Mục tiêu cuối cùng của tế bào ung thư là duy trì sự tồn tại của nó, mặc cho cơ thể đang mang nó bị tổn hại như thế nào. Để làm được điều này, tế bào ung thư có các khả năng đặc biệt mà tế bào thường không có, bao gồm cả khả năng tồn tại khi lượng đường cung cấp cho nó cực kỳ ít. Điều này có thể giải thích cho sự thất bại của việc sử dụng các chất ngăn cản sự hình thành mạch máu trong điều trị ung thư, vì dù khối u có bị bỏ đói khi không được nuôi dưỡng bởi mạch máu thì nó vẫn có thể tiếp tục tồn tại.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia (CNIO)- Tây Ban Nha vừa công bố một bài báo trên Cancer Cell liên quan đến vấn đề này. Cụ thể là họ đã tìm ra một nhóm protein hoạt động như một công tắc: khi có đủ glucose, các tế bào ung thư sử dụng một con đường đặc biệt để biến dưỡng và tăng sinh; khi không còn glucose, công tắc này cho phép tế bào ung thư sử dụng con đường khác để biến dưỡng mà vẫn đạt mục tiêu cuối cùng là tồn tại và tăng trưởng.
Mọi việc xảy ra trong các tế bào kể cả những tế bào ung thư và tế bào thường đều dựa vào một chuỗi các phản ứng sinh hóa: một protein được sửa đổi thông qua việc bổ sung một phân tử khác, và sự thay đổi đó gây ra sự thay đổi trong các protein khác. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra hệ thống công tắc cho phép tế bào nhận biết sự hiện diện của glucose trong môi trường từ đó quyết định con đường biến dưỡng mà nó sẽ sử dụng để tồn tại.
Đó là một hệ thống phức tạp gồm 3 protein: URI (hoạt động như công tắc), OGT và c- Myc. C- Myc đã được biết đến như một gen sinh ung (oncogene), có tác động thúc đẩy tế bào ung thư tồn tại và tăng sinh. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng cho thấy mức độ biểu hiện c- Myc cũng rất quan trọng cho sự tồn tại của tế bào khi xảy ra stress dinh dưỡng. Hoạt động của hệ thống như sau: URI điều khiển hoạt động của OGT. OGT nhận biết và sử dụng glucose để kiểm soát nồng độ c-Myc. Khi có glucose, OGT sử dụng glucose để ồn định nồng độ c-Myc, lúc này c-Myc thực hiện tốt vai trò của mình là một gen sinh ung. Tuy nhiên khi cạn kiệt glucose, URI trở thành chất ức chế OGT, làm giảm hoạt động của protein này và giảm sự tiêu thụ glucose của nó. Điều này dẫn đến sự suy thoái c-Myc. Như vậy trong tình trạng thiếu hụt glucose, sự tồn tại của tế bào sẽ phụ thuộc vào hoạt động sinh ung của URI.
Nghiên cứu này đã đề ra một cơ chế cảm biến glucose quan trọng trong đó URI đóng vai trò là một biến trở giúp kiểm soát hoạt động OGT, từ đó kiểm soát mức độ biểu hiện c-Myc, cho phép tế bào ung thư vượt qua stress dinh dưỡng và tồn tại trong các điều kiện môi trường ngặt nghèo nhất.
Lam Huyên dịch
Theo Sciencedaily
Leave a Reply