Lược dịch: CN Bùi Đình Khan, email: bdkhan@hcmus.edu.vn
Bài gốc: https://www.mdpi.com/2072-6694/15/9/2440
Trong bài tổng quan được đăng trên tạp chí Cancers (nhà xuất bản MDPI), một nhóm các bác sĩ và nhà nghiên cứu đến từ Anh đã tổng hợp các bằng chứng thực nghiệm để chứng minh cho quan điểm rằng tình trạng béo phì ở các bệnh nhân ung thư vú có liên quan đến khả năng kém đáp ứng với các liệu pháp miễn dịch trong điều trị.
Mô mỡ trắng là mô tham gia hoạt động nội tiết và miễn dịch với vai trò chính là dự trữ năng lượng và cân bằng nội môi. Mỡ trắng ở vú tiết hormone và các phân tử tiền viêm có liên quan đến sự phát triển của ung thư vú. Mối liên hệ giữa vai trò của mô mỡ và phản ứng viêm trong đáp ứng miễn dịch, cùng với đó và khả năng kháng thuốc điều trị ở bệnh nhân ung thư vú vẫn chưa được tìm hiểu một cách cụ thể.
Béo phì được chứng minh là có liên quan đến rối loạn chức năng trao đổi chất và những thay đổi trong vi môi trường khối u ung thư vú. Mối liên hệ giữa các tế bào mỡ, đại thực bào và cytokine tiền viêm có thể thúc đẩy rối loạn chuyển hoá miễn dịch và dẫn đến các kiểu hình ức chế miễn dịch ở khối u vú và có liên quan đến tình trạng kháng liệu pháp miễn dịch. Cụ thể, béo phì và viêm làm tăng biểu hiện các điểm kiểm soát miễn dịch trên bề mặt tế bào T. Sự tiếp xúc kéo dài với kháng nguyên u khiến các tế bào T kiệt quệ, dẫn đến biểu hiện các thụ thể ức chế và tái lập trình biến dưỡng ở quần thể tế bào miễn dịch này. Ngoài ra, các đại thực bào liên quan đến khối u (TAM) có thể trực tiếp thông qua các thụ thể ức chế được biểu hiện quá mức ở quần thể tế bào T để đàn áp chúng. Do đó, làm suy giảm mức độ điều trị bằng các liệu pháp miễn dịch ở bệnh nhân ung thư.
Đặc tính chống ung thư của metformin đã được chứng minh ở các nghiên cứu cận lâm sàng và lâm sàng. Metformin có tác dụng chống khối u theo nhiều phương thức khác nhau như tác động vào biến dưỡng khối u, chu kỳ tế bào, các cơ chế sửa chữa DNA và các con đường tín hiệu hình thành mạch máu. Một số nghiên cứu còn nhận thấy rằng metformin còn có khả năng điều động các tế bào miễn dịch xâm nhập và khối u ở chuột và người. Tuy nhiên, đặc tính điều hoà miễn dịch của metformin ở ung thư vú vẫn chưa được hiểu rõ. Metformin có thể điều biến vi môi trường khối u thông qua tăng cường đáp ứng miễn dịch kháng u được trung gian bởi sự tiết cytokine ở các tế bào T và đại thực bào. Từ các bằng chứng đã được nghiên cứu, có thể kết luận rằng đặc tính cơ thể và tình trạng trạng biến dưỡng có liên quan đến kết quả điều trị ở các bệnh nhân ung thư. Từ đó, cần phải có những chiến lược phân nhóm cụ thể và cá nhân hoá việc điều trị ung thư để đạt hiệu quả cao nhất.
Leave a Reply