SỰ HÌNH THÀNH CÁC “MẠCH MÁU MÔ PHỎNG” LIÊN QUAN ĐẾN KHẢ NĂNG DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ

NTLHuyen-1

Nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor và viện CRUK thuộc đại học Cambridge (nước Anh) đã cho thấy khả năng hình thành hệ thống ống dẫn có chức năng tương tự mạch máu của các tế bào ung thư là một trong những nguyên nhân dẫn đến di căn trên chuột mô hình.

NTLHuyen-1

Hình: Hai khu vực liền kề của một khối u vú chuột. Mô bên trái được nhuộm để xác định mạch máu bình thường (mũi tên màu đen) và các kênh chứa đầy máu (mũi tên màu xanh). Mô bên phải: protein biểu hiện trên tế bào khối u được nhuộm với chất phát huỳnh quang, nhờ đó ta có thể thấy các kênh chứa đầy máu thực sự được tạo thành bởi các tế bào khối u, các kênh này được gọi là “mạch máu mô phỏng”.

Các tế bào của khối u có khả năng tạo ra một hệ thống ống dẫn nhằm đưa máu đi đến nhiều nơi trong khối u. Hệ thống ống này sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng các tế bào ở nhiều vùng khác nhau trong khối u, tương tự như vai trò của các mạch máu trong cơ thể, vì thế chúng được gọi là các “mạch máu mô phỏng”.

Trong nghiên cứu này, 2 gen được tìm thấy đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các mạch máu mô phỏng là Serpine2 và Slpi. Sự giảm biểu hiện của chúng trong khối u sơ cấp sẽ dẫn đến sự giảm thiểu hình thành hệ thống mạch này.

Hệ thống mạch máu mô phỏng tạo điều kiện cho các tế bào của khối u đi vào dòng máu, di chuyển và hình thành khối u tại một vị trí khác trong cơ thể. Sự biểu hiện quá mức Serpine2 và Slpi cũng cho phép các tế bào ung thư vào dòng máu nhiều hơn, dễ dẫn đến di căn. Điều nay được chứng minh trong một nghiên cứu trước đó khi một trường hợp bệnh nhân có ung thư di căn vào phổi được tìm thấy có sự biểu hiện quá mức 2 gen này.

Việc tìm ra Serpine 2 và Slpi đã mở ra một hướng tiếp cận mới cho liệu pháp trị liệu ung thư- tác động trúng đích vào protein được mã hóa từ các gen này nhằm ngăn việc hình thành khối u thứ phát và ức chế sự xâm lấn của khối u.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc ức chế hình thành mạch máu trong điều trị ung thư  đã được tiến hành, tuy nhiên hiệu quả không được như mong đợi. Sự xuất hiện của các mạch máu mô phỏng trong khối u có thể được xem là câu trả lời cho kết quả này, vì với sự có mặt của chúng, khối u vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và oxy để phát triển. Như vậy chúng ta có quyền hy vọng rằng tác động đồng thời vào mạch máu và mạch máu mô phỏng của khối u sẽ đem lại những kết quả khả quan hơn trong điều trị ung thư.

Lam Huyên dịch

Theo Sciencedaily

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *