Sống chung với căn bệnh mấy năm, đến tháng 11/2013 tôi quyết định tự lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị COPD bằng tế bào gốc. Phải công bằng mà nói, nếu không có tế bào gốc thì tôi đã lê lết rồi”.
Lý giải về việc tự lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm, ThS Phan Kim Ngọc cho rằng, vì ông đã quá hiểu tế bào gốc là thế nào, có tác dụng ra sao nên ông không có lý do gì để nghi ngại hay run sợ. Niềm tin của ông là chắc chắn nhưng lại không phải là niềm tin của tất cả những người khác, nên trước khi quyết định đưa mình ra làm thí nghiệm, ông nhận được nhiều lời can ngăn của bạn bè, người thân trong gia đình. Khi đó, ông đứng trước hai trạng thái khác nhau: Một là đang ở cùng đường – như lời bác sỹ nói, hai là ông lại quá hiểu về tế bào gốc và rất nhiều chuyên gia hàng đầu cùng ông nghiên cứu đều khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này.
Tôi hỏi, với một sự thành thực ở thời điểm trước khi cấy ghép, ông có lo lắng không. Ông bảo, thực ra thì cũng có chứ không phải không. “Ít ra thì nó là tính mạng của mình, nói mình hoàn toàn không nghĩ gì thì cũng không đúng. Tôi lo là về kỹ thuật, liệu có khả năng xảy ra sai sót gì, có sự cố nào trong quá trình cấy ghép hay không, có gặp trục trặc gì không, có thao tác nào làm chưa chuẩn xác không, chứ tôi không nghi ngờ gì về tính năng, tác dụng của tế bào gốc”.Sau 2 tháng thử nghiệm cấy tế bào gốc, sức khỏe của ông đã tốt hơn. Trong suốt 18 tháng liên tiếp, ông không còn bị điều trị cấp, dễ thở hơn. Nhờ có sự thành công trong việc cấy ghép tế bào gốc chữa bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, nhiều bệnh nhân COPD sau khi nắm bắt được thông tin đều đến đăng ký muốn thử nghiệm.
ThS Phan Kim Ngọc báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
“Mở đường sống” cho nhiều người
Kể từ sau ca cấy ghép thành công của ThS Phan Kim Ngọc, đến nay Bệnh viện Vạn Hạnh phối hợp cùng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) đã thực hiện điều trị bằng tế bào gốc trên một số bệnh nhân COPD ( trong chương trình xin phép thử nghiệm) và đã có nhiều kết quả tốt. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước được phép của Bộ Y tế sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc điều trị bệnh COPD. TS Phan Kim Ngọc cho biết, trước đây, để có được tế bào gốc cấy ghép thì rất phức tạp và tốn kém, nhưng giờ công nghệ đã phát triển, nguồn tế bào gốc không phải là khó kiếm. Tế bào gốc cấy ghép có thể lấy từ cơ thể của chính người bệnh hoặc lấy từ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh. Để việc cấy ghép thành công, không bị thải loại thì trước khi cấy ghép phải thực hiện các biện pháp sàng lọc, lựa chọn xem có phù hợp với miễn dịch cơ thể của người bệnh không.
ThS Phan Kim Ngọc cho biết, mỗi liệu trình cấy ghép cho một người bệnh có khoảng từ 2-5 đợt tùy thuộc vào thể trạng từng người. Tới đây – ngày 13/11, ông sẽ thực hiện liệu trình cấy ghép đợt 3. Vì đây là công nghệ mới ở Việt Nam và đang trong chương trình thử nghiệm nên chưa có mức giá cụ thể, tuy nhiên có nhiều khả năng sẽ rẻ hơn so với nước ngoài để phù hợp với khả năng chi trả của người Việt. Những ưu điểm và cũng là những đột phá về y học mà phương pháp này đem lại đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới khi không may mắc các bệnh hiểm nghèo.
ThS Phan Kim Ngọc cho biết, hiện ở Việt Nam, công nghệ tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị cho một số bệnh như một số dạng ung thư máu (Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TPHCM đã thực hiện thành công), các bệnh về da, khớp, mắt, phổi và sắp tới có thể sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh tiểu đường.
Tái tạo những gì tổn thương
Theo ThS Phan Kim Ngọc, ưu điểm của điều trị bằng tế bào gốc chính là khả năng tái tạo lại những gì bị tổn thương. Không phải tế bào nào bị tổn thương cũng có thể tái tạo được, nhưng rất nhiều tế bào bằng các phương pháp điều trị hiện đại không tác động được tới thì công nghệ tế bào gốc có thể làm được.
Tế bào gốc nhóm nghiên cứu phòng Tế bào gốc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM sử dụng là tế bào gốc trung mô, một loại tế bào gốc trưởng thành không tạo máu.
Công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam đã phát triển khá tốt, nhưng còn cách quá xa so với các nước phát triển, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Thống kê cho thấy, cả nước chỉ có khoảng 300 người làm công việc liên quan đến tế bào gốc, trong đó, không quá 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc. Bên cạnh đó, việc đầu tư các trang thiết bị đòi hỏi rất lớn, đa phần l
à các loại đắt tiền. May mắn là ở Việt Nam, Nhà nước cũng đã đầu tư một phòng thí nghiệm trọng điểm về tế bào gốc. Cuối cùng là vấn đề hành lang pháp lý đang không theo kịp. Ví dụ, tế bào gốc không được sắp xếp vào hạng mục điều trị nào, là thuốc, mô ghép, thiết bị, dược… đều không phải. Bởi thế, nhiều nơi muốn ứng dụng nhưng hành lang pháp lý không cho phép nên không làm được.
Hiện trong nước, một số trị liệu từ ứng dụng tế bào gốc đã có hiệu quả, đặc biệt tế bào gốc lấy từ mô mỡ cho trị liệu khớp gối, nghẽn đường hô hấp; bệnh ly thường bì trẻ em ở Hà Nội và cả trị liệu ung thư cổ tử cung bằng xạ trị. Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe bằng tế bào gốc chưa được trả lời thỏa mãn.Ở tuổi 60, vì không thể chịu được áp suất cao do căn bệnh COPD mang lại nên ThS Phan Kim Ngọc đã phải “giậm chân tại chỗ”. Ông bảo, ông không hài lòng về những gì mình đã làm được, bởi vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Dù phải vất vả lắm mới theo được đà phát triển công nghệ của thế giới, dù “ỳ ạch” đi theo thì vẫn phải gắng sức, vì nếu thấy mỏi mệt mà dừng chân thì sự tụt hậu sẽ càng kéo dài, khoảng cách ấy sẽ ngày càng xa mà không có cách gì rút ngắn được.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phòng thí nghiệm cấp quốc gia. Thời gian qua Phòng đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu: Năm 2007, đề tài tái tạo giác mạc mắt từ tế bào gốc do phòng thí nghiệm kết hợp với ĐH Y Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2008, đề tài “Tạo tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục” tiếp tục được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ quốc gia. Năm 2009, phòng thí nghiệm đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM với đề tài tạo bò sữa từ tế bào trứng đông lạnh….
Nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chuyen-nguoi-tu-dem-minh-lam-thi-nghiem-c7a370321.html