CƠ CHẾ MỚI TRONG TỔNG HỢP CÁC HỢP CHẤT KHÁNG UNG THƯ CỦA CÂY HOÀNG CẦM

Giáo sư Carthie Martin vừa công bố một nghiên cứu mới của bà và cộng sự liên quan đến cách thức tổng hợp các hợp chất có hoạt tính kháng ung thư của cây Hoàng cầm, một loại thảo dược Trung Hoa.

20.4.1

Hình 1: Cây Hoàng cầm- một loại thảo dược được dùng trong y học Trung Hoa hàng nghìn năm nay.

Cây hoàng cầm có tên khoa học là Scutellaria baicalensis, được biết đến như một loại thảo dược có tác dụng hạ sốt cũng như chữa các bệnh về gan và phổi. Những nghiên cứu gần đây trên tế bào đã cho thấy các hợp chất flavon có trong rễ loại cây này không chỉ có tác động kháng khuẩn và chống oxy hóa mà còn có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không làm ảnh hưởng đến các tế bào thường. Thử nghiệm trên mô hình động vật cũng cho thấy các flavon này giúp ức chế sự tăng trưởng khối u, mở ra hy vọng mới cho điều trị ung thư.

Đến nay cơ chế tổng hợp của nhiều loại flavon được biết đến tương đối rõ, tuy nhiên quá trình này của một số flavon khác có trong rễ của cây hoàng cầm như wogonin hay baicalin vẫn là một dấu chấm hỏi lớn cho các nhà khoa học do cấu trúc đặc biệt của các phân tử này: thiếu một nhóm OH trong cấu trúc phân tử.

Giáo sư Cathie Martin, tác giả chính của công bố cho biết: “Nhiều flavon được tổng hợp dựa trên chất nền là naringenin. Tuy nhiên hợp chất này có chứa nhóm OH trong cấu trúc phân tử và không có enzyme nào có khả năng loại nhóm OH để tạo ra các flavon đặc biệt được tìm thấy trong rễ cây hoàng cầm.”

Carthie và cộng sự của bà đã Làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc để tìm ra con đường mà cây hoàng cầm đã dùng để tạo ra các loại flavon đặc biệt này. Qua nhiều thí nghiệm, họ đã làm sáng tỏ cơ chế liên quan đến việc sử dụng nhiều loại enzyme giúp chuyển đổi một loại chất nền khác là chrysin thành các flavon này.

Việc tìm ra con đường tổng hợp mới này đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các flavon đặc biệt này với số lượng lớn để sử dụng trong các nghiên cứu sau nhằm chứng minh dược tính của các flavon này cũng như phát triển thành thuốc chữa ung thư nếu như chúng thực sự có hiệu quả.

Lam Huyên dịch

Theo Sciencedaily

Email: ntlhuyen@hcmus.edu.vn

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2016/04/160408163722.htm


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *