Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM gần đây đứng ra tập hợp các nhóm nghiên cứu tế bào gốc riêng rẽ ở Thành phố. Năm 2013 trở đi, sẽ hình thành chương trình nghiên cứu về tế bào gốc để các nhóm cùng làm việc phát huy thế mạnh của mình, đưa tế bào gốc trở thành thế mạnh của thành phố.
Sở KH-CN cho biết, Thành phố hiện có 13 nhóm có nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong y học, nhưng “mạnh ai nấy làm” nên chưa phát huy được thế mạnh. Trong khi đó, theo GS.TS Trương Đình Kiệt, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y dược TP.HCM, hiện nay có khoảng 80 bệnh điều trị rất hiệu quả bằng công nghệ này.
Về vấn đề này, TS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM nhận định: Hạn chế của nghiên cứu TBG hiện nay ở Việt Nam là người nghiên cứu chưa làm cho xã hội thấy tính khả dụng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt thiếu liên kết giữa các nhóm nghiên cứu, giữa nghiên cứu với bệnh viện. Việc thành lập chương trình nghiên cứu về tế bào gốc là điều cần thiết giúp tháo gỡ hạn chế trên và để phát triển.
TS Phúc cho biết, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM có nhiều nghiên cứu thành công nhưng khó tìm nơi để kiểm tra kết quả nghiên cứu của mình. “Nghiên cứu cuối cùng để ứng dụng điều trị trên người, nhưng chỉ thử nghiệm trên chuột thì đến bao giờ mới ra sản phẩm được”, ông Phúc than thở.
Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thế Giới Gen cũng cho biết: Sản phẩm TBG về điều trị thoái hóa khớp gối do công ty nghiên cứu sản xuất đã điều trị hiệu quả cho khoảng 50 bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là những ca điều trị “chui”, vẫn chưa được sự cho phép của Bộ Y tế.
“Đây không phải là cách làm hay”, theo nhận xét của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, việc điều trị khỏi bệnh chứng tỏ nghiên cứu về TBG trong nước đã có thành công nhất định, vấn đề đặt ra là thiếu sự phối hợp giữa đơn vị nghiên cứu với nơi thử nghiệm lâm sàng.
Một trường hợp khác là Ngân hàng TBG Mecostem của Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar, nơi đang lưu trữ khoảng 1.000 tế bào gốc cuống rốn. Bà Đặng Thị Kim Lan, Giám đốc Mekophar nói: “Chỉ lưu trữ không thì không có kết quả tốt, mà phải có nhà khoa học nghiên cứu. Mong muốn trong các năm tới Mecostem phối hợp với các nhà nghiên cứu để phát triển sản phẩm điều trị”.
Trước thực tế này, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho rằng, ngoài sự phối hợp phân chia nghiên cứu giữa các nhóm, thử nghiệm trong bệnh viện, nên mời doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu tỉ lệ thành công sẽ cao hơn, định hướng sản phẩm tốt hơn là nghiên cứu xong mới tìm chỗ chuyển giao.
Để nghiên cứu không vô bổ, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, phải có đơn đặt hàng, kết quả phải được ứng dụng, kết hợp giữa người nghiên cứu với thử nghiệm lâm sàng, làm từng bước, nhưng chắc chắn.
Leave a Reply