Hợp chất trong nước bọt của người có tác dụng đẩy nhanh tốc độ làm lành vết thương

Theo các nhà khoa học Hà Lan, một hợp chất có trong nước bọt của người giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Nghiên cứu này có thể đem lại hi vọng cho những bệnh nhân phải chịu đựng những vết thương không lành mãn tính do bệnh tiểu đường, chấn thương và bỏng. Bên cạnh đó, những hợp chất này có thể sản xuất hàng loạt nên chúng có tiềm năng trở thành thuốc kháng sinh ở dạng kem và cồn sát trùng.

“Chúng tôi hi vọng nghiên cứu này giúp ích cho những bệnh nhân phải chịu đựng những vết thương không lành như loét chân, loét do bị tiểu đường cũng như cho nhiều phương pháp trị liệu vết thương do chấn thương như bỏng”, theo Menno Oudhoff.

Cụ thể, các nhà khoa học tìm thấy histatin, một loại protein kích thước nhỏ trong nước bọt có khả năng giết vi khuẩn, có vai trò trong quá trình làm lành vết thương. Trong thí nghiệm của mình, các nhà nghiên cứu nuôi cấy tế bào biểu mô ở mặt trong của má trên đĩa đến khi mặt đĩa được phủ đầy các tế bào. Sau đó, vết thương nhân tạo trên lớp tế bào ở mỗi đĩa được tạo ra bằng cách cạo một đường để loại bỏ các tế bào.Ở đĩa đối chứng, tế bào được ủ với dung dịch đẳng trương. Ở đĩa thí nghiệm, tế bào được ủ với nước bọt của người.

Sau 16 giờ, các nhà khoa học nhận thấy rằng vết thương được xử lí với nước bọt hầu như lành hẳn. Ở đĩa có chứa vết thương không được xử lí với nước bọt, phần lớn vết thương vẫn chưa lành. Điều này chứng minh rằng nước bọt của người chứa nhân tố giúp đẩy nhanh quá trình đóng kín vết thương của các tế bào ở miệng. Bởi vì nước bọt là một hỗn hợp gồm nhiều thành phần nên bước tiếp theo là xác định thành phần nào có tác dụng trong quá trình làm lành vết thương. Bằng cách sử dụng nhiều kỹ thuật, các nhà nghiên cứu phân tích nước bọt thành các thành phần riêng lẻ, kiểm tra chúng trên mô hình vết thương và cuối cùng kết luận rằng histatin có vai trò quan trọng đối với sự làm lành.

histatin

Cấu trúc protein Histatin-1

“Nghiên cứu này không chỉ trả lời cho câu hỏi: Tại sao động vật hay liếm vào vết thương của chúng”, Gerald Weissmann phát biểu. “ Nó còn giải thích tại sao vết thương trong miệng hay nhổ răng thì lành nhanh hơn những vết thương ở da và xương. Nghiên cứu này cho thấy tiềm năng sử dụng nước bọt như một loại thuốc mới”.

Trương Thị Hoàng Mai
tthmai@hcmus.edu.vn
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2008/07/080723094841.htm


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *