Author: vbngoc
-
Viện Tế bào gốc: Kết nối quốc tế ngay từ bước khởi đầu
24/12/2018 10:26 – Thu Quỳnh
Sau hơn mười năm thành lập, Viện Tế bào gốc (được thành lập trên cơ sở các thành tựu của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc), trường ĐH KHTN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh không chỉ đem lại những nghiên cứu quan trọng về tế bào gốc trên người và chuyển giao công nghệ để đưa vào điều trị phổ biến trong y tế mà còn góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo của ngành học này ở Việt Nam.
Nguồn thu từ chuyển giao công nghệ đã đem lại nguồn đầu tư cho tốt cho nghiên cứu của Viện/ Viện đủ khả năng chi trả cho các đề tài nghiên cứu cấp Viện tối đa lên tới 500 – 600 triệu/ một đề tài. Ảnh: Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc. Nguồn: Viện Tế bào gốc.
Đi đầu trong chuyển giao công nghệ tế bào gốcNăm 2016, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP HCM là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế phê chuẩn áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy tế bào gốc) và huyết tương giàu tiểu cầu. Phương pháp mới này đem lại hiệu quả điều trị lên tới 86% và bệnh nhân thoái hóa khớp gối không cần phải phẫu thuật cũng như quá trình hồi phục kéo dài sau phẫu thuật. Cùng thời điểm, đây cũng là đơn vị đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng đánh giá an toàn và hiệu quả bước đầu của phương pháp ghép tế bào gốc trung mô ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, thử nghiệm lâm sàng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.
Điều đáng ngạc nhiên là, những kỹ thuật được đánh giá là tiên tiến này lại không phải là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, mà hoàn toàn là chuyển giao công nghệ “nội địa” giữa bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với Viện Tế bào gốc. Những bộ kit tách chiết tế bào gốc từ mô mỡ và bộ kit tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu đều là những kết quả nghiên cứu hoàn toàn do người Việt thực hiện tại Viện tế bào gốc và được chuyển giao cho công ty TNHH Thế giới gene ở Khu công nghệ cao Quận 9 TP HCM sản xuất.
Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc tại bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Ảnh: VTV.
Hiện nay, các đơn vị ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc vào điều trị không còn hiếm hoi ở Việt Nam, ước tính, có khoảng gần 50 cơ sở trong cả nước, nhưng Viện Tế bào gốc là cơ quan duy nhất có khả năng thực hiện các nghiên cứu bài bản, đưa ra công nghệ, từ chỗ chứng minh được hiệu quả, an toàn của công nghệ ở mức độ phòng thí nghiệm, trên động vật cho đến … đưa ra quy trình sản xuất đảm bảo đạt quy chuẩn cấy ghép trên người. “Viện khẳng định, môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô của Viện không thua kém bất kỳ một sản phẩm nào khác, của bất cứ nước nào trên thị trường. Nếu các đơn vị sử dụng môi trường nuôi cấy của Viện tế bào gốc mà nhận thấy có sản phẩm của nơi khác tốt hơn, thì Viện sẽ tặng không môi trường nuôi cấy của Viện”, TS. Vũ Bích Ngọc, Trưởng phòng KH&CN và Sở hữu trí tuệ tại Viện cho biết. Nhưng những đơn vị đã dùng môi trường nuôi cấy tế bào gốc của Viện đều rất “chung thủy” với sản phẩm của Viện. Bởi vì, hiện nay, đa số công nghệ được chuyển giao của Viện đều có giá … 1.000 đồng – Với mức giá chuyển giao này, Viện không nhận tiền chuyển giao công nghệ mà chỉ yêu cầu đơn vị nhận chuyển giao sử dụng hóa chất, vật tư của viện trong quá trình sử dụng sau này. Sản phẩm tốt là chưa đủ, Viện còn hỗ trợ kỹ thuật bài bản cho các đơn vị được chuyển giao công nghệ, thậm chí nếu đơn vị đó muốn thành lập một đơn vị chuyên tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc phục vụ cho điều trị hoặc nghiên cứu thì Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựn
Cách tổ chức bài bản, minh bạch
Hiệu quả từ nghiên cứu ứng dụng có thể “đo đếm” được mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Những ứng dụng và chuyển giao đó là kết quả của đầu tư cho nghiên cứu cơ bản rất bài bản của Viện trong suốt mười năm qua. Không khó để nhìn thấy kết quả đó, với một loạt công bố của các nhà nghiên cứu trong Viện: PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện trưởng) và Ths Phan Kim Ngọc (nguyên Trưởng Phòng thí nghiệm Tế bào gốc) đều có hơn một trăm công bố, các trưởng phòng hiện nay của Viện đều có khoảng hơn 10 cho tới 40 – 50 công bố, cho đến những nhà nghiên cứu trẻ cũng đều có tên trong danh sách công bố này. Thậm chí, “hầu hết sinh viên được giữ lại ở đây, sau khi làm xong đề tài tốt nghiệp là đã công bố được một bài báo quốc tế thuộc Web of Science và Scopus với Impact factor cao”, TS. Vũ Bích Ngọc cho biết.
Viện khẳng định, môi trường nuôi cấy tế bào gốc trung mô của Viện không thua kém bất kỳ một sản phẩm nào khác, của bất cứ nước nào trên thị trường
Chính những nghiên cứu cơ bản là những viên gạch móng đầu tiên cho ngành học này. Từ những năm 2000, khi thế giới công bố các nghiên cứu về tế bào gốc, Ths Phan Kim Ngọc nhận ra ngay đây là “kho vàng” của y học và bắt đầu xắn tay vào viết dự án thành lập phòng thí nghiệm tế bào gốc. Ông tham khảo kinh nghiệm quốc tế, viết thư hỏi các đồng nghiệp trên thế giới. “Thậm chí, tại thời điểm thành lập Phòng thí nghiệm tế bào gốc, khái niệm tế bào gốc vẫn chưa ra đời, thời gian đó các nhà khoa học Việt Nam vẫn gọi stem cell như là tế bào mầm. Chúng tôi đọc các công bố nước ngoài thì phát hiện có một thuật ngữ khác là germ cell là tế bào mầm và đề xuất thay đổi cái gọi từ tế bào mầm sang tế bào gốc (stem cell). Song vẫn còn tranh cãi và niềm tin về vai trò một loại tế bào đặc biệt – tế bào gốc vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong các nhà khoa học ở nước ta”, PGS.TS Phạm Văn Phúc nhớ lại.
Các thí sinh tham tham gia cuộc thi Stem Cell Innovation 2018 của Viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc.
Nhưng Ths Phan Kim Ngọc tin tưởng vào sự chuẩn bị bài bản của ông, từ chỗ thuyết phục, kêu gọi các nhà khoa học nước ngoài cùng tham gia hợp tác nghiên cứu, cho tới đặt vấn đề hợp tác với các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu khác trong nước (Bệnh viện Từ Dũ, Viện Chăn nuôi quốc gia). Ông tự đề ra một khái niệm “biên giới linh động”. “Khi ai hỏi ‘biên chế’ phòng thí nghiệm của tôi bao nhiêu người, tôi yêu cầu phải hỏi cụ thể ‘biên chế của chương trình nào, đề tài nào, hướng nghiên cứu nào?’, vì mỗi Chương trình của tôi có nhiều người từ các đơn vị khác, thậm chí có cả người nước ngoài, được ký cùng làm trong 2- 3 năm chẳng hạn. Mình chưa biết làm, tất cả đều mới, nên chắc chắn phải hợp tác với nước ngoài”, ông kể. Ông cùng học trò bắt đầu tiến hành những thí nghiệm đầu tiên. Năm 2005, Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử – do Ths Phan Kim Ngọc xây dựng trước đó và sau này sáp nhập vào Phòng thí nghiệm Tế bào gốc – đã phân lập nuôi cấy, biệt hoá thành công tế bào gốc từ tuỷ xương chuột, phôi thai chuột. Tất cả những điều đó đã đem lại một thuyết minh dự án đầy tiềm năng, tương lai nghiên cứu mới của ngành học mới mẻ này. Năm 2007, Bộ KH&CN quyết định đầu tư cho phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc với số tiền đầu tư lên tới 40 tỉ đồng.
Mở ngay từ ban đầu
Đầu năm 2018, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc chính thức được quyết định chuyển thành Viện Tế bào gốc hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tự nuôi quân, trong khi “Phúc là người ‘già’ nhất ở Viện”, theo Ths Phan Kim Ngọc, còn ông thì cũng đã nghỉ hưu từ năm 2016. Một đội ngũ rất trẻ, với tất cả lãnh đạo các phòng ban đều thuộc thế hệ 8X, thậm chí một số trưởng phòng chỉ mới 9X, liệu có bỡ ngỡ?
“Không, ngay từ giai đoạn còn là phòng thí nghiệm thì chúng tôi đã hoạt động chuyên nghiệp giống như một tổ chức độc lập, nên khi phát triển thành Viện, chỉ cần bê nguyên cơ cấu nhân sự đó thành Viện rồi kiện toàn cho nó hoàn thiện hơn”, TS Vũ Bích Ngọc nói. Chẳng hạn, theo chị Ngọc, từ trước 2007, mặc dù tất cả nhân sự của phòng thí nghiệm đều là làm công tác nghiên cứu (trừ kế toán) nhưng vẫn phân chia trách nhiệm xử lý hành chính theo từng nhóm riêng, sự kết hợp giữa các nhóm trong giải quyết hồ sơ rất ăn khớp, nhịp nhàng, khi có hồ sơ chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu… đều được chuẩn bị rất bài bản rồi gửi sang cho trường giải quyết. Để giảm tải, tối ưu hóa thời gian cho khối lượng công việc hành chính cũng như trao đổi giữa các thành viên trong viện, chính Viện trưởng là người cập nhật và yêu cầu toàn bộ cán bộ sử dụng những phần mềm hỗ trợ tương tác, trao đổi công việc như Basecamp. Thậm chí, người viết bài này, khi đề xuất cán bộ Viện cập nhật một số tin tức mới về tình hình nghiên cứu y học trên thế giới cũng như thành tựu của Viện, thì ngay lập tức được mở một quyền truy cập vào Thư mục Tin khoa học trong Basecamp của Viện, và các trao đổi, thắc mắc đều được giải đáp, trả lời chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Không chỉ đảm bảo một guồng máy làm việc nội bộ chặt chẽ, êm ru nhất, mà Viện cũng có tư duy mở, kết nối với giới nghiên cứu quốc tế cũng như cách thức quảng bá, truyền thông về tế bào gốc đến công chúng rất hiệu quả. Hai năm một lần, Viện tổ chức hội thảo quốc tế về tế bào gốc, mời những nhà khoa học uy tín trên thế giới về tế bào gốc cũng như toàn bộ giới nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ sinh học ở Việt Nam, nhằm thảo luận về tình hình nghiên cứu trên thế giới, các kết quả mới ở Việt Nam. “Những hội thảo này rất hiệu quả, thông qua đó, chúng tôi đều có được bài viết tốt, mối quan hệ với những nhà khoa học uy tín và cơ sở hàng đầu trên thế giới”, theo TS. Vũ Bích Ngọc. Hàng loạt các trường đại học lớn, viện nghiên cứu đều đã tìm đến Viện để đặt vấn đề hợp tác. Viện cũng đã “hữu xạ tự nhiên hương”, chẳng hạn lãnh đạo và giảng viên của ba trường đại học từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đến Viện để tham quan, trao đổi trong tháng 11, 12 này đều là tự tìm đến chứ không phải do Viện liên hệ và mời. Năm năm nay, Viện thường xuyên tổ chức cuộc thi Stem Cell Innovation nhằm tạo sân chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học. Quy mô của các kỳ thi này tăng lên nhanh chóng, năm 2016, có 200 đội thi đăng ký thì đến năm 2018, đã có tới 386 đội thi với 1185 thí sinh đến từ 41 trường đại học, phổ thông trung học trong cả nước.
Một phong cách làm việc chuyên nghiệp, một tư duy cởi mở không phải tự nhiên mà có.Từ thế hệ đầu là Ths Phan Kim Ngọc cho tới các thế hệ sau này, cán bộ Viện đều thực sự được “truyền lửa” – như cách nói của TS Vũ Bích Ngọc về một cách làm việc nhiệt huyết, không mệt mỏi của những thế hệ đi trước. Ths Phan Kim Ngọc hay PGS.TS Phạm Văn Phúc đều được các đồng nghiệp đánh giá là người “không biết đến điều gì khác ngoài công việc”. Ths Phan Kim Ngọc là người xây dựng phòng thí nghiệm từ số không, còn PGS.TS Phạm Văn Phúc tiếp nhận Viện khi đã có hình hài, cơ cấu bộ máy tương đối ổn định nhưng anh không hề ngơi tay. Người viện trưởng sinh năm 1983 này còn là tổng biên tập của hai tạp chí của Viện và đều được công nhận trong danh mục Scopus, Web of science vào năm ngoái. “Toàn bộ bài vở của hai tạp chí này đều do thầy Phúc lo, cán bộ Viện chỉ gửi bài thôi”, TS Vũ Bích Ngọc nói.
Nguồn: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Vien-Te-bao-goc-Ket-noi-quoc-te-ngay-tu-buoc-khoi-dau–14069
-
Thời đại mới của chỉnh sửa gene?
Tin gốc: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Thoi-dai-moi-cua-chinh-sua-gene-14032
Sự kiện về những đứa trẻ chỉnh sửa gene của nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê chỉ là phần dễ nhận biết của cả một câu chuyện dài về sự phát triển của di truyền học Trung Quốc. Và hiện giờ, khó ai có thể ngăn cản được bước tiến của con tàu gene Trung Quốc bởi nó đang tăng tốc quá nhanh.
Các nhà sinh học phân tử đang cưỡi con sóng công nghệ mới mang tên CRISPR. Nguồn: Nature
Quá trình đầu tư lâu dài
Nếu nói đến chỉnh sửa gene, người ta thường nghĩ đến những ứng cử viên hàng đầu: Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp. Điểm khác biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia còn lại chính là sự bền bỉ và tự tin của nó, dù không có lợi thế ở điểm xuất phát. Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh cho khoa học tự nhiên, trong đó có công nghệ sinh học. Nếu kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1996-2001) đề cập đến tầm quan trọng của công nghệ sinh học tương đương với nhiều ngành khoa học khác thì đến kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (đang được triển khai), vai trò của nó thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn, khi các nhà hoạch định chính sách dành hẳn một phần để nêu chính sách “phát triển các công nghệ sinh học tiên tiến và hiệu quả”, đồng thời nêu các lĩnh vực chính cần được tập trung đầu tư như “các công nghệ chỉnh sửa hệ gene” nhằm đạt được mục tiêu “đưa Trung Quốc đến với những đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học và trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh quốc tế ở lĩnh vực này”.
Năm 2017, với việc chi 1,76 nghìn tỷ NDT (tương đương 254 tỷ USD) cho R&D, Trung Quốc sắp bắt kịp với Mỹ trong khía cạnh này và thúc đẩy cuộc chạy đua về di truyền học – cuộc đua mà nhà miễn dịch học Mỹ Carl June gọi là Sputnik 2.0 khi liên hệ đến những gì từng diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cũng cùng năm, Quỹ Khoa học quốc gia đã đầu tư hơn 23 triệu nhân dân tệ (3,5 triệu USD) cho ít nhất 42 dự án CRISPR Cas9, tăng gấp đôi so với năm trước. TS. Lai Liangxue, phó giám đốc của Viện nghiên cứu Sinh học tế bào gốc và y học tái sinh ở miền Nam Trung Quốc, nhận xét trên trang genengnews, phần lớn các kinh phí đầu tư cho nghiên cứu về CRISPR Cas9 đều từ các cơ quan chính phủ, rất ít các công ty tư nhân bỏ tiền vào đó, “dù đó là nghiên cứu trên động vật hay thực vật thì đất nước chúng tôi đều có khoản kinh phí đặc biệt”. Nhưng chỉ một trong một số viện nghiên cứu do chính phủ thành lập nhận được tài trợ cho các dự án CRISPR Cas9 tại Trung Quốc. Theo một bài báo trên Scientific American vào năm 2015, Minhua Hu – nhà di truyền học tại Viện nghiên cứu Dược phẩm Quảng Châu cho biết, “đây là một lĩnh vực ưu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc” còn đồng nghiệp của anh là Liangxue Lai tại Viện Y sinh Quảng Châu, bổ sung là “Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ nhiều hỗ trợ về tài chính cho nghiên cứu về động vật chỉnh sửa gene trong cả lĩnh vực nông nghiệp và y sinh”.
Được tập trung đầu tư nên “khoảng cách về những công nghệ sinh học mới giữa Trung Quốc và phương Tây đang được thu hẹp,” Zhai Xiaomei, một thành viên của Hội đồng Y đức quốc gia và một giáo sư ở trường Đại học Y khoa Bắc Kinh, nhận xét.
Với khoản tiền đầu tư của chính phủ vào công nghệ sinh học và công nghệ chỉnh sửa gene, Trung Quốc có nhiều lợi thế để thu hút các nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về, thậm chí nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng coi nơi đây là “mảnh đất hứa” để theo đuổi hướng nghiên cứu này. Victor J. Dzau, Chủ tịch Viện nghiên cứu Dược tại Viện Hàn lâm Dược quốc gia Mỹ nhận định: “Tôi cho rằng hiện tại Trung Quốc đang hướng đến [kỹ thuật chỉnh sửa gene] nhiều hơn, họ khuyến khích các nhà khoa học của mình ngày một tiến nhanh hơn và ngày một táo bạo hơn”.
Những khuôn phép đạo đức nghiên cứu
Khác với việc áp dụng công nghệ chỉnh sửa gene trên động vật hoặc cây trồng, những nghiên cứu về chỉnh sửa gene trên phôi người đều phải tuân thủ một khung quy định riêng của pháp luật. Trung Quốc cũng không là biệt lệ với một khung pháp lý là “các tiêu chuẩn kỹ thuật về nghiên cứu phôi của Trung Quốc được quy định bởi một khuôn khổ pháp lý, “các chỉ tiêu kỹ thuật về công nghệ sinh sản trên người” của Bộ Y tế. Về mặt lý thuyết, các quy định này cấm sử dụng tinh trùng hoặc trứng có hệ gene được chỉnh sửa nhằm đạt được mục tiêu nào đó. Ở Trung Quốc, có ba tổ chức có thẩm quyền quyết định về nghiên cứu y sinh học là Bộ KH&CN, Bộ Y tế và Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm quốc gia song nhiều đơn vị khác cũng đóng vai trò quan trọng như chính quyền địa phương cũng có thể giải thích, hướng dẫn chính sách và nhiều khi các giải thích của họ có thể làm ảnh hưởng hoặc thậm chí thay đổi những gì mà các nhà nghiên cứu có thể làm và không thể làm.
Một số cơ sở nghiên cứu lớn của Trung Quốc cũng có một vài biệt lệ, trong đó bộ phận Y học của Quân đội Trung Quốc (PLA) với những cơ sở y sinh, bệnh viện và các phòng thí nghiệm riêng và PLA cũng có những giải thích riêng về các khuyến nghị và có khả năng kết nối với các doanh nghiệp tư nhân về các dự án nghiên cứu chỉnh sửa gene. Tháng 1/2018, Wall Street Journal đã đăng tải bài viết về 86 bệnh nhân được đưa vào một cuộc thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh ung thư phổi. Đây là thử nghiệm có sự tham gia của bệnh viện PLA 105, ở tỉnh Hợp Phì với Kedgene Biotechnology, một công ty khởi nghiệp.
Nhìn chung, giới nghiên cứu phương Tây cho rằng, các nhà quản lý Trung Quốc dường như có thái độ cởi mở hơn so với phương Tây. Theo phân tích của công ty đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs công bố vào tháng 4/2018, tính đến cuối tháng 2/2018, có 9 nghiên cứu lâm sàng về thử nghiệm được đăng ký thử nghiệm tế bào được chỉnh sửa bằng kỹ thuật CRISPR-Cas9 để điều trị nhiều bệnh ung thư và lây nhiễm HIV ở Trung Quốc; trong khi đó ở Mỹ mới chỉ cho phép thử nghiệm 1 trường hợp sau khi Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm chấp nhận ca thử nghiệm lâm sàng đầu tiên bằng CRISPR-Cas9 vào tháng 10 tới.
Nhà nghiên cứu Hervé Chneiweiss ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đánh giá tiềm năng của chỉnh sửa gene, “một mỏ vàng vô giá có thể đem lại những hiểu biết mới và có khả năng đem lại những phương thức điều trị bệnh tật mới”. Do đó, mỗi quốc gia đều thúc đẩy áp dụng những quy tắc riêng về chỉnh sửa gene. Một nghiên cứu về luật pháp và thực hành luật pháp trên toàn cầu về chỉnh sửa gene của nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Hokkaido vào năm 2014 cho thấy, trong số 39 quốc gia được khảo sát, có 29 quốc gia có lệnh cấm về chỉnh sửa gene trên các tế bào mầm phôi người (25 quốc gia trong số này được ràng buộc về pháp lý, 4 quốc gia có hướng dẫn) trong khi 10 quốc gia còn lại đều có các quy tắc được mô tả hết sức mơ hồ. Còn Trung Quốc thì sao? Theo CNN, Trung Quốc có những quy định có phần lỏng lẻo với khoa học thực nghiệm, bao gồm các quy tắc về nghiên cứu trên phôi người. Năm 2003, Bộ Y tế Trung Quốc ra chỉ thị về các thử nghiệm lâm sàng trong ống nghiệm (in vitro) cấm “các ca thử nghiệm lâm sàng” nếu “vi phạm các nguyên tắc đạo đức hoặc luân lý”.
“Vấn đề là không có hình phạt” nếu có vi phạm, Renzong Qiu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc trả lời CNN.
Chính quyền Trung Quốc đã nêu ra nhiều giới hạn về nghiên cứu chỉnh sửa gene trên phôi người. Deng Rui, một nhà nghiên cứu về y đức ở trường đại học Y khoa Sơn Tây trả lời CNN qua điện thoại: “Giới hạn đỏ của chúng tôi là chỉ có thể thực nghiệm trên các phôi người dưới 14 ngày tuổi”. Bà cũng cho rằng, chỉ thị năm 2003 cần được cập nhật.
Bà Zhai Xiaomei nêu thêm, các nhà khoa học Trung Quốc cũng tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và khoa học như các đồng nghiệp quốc tế tuy nhiên bà cũng thừa nhận là nhiều nhà khoa học không bị bắt buộc phải làm như vậy.
Những bước tiến ngoài sức tưởng tượng
Viện nghiên cứu hệ gene Bắc Kinh giới thiệu lợn chỉnh sửa gene. Ảnh: Nature
Những nỗ lực đầu tư của chính quyền và sự lỏng lẻo về quy chế đã góp phần thúc đẩy những bước tiến đột phá của các nhà khoa học Trung Quốc trong lĩnh vực chỉnh sửa gene. Huso Yi, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức y sinh của trường đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận xét: “Mọi người thường nói rằng họ không thể ngăn nổi con tàu đang tiến của di truyền học Trung Quốc đại lục vì nó đang tiến quá nhanh”. Hiện trình độ và độ phức tạp trong nghiên cứu về CRISPR của nhà nghiên cứu Trung Quốc tương đương tới châu Âu và Mỹ – nơi đồng phát triển công nghệ, George Church (trường Y khoa Harvard) – một trong những giáo sư di truyền học hàng đầu thế giới, nói với Scientific American. Theo một phân tích của Thomson Innovation – một bộ phận của Thomson Reuters tại London, 50 viện nghiên cứu Trung Quốc có các bằng sáng chế về chỉnh sửa gene.
Ở Trung Quốc, các nghiên cứu chỉnh sửa gene trên phôi người đều được giữ kín và trước khi công khai như trường hợp của Hạ Kiến Khuê thì phương Tây chỉ được biết đến qua một số thông tin rò rỉ. Cách đây 3 năm, các nhà nghiên cứu đã từng bị sốc về việc áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene trên phôi người của Trung Quốc: một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc ở trường Đại học Sun Yat-sen (Quảng Châu) do Junjiu Huang làm trưởng nhóm đã trở thành những người đầu tiên trên thế giới tuyên bố thành công khi sử dụng là CRISPR/Cas9 để sửa đổi một gene liên quan đến β-thalassemia, một loại rối loạn máu điển hình có khả năng gây tử vong. Kết quả được công bố online trên tạp chí Protein & Cell, đã chính thức xác nhận những tin đồn râm ran trước đó về những thực nghiệm “bí mật” được thực hiện tại Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, David Cyranoski và Sara Reardon của Nature đã đưa ra một thông tin gây sốc không kém: theo một nguồn tin ẩn danh thì ở Trung Quốc không chỉ có nhóm của Junjiu Huang mà còn có ít nhất 3 nhóm khác đang theo đuổi việc chỉnh sửa gene trong phôi người.
Chỉ có những thông tin về các thử nghiệm trên động vật mới được Trung Quốc thông báo một cách rộng rãi. Hàng loạt loại chó, dê, khỉ và lợn mới đều được tạo ra bằng chỉnh sửa gene. Ví dụ tại Viện nghiên cứu Hệ gene Bắc Kinh (BGI) – viện nghiên cứu về gene được thế giới biết đến khi tạo ra một loạt đột phá về kỹ thuật giải trình tự hệ gene, đã tạo ra Bama, con lợn mini bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene nhằm nghiên cứu về bệnh tật con người. BGI tiết lộ còn có kế hoạch bán những con lợn biến đổi gene này làm vật nuôi trong nhà bởi khi trưởng thành, bọn chúng chỉ nặng khoảng 15kg, tương đương với một con chó cỡ vừa.
Nhìn ở góc độ học thuật, việc tăng tốc chạy đua với các đồng nghiệp phương Tây trong phát triển và ứng dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gene cũng dễ dẫn đến tình trạng gian dối. Ví dụ năm 2016, Han Chunyu – nhà sinh học tại trường đại học KH&CN Hà Bắc ở thành phố Thạch Gia Trang xuất bản công bố trên Nature Biotechnology là có thể sử dụng enzyme NgAgo để chỉnh sửa gene của động vật có vú. Tuy nhiên một số lượng lớn các nhà khoa học đã phản hồi là họ không thể lặp lại kết quả của Han và chỉ có một người nói rằng có thể lặp lại được thí nghiệm. Theo công bố của nhà nghiên cứu Yang Yang (Trung tâm Ung thư và liệu pháp sinh học, Phòng thí nghiệm trọng điểm Sinh học quốc gia Trung Quốc), cuộc tranh luận về kết quả nghiên cứu này hiện vẫn còn gây tranh cãi.
TS. Guillaume Levrier tại Sciences Po (Paris, Pháp) bình luận trên The Conversation, việc xảy ra với Hạ Kiến Khuê không phải đặt dấu chấm dứt với câu chuyện chỉnh sửa phôi người mà thực chất là một bước chuyển đầy kịch tính để cả thế giới bước vào thời đại mới của việc chỉnh sửa gene.
-
Em bé đầu tiên được chỉnh sửa gene: Sáu câu hỏi còn bỏ ngỏ
Tuyên bố bất ngờ gây chấn động toàn thế giới về em bé đầu tiên được chỉnh sửa gene đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các nhà khoa học thế giới và cả Trung Quốc. Nhiều câu hỏi được giới khoa học quốc tế đặt ra xung quanh kết quả này.
Ngày 29 tháng 11, Ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gene người tại Hồng Kông, nơi mà Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) tuyên bố công trình của mình, cho biết rất bất ngờ và lo ngại sâu sắc khi được biết việc chỉnh sửa gene đã được tiến hành trên phôi của con người, được cấy ghép và cho ra đời cặp sinh đôi đầu tiên. “Quy trình tiến hành công trình nghiên cứu này là vô trách nhiệm và không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.”, Ủy ban này tuyên bố.
Hạ Kiến Khuê (giữa) đang trả lời các đồng nghiệp trong Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gene người tại Hồng Kông. Ảnh: Nature.Hạ Kiến Khuê tiết lộ một phần công trình của mình, ông cho biết đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9 để thay đổi gene CCR5 trong bộ gene của hai phôi, sau đó ông cấy vào một người phụ nữ. Gene CCR5 mã hóa một protein mà một số chủng HIV phổ biến sử dụng để lây nhiễm cho các tế bào miễn dịch (nơi cư trú của virus này trên người). Do đó việc tắt hoặc bất hoạt gene này sẽ làm cho virus HIV không thể xâm nhiễm và phát triển bệnh trên người mắc phải.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra sau khi công trình được công bố. Tạp chí Nature đã tóm tắt sáu câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ sau sự kiện này:1. Hạ Kiến Khuê có gặp rắc rối gì sau tuyên bố của mình?Vào ngày 27 tháng 11, một ngày trước khi Hạ Kiến Khuê phát biểu tại hội nghị, Bộ y tế Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền Quảng Đông (nơi ông công tác – trường Đại học Khoa học & công nghệ Nam Trung Quốc) để điều tra ông.Hai ngày sau, Bộ Khoa học & công nghệ nước này cũng ra quyết định yêu cầu ông ngừng bất kỳ công trình khoa học nào đang tiến hành. Khuê cũng đã xác nhận các thí nghiệm của mình đã ngừng lại.Thông tin về việc chính quyền Quảng Đông sẽ tiến hành điều tra và xử lý ra sao không rõ ràng. Tuy nhiên, Hạ Kiến Khuê bị cáo buộc vi phạm hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2003 của nước này. Tất nhiên, đây không phải là luật và không có hình phạt rõ ràng cho các vi phạm liên quan.Đại học Khoa học & công nghệ Nam Trung quốc vẫn chưa có động thái nào trong việc xử lý các tuyên bố của ông này. Trao đổi với Nature, một phát ngôn viên của trường cho biết rằng “không thể tiết lộ thông tin trong lúc này” và cần chờ đợi các tuyên bố chính thức “vào một thời điểm thích hợp.” Hạ Khuê được cho là đã nghỉ phép từ tháng 2 năm 2018 và dự kiến kéo dài cho đến tháng 1 năm 2021.Ngày 27 tháng 11, trang web chính thức của phòng thí nghiệm thuộc trường đại học nơi Hạ Kiến Khuê đăng tải thông tin giới thiệu về hai em bé chỉnh sửa gene đã được gỡ bỏ, mặc dù một số trang khác liên quan của phòng thí nghiệm vẫn còn tồn tại. Các tuyên bố ca ngợi thành tựu của ông Khuê cũng đã biến mất khỏi các trang web của chính phủ nước này. Một bài đăng khác trên trang web của Bộ khoa học Trung Quốc mô tả công nghệ giải trình tự bộ gene mà Khuê đã phát triển hiện cũng không thể truy cập được. Không rõ liệu các hành động này có liên quan đến các sự kiện gần đây hay không, nhưng các bài đăng vẫn có thể truy cập trước đó.Theo một tuyên bố được phát ngôn viên của Hạ Kiến Khuê đưa ra, ông Khuê đã quay lại Thâm Quyến, nơi ông đang sống, sau cuộc nói chuyện tại Hội nghị. “Tôi đã trở về Thâm Quyến và sẽ không tham dự hội nghị vào thứ năm. Tôi sẽ ở lại Trung Quốc và phối hợp với các yêu cầu điều tra về công việc của tôi”, tuyên bố nói.2. Tuyên bố có thật sự chính xác? Việc xác minh công trình sẽ tiến hành ra sao?Nhiều nhà khoa học cho biết cần một cơ quan độc lập để xác nhận tuyên bố của Hạ Kiến Khuê cũng như tiến hành so sánh cẩn thận và chi tiết gene của hai đứa trẻ và cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng danh tính các em bé và cha mẹ của chúng cần được giữ bí mật.“Ông ấy đã giữ bí mật và đó là mục đích tốt”, David Baltimore, nhà sinh học đoạt giải Nobel, chủ tịch hội đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh và là cựu chủ tịch Viện Công nghệ California ở Pasadena cho biết. Nhóm nghiên cứu của Khuê có thể cung cấp các mẫu ẩn danh. Các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể ghé thăm phòng thí nghiệm của ông để phân tích dữ liệu.Trong một tuyên bố được phát ngôn bởi người phát ngôn của mình, Khuê nói sẽ mời các nhà nghiên cứu khác để thực hiện một cuộc điều tra độc lập. “Dữ liệu thô của tôi sẽ được cung cấp để bên thứ ba xem xét.”Khuê cũng tiết lộ rằng ông đã gửi các dữ liệu về nghiên cứu chỉnh sửa gene của người cho một tạp chí để xuất bản. Ông đã nói với một số nhà khoa học rằng một bài báo sẽ được xuất bản vào cuối năm nay, nhưng không cho biết rõ sẽ đăng trên tạp chí nào. Nhưng ngay cả khi đó, các luật về bảo vệ dữ liệu di truyền rất nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ ngăn cản ông công bố dữ liệu trình tự gene và vì thế các nhà khoa học quốc tế sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh các nghi ngờ của mình.
Năm 2016, mặc dù liệu pháp thay thế ty thể chưa nhận được sự chấp thuận của cộng đồng y sinh hoặc FDA, các bác sĩ tại thành phố New York đã sử dụng liệu pháp này để tạo ra một em bé ở Mexico. Ảnh: Nature3. CRISPR đã chỉnh sửa bộ gene của cặp sinh đôi như thế nào?Trong trường hợp không có một ấn phẩm xuất bản chính thức – bằng một bài báo khoa học trên tạp chí hoặc một báo cáo chính thức mô tả cách chỉnh sửa gene của Khuê, một số nhà khoa học vẫn đang phân tích bản trình bày của ông này tại hội nghị để thử và tìm hiểu bộ gene của cặp song sinh đã được chỉnh sửa như thế nào, cũng như hình dụng ra các hậu quả tiềm ẩn của những thay đổi này.Gaetan Burgio, một nhà di truyền học tại Đại học Quốc gia Australia tại Canberra, đang nghiên cứu về chỉnh sửa gene bằng công nghệ CRISPR, nói rằng dữ liệu giải trình tự thô mà Khuê trình bày trong bài phát biểu cho thấy rằng các tế bào của 2 đứa trẻ chứa nhiều phiên bản được chỉnh sửa của gene CCR5, với độ dài DNA khác nhau được xóa bỏ – có thể được tạo ra khi CRISPR chỉnh sửa trong giai đoạn phôi sớm, một số tế bào sẽ được chỉnh sửa khác với các tế bào khác, hoặc một số tế bào có thể vẫn chưa được chỉnh sửa.Sean Ryder, nhà nghiên cứu RNA, tại Trường Y khoa Đại học Massachusetts ở Worcester, đã bày tỏ thêm những lo ngại khi đăng trên Twitter của mình. Ông cho rằng, Khuê nói với hội nghị rằng ông đã nhắm vào gen CCR5 bởi vì một số người trong tự nhiên mang một đột biến trong CCR5 thuộc trình tự được gọi là delta-32, nhằm làm bất hoạt gene này. Nhưng Ryder nói rằng việc xóa bỏ CCR5 mà Khuê tuyên bố đã đưa vào tế bào phôi của 2 đứa trẻ bằng cách kỹ thuật CRISPR không giống với đột biến delta-32. “Vấn đề là chưa một nghiên cứu nào cho biết đột biến mã bộ ba nào sẽ gây đột biến delta-32 được nghiên cứu kỹ lưỡng, và theo như tôi biết là chưa có ngay cả trên các mô hình động vật”. Ryder đã viết trong bài viết.4. Khi nào sẽ có một người được chỉnh sửa gene khác?
Giáo sư Jennifer Doudna là một nhà khoa học tiên phong trong việc sử dụng CRISPR-Cas9 để “biên tập” chỉnh sửa gene. Khi nghe Khuê trình bày công trình của ông ấy tại Hội nghị thượng đỉnh, bà cho rằng những ý tưởng của bà có thể là tiềm năng cho các nhà khoa học liều lĩnh sử dụng nó theo những cách phi đạo đức. Đó là một nguy cơ thực sự.Trước những tuyên bố của Khuê, nhiều nhà khoa học đã rất lo lắng về viễn cảnh rằng ai đó đang sắp sửa có ý định tạo ra một con người chỉnh sửa gene.Nhà sinh vật học George Daley, hiệu trưởng trường y khoa Harvard ở Boston, Massachusetts và là thành viên của Ủy ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đã đề cập đến một công trình cũng nổi tiếng không kém gần đây – một quy trình thay thế DNA ti thể bị bệnh trong phôi thai với DNA ty thể khỏe mạnh từ người khác. Mặc dù liệu pháp thay thế ty thể chưa nhận được sự chấp thuận của cộng đồng y sinh hoặc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các bác sĩ tại thành phố New York đã sử dụng liệu pháp này để tạo ra một em bé ở Mexico vào năm 2016.Tại Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông, các nhà khoa học cũng đã thảo luận về tương lai sắp tới – liệu sẽ có một công bố khác về việc biên tập chỉnh sửa gene con người hay không và sự biến đổi gene sẽ di truyền đến các thế hệ tương lai như thế nào. “Chúng ta có lý do để quan tâm,” Baltimore cho biết. “Bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực này đều biết rằng điều này đang xảy ra, điều quan trọng là cần sự theo dõi từ các nhà chức trách.”5. Những tiết lộ của Khuê có cản trở những nỗ lực đạo đức để thực hiện việc chỉnh sửa gene không?Nhiều nhà nghiên cứu sợ rằng sự tiết lộ công trình của Khuê có thể cản trở tương lai của việc chỉnh sửa gene. Ở Mỹ, một số người cho rằng các lệnh cấm hà khắc sẽ chống lại các mục tiêu cao cả của khoa học.Sau những tiết lộ tại Hội nghị ở Hồng Kông, Ủy viên FDA, Scott Gottlieb cho biết “Chính phủ bây giờ sẽ phải hành động”. Và vào ngày 28 tháng 11, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) Francis Collins nói trong rằng “cần thiết phải có một sự đồng thuận quốc tế nhằm ràng buộc và thiết lập các giới hạn cho loại nghiên cứu này”.Tuyên bố được công bố tại hội nghị thượng đỉnh là một lời kêu gọi để mở một con đường cho việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene một cách an toàn trở thành các phương pháp điều trị: “Việc chỉnh sửa gene của con người có thể được chấp nhận trong tương lai nếu như những rủi ro được giải quyết.”6. Các nhà khoa học sẽ đảm bảo quá trình giám sát về chỉnh sửa gene trong tương lai như thế nào?“Chúng tôi không có kế hoạch chi tiết, nhưng chúng tôi đã hỏi các cơ quan nghiên cứu. Đó là một thách thức đối với thế giới.” Tuyên bố được đưa ra bởi Ủy ban tổ chức của Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông cho thấy rằng các viện khoa học trên khắp thế giới đã đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ của họ, đồng thời phối hợp với nhau.Tuyên bố cũng đưa ra khuyến nghị về việc cần xây dựng một diễn đàn quốc tế – diễn đàn sẽ giúp nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng dễ dàng khi thông qua một cơ quan đăng ký quốc tế, đồng thời thảo luận các vấn đề liên quan khi chỉnh sửa gene.Alta Charo, thành viên ban tổ chức Hội nghị Hồng Kông, một nhà sinh vật học tại trường Luật Đại học Wisconsin ở Madison, cho biết kỳ vọng phải thực tế. “Bạn không thể mong đợi sự hoàn hảo. Những gì bạn có thể làm là cố gắng giảm thiểu những sự cố này bằng các biện pháp trừng phạt hành vi lừa đảo phi khoa học”.Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ ba về chỉnh sửa bộ gene người sẽ diễn ra tại London vào năm 2021.Bùi Nguyễn Tú Anh (Viện Tế Bào Gốc) dịch -
Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói FIRST/2a/SCI/G03
[pdf-embedder url=”https://vinastemcelllab.com/wp-content/uploads/2018/12/THONG-BAO-TRUNG-THAU-G03.pdf” title=”THONG BAO TRUNG THAU G03″]
-
Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói FIRST/2a/SCI/G06
[pdf-embedder url=”https://vinastemcelllab.com/wp-content/uploads/2018/12/THONG-BAO-KQ-G06-1.pdf” title=”THONG BAO KQ G06″]
-
PTN Vật liệu phức hợp Nano-Đại học Yonsei, Hàn Quốc trao đổi hợp tác với Viện Tế bào gốc về ứng dụng công nghệ nano trong y sinh
Vào ngày 1.12.2018, Giáo sư Jinkee Hong, Trưởng phòng, PTN Vật liệu phức hợp nano-Đại học Yonsei, đã thăm và làm việc tại Viện Tế Bào Gốc-ĐH KHTN-ĐHQG TpHCM. Ban lãnh đạo Viện Tế Bào Gốc (Viện TBG) đã có buổi tiếp và làm việc.
Tại Viện Tế Bào Gốc, GS Jinkee đã trình bày seminar khoa học về công nghệ phủ nano đa lớp cho các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh học với sự tham gia của cán bộ nghiên cứu và sinh viên của Viện Tế Bào Gốc. Bài báo cáo trình bày về nền tảng màng nano được ứng dụng để phủ lên bề mặt tế bào gốc trung mô với mục đích tăng tỉ lệ sống sót, khả năng homing của tế bào gốc trung mô khi được đưa vào cơ thể. Chủ đề khoa học được thảo luận cởi mở và sôi nổi.
GS.Jinkee Hong (đứng giữa, áo sơ mi xanh) chụp hình cùng thành viên tham dự seminar
Cùng ngày, PGS.TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện TBG, cùng Ban lãnh đạo Viện đã có buổi họp thảo luận hợp tác với GS Jinkee Hong. Tại buổi họp, phía Viện Tế bào gốc mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong vấn đề ứng dụng công nghệ Phủ nano đa lớp trong các lĩnh vực mà Viện TBG đang triển khai như điều trị thoái hóa khớp gối bằng MSC, vận chuyển thuốc điều trị ung thư, biệt hóa tế bào không sử dụng yếu tố hóa chất. Ông Phạm Văn Phúc cũng đề xuất các chương trình nghiên cứu chung, cũng như trao đổi nhà khoa học của 2 bên.
GS Jinkee Hong cùng ban lãnh đạo Viện Tế bào gốc thảo luận hợp tác
GS Jinkee Hong bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực nghiên cứu mà Viện tế bào gốc đề nghị. Hai bên đồng ý sẽ có những chương trình hợp tác nghiên cứu chung trong thời gian sắp tới, đặt biệt ứng dụng công nghệ phủ hạt nano trong lĩnh vực tế bào gốc, cũng như sẵn sàng chào đón các nhà khoa học của 2 bên đến làm việc và nghiên cứu.
GS Jinkee Hong cho biết rất ấn tượng với thành quả nghiên cứu đã đạt được của Viện tế bào gốc, và sẵn lòng chào đón các sinh viên tốt nghiệp từ Viện TBG đến học tập nghiên cứu sinh tại đại học Yonsei.
GS Jinkee Hong (thứ 3 từ phải sang), PGS.TS. Phạm Văn Phúc -Viện trưởng Viện Tế bào gốc (thứ 4 từ phải sang) cùng ban lãnh đạo viện chụp hình lưu niệm